Thủ đô Budapest của Hungary là một trong những thành phố có vị trí độc đáo và đẹp nhất Châu Âu, được phong tặng nhiều mỹ danh, như: “Paris phía Đông”, “Trái tim của Châu Âu”, “Viên ngọc của Danube” hay “Nữ hoàng sông Danube”… Điểm độc đáo của Budapest là sự kết hợp của hai thành phố hoàn toàn tương phản nhau là Buda và Pest ở hai bên bờ sông Danube thơ mộng. Sông Danube chảy qua trung tâm Budapest và chia thành phố thành hai phần. Thành phố Buda bên bờ trái được xây dựng trên một ngọn đồi với nhiều tòa lâu đài tuyệt đẹp. Bờ phải là thành phố Pest nằm ở đồng bằng gồm những tòa nhà cổ kính thời trung cổ. Buda và Pest nối với nhau bằng 9 cây cầu bắc qua sông Danube, mỗi cây cầu mang một vẻ đẹp riêng và giữ vai trò gắn kết 2 thành phố. Trong các cây cầu đó, nổi bật nhất là cầu Xích mang vẻ đẹp tuyệt vời với 4 con sư tử đá lớn ngồi hai bên đầu cầu. Quang cảnh sông Danube, Khu đồi Lâu đài Buda và Đại lộ Andrássy đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới từ năm 1987.
Đến Budapest, điểm đặc biệt thu hút du khách là những dinh thự lộng lẫy, Vương cung Thánh đường nguy nga xây theo kiến trúc La Mã tráng lệ xen lẫn với những toà nhà của một thành phố hiện đại. Đầu tiên phải kể đến thành Var - khu thành cổ của Budapest, được nhân dân Hungary dựng lên để chống lại sự xâm lăng của Đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ. Từ trên thành có thể quan sát toàn bộ khúc sông Danube.
Thủ đô Budapest (Ảnh: TL)
Budapest còn nhiều công trình kiến trúc đẹp như Quảng trường Anh hùng Hosok Tere. Quảng trường nằm cuối Đại lộ Andrássy - con đường chính ở trung tâm Thủ đô, đã có 135 năm lịch sử, rất nổi tiếng với vô số cửa hàng cao cấp, quán cafê, nhà hàng và là nơi gặp gỡ truyền thống của giới văn nghệ sĩ Hungary. Quảng trường Anh Hùng là biểu tượng của sức mạnh và lịch sử các Vương triều Hungary. Giữa Quảng trường là Đài tưởng niệm Thiên niên kỉ cao vút và dãy tượng các vị vua chúa lập quốc, các anh hùng dân tộc.
Một trong những công trình quan trọng ở Pest là Nhà hát Opera Quốc gia, kiệt tác của nền kiến trúc tân Phục Hưng. Người Hungary đã mất nhiều năm để biến khoảnh đất bùn lầy nơi đây thành một địa chỉ văn hóa sang trọng.
Toà nhà Quốc hội cũng là một kiến trúc đẹp và khá đặc trưng của Budapest, giá vé vào cửa khá đắt khoảng 2500 fơrint (hơn 10€) - biểu tượng nổi tiếng nhất của Budapest và là một trong những tòa nhà lập pháp cổ kính nhất Châu Âu. Được xây dựng trong khoảng thời gian từ 1884 đến 1902, mô phỏng theo nguyên bản nhà Quốc hội Luân Đôn, mặt tiền soi bóng xuống dòng Danube, nhưng lối vào chính lại nằm ở Quảng trường bên hông. Tòa nhà có các tháp kiểu Gotic cùng 88 bức tượng trang trí. Cách đó không xa là Nhà thờ chính tòa Saint Stephan uy nghi mang tên vị Hoàng đế đầu tiên của Hungary, lên ngôi trị vì vào năm 1000.
Quảng trường Anh hùng Hosok Tere (Ảnh: TL)
Từ rất xa xưa cho đến ngày nay, Hungary luôn là chiếc cầu nối giữa Ðông và Tây Âu. Người Hungary đến Châu Âu và lập nghiệp ở vùng lòng chảo Các-pát từ năm 896, họ luôn gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình hội nhập châu Âu. Tuy diện tích có hơn 93 nghìn km2, chiếm 1% lãnh thổ Châu Âu, nhưng Hungary có tới 520 nghìn ha đất dành cho các khu bảo tồn thiên nhiên, trong đó có 10 công viên quốc gia. Hungary có nhiều sông ngòi và hồ lớn. Và dường như trong lòng đất của Hungary là cả một biển nước trị bệnh. Nguồn nước nóng, nước khoáng của Hungary chữa được các bệnh tê thấp, rối loạn vận động, các căn bệnh ngoài da, các chứng rối loạn tiêu hóa... Vào thế kỷ XIV - XV, nhiều nhà tắm nước nóng đã được xây dựng ở đây. Đến năm 1934, Budapest được tặng Danh hiệu “thành phố của những nhà tắm hơi” và được toàn thế giới biết đến.
Xung quanh khu sông Danube còn có khách sạn Gellert - địa điểm có tầm nhìn đẹp nhất, bao quát cả Budapest, nơi đây Chủ tịch Hồ Chí Minh từng ở trong thời gian Người tới thăm Hungary. Qua khỏi khu Đồi Lâu Đài là tới chân đồi Gellért với khu thành quách xưa có tường dày bằng đá kiên cố. Khi hoàng hôn buông xuống, cả thành phố trở nên lung linh huyền ảo khác thường với muôn vạn ánh đèn soi sáng phát ra từ những tượng đài, các dinh thự lộng lẫy và những cây cầu đồ sộ. Đây cũng là thời điểm lý tưởng để du khách thưởng ngoạn trên con tàu hoa đăng xuôi theo dòng Danube ngắm nhìn những công trình nguy nga, tráng lệ hai bên bờ.
Gần cầu Xích có chiếc thang máy cổ xưa có buồng bằng gỗ đưa du khách lên du ngoạn khu Đồi lâu đài ở Buda. Đến đây, du khách mới cảm nhận trọn vẻ đẹp của “Viên ngọc vùng Danube”.
Toà nhà Quốc hội cũng là một kiến trúc đẹp và khá đặc trưng của Budapest (Ảnh: TL)
Nếu Khu đồi Lâu Đài Buda và toàn cảnh sông Danube được UNESCO đưa vào danh mục Di sản Thế giới, thì Nhà thờ Matthias và quần thể “Thành những người đánh cá” đã được người dân Hungary bình chọn là một trong “bảy kỳ quan kiến trúc Hungary”.
Dọc dòng sông Danube nhiều tòa nhà và tháp cổ được xây dựng từ thế kỷ XIII, trải qua bao nhiêu triều đại và những cuộc chiến tranh liên miên nhưng hầu như vẫn còn nguyên vẹn. Hiện nay chúng là Phủ Tổng thống, nhà hát, bảo tàng... đồng thời cũng là những điểm tham quan du lịch.
Du lịch là một trong những ngành phát triển thành công nhất của nền kinh tế Hungary. Thu nhập từ du lịch quốc tế tăng gấp 4 lần những thập niên qua. Bình quân hàng năm nước này đón hơn 30 triệu lượt khách du lịch đến thăm. Hungary trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách nước ngoài là nhờ sự tổng hợp, hòa quện của nhiều yếu tố. Ðó là nền văn hóa lâu đời, kiến trúc vừa cổ kính pha lẫn hiện đại, khí hậu ôn đới lục địa chỉ có duy nhất ở vùng lòng chảo Các-pát, với rau xanh và hoa quả có chất lượng nổi trội hơn trên thế giới; sự hội tụ nhiều nền văn hóa ẩm thực.
Dọc dòng sông Danube nhiều tòa nhà và tháp cổ được xây dựng từ thế kỷ XIII (Ảnh: TL)
Ngoài Thủ đô Budapest, Hungary còn có 6 thành phố và khu vực khác được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới và Di sản Văn hóa Thế giới. Những năm gần đây, nhằm mục tiêu biến Hungary thành trung tâm du lịch của Trung và Ðông Âu, Chính Hungary đã vạch kế hoạch hợp nhất ngành du lịch ở cấp quốc gia và địa phương; tạo điều kiện thuận lợi về kinh tế và ban hành các quy chế tạo hành lang pháp lý cho các công ty du lịch phát triển. Hiệp hội Du lịch quốc gia và mạng lưới du lịch địa phương đã được thành lập. Các quy chế du lịch được sửa đổi cho phù hợp với luật lệ của Hiệp hội Du lịch Châu Âu. Ngân sách Nhà nước dành cho phát triển du lịch cũng được tăng lên mỗi năm. Các tổ chức du lịch Trung ương và địa phương được phát triển từ cuối năm 1998. Nhiều khu nhà nghỉ tiện nghi và hiện đại, nhất là ở vùng hồ Ba-la-tông và hồ Ti-da đã được xây dựng.
Ngành du lịch Hungary những năm gần đây đã thu hút khối lượng lớn FDI đầu tư vào khách sạn và công nghiệp cung cấp thực phẩm. Riêng năm 2000 đã có 17 khách sạn 4 sao và 5 sao mới được xây dựng ở Thủ đô Budapest. Các địa phương đều rất quan tâm phát triển cơ sở hạ tầng của ngành du lịch; nâng cao chất lượng dịch vụ, chú trọng công tác quảng bá nhằm thu hút ngày càng nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm Hungary.
Thu Hà