Vũ kịch mặt nạ Lakhon Khol

Vũ kịch mặt nạ dựa trên Sử thi Ramayana của Ấn Độ vừa được Hội đồng Liên chính phủ của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào ngày 28-11-2018, tại cuộc họp thường niên tổ chức tại Mauritius, dù có đến 3 quốc gia ở Đông Nam ¡ tuyên bố môn nghệ thuật này thuộc di sản văn hóa của riêng nước họ. Vinh dự là chủ sở hữu di sản độc đáo này được Hội đồng quyết định thuộc về Vương quốc chùa tháp Campuchia.

“Nỗi buồn của người này là niềm vui của người khác”

Quyết định trên của Hội đồng đã gây ra mâu thuẫn sâu sắc giữa hai quốc gia là Thái Lan và Campuchia. Ngay từ năm 2016, trong giai đoạn cả hai quốc gia mới có kế hoạch lập hồ sơ, dân chúng ở hai nước đều tỏ sự bất bình khi quốc gia kia có ý định công nhận chủ quyền đối với di sản mà họ yêu quý. Trong khi Chính phủ Thái Lan cố gắng hạ nhiệt các quan điểm dân tộc chủ nghĩa lên cao, có nguy cơ dẫn đến căng thẳng ngoại giao với Campuchia thì dư luận tại Campuchia chỉ trích Chính phủ nước này không có hành động kịp thời ngăn chặn đề xuất của Thái Lan. Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã phải công bố trên Facebook cá nhân rằng, Phnom Penh đang chuẩn bị đề cử Vũ kịch mặt nạ Lakhon Khol là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Thêm nữa, để trấn an dư luận, người phát ngôn Bộ Văn hóa và Mỹ thuật Campuchia cho biết, nước này đã bắt đầu chuẩn bị hồ sơ và đã đi trước Thái Lan rất nhiều trong công tác nghiên cứu di sản, đồng thời cũng nhấn mạnh Thái Lan chưa phải là thành viên của Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể khẳng định Vũ kịch mặt nạ là một phần di sản văn hóa Khmer có tên là Lakhon Khol. Campuchia đã tức tốc hoàn chỉnh và nộp hồ sơ đề cử Vũ kịch mặt nạ Lakhon Khol là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đến UNESCO vào ngày 29-3-2017, trước Thái Lan. Thủ tướng Campuchia Hun Sen, người cách đây hai năm nhận búa rìu dư luận vì đã hành động chậm chạp trong việc đăng ký bảo vệ Vũ kịch mặt nạ trước người Thái, đã ca ngợi quyết định của Hội đồng Liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO là “niềm tự hào dân tộc to lớn và đây là thắng lợi xuất phát từ nỗ lực của chính quyền, các nghệ sĩ, các tổ chức xã hội và sự ủng hộ của dân chúng Campuchia».

Theo tờ Thời báo Bưu điện Thái Lan, những người Thái quan tâm đến câu chuyện này đã bày tỏ thái độ giận dữ với chính quyền. Có lẽ, câu nói “nỗi buồn của người này là niềm vui của người khác” đúng trong câu chuyện di sản văn hóa liên quan đến Vũ kịch mặt nạ Lakhon Khol.

Phục hồi từ sự “xóa sổ”

Dựa trên Sử thi Ramayana của Ấn Độ, Vũ kịch mặt nạ có nhiều phiên bản khác nhau tại Đông Nam Á. Điệu múa được gọi là “Lakhon Khol” trong tiếng Khmer, “Khon” trong tiếng Thái và “Pra Lak Pra Ram” trong tiếng Lào. Nội dung vũ kịch kể về câu chuyện Hoàng tử Rama giải cứu vợ mình là nàng Sita khỏi quỷ vương Rãvana với sự giúp đỡ của tướng khỉ Hanuman và đội quân khỉ. Cốt truyện phát triển xung quanh mâu thuẫn giữa thiện và ác. Các  nhân vật tuy là thần thoại nhưng có tính cách gần gũi với con người trần tục. Múa đóng vai trò quan trọng tạo nên sức hấp dẫn của Lakhon Khol. Các động tác múa thể hiện đa sắc thái: hùng dũng, thiết tha, dứt khoát và gợi cảm trên nền nhạc cổ pinpeat... Các nghệ sĩ Lakhon Khol được chuyên môn hóa rất cao. Mỗi người chỉ chuyên đóng một vai diễn và được tập luyện công phu từ nhỏ. Các diễn viên mặc trang phục rất cầu kỳ, rực rỡ sắc màu, dẫn dắt câu chuyện qua các điệu múa và cử chỉ. Đạo cụ nhận diện loại hình nghệ thuật này đó là những chiếc mặt nạ đầy màu sắc, được vẽ công phu. Ở Campuchia, nghề chế tạo mặt nạ Khon được truyền nối từ thế hệ này sang thế hệ khác. Có những cậu bé tầm 7,8 tuổi đã theo cha mình học chế tác mặt nạ. Mỗi chiếc mặt nạ mất hàng tháng để sản xuất, từ khâu đúc khuôn thạch cao đến vẽ các chi tiết phức tạp.

Vũ kịch mặt nạ Laknon Khol gần như bị xóa sổ bởi chế độ Khmer Đỏ nhưng một số nghệ nhân, nghệ sĩ đã cố gắng lưu giữ và truyền lại nghệ thuật này cho thế hệ sau. Dưới thời Khmer Đỏ, Lakhon Khol bị coi là suy đồi và bị cấm thực hành vào những năm 1970. Việc truyền dạy cho thế hệ sau có ý nghĩa sống còn đối với nghệ thuật vũ kịch Lakhon Khol. Sau khi Khmer Đỏ bị lật đổ, một số nghệ sĩ Lakhon Khol bắt đầu truyền dạy bộ môn này cho thế hệ sau. Một nhà hát mới được xây dựng tại Wat Svay Andet - ngôi chùa Phật giáo bên ngoài thủ đô Phnom Penh, trở thành nơi lưu giữ và truyền dạy nghệ thuật vũ kịch mặt nạ của Campuchia.

Sau khi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, Vũ kịch mặt nạ Lakhon Khol càng thu hút sự quan tâm của công chúng và được các nghệ sĩ, nghệ nhân nỗ lực truyền dạy cho thế hệ trẻ. Đây là thành công lớn và cũng là điều kiện thuận lợi để đất nước chùa Tháp bảo tồn, phát triển loại hình văn hóa nghệ thuật cổ truyền độc đáo này.

 

Top