Vườn quốc gia Pù Mát - Khám phá và trải nghiệm

Con Cuông đón chúng tôi bởi cái nắng giữa năm, thoang thoảng mùi hương tự nhiên của núi rừng. Nhóm chúng tôi gồm 5 người, mang theo tâm trạng háo hức của người dân thành phố để được khám phá nét hoang sơ, hùng vĩ và khác lạ của miền núi.

Thác Khe Kèm thuộc Vườn Quốc gia Pù Mát hiện lên trước mặt chúng tôi như dải lụa trắng trải dài từ trên đỉnh xuống. Chúng tôi hoà mình vào làn nước trong vắt, cảm nhận sự sảng khoái, mát lạnh, giúp chúng tôi xua tan nỗi mệt nhọc sau một chặng đường dài. Chúng tôi thú vị khám phá thêm một điểm mà ít nơi có được là hễ chúng tôi đặt chân xuống dòng chảy của thác thì cả đàn cá suối nhỏ xúm vào chân như đang mát xa cho chúng tôi, một cảm giác nhồn nhột ở chân nhưng cũng thật thích thú.

Vườn Quốc gia Pù Mát - Con Cuông - Nghệ An.

Lâm - Anh bạn người Con Cuông nói với chúng tôi rằng: “Nếu đến Con Cuông mà chưa đến thác Khe Kèm thì xem như chưa khám phá vùng này. Người ta ví người con gái Thái xinh tươi, trong sáng và cũng có những nét bí ẩn như dòng thác này”. Vừa nói anh vừa cười bí hiểm khiến chúng tôi càng thêm háo hức khám phá. Sau một buổi kịp lưu giữ cho mình những khoảnh khắc đẹp, chúng tôi theo chân Lâm xuống lán trại dưới góc rừng thưởng thức đặc sản cá Mát Nướng, gà bản nướng ăn kèm cơm Lam, những món ăn mà nhóm chúng tôi đặt quyết tâm thưởng thức bằng được khi đến đây. Cả nhóm đều đói nên chỉ mới nhìn thấy con gà nướng vàng rụm béo ngậy là đã chỉ muốn ngồi ngay vào mâm cơm. Sau bữa trưa, cả đoàn tiếp tục hành trình vào với bản làng.

Cô gái Thái tên Lan (theo giới thiệu của em) đón chúng tôi từ đầu bản với nụ cười dễ mến, nhanh chóng dẫn đường cho chúng tôi về với gia đình chị Lô Thị Hoa, một trong những gia đình tham gia hoạt động du lịch cộng đồng từ những năm 2005. Theo lời chị Hoa kể, Chị may mắn là một trong những gia đình đầu tiên được tham gia vào một trong những dự án về phát triển du lịch cộng đồng trước đây nên nhận thức được rằng làm du lịch cũng là làm kinh tế và cũng là bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá địa phương. Sau này, khi được Dự án Jica của Nhật Bản hỗ trợ, Chị cũng với một số gia đình trong bản đã tham gia cải tạo các điều kiện cơ sở vật chất của gia đình, tham gia các khoá đào tạo, tập huấn về kỹ năng làm du lịch do Jica tổ chức, thành lập tổ hậu cần, đội văn nghệ thôn bản nhằm phục vụ và đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của khách du lịch. Tính đến hết tháng 6 năm 2017, riêng gia đình Chị đã đón gần 2000 khách gồm cả khách du lịch trong tỉnh, ngoại tỉnh và cả khách du lịch nước ngoài. Năm nay, lượng khách đông gấp đôi so với năm 2016, chỉ riêng 6 tháng đầu năm mà lượng khách về với bản Nưa đã bằng lượng khách Chị đón năm 2016.

Hiện nay, tại bản Nưa, chị Hoa và 2 gia đình khác trong bản đã được Tổ chức Jica của Nhật Bản hỗ trợ xây dựng 2 nhà tắm và 2 nhà vệ sinh do kiến trúc sư Nhật Bản thiết kế theo hình thức phù hợp với cảnh quan tự nhiên. Gia đình chị Hoa là một trong những gia đình vẫn giữ được kiểu nhà sàn truyền thống của người Thái nên đã được Tổ chức Jica chọn làm mô hình kiểu mẫu để nhân rộng mô hình tới các gia đình khác trong bản. Khách du lịch đến đây, ngoài được trải nghiệm cuộc sống hàng ngày với gia đình Chị, được tham gia nấu các món ăn đặc trưng của người Thái như món mọc, cơm lam, xôi tím... còn được cùng người dân đi trồng lúa, bắt cá suối... Để giúp chúng tôi được trải nghiệm thật sự, Lan dẫn chúng tôi đi một vòng quanh bản, ra khe suối cùng với em bắt cá. Do không phải mùa cá sinh sôi nên lần này chúng tôi cũng chỉ bắt được hơn 10 con cá suối, đủ để chế biến cho một bữa ăn. Chị Hoa và Lan tỉ mỉ hướng dẫn cho chúng tôi cách ướp cá và nướng cá theo kiểu người Thái, tuy đơn giản nhưng chúng tôi háo hức vô cùng. Chúng tôi còn lóng ngóng theo Lan làm món cơm lam và xôi tím để chuẩn bị cho bữa tối của cả đoàn. Không phải lần đầu tiên vào bếp nhưng cả nhóm ai cũng vụng về như trẻ mới tập nấu ăn lần đầu. Sau một buổi tham gia tập làm món ăn Thái với chị Hoa và Lan, chúng tôi quây quần bên mâm cơm truyền thống của người Thái. Điều đặc biệt ở đây, người Thái đã biết tận dụng những nguyên vật liệu thường ngày như tre, lá chuối để chế tạo thành các vật dụng đựng đồ ăn khô thay đĩa, bình đựng rượu cũng được chị Hoa khéo léo chế bằng tre để thay thế cho bình sứ hiện đại, mâm cơm cũng được chế tạo từ mây. Tối hôm đó, dưới ánh lửa bập bùng, chúng tôi được hoà mình vào các điệu nhảy sạp, khắc luống, thưởng thức rượu cần do chính tay các cô gái Thái trong bản chuẩn bị. Chúng tôi kết thúc chương trình giao lưu khá muộn. Lần đầu tiên chúng tôi trải qua cảm giác được ngủ trong ngôi nhà sàn của đồng bào người Thái, thật dễ chịu và thoải mái sau một ngày khám phá.

Chúng tôi thức dậy trong sự khoan khoái và không khí trong lành của núi rừng. Sau khi ăn sáng, Lan dẫn chúng tôi ra khe nước Mọc (hay còn gọi là Tạ Bó theo tiếng Thái) ở gần nhà chị Hoa; theo lời Lan thì nước trong khe tự đùn từ dưới lên trong vắt và không bao giờ cạn. Người dân trong bản cho rằng, nước ở Tạ Bó có khả năng chữa bệnh vì họ thấy rất khoẻ sau khi tắm nên thường ra đây tắm vào sáng sớm hoặc cuối buổi chiều. Cả nhóm chúng tôi bắt chước mấy đứa trẻ con trong bản, tranh thủ hoà mình vào dòng nước mát lạnh, trong vắt.

Chúng tôi tiếp tục chuyến hành trình ra đập Phà Lài để lên thuyền khám phá sông Giăng. Khung cảnh hai bên bờ sông thật thơ mộng và đẹp kì bí, hoà quyện đâu đó là tiếng chim rừng ríu rít tạo thành âm thanh thật vui tai. Dường như thiên nhiên rất ưu đãi vùng đất này, đã tạo nên một màu xanh đậm chất rừng núi, đẹp tự nhiên kì thú. Lẽ ra chúng tôi còn tiếp tục đi sâu vào trong để còn được khám phá thêm vẻ đẹp hùng vĩ của Vuờn Quốc gia Pù Mát hay tận mắt chứng kiến tục ngủ ngồi của người Đan Lai nhưng cả nhóm thống nhất kết thúc chuyến đi lần này để còn được quay lại nơi đây lần tới mà khám phá.

Chúng tôi chia tay Lan, chia tay Pù Mát trong sự nuối tiếc và kịp hẹn với Lan sẽ quay lại vào mùa hè năm sau, để được ngấm chất núi rừng, ngấm cái đẹp mặn mà, đằm thắm của người con gái Thái. Tạm biệt Pù Mát, tạm biệt Con Cuông và hẹn gặp lại trong chuyến hành trình lần tới.

M. Hồng

Top