* Triển lãm cây cảnh nghệ thuật và hoa mừng Đảng, mừng Xuân
Từ ngày 20-1-2013 đến ngày 25-2-2013, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Hội Cây cảnh nghệ thuật Thăng Long, Hội Bảo tồn Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội tổ chức triển lãm cây cảnh nghệ thuật và hoa tại Khu Di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.
Cuộc triển lãm lần này được tổ chức tại khuôn viên rộng lớn phía trước Di tích Đoan Môn, với diện tích trưng bày khoảng 4000m2, trưng bày, giới thiệu hơn 1000 tác phẩm cây cảnh nghệ thuật. Đây là cuộc triển lãm tương đối lớn về quy mô và đa dạng về thể loại, huy động sự tham gia của đông đảo các hội viên Hội Sinh vật cảnh Hà Nội, Hội Cây cảnh nghệ thuật Thăng Long, Câu lạc bộ cây cảnh, nhà vườn, nghệ nhân cây cảnh của 20 tỉnh, thành phố như: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, thành phố Hồ Chí Minh...
Trong khuôn khổ triển lãm, một số hoạt động sẽ được tổ chức như: Giao lưu về hoa Xuân và cây ăn quả đặc sản Tết; Trao đổi về kỹ thuật tạo thế cây cảnh; Tổ chức tọa đàm “Cây cảnh nghệ thuật - truyền thống, di sản và phát triển” kết hợp giới thiệu văn nghệ dân gian, truyền thống: Ca Trù, hát Văn, hát Xẩm.
Hơn 800 tác phẩm cây cảnh nghệ thuật được trưng bày ở phía trước cổng di tích Đoan Môn trong khu Hoàng Thành Thăng Long.
* Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội đón bằng Di tích quốc gia đặc biệt
Ngày 25-2, Lễ đón nhận Bằng công nhận Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám là Di tích quốc gia đặc biệt và Bằng công nhận 82 bia Tiến sĩ triều Lê - Mạc là Di sản Tư liệu Thế giới được tổ chức tại Nhà Thái học, Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Buổi sáng cùng ngày, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám phối hợp với Sở VHTTDL Hà Nội tổ chức tọa đàm về công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di tích. Cuộc tọa đàm tập trung vào hai vấn đề là: Thực trạng và giải pháp bảo tồn, tôn tạo Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám và 82 bia Tiến sĩ; Định hướng hoạt động phát huy giá trị của di tích trong tương lai.
Trước đó, 15-2 (tức mồng 6 tháng Giêng), tại đền thờ thầy giáo Chu Văn An, Hải Dương, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám và UBND thị xã Chí Linh long trọng tổ chức Lễ khai bút xuân Quý Tỵ và Triển lãm Văn Miếu - Quốc Tử Giám Thăng Long và thầy giáo Chu Văn An.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trao Bằng công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo.
* Tuần lễ Du lịch văn hóa Bắc Ninh đầu xuân Quý Tỵ
Tuần lễ Du lịch văn hóa Bắc Ninh diễn ra từ ngày 18 đến ngày 27-2-2013 (tức mùng 9 đến ngày 18 tháng Giêng). Tại đây, du khách có thể tham dự rất nhiều hoạt động du lịch, lễ hội đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa miền đồng bằng Bắc Bộ: Chương trình nghệ thuật thường niên “Về miền quan họ”, Hội thi Hát Quan họ đầu Xuân, Hội Báo Xuân, Triển lãm Sinh vật cảnh và các trò chơi dân gian; Hội chợ Thương mại-Du lịch Bắc Ninh 2013 diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc; Lễ hội Lim (12 và 13 tháng Giêng) tại đồi Lim, Tiên Du; Lễ hội Kinh Dương Vương (17 và 18 tháng Giêng) tại thôn Á Lữ, Đại Đồng Thành, Thuận Thành…
Các liền anh, liền chị của hội Lim Tiên Du (Bắc Ninh)
* Vui xuân, khám phá các di sản văn hóa tại Bảo tàng Dân tộc học
Bảo tàng Dân tộc học đón khách từ mùng 4 Tết (tức 13-2), nhưng tâm điểm của chương trình Vui xuân Quý Tỵ 2013 diễn ra trong ba ngày 15-17/2 (mùng 6 đến mùng 8 Tết). Với những hoạt động văn hóa dân gian đa dạng và phong phú, chương trình này vừa đáp ứng nhu cầu vui chơi đầu năm mới của đông đảo công chúng, vừa góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của các địa phương và các dân tộc. Xuân Quý Tỵ 2013, chương trình Vui xuân Quý Tỵ của Bảo tàng Dân tộc học có sự phối hợp của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái. Công chúng lần đầu tiên được tìm hiểu những nét văn hóa của các dân tộc ở Yên Bái ngay tại Bảo tàng: Người Hmông nấu thắng cố, thổi khèn, người Cao Lan làm bánh chim gâu, người Thái đồ xôi ngũ sắc, người Xá Phó thổi sáo mũi, người Dao thổi kèn ống nứa, người Khơmú trình diễn điệu múa thuồng luồng.
Vui xuân Quý Tỵ của Bảo tàng Dân tộc học
* Lễ Khai hạ tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam
Sáng 20-2, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng với lãnh đạo Bộ VHTTDL đã tới dự buổi lễ Khai hạ (Hạ cây nêu) tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô-Sơn Tây-Hà Nội), một điểm nhấn trong khuôn khổ Ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” do Bộ VHTTDL tổ chức. Lễ hạ nêu sau Tết là một nghi thức truyền thống tốt đẹp, báo hiệu thời điểm kết thúc những ngày vui tết để bước vào năm mới hăng say lao động, sản xuất. Trong không khí từng bừng của ngày hội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh cùng các đại biểu đã hạ cây nêu và thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc biệt như hát Xoan, Võ Sáo, hát Ống, Cồng chiêng Mường, Thái, nhảy sạp... do đồng bào các dân tộc đến từ tỉnh Tuyên Quang, Hòa Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Phú Thọ, Bắc Giang… biểu diễn.
Lễ Khai hạ (Hạ cây nêu) tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
* Khai mạc nhiều lễ hội mùa xuân
Từ ngày 15-2 (mồng 6 Tết), nhiều lễ hội lớn được khai mạc, mở màn cho mùa lễ hội năm 2013 trên khắp đất nước.
Lễ hội chùa Hương 2013, lễ hội lớn nhất trong năm, kéo dài tới tận 3 tháng với chủ đề Nét đẹp truyền thống văn hóa Việt, chính thức khai hội ngày mồng 6 Tết tại sân Thiên Trù, chùa Hương, huyện Mỹ Đức - Hà Nội. Nhưng không chờ đến ngày khai hội, hàng vạn du khách đã trẩy hội chùa Hương trong những ngày đầu tiên của năm mới. Chỉ riêng trong 5 ngày đầu năm, danh thắng chùa Hương đã đón hơn 70.000 lượt du khách về trẩy hội và lễ chùa. Dự kiến lượng khách đến Lễ hội chùa Hương năm nay sẽ tăng khoảng 8% so với năm ngoái, tức khoảng 1,5 triệu lượt người. Lễ hội mở màn cho chuỗi sự kiện hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng trên địa bàn thủ đô. Điểm nhấn của lễ khai hội là chương trình văn hóa văn nghệ, múa rồng múa lân, bên cạnh đó là lễ phóng sinh trên suối Yến, triển lãm ảnh “Những ngôi chùa Việt cổ” cùng nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc.
Ngày 18-2-2013 (tức ngày 9-1 Tết Quý Tỵ), tại chùa Trình (TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) diễn ra Lễ đón Bằng Công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt: Di tích lịch sử và Danh lam thắng cảnh Yên Tử, gắn với khai mạc hội Xuân Yên Tử. Trước đó, từ 1 đến mùng 6 Tết năm Quý Tỵ 2013, Di tích linh thiêng Yên Tử đã đón trên 150.000 khách - tăng khoảng 10% so với cùng kỳ 2012...
Khai mạc Lễ hội chùa Hương 2013
Ngày 25-2-2013 (16 tháng Giêng năm Quý Tỵ), tại sân chùa Côn Sơn, UBND tỉnh Hải Dương long trọng tổ chức khai hội mùa Xuân Côn Sơn-Kiếp Bạc 2013 và tưởng niệm 679 năm (1334-2013) ngày mất của Đệ tam Tổ dòng thiền Trúc Lâm Huyền Quang Tôn giả. Lễ hội mùa xuân Côn Sơn-Kiếp Bạc là sự kiện mở đầu trong bốn sự kiện văn hóa lớn của tỉnh Hải Dương hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia khu vực Đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng năm 2013. Cùng với Lễ hội Côn Sơn, lễ hội truyền thống đền Kiếp Bạc được tổ chức từ ngày 15-20/8 Âm lịch hàng năm để nhân dân cả nước bày tỏ tấm lòng tri ân với Đức Thánh Hưng Đạo Đại vương, vị Anh hùng dân tộc, nhà quân sự thiên tài có công lao to lớn trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc thế kỷ thứ 13.
Cũng trong ngày 16 tháng Giêng, đông đảo tăng ni, phật tử, khách thập phương ở trong và ngoài nước đã về dự khai hội chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình. Ngay trong ngày khai hội ước tính đã có hàng vạn du khách thập phương về dâng hương, chiêm bái cảnh quan ngôi chùa lớn nhất khu vực Đông Nam Á, hiện đang lưu giữ nhiều kỷ lục Việt Nam như chuông đồng lớn nhất, nặng 30 tấn; pho tượng Phật Thích ca Mâu ni bằng đồng nặng 150 tấn; bộ tượng Tam thế bằng đồng lớn nhất, mỗi pho nặng 50 tấn; có hành lang La Hán dài nhất với 500 vị… Lễ hội chùa Bái Đính kéo dài đến hết mùa xuân.
Hoàng Vân