Công văn đã được gửi tới Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh, Cục Di sản văn hóa và Viện Khảo cổ học Việt Nam. Nội dung Công văn như sau:
Chùa Dạm thuộc xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh là Di tích quốc gia có giá trị lịch sử - văn hóa to lớn thuộc thời Lý. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, chùa đã bị hủy hoại từ lâu, nhưng còn tiềm ẩn ở trong lòng đất và trên mặt đất dấu tích của các nền móng, vật liệu kiến trúc, đặc biệt là cột đá lớn chạm rồng chầu – một tuyệt tác của nghệ thuật dân tộc có niên đại vào thế kỷ XI.
Để nghiên cứu một cách khoa học và toàn diện giá trị của chùa Dạm, trong các năm 2012-2013, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cho phép Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh phối hợp với Viện Khảo cổ học thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tiến hành khai quật tổng thể 6000m2 Khu Di tích chùa Dạm. Kết quả đã làm phát lộ toàn bộ nền móng mặt bằng tổng thể với nhiều nguyên đơn kiến trúc của chùa Dạm gồm: các bó nền đá, kiến trúc 7 gian ở cấp nền 4, móng tháp gạch ở cấp nền 3, móng tháp đá ở cấp nền 2, kiến trúc dạng hành lang đối xứng và bao quanh các kiến trúc ở trục trung tâm, cổng tam quan, các thềm bậc lên xuống cùng nhiều di vật quý…
Chùa Dạm thuộc xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh là Di tích quốc gia có giá trị lịch sử - văn hóa to lớn thuộc thời Lý. (Ảnh: internet)
Kết quả khai quật bước đầu cho thấy những giá trị lịch sử - văn hóa to lớn của chùa Dạm trên các phương diện:
- Di tích chùa Dạm hiện còn một mặt tổng thể quy mô nhất, đầy đủ nhất trong tổng thể các di tích chùa tháp thời Lý.
- Mặt bằng Di tích chùa Dạm rất độc đáo, chưa từng thấy trong các dấu tích chùa tháp Lý đã tìm thấy cũng như trong hệ thống lịch sử chùa Tháp Việt Nam.
- Các bó nền đá, tháp đá, cột đá, các móng cột sỏi ở chùa Dạm phản ánh tài năng sáng tạo, nét tinh mỹ hoàn hảo đậm đà bản sắc dân tộc của nghệ thuật thời Lý.
- Tổng thể Di tích chùa Dạm chứng minh tính hoành tráng vào bậc nhất trong nghệ thuật xây dựng chùa tháp Việt Nam, góp phần chứng minh các truyền thống tốt đẹp của ông cha trong quá trình dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của lịch sử dân tộc.
Để giữ gìn các giá trị xác thực quý hiếm đó, trong nhiều cuộc họp đóng góp ý kiến về các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị Di tích chùa Dạm, các nhà nghiên cứu đều thống nhất quan điểm, cần ưu tiên triển khai dự án về bảo tồn di tích gốc, trên cơ sở đó mới triển khai dự án xây dựng mới chùa Dạm, bởi vì các di tích dưới lòng đất khi đã xuất lộ sau khai quật khảo cổ thường rất nhanh xuống cấp và hư hại, đồng thời cũng để tránh làm ảnh hưởng đến các yếu tố gốc cấu thành di tích trong quá trình thi công xây chùa mới.
Hội Di sản Văn hóa Việt Nam ủng hộ chủ trương và sự quyết tâm của các cấp, các ngành tỉnh Bắc Ninh trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản chùa Dạm và trân trọng đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai công tác bảo tồn di tích chùa Dạm theo phương án đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thỏa thuận tại Văn bản số 1069/BVHTTDL-DSVH ngày 25-3-2015. Do di tích có tính đặc thù khảo cổ học, nếu được phép triển khai, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo cơ quan tư vấn thực hiện dự án bảo tồn cần phối hợp chặt chẽ với Viện Khảo cổ học nhằm bảo đảm chất lượng của dự án.
Hy vọng, Dự án tổng thể Bảo tồn và Phát huy giá trị Di sản chùa Dạm sẽ thành công tốt đẹp, trở thành một địa chỉ hấp dẫn khách hành hương, tham quan du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh nhà.
P.V