Ý kiến về việc đề cử, công nhận và phát huy Bảo vật quốc gia ở nước ta

Cho đến nay, Việt Nam chúng ta đã có 4 đợt Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia, thông qua việc lựa chọn, đề cử từ 26 Bộ, ngành và các địa phương và sự xét tuyển từ cơ sở đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tới Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, trước khi trình Thủ tướng quyết định công nhận.

Đó là một quy trình khá chặt chẽ và nghiêm túc, theo đó, kết quả đạt được cũng phản ánh được phần nào nỗ lực của ngành Di sản văn hóa cả nước, thông qua con số thống kê sau đây: 104 hiện vật, đơn vị hiện vật với tổng số 429 hiện vật đã được công nhận. Đó là chưa kể năm 2016, sẽ có một đợt đề cử và công nhận vào cuối năm, dự kiến sẽ có 11 đơn vị hiện vật được làm hồ sơ từ các địa phương.

Như vậy, qua 6 năm, con số trên đây, chắc chắn chưa toát lên được sự thật về một quốc gia Việt Nam luôn được thế giới coi là một dân tộc dầy truyền thống lịch sử và giàu bản sắc văn hóa truyền thống. Nói như thế, và với con số như vậy, phải chăng, ngành Di sản văn hóa nước nhà, chưa hẳn nỗ lực hết mình, để khai thác kho tài sản quý giá cha ông để lại, với nhiệm vụ tôn vinh và quảng bá?

Tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay, chùa Hội Hạ, Vĩnh Phúc, nay là hiện vật của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo vật quốc gia số 17 - đợt 2.

Về chủ quan, theo tôi biết Cục Di sản văn hóa đã làm tất cả những gì có thể cho công tác này thông qua sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Cục với những công văn hàng năm gửi tới các đơn vị di sản ở các địa phương và các Bộ, ngành, thông báo về lịch xét tuyển và mẫu mã của hồ sơ, cùng nhiều hướng dẫn chi tiết khác và sự tạo điều kiện hết mức để các hồ sơ ấy có đủ điều kiện về thời gian vật chất để hoàn thiện. Ở đây, dường như sự việc lại nằm ở một số khía cạnh khác, ngoài nỗ lực chủ quan của Cục Di sản văn hóa, theo thiển nghĩ của người viết bài này.

Trước hết, nhiều cơ sở di sản nhận thức rằng, việc công nhận Bảo vật quốc gia sẽ gây rất nhiều khó khăn cho việc đưa hiện vật đi trưng bầy giao lưu ở nước ngoài. Cổ vật, di vật, hiện vật, xưa nay, nếu được lựa chọn đi trưng bầy ở nước ngoài chỉ cần có quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nhưng nếu là những Bảo vật quốc gia phải có quyết định của Chính phủ. Thế nhưng, những quy định pháp quy cho Chính phủ có quyết định trên lĩnh vực này lại chưa có.

Trống đồng Hoàng Hạ thuộc nền Văn hóa Đông Sơn, Bảo vật quốc gia số 2 - đợt 1

Đó là một băn khoăn phần nào đúng, kể từ tháng 6 năm 2016 trở về trước. Gần đây, sự việc đã được khai thông, qua thực tế, Chính phủ đã có quyết định đưa những Bảo vật Quốc gia đến Cộng hòa Liên Bang Đức để trưng bầy “Báu vật khảo cổ học” trong 2 năm. Sự kiện này cùng với những văn bản pháp quy đi kèm, chắc chắn sẽ khai mở những băn khoăn, trăn trở để các cơ sở lưu giữ  di sản yên tâm cho những Bảo vật quốc gia của mình có điều kiện phát huy tối đa những giá trị ra thế giới.

Một băn khoăn trăn trở khác, đó là, những Bảo vật quốc gia sau khi được công nhận, chưa có được những quy định ưu đãi về chế độ bảo quản, lưu giữ, trong khi chế độ bảo quản, lưu giữ tại các cơ sở di sản ở các địa phương lại vô cùng đơn sơ, nghèo nàn. Trách nhiệm cao, yêu cầu lớn, thực tế lại không đáp ứng nổi, vậy nên, hãy cứ để là cổ vật, di vật, hiện vật thay vì là Bảo vật quốc gia? Đây là một băn khoăn rất đáng được quan tâm, nhưng, theo tôi, phàm những gì là di sản văn hóa của ông cha để lại, đều phải được ứng xử công bằng, dẫu rằng Bảo vật có được ưu tiên hơn, cũng phải dựa trên thực tế của mỗi cơ quan lưu giữ di sản.

Rồi đây, kinh tế đất nước phát triển hơn, quy định pháp lý cụ thể và chặt chẽ hơn, Bảo vật quốc gia sẽ có những ứng xử ưu đãi, giống như một số nước phát triển, thiết nghĩ sẽ là một tương lai gần. Thế nhưng, Bảo vật quốc gia có được ở mỗi cơ sở di sản là một giá trị bất biến, rất cần được xây dựng như là một biểu tượng của lòng tự hào có trong mỗi cán bộ của cơ quan lưu giữ chúng.

Một thắc mắc nữa, rất đáng được quan tâm từ các cơ quan lưu giữ Bảo vật quốc gia, đó là, việc công nhận Bảo vật quốc gia không đi kèm là những văn bằng như là các di tích, theo đó, việc quảng bá, tôn vinh, phát huy chúng là vô cùng khó khăn, tính cho tới thời điểm này. Đây cũng là một khiếm khuyết khi chúng ta chuẩn bị văn bản Luật Di sản văn hóa trình Quốc hội không có điều khoản cấp bằng công nhận cho Bảo vật quốc gia.

Bình gốm hoa lam vẽ Thiên Nga thời Lê sơ. Bảo vật quốc gia số 8 - đợt 1.

Thế nhưng, chờ cho đến khi có Luật sửa đổi bổ sung, ngành Di sản văn hóa rất cần hướng dẫn, đặc biệt là cho các bảo tàng và di tích có được một cách báo dẫn ưu việt nhất để những bảo vật ấy đến được với công chúng. Ơ những nước phát triển, trên các Etikét hiện vật bảo tàng, nếu là Bảo vật quốc gia, thuộc cấp I, cấp II, cấp III đều có dấu hiệu chỉ dẫn thống nhất. Ở các di tích là những Etikét đồng nhất về màu sắc, kích thước, kiểu chữ và thông tin. Hiện nay, ở ta, bảo tàng và di tích đều chưa có những quy định, do vậy, thiếu đi những điều cần thiết để phát huy Bảo vật tới công chúng, theo đó làm tăng thêm thương hiệu của bảo tàng, di tích lưu giữ bảo vật.

Ba trở ngại tâm lý trên đây là có thật, thông qua tâm sự từ các đồng nghiệp, qua những chuyến khảo sát ngắn ngày ở một vài địa phương. Nhưng, cũng còn một trở ngại khác, khiến cho cổ vật, di vật, hiện vật bảo tàng còn ít được lựa chọn đề cử làm Bảo vật quốc gia, đó là khả năng nhận biết những giá trị gốc độc bản, giá trị đặc biệt, độc đáo, liên quan tới sự kiện trọng đại của đất nước, dân tộc… từ các nhà quản lý và cán bộ Di sản văn hóa địa phương.

Tôi đã từng được biết, còn rất nhiều cổ vật, di vật, hiện vật trong các bảo tàng, di tích có đầy đủ những điều kiện để trở thành Bảo vật mà vẫn chưa được lựa chọn. Bảo vật quốc gia của chúng ta do không được phân loại như một số quốc gia Đông Á mà tôi biết, theo đó, ranh giới giữa cổ vật, di vật, hiện vật bảo tàng với Bảo vật còn mong manh, khiến cho việc lựa chọn còn lúng túng.

Tôi chỉ lấy một ví dụ, chiếc “liễm” đất nung ở Bảo tàng Dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây Trung Quốc như một đơn cử cho ranh giới mong manh này. “Liễm” hình trụ, ba chân, thấp nhỏ như bao chiếc “liễm” khác đã được phát hiện, nhưng bên trong chiếc nắp đậy có khắc hai chữ Hán “Cửu Chân” - đó là một quận của quốc gia Âu Lạc cổ xưa, tiền thân của Nhà nước Đại Việt sau này, có mối quan hệ với Nhà nước Nam Việt đương thời, mà chiếc “liễm” gốm ấy như một vật chứng của sự giao thương trao đổi buôn bán.

Nó được xếp là Bảo vật bởi hai chữ Hán “Cửu Chân”, chứ không phải là loại hình, hoa văn, kiểu dáng đặc biệt. Do vậy, ngành di sản cần phải có những đánh giá, gợi ý tổng thể và cụ thể để ngày càng có thêm những Bảo vật được công nhận. Muốn có gợi ý cụ thể, cần có kế hoạch cử các chuyên gia đi khảo sát nhiều hơn tại các địa phương.

Cột kinh phật chùa Nhất Trụ ở Cố đô Hoa Lư, Bảo vật quốc gia số 3 - đợt 4.

Việt Nam là một quốc gia có nền văn minh sớm, có lịch sử hàng nghìn năm, có nền văn hóa đa sắc màu của 54 dân tộc anh em, có một truyền thống dựng nước và giữ nước lẫy lừng, có một kho tàng di sản văn hóa vật thể vô cùng phong phú… Đó là những tiền đề để chúng ta có thể chọn tìm ở trong đó những giá trị độc bản, độc đáo, đặc biệt để những di sản ấy trở thành Bảo vật quốc gia nhiều hơn nữa, chứ không thể như những con số ít ỏi như đã thống kê trên đây.

Tôi hy vọng, mọi băn khoăn sẽ được tháo gỡ, mọi khó khăn sẽ được cởi bỏ, để hướng tới một mục đích cao cả hơn, đó là: Di sản văn hóa nước nhà được tôn vinh với đúng vị thế Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

TS Phạm Quốc Quân

Top