Xung quanh đề xuất của Giáo hội Phật giáo Việt về việc bỏ tục đốt vàng mã

Đốt vàng mã từ lâu đã trở thành một tập tục quen thuộc của người Việt. Với quan niệm "trần sao, âm vậy", nhiều người đã bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để mua vàng mã dâng cúng rồi đốt, gây ô nhiễm môi trường, lãng phí tiền của và mất an toàn. Mới đây, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có công văn nhằm tăng cường nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc tại các cơ sở thờ tự Phật giáo, trong đó có việc đề nghị các phật tử loại bỏ tục đốt vàng mã, cộng đồng, đã tạo nên không ít ý kiến, tranh cãi trái chiều.

Từ đề xuất của Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Công văn 031/CV-HĐTS do Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực của Ban Thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ký, gửi tới Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo các tỉnh, thành phố thuộc hệ thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam gồm 3 điểm:

Thứ nhất, các ban trị sự hướng dẫn cho tăng ni, phật tử tổ chức lễ hội văn minh, tiết kiệm, không phô trương hình thức, cần tuyên truyền, vận động trong việc phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, văn hóa Phật giáo.

Thứ hai, đề nghị tăng ni hướng dẫn đồng bào phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Thứ ba, chú trọng việc gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống, thuần phong mỹ tục trong các lễ hội; lan tỏa giá trị từ bi, lòng bao dung, tôn trọng sự khác biệt của các cộng đồng tín ngưỡng, tôn giáo bạn trong nội dung các bài thuyết giảng cho tín đồ, phật tử.

Người dân xếp hàng chờ đốt vàng mã ở chùa Bà chúa xứ Châu Đốc, An Giang. Ảnh: Hữu Khoa/Tuoitre.vn

Đốt vàng mã là một thói quen tập tục, tín ngưỡng lâu đời của người Việt Nam, bắt nguồn từ Trung Quốc. Việc đốt vàng mã hoàn toàn không có trong triết lý kinh sách của đạo Phật. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của tập tục Trung Quốc xa xưa, nhiều năm nay, nhân dân vẫn có thói quen đốt vàng mã tại các di tích thờ tự, đền, chùa, phủ, miếu..., đốt ở nhà vào các dịp cúng gia tiên.

Theo Hòa thượng Tố Liên viết trên trang website chính thức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, với quan niệm thông thường, sau cái chết, con người cũng có một đời sống, cũng có các nhu cầu như khi đang ở dương thế. Một số người vì quá thương tiếc người thân đã mất, sắm đủ thứ vàng mã để đốt cúng nhân ngày giỗ hoặc các dịp lễ để người ở đã chết sử dụng ở cõi âm. Việc làm đó đôi khi thái quá, người ta có thể sắm vàng mã với hình dáng nhà lầu, xe hơi, máy lạnh, điện thoại di động, tiền mô phỏng đô- la Mỹ… để cúng cho người đã chết. Hòa thượng Tố Liên khẳng định, Đức Phật Thích Ca không hề dạy đốt vàng mã để cúng gia tiên. 

Đến câu chuyện ứng xử với vàng mã

Công văn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tạo nên nhiều luồng dư luận trái chiều từ các nhà quản lý, nhà văn hóa và người dân. Có ý kiến cho rằng, đề xuất của Giáo hội Phật giáo Việt Nam có tác dụng giáo dục phật tử, còn vấn đề ngăn chặn việc đốt vàng mã thì chỉ có Nhà nước mới đủ năng lực!

Tục đốt vàng mã đã có từ lâu và trở thành nét văn hóa tín ngưỡng của người Việt. Tuy nhiên, những năm gần đây, nét văn hóa tín ngưỡng này đã và đang bị lạm dụng, biến tướng. Nhiều người quan niệm "trần sao, âm vậy" nên đã bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để mua vàng mã dâng cúng. Đến bất cứ một lễ hội nào, ai cũng có thể dễ dàng bắt gặp nhiều người đốt vàng mã với số lượng lớn, gây lãng phí nguồn tiền thật, trong khi điều kiện kinh tế của đất nước còn nhiều khó khăn. 

Để hạn chế vấn nạn đốt vàng mã thái quá, mùa lễ hội nào, cơ quan chức năng đều có các văn bản đôn đốc, nhắc nhở các địa phương về việc tuyên truyền, thực hiện nếp sống văn minh trong các hoạt động tôn giáo tín ngưỡng: Nghị định 103/2009/NĐ-CP của Chính phủ “Ban hành Quy chế hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng” từ khi ra đời đến nay vẫn còn hiệu lực. Thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định này quy định: “Cấm đốt đồ mã ở nơi công cộng”; Nghị định số 75/2010/NĐ-CP ngày 12-10-2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa. Theo đó, việc đốt đồ mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa, nơi công cộng khác sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng; Nghị định 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ về "Quy định xử phát vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo" được ban hành năm 2013. TRong Điều 15 của Nghị định này với nội dung xử phạt khi vi phạm quy định về nếp sống văn hóa, có nêu: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi đốt vàng mã không đúng nơi quy định tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa”.

Cũng liên quan đến vấn đề quản lý việc đốt vàng mã tại các lễ hội, ngày 21-2-2018, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) đã có Công văn số 91/VHCS- QLHĐLH gửi các Sở VHTT, Sở VHTTDL về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội đầu năm 2018. Theo đó, công văn của Bộ VHTTDL yêu cầu siết chặt tình trạng rải tiền lẻ, đốt vàng mã vô tội vạ.

Các quy định này trong thực tế vận dụng đã bộc lộ điểm chưa thống nhất, gây khó khăn cho những người thực hiện công tác quản lý, thanh kiểm tra các hoạt động văn hóa, nên sự tiến bộ còn rất khiêm tốn. Bởi nếu theo Nghị định 103 thì bất cứ hành động đốt mã nào diễn ra ở nơi công cộng thì đều là vi phạm và cơ quan chức năng có thể ngăn cấm, xử lý. Còn theo Nghị định 158, thì yếu tố “công cộng” được thay bằng “không đúng nơi quy định”. Trước hai phạm vi “nơi công cộng” và “không đúng nơi quy định” này, các nhà quản lý tỏ ra băn khoăn và đã có những lúng túng trong việc áp dụng cả hai nghị định vào thực tế.

Một thực tế nữa là, việc đốt mã đã ăn sâu trong thói quen, nếp nghĩ của nhân dân, trở thành tập quán phổ biến, rộng khắp và nhất là được thực hiện một cách cũng rất tự do. Vì thế, dù đã có các nghị định, thông tư thì vào các ngày mùng Một và rằm theo âm lịch, các dịp lễ truyền thống trong năm như xá tội vong nhân, lễ hóa vàng đầu năm, thanh minh, tảo mộ, các ngày giỗ, vàng mã lại được đốt nghi ngút ở hầu khắp nơi, từ sân thượng đến hiên nhà, vỉa hè, từ nghĩa trang cho đến khuôn viên đền, miếu…

Chùa Liên Hoa, TP Hồ Chí Minh - ngôi chùa 20 năm không đốt vàng mã. Ảnh: baotainguyenmoitruong.vn

Muốn thay đổi một tập tục tín ngưỡng là điều không dễ dàng, mà phải qua con đường giáo dục, hướng dẫn lâu dài. Chúng ta chưa có chương trình giáo dục về những quy tắc ứng xử trong đời sống tín ngưỡng, mà cứ để tự phát và nhiều khi bị lạm dụng, gán ghép là “truyền thống”, “tâm linh”, và nếu ai không làm theo thì cảm thấy lo lắng, bất an trong lòng. Để thay đổi được điều đó, ngoài những khuyến cáo, tuyên truyền, chắc chắn phải qua con đường giáo dục.

Chúng tôi xin trích quan điểm của PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Di sản Văn hóa Việt Nam để thay cho lời kết bài viết này: “Xung quanh câu chuyện này đang tồn tại các ý kiến khác nhau nhưng theo tôi chủ trương này của Giáo hội Phật giáo Việt Nam rất đáng ghi nhận và hoan nghênh. Tôi đã từng chứng kiến việc cúng giải hạn Sao La Hầu ở một ngôi chùa nổi tiếng, diễn ra công khai, hết sức hoành tráng, với những đồ mã to như thật, vàng mã đốt ngút trời liên miên trong nhiều giờ. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, với hàng triệu tăng ni, Phật tử, với uy tín, tiếng nói và vai trò quan trọng của những người làm công việc “chăn dắt tâm linh”, nếu làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục thì chắc chắn sẽ cải thiện được tình hình. Tuy nhiên, phải nói rằng đây là là một công việc rất khó khăn, phức tạp, phải là một quá trình, không thể trong ngày một ngày hai, vì việc đốt vàng mà nói chung và đốt vàng mã tại các chùa chiền nói riêng đã tồn tại từ lâu, dù ý thức hay không ý thức nhưng đã ăn sâu vào tiềm thức, thói quen của nhiều người, phải có lộ trình hợp lý. Bên cạnh đó cũng phải tính đến các giải pháp đồng bộ đối với những cơ sở sản xuất và vận chuyển, buôn bán vàng mã. Một điều quan trọng nữa là nếu chỉ bằng vai trò của của Giáo hội Phật giáo Việt Nam không thôi thì chưa đủ, mà phải có sự phối hợp chặt chẽ, sự ủng hộ và vào cuộc quyết liệt của ngành văn hóa và cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, tức là bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục, vận động, phải có các chế tại chặt chẽ về mặt luật pháp, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm…”.

                                                                             Quỳnh Hương

Top