Về Nam Bộ dự lễ tống ôn - tống gió

Tống ôn - tống gió là lễ tục có từ lâu đời ở miền đất Nam Bộ. Mục đích của lễ tục này là cầu bình an cho gia đình, xóm làng, tống khứ những gì xui rủi để mong đón nhận những điều tốt lành.

Quan niệm cổ xưa

Lễ tục này có từ những buổi đầu khai hoang mở cõi, khi mới bắt đầu định hình chợ búa xóm làng. Lúc bấy giờ, sơn lam chướng khí còn nhiều, ao tù nước đọng, muỗi mồng, rắn rết khắp nơi, những bệnh thông thường cũng có thể gây tử vong cho con người. Chẳng những vậy, có những bệnh còn lây truyền sang nhiều người, dẫn đến những trận đại dịch.

Bất lực trước hoàn cảnh, họ cho rằng, những bệnh tật đó là do ma quỷ, do những người “khuất mặt khuất mày” gây ra nên làm lễ cúng cầu các vị ấy, mong cuộc sống bình an đến với gia đình mình, làng xóm mình. Và như thế, Lễ tống ôn - tống gió ra đời.

Theo nghĩa đen của từ này thì tống là tiễn đi, xua đi, ôn là dịch bệnh, gió ở đây là gió độc gây bệnh cho con người (dân gian Nam Bộ thường dùng cụm từ “trúng gió”). Đồng bào Nam Bộ quan niệm rằng, nguyên nhân của mọi căn bệnh gây ra cho con người đều do gió độc đem ôn dịch phát tán trong không gian, ai chẳng may "trúng gió" sẽ ốm. Người ta cho rằng, những bệnh tật đó là do ma quỷ, do những lực lượng vô hình gây ra nên làm lễ cúng cầu, tống gió - tống ôn.

Người dân địa phương đến cúng vái gửi những xui rủi năm cũ lên thuyền để mang chúng đi xa. Ảnh: dantri.com.vn

Thời gian của lễ tục khác nhau ở mỗi địa phương

Lễ tống ôn – tống gió được tổ chức không đồng nhất giữa các địa phương. Có nơi chọn ngày 15, 16 tháng Giêng Âm lịch, có nơi tổ chức vào ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch, hoặc 15 tháng 7 Âm lịch, nhưng đa số chọn ngày 19 tháng Giêng Âm lịch.

Giờ giấc cúng ở mỗi địa phương cũng khác nhau. Có nơi chọn đêm khuya, có nơi chọn giờ Ngọ (12g trưa), có nơi lại chọn 6 giờ chiều… Dù chọn giờ nào, ngày nào thì Lễ tống ôn – tống gió cũng phải gắn với các nơi thờ tự như chùa, miễu…

Ngày nay, tuy lễ tục này không còn được phổ biến như trước nhưng vẫn được nhiều địa phương như Cần Thơ, Vĩnh Long, Long An… tổ chức. 

Cùng đó, nhiều người dân khác họ cũng đốt muối, gạo trước cửa nhà để xua đi tai ương. Ảnh: dantri.com.vn

Nghi thức của lễ tục tống gió, tống ôn

Hàng trăm năm nay, trong đời sống tín ngưỡng của đồng bào Nam Bộ, lễ tục tống gió - tống ôn với các nghi thức như tế đàn, thắp vọng cô hồn... có một vị trí đặc biệt quan trọng.

Buổi lễ thường diễn ra theo quy mô cả ấp, những đồ cần thiết như thuyền tế, vật phẩm cúng thần đều phải được người đứng đầu ấp phân công chuẩn bị rất cẩn thận. Chiếc thuyền tế (biểu tượng cho cuộc sống vùng miệt vườn sông nước) đóng vai trò trung tâm của buổi lễ bao giờ cũng làm rất công phu từ nhiều ngày trước.

Xung quanh thân thuyền được dán giấy màu đủ loại, lòng thuyền có đặt hình nhân được làm bằng đất với tư thế đang chèo, xung quanh thuyền có treo một hàng quần áo được cắt bằng giấy, ngụ ý dành cho những người nghèo ở cõi âm.

Cạnh chiếc thuyền là một bàn hương án được đặt hướng về chính điện của nơi thờ tự chung của ấp cùng nhiều lễ vật để cúng như gà luộc, gạo, muối, bánh, trái cây và mấy lá bùa trừ tà.

Sau các nghi thức lễ, thuyền được mang xuống ghe chở đi diễu hành. Ảnh: dantri.com.vn

Đến giờ hành lễ, những người chịu trách nhiệm trong cuộc lễ đứng trước gian chính điện của nơi thờ tự thắp nhang khấn vái các vị thần rồi ra lệnh để 4 trai đinh khỏe mạnh khiêng thuyền đi vòng khắp ấp. Người chỉ huy cuộc lễ đi đầu, đoàn khiêng thuyền đi kế sau, tiếp đó là chiếc xe ba gác dùng để đựng các vật phẩm mà cư dân quanh vùng cúng.

Cả ấp rộn ràng, nhộn nhịp hẳn lên, gia đình nào cũng đặt một bàn cúng trước cổng, trên bàn cúng gồm có bánh men, gạo, muối và một ít tiền, cạnh bàn cúng là một cái cà ràng đỏ than rừng rực. Cuối cuộc lễ là thủ tục cáo yết thánh thần và hạ thủy con thuyền.

Thuyền tế tống gió - tống ôn được đặt lên một chiếc thuyền thật, khi chạy đến ngã ba sông thì người ta sẽ để vào đó một ít tiền lẻ, bánh, gạo, muối, thịt heo hoặc gà, vài lá bùa rồi thả nó ra giữa dòng nước để nó đem theo những điều xui rủi, tai ương của xóm ấp về một nơi vô định nào đó.

Thuyền cúng được đưa đến giữa ngã ba sông rồi được thả xuống nước. Thuyền này sẽ mang theo những điều xui rủi, tai ương của người dân về một nơi nào đó. Buổi lễ kết thúc. Ảnh: dantri.com.vn

Nếu có dịp, du khách nên ghé miền Tây vào dịp có lễ tục tống gió, tống ôn để được tận mắt chứng kiến các nghi thức tâm linh này nhé!

Tổng hợp

Top