Vùng đất phát tích Vương triều Trần và khu Di tích đền Trần Thái Bình

Làng Tam Đường (xưa tên là Thái Dường), xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình là vùng đất phát tích của Vương triều Trần; nơi đây cách ngày nay hơn 700 năm, các vị vua khai nghiệp nhà Trần được sinh ra, gia tộc nhà Trần dựa vào đấy dấy nghiệp. Ngày nay, trên đất Tam Đường lịch sử là Khu Di tích bề thế: Khu Di tích đền Trần Thái Bình.

Làng Tam Đường (Thái Đường) - nơi dấy nghiệp vương triều Trần

Tam Đường - Hưng Hà vốn là một vùng đất cổ xưa của tỉnh Thái Bình, được hình thành trong thời kỳ văn hóa Đông Sơn. Từ xa xưa, người Việt cổ đã đến đây dựa gò đống để sinh sống bằng nghề đánh cá và trồng lúa Lốc (loại lúa chỉ trồng trên đất gò…). Đất Ngự Thiên (phủ Long Hưng) xưa được dân gian  truyền tụng là đất mả sao. Chính vì thế, còn có tên là hương  Tỉnh Cương (Tỉnh có nghĩa là ngôi sao, Cương là các gò  đất nổi lên cao).

Như đã biết, tổ tiên nhà Trần vốn làm nghề đánh cá từ đất Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh). Đến đời Trần Kình thì chuyển về Tức Mặc (tỉnh Nam Định) và qua đời ở đó. Con trai Trần Kình là Trần Hấp chuyển gia đình về sinh sống ở làng Thái Đường, Long Hưng (nay là làng Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà) làm nghề đánh cá và làm ruộng. Theo truyền thuyết: Thời ấy, có một thầy địa lý (sử cũ chép là khách nhân) thường đi tìm thế đất. Rồi một lần ông đến hương Tỉnh Cương (Tam Đường ngày nay) thấy có một gò hỏa tinh nổi lên trên mặt nước, xung quanh có nhiều gò nhỏ, thầy thốt lên: Chỗ này không phải là hoang địa! Rồi sau đó, thầy vào làng Tây Nha xem đất tìm mộ tổ cho một người họ Nguyễn. Công việc xong, người họ Nguyễn mở tiệc rượu mời thầy. Cơm rượu say, thừa lúc trời tối, người họ Nguyễn trói “thầy khách” đem quẳng xuống sông. Thật may, gặp lúc thủy triều xuống, thầy không chết. Trần Hấp lúc đó đánh  cá ở gần, nghe tiếng kêu cứu liền bơi thuyền lại vớt lên, cởi trói và hỏi rõ chuyện xảy ra. Thầy kể lại sự tình, rồi nói: Xin đội ơn cứu mạng, già này xin được “biếu” một nơi cát địa để báo đền.

Thế là theo chỉ dẫn của thầy khách, Trần Hấp chọn giờ lành và ngày tốt di dời mộ tổ từ Đông Triều về táng vào gò hỏa tinh.

Khu Di tích đền Trần Thái Bình. (Ảnh: internet)

Chuyện phong thủy tìm đất mộ tổ của Trần Hấp nêu trên chỉ là truyền thuyết. Tuy vậy, qua đây cũng gợi ý và lý giải phần nào nguyên nhân cụ Trần Kình và hai con là Trần Hấp và Trần Tự Duy dời chuyển gia đình từ Tức Mặc (Nam Định) sang định cư làm ăn ở đất Thái Đường - Lưu Xá (Thái Bình). Về sau, Trần Hấp sinh Trần Lý; Trần Lý sinh ra Trần Tự Khánh, Trần Thị Dung và Trần Thừa; Trần Thừa sinh ra Trần Liễu, Trần Cảnh và Trần Nhật Hiệu (Hạo); Trần Tự Duy ở Lưu Xá sinh ra Trần Thủy Huy. Đến đời Trần Lý, dòng họ Trần ở đây đã giàu có và nổi tiếng khắp vùng vì có đón Thái tử Sảm về sống ở Lưu Gia (Lưu Xá). Theo Đại Việt sử ký toàn thư (biên niên về năm 1209): “Hoàng thái tử Sảm (Lý Sảm, bỏ kinh thành chạy loạn) đến thôn Lưu Gia ở Hải ấp, thấy người con gái của Trần Lý có nhan sắc, bèn lấy làm vợ”. Đến tháng Hai năm Tân Mùi (1211),  Trần Thị Dung là Nguyên phi của Vua Lý Huệ Tông (Lý Hạo Sảm lên ngôi vào cuối năm Canh Ngọ 1210). Sau khi lấy Trần Thị Dung, Vua Lý Huệ Tông đã phong cho Trần Lý (bố vợ) tước Minh Tự và phong chức Tiền điện chỉ huy sứ cho cậu là Tô Trung Từ (vốn là võ quan của Triều Lý); từ đó họ Trần dốc lòng giúp vua Lý dẹp loạn: Quách Bốc, Nguyễn Nộn, Đoàn Thượng… Và, Trần Thị Dung sinh Công chúa Chiêu Hoàng và Công chúa Thuận Thiên. Lúc này, vua Lý Huệ Tông (theo đạo diễn của Trần Thủ Độ) đã truyền ngôi cho con gái là Lý Chiêu Hoàng mới 8 tuổi, rồi bỏ đi tu ở chùa Chân Giáo. Trong hoàn cảnh đó, Trần Thủ Độ đã thu xếp cho Lý Chiêu Hoàng truyền ngôi cho Trần Cảnh (ngày 21 tháng 10 năm Ất Dậu 1225). Ngày 11 tháng 12 ăm Ất Dậu (1225), Lý Chiêu Hoàng mở hội lớn ở điện Thiên An, trước bá quan văn võ, Chiêu Hoàng cởi Hoàng bào mời Trần Cảnh (8 tuổi) là con Trần Thừa, lên ngôi hoàng đế, đổi niên hiệu là Kiến Trung năm thứ nhất, dựng triều đại Nhà Trần từ đấy. Trần Cảnh lên ngôi vua, các đảng loạn mượn cớ phù Lý chống Trần nổi lên càng nhiều. Trần Thủ Độ mời Trần Thừa làm Thượng hoàng lo giúp Thái Tông Trần Cảnh điều khiển triều đình, để Thủ Độ rảnh tay dẹp loạn. Không đầy một năm sau, Thủ Độ đã vừa đánh vừa thu phục được các đảng giặc. Nhà Trần làm vua, trải 175 năm (1225- 1400)…

Di tích

(Ảnh: internet)

Làng Tam Đường - Thái Bình được coi là vùng đất phát tích của Vương triều Trần. Cũng tại nơi đây, một hành cung Long Hưng hoành tráng chứng kiến nhiều dấu ấn lịch sử trọng đại gắn liền với vương Triều Trần như những đại lễ, những yến tiệc mừng chiến thắng sau mỗi sự kiện oai hùng. Tam Đường là nơi lưu giữ hài cốt của các tổ tiên Triều Trần như: Thủy tổ Trần Kình, Thái tổ Trần Hấp, Nguyên tổ Trần Lý, Thái thượng hoàng Trần Thừa… Khi các vị vua và hoàng hậu băng hà thì có tới trên một nửa được an táng tại quê nhà và đều được xây lăng miếu phụng thờ, trong đó Thái Đường Lăng là nơi an nghỉ vĩnh hằng của các vị vua đầu triều như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông. Các hoàng hậu khi qua đời được quy về hợp táng tại các lăng mộ như Thọ lăng, Chiêu Lăng, Quy Đức lăng.

Từ năm 1999, một dự án đã được phê duyệt, và ngày 5-12-2000, tỉnh Thái Bình, đã tổ chức lễ khởi công trùng tu tôn tạo Khu Di tích đền thờ, lăng mộ  các vua Trần ở làng Tam Đường (Thái Đường xưa). Ngày 23-4-2003, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình tổ chức dâng hương, khánh thành công trình trên, gọi tắt là: Khu Di tích Đền Trần Thái Bình.

Tổng thể toàn khu di tích có diện tích là 22ha. Trên diện tích 5175m2, đền thờ các vua Trần và đền thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo đã được xây dựng công phu, uy nghi bề thế, tọa lạc trên nền phế tích nằm giữa trung tâm xã Tiến Đức, gồm các hạng mục: Sân hành lễ; Tam quan kiểu tứ trụ có mái rộng; tòa Bái đường có 3  gian hai chái hình chữ nhật có qui mô dài 22,5m và rộng 12m; tòa Hậu cung có bố cục hình chữ “Đinh”, gồm 2 tòa 8 gian trên diện tích 359m2; hai nhà Giải vũ 5 gian; sân đền có diện tích 830m2, dựng cột cờ cao 8m; hai hố sen kè gạch đối xứng hai bên đền có diện tích trên 300m2. Ngoài ra còn có nhà trưng bày hiện vật Thời Trần, nhà bia và khu tượng đài Chiến thắng chống Nguyên - Mông.

Phía trước khu đền thờ các vua Trần và đền thờ Trần Hưng Đạo là ba ngôi mộ lớn đã được trùng tu tôn tạo. Đó là mộ của 3 vị vua đầu triều Trần là Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông - như 3 quả núi nằm tại cánh đồng làng Tam Đường.

Lễ rước nước trong lễ hội Đền Trần Thái Bình (Ảnh: internet)

Lễ hội

Lễ hội Đền Trần Thái Bình được tổ chức rất trọng thể, từ ngày 13 đến 18 tháng Giêng (Âm lịch) hàng năm. Sau phần lễ là phần hội với các trò vui như: Rước kiệu, thi cỗ cá, đấu võ, thi thả diều, thi phao đất, thi vật cầu…Thi cỗ cá (thi cá Trắm luộc) là nét độc đáo đã có từ xưa trong lễ hội làng Tam Đường, ở hành cung nhà Trần (nay là Khu di tích đền Trần). Theo các cụ già làng, thì tập tục này được tổ chức là để mọi nười nhớ tới thuở hàn vi tổ tiên nhà Trần sống bằng nghề đánh cá và thường ghép mình với cái tên cá: Trần Kình là cá Kình, Trần Hấp là cá Trắm, Trần Lý là cá Chép; Trần Thừa là cá Nheo, Trần Thị Dung là cá Ngừ… Tam Đường xưa có ba thôn, trước ngày thi cá Trắm, các giáp ở mỗi thôn đều tổ chức thi cá và chọn ra một giáp đứng đầu thôn. Ba giáp đại diện cho ba thôn thi cá, giáp nào chiếm giải nhất thì mới được đưa vào cúng ở đền thờ các vua.  Cá Trắm được luộc, đặt trên chiếc mâm đồng, hình chữ nhật có trải vải điều. Giáp nào được giải Nhất thì nhân dân thôn đó vui mừng tổ chức đón giải và hy vọng năm mới làm ăn phát đạt, mọi người khỏe mạnh…
 

TS Lưu Minh Trị

Top