Xây dựng các sưu tập cổ vật châu Á của Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện đang lưu giữ trên 150.000 hiện vật trong kho bảo quản thuộc nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu và trưng bày trong nước và quốc tế. Số cổ vật này bao gồm nhiều chất liệu như đá, đồng, sắt, đất nung, gốm sứ, xương, ngà, giấy, vải và hàng trăm hiện vật quốc bảo bằng kim loại quí như ấn vàng, kim sách cùng nhiều đồ ngự dụng của các thời vua chúa phong kiến Việt Nam.

Đặc biệt, Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện đang lưu giữ bộ sưu tập cổ vật châu Á cực kỳ quý hiếm, số lượng hơn 10.000 cổ vật, có niên đại từ trước Công nguyên đến đầu thế kỷ 20. Sưu tập hiện vật này có nguồn gốc từ các quốc gia châu Á như: Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanma,…. bao gồm nhiều chất liệu, chủ yếu gốm, đồng, thủy tinh, ngà, gỗ…

1.   Nguồn gốc bộ sưu tập cổ vật châu Á

Bộ sưu tập cổ vật châu Á của Bảo tàng có nhiều nguồn khác nhau, chủ yếu tiếp nhận từ Bảo tàng Louis Finot trước năm 1954, cổ vật hiến tặng của nhân dân trong cả nước, một phần tiếp nhận từ đợt Cải cách ruộng đất năm 1955-1956, và các cơ quan Công an, Hải quan thu giữ qua kiểm tra buôn bán trái phép từ sau năm 1954 đến nay.

Đặc biệt những năm gần đây, Bảo tàng trực tiếp tham gia khai quật và tiếp nhận cổ vật từ 5 con tàu cổ ở vùng biển Việt Nam: tàu cổ Hòn Cau (1690), tàu cổ Hòn Dầm (Kiên Giang, thế kỷ 15), tàu cổ Cù Lao Chàm (Quảng Nam, thế kỷ 15), tàu cổ Cà Mau (1723 - 1735), tàu cổ Bình Thuận (1573-1620).

2. Công tác kiểm kê và xây dựng bộ sưu tập cổ vật châu Á

Xuất phát từ nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của từng khâu công tác nói chung, công tác quản lý  hiện vật nói riêng và mối liên hệ hữu cơ giữa các khâu công tác nên ngay từ khi mới thành lập, Bảo tàng đã quan tâm đến công tác quản lý khoa học và bảo quản tư liệu, hiện vật nói chung và các sưu tập cổ vật châu Á nói riêng.

Trong công tác quản lý khoa học: Kho Bảo tàng đã xây dựng các biểu mẫu của hồ sơ hiện vật, hệ thống sổ sách, phầm mềm quản lý hiện vật và các mẫu phích tra cứu kho cơ sở, thông qua các tiêu chí phân loại hiện vật gốc phù hợp với nội dung và tính chất kho cơ sở:

- Kiểm kê bước đầu và chỉnh lý khoa học sơ bộ các hiện vật bảo tàng nhằm thực hiện pháp lý hóa hiện vật;

- Kiểm kê hệ thống và biên mục khoa học các hiện vật bảo tàng để nghiên cứu chuyên sâu về hiện vật, đồng thời biên mục những nội dung khoa học có tính chất liên kết giữa các hiện vật riêng lẻ hay giữa các sưu tập hiện vật châu Á nói riêng để hoàn thiện thông tin mang tính khái quát cao về từng giai đoạn, từng chuyên đề phản ánh về hình thái kinh tế, đặc biệt về đời sống văn hóa, xã hội của các quốc gia châu Á.

Kết quả chương trình Tổng kiểm kê hiện vật của Bảo tàng, tính đến thời điểm tháng 12-2010, tổng số hiện vật thuộc kho Cổ vật châu Á là 10.386 hiện vật, bao gồm: 5.018 hiện vật đã đăng ký tài sản quốc gia, 5.368 hiện vật đăng ký tạm thời và đăng ký số phân loại Đg, Gm… thuộc nhiều quốc gia, nhiều thời đại lịch sử khác nhau, phản ánh được phần nào các hình thái kinh tế, đời sống văn hóa, xã hội của các quốc gia châu Á.

- Bảo tàng nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng và hình thành nên các bộ sưu tập hiện vật thuộc Bảo tàng nói chung và sưu tập hiện vật châu Á nói riêng, bởi lẽ sưu tập hiện vật châu Á nói riêng sẽ là cơ sở để Bảo tàng thực hiện công tác nghiên cứu – trưng bày – quảng bá một cách đầy đủ nhất, sâu sắc nhất và khái quát nhất về đất nước, con người các quốc gia châu Á, đặc biệt về đời sống văn hóa, xã hội của các quốc gia trên.

Chính vì ý nghĩa đó, Bảo tàng đã từng bước nghiên cứu, phân loại, giám định khoa học và xây dựng các bộ sưu tập hiện vật châu Á quý hiếm. Trong đó, nổi bật các sưu tập hiện vật gốm sứ Trung Quốc (tập trung dưới Triều Minh (1368-1644) và Triều Thanh (1644-1911), với số lượng lên tới hàng trăm hiện vật, bao gồm nhiều loại hình khác nhau: bình, lọ, ấm chén, tượng… ngoài ra còn có các hiện vật thuộc thời Đường, Tống, Nguyên thực sự quý hiếm; sưu tập gốm sứ Nhật Bản (nổi bật là gốm sứ Hizen); sưu tập gốm sứ Thái Lan (với các loại gốm men ngọc, vẽ nâu và vẽ nhiều màu...).

Đặc biệt, sưu tập hiện vật bằng đồng Thời Thanh, trong đó có bộ đỉnh Càn Long, tuy số lượng không nhiều nhưng giá trị về mặt nghiên cứu của nó rất lớn.

Ngoài ra, những sưu tập hiện vật khác như nhóm tặng phẩm của Việt kiều và bạn bè quốc tế tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh và lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam đã làm phong phú hơn những sưu tập của các quốc gia châu Á hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, thể hiện tình cảm, mối quan hệ gắn bó giữa bạn bè quốc tế, đồng bào Việt kiều đối với lãnh tụ, với Đảng và nhân dân Việt Nam.

Một số sưu tập hiện vật châu Á đã được Bảo tàng chỉnh lý và hoàn thiện để làm các xuất bản phẩm chuyên khảo riêng như: Gốm sứ Thời Minh và Thanh (in năm 2004, 2009); Gốm sứ trong 5 con tàu cổ ở vùng biển Việt Nam (in năm 2008)…

Có thể nói, sự hiện diện các sưu tập hiện vật quý hiếm có nguồn gốc từ các quốc gia châu Á đã làm phong phú hơn, bổ sung và góp phần hoàn thiện các bộ sưu tập hiện vật mà Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam hiện đang lưu giữ và phát huy giá trị.

Để kéo dài tuổi thọ của các loại chất liệu hiện vật, trong những năm qua, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam đã từng bước đầu tư xây dựng, cải tạo cơ bản hệ thống kho bảo quản hiện vật với các trang thiết bị cần thiết để kiểm soát môi trường theo đúng yêu cầu kỹ thuật. Các sưu tập hiện vật châu Á được bố trí không gian kho riêng, thuận tiện cho việc lưu giữ, bảo quản, vừa có thể quản lý, khai thác và phát huy giá trị một cách thuận tiện và hiệu quả nhất.

Thời gian tới, công tác quản lý hiện vật còn tiếp tục đặt ra cho kho bảo quản của Bảo tàng nhiều vấn đề cần phải tập trung giải quyết như việc giám định, số hóa khối tư liệu hiện vật, công tác tu sửa bảo quản, hạn chế tối đa sự hư hỏng hiện vật, ưu tiên đặc biệt đối với hiện vật quý hiếm… cũng như đặt ra yêu cầu với công tác nghiên cứu sưu tầm là tiếp tục bổ sung, góp phần hoàn thiện sưu tập, đáp ứng cho một Bảo tàng Cổ vật châu Á trực thuộc Bảo tàng Lịch sử quốc gia sẽ ra đời trong nay mai.

Chính vì vậy, kho bảo quản Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam sẽ cần tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ làm công tác quản lý hiện vật, nắm vững chuyên môn nghiệp vụ, nhằm quản lý, khai thác và phát huy giá trị các sưu tập hiện vật châu Á quý hiếm trên mà Bảo tàng hiện đang lưu giữ.

ThS Đinh Ngọc Triển

 

 

 

Top