Đã có hàng chục nghìn công trình về di sản văn hóa Chăm được xuất bản nhưng về âm nhạc cổ truyền Chăm rất hiếm và còn sơ sài. Đã có hàng trăm hội thảo về vấn đề nghiên cứu, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Chăm được tổ chức, nhưng dường như đó vẫn chỉ là những vấn đề văn hóa chung chung mang tính chất triển khai chủ trương chính sách. Mãi đến ngày 8 tháng 8 năm 2018 mới đây, lần đầu tiên tôi gặp một hội thảo có tính chất chuyên sâu, chuyên ngành về âm nhạc với tiêu đề: “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản âm nhạc Chăm ở Ninh Thuận”. Hội thảo do Viện Âm nhạc (thuộc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Ninh Thuận tổ chức tại tỉnh Ninh Thuận. Hội thảo đã quy tụ được các nhà nghiên cứu âm nhạc trong nước, các nhạc sỹ, biên đạo, nghệ sỹ, nghệ nhân gắn bó với âm nhạc Chăm tham dự. Ngoài 20 tham luận trình bày tại hội thảo, các ý kiến tọa đàm, tranh luận trực tiếp đã làm nóng lên các vấn đề của Hội thảo. Phần biểu diễn âm nhạc minh họa cho các tham luận của các nghệ nhân, nghệ sỹ người Chăm làm cho Hội thảo thực sự hấp dẫn và có tính hiệu quả cao.
GIàn nhạc Chăm trong Lễ ka tê gồm trống Gi năng và kèn Saranai
Đề dẫn của Hội thảo đưa ra 4 nội dung chính để “luận”. Đó là:
1/Nhìn nhận và đánh giá về những giá trị di sản âm nhạc Chăm; 2/Thực trạng tồn tại và vị trí của âm nhạc cổ truyền trong đời sống của người Chăm ở Ninh Thuận hiện nay; 3/Về tình hình nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các di sản âm nhạc Chăm hiện nay; 4/Các định hướng, giải pháp cụ thể cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản âm nhạc Chăm.
Nội dung thứ nhất: Các tham luận đều khẳng định âm nhạc cổ truyền Chăm là một di sản văn hóa đặc sắc, chứa đựng tâm hồn, bản sắc văn hóa, tính cách của một dân tộc có bề dày lịch sử tiếp biến văn hóa hàng nghìn năm. Âm nhạc cổ truyền Chăm có thể chia ra làm hai loại hình. Loại hình dân ca, dân nhạc trong cuộc sống đời thường với các làn điệu trữ tình, đằm thắm và trong lịch sử đã có sự ảnh hưởng, lan tỏa đến âm nhạc các dân tộc xung quanh, trong đó có âm nhạc cổ truyền miền Trung và Nam Bộ Việt Nam. Loại hình âm nhạc thiêng trong nghi lễ, gắn với hàng trăm lễ hội lớn nhỏ quanh năm của người Chăm. Hệ thống nhạc cụ Chăm phong phú, có đầy đủ các bộ như bộ hơi (tù và, kèn saranai), bộ gõ (trống paranưng, trống ghi năng, chiêng), bộ dây (đàn rabap, kanhi) v.v…Trong đó, có các nhạc cụ thiêng, xưa kia chỉ được dùng trong các nghi lễ.
Nghệ nhân trống paranưng
Nội dung thứ hai: Về thực trạng âm nhạc cổ truyền Chăm trong giai đoạn hiện nay. Cùng với xu thế hòa nhập, hội nhập, giao lưu văn hóa và sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông, âm nhạc cổ truyền Chăm cũng đang bị mai một nhanh chóng. Lớp trẻ tiếp nhận nhiều loại hình âm nhạc mới và dần dần rời xa âm nhạc truyền thống. Thế hệ nghệ nhân biết làm nhạc cụ, thuộc các bài bản âm nhạc cổ truyền, biết sử dụng các nhạc cụ truyền thống như trống paranưng, kèn saranai, đàn kanhi ngày càng lớn tuổi, nhiều người đã ra đi âm thầm mang theo những bài bản âm nhạc cổ truyền, mãi mãi không bao giờ trở lại.
Đàn Kanhi
Nội dung thứ ba: Về tình hình nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị âm nhạc truyền thống Chăm. Nhìn chung, tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận đã thực hiện khá tốt nhiệm vụ này. Tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm trực thuộc Sở VHTTDL, đây là địa phương duy nhất trong cả nước có trung tâm nghiên cứu văn hóa riêng cho một dân tộc. Từ trung tâm nghiên cứu này, hàng trăm công trình khoa học về văn hóa Chăm – trong đó có âm nhạc - đã được sưu tầm, nghiên cứu, một số đã được công bố, xuất bản, một số đã được số hóa, hình thành kho tư liệu thư tịch cổ Chăm rất giá trị. Hệ thống với hàng trăm lễ hội quanh năm của người Chăm đã được nghiên cứu. Lễ hội Chăm luôn gắn với nhạc lễ và múa thiêng với màu sắc rất riêng, tính nghệ thuật, tính biểu tượng trong ngôn ngữ âm nhạc rất cao. Lễ hội tôn giáo được hệ thống chức sắc tổ chức theo cách khá bài bản, tuân thủ sự hướng dẫn từ các tài liệu bằng tiếng Chăm cổ nên ít có sự biến đổi. Các thầy chủ lễ dân gian bắt buộc phải thuộc lòng các làn điệu hát lễ. Trong các nghi lễ Chăm, thầy kéo đàn Kanhi (thầy Kadhar) và thầy vỗ trống Paranưng (thầy Mưduon) phải thực hành hàng trăm bài hát lễ. Cũng vì lẽ đó, lễ hội chính là môi trường bảo tồn âm nhạc cổ truyền Chăm tốt nhất.
TS Phan Quốc Anh (thứ 2 từ phải sang) cùng các nhà khoa học, nghệ nhân tại Hội thảo
Theo một số nhà nghiên cứu âm nhạc chuyên ngành, các làn điệu dân ca, dân nhạc Chăm có sự lan tỏa đến các làn điệu dân ca người Kinh như các điệu lý Trung Bộ, Nam Bộ, các giai điệu nam ai nam bằng, ảnh hưởng đến cả nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và chứa đựng những cung bậc, sự luyến láy trữ tình trong giai điệu quan họ Bắc Ninh… Tuy nhiên, những ý kiến đó vẫn chỉ là cảm nhận mang tính cảm tính, chưa có những nghiên cứu chuyên ngành sâu, mổ xẻ những cung bậc, giai điệu một cách khoa học.
Từ các đội văn nghệ không chuyên ở các làng Chăm, tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng Đoàn Nghệ thuật dân gian Chăm với lực lượng diễn viên “chân đất” sinh ra từ các làng Chăm. Các thiết chế văn hóa Chăm được hình thành và phát triển rất quan trọng trong việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa cổ truyền Chăm. Năm 2013, tỉnh Ninh Thuận đã đề xuất và đăng cai tổ chức Ngày hội Văn hóa Chăm toàn quốc và đã được Bộ VHTTDL đồng ý tổ chức định kỳ Ngày hội này 3 năm 1 lần. Đây là môi trường để các nhạc sỹ, biên đạo, nghệ sỹ, nghệ nhân tìm hiểu và tôn vinh các làn điệu dân ca, dân nhạc và phát huy công năng của dàn nhạc cổ truyền Chăm. Những làn điệu dân ca, hát lễ được sưu tầm, nghiên cứu và thể hiện. Cũng là một cách làm để bảo tồn âm nhạc cổ truyền Chăm.
Nội dung thứ tư: Đây là nội dung được nhiều đại biểu thảo luận sôi nổi. Nhiều tham luận đề xuất các định hướng, giải pháp cụ thể cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản âm nhạc Chăm. Những người có trách nhiệm với văn hóa Chăm đều đang có một nỗi lo về sự biến đổi, cách tân âm nhạc cổ truyền Chăm, thậm chí một bộ phận thế hệ trẻ không còn mặn mà với di sản âm nhạc cổ truyền của dân tộc mình. Từ nỗi lo đó, nhiều đại biểu đã đưa ra những đề xuất, kiến nghị đề bảo tồn và phát huy có hiệu quả di sản âm nhạc cổ truyền Chăm. Có những đề xuất, kiến nghị khả thi và cũng có những đề xuất, kiến nghị bất khả thi. Mươi năm trở lại đây, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đưa ra hình thức truyền dạy văn nghệ dân gian. Đây là một hình thức bảo tồn nghệ thuật dân gian có hiệu quả cao. Các đại biểu đề xuất Hội Văn nghệ dân gian cần tiếp tục triển khai chương trình này cho các địa phương vùng đồng bào Chăm. Một số ý kiến nên triển khai viết giáo trình âm nhạc Chăm để kết hợp với chương trình học chữ Chăm tiểu học vùng đồng bào Chăm. Một số kiến nghị đối với các cơ quan quản lý nhà nước như Sở VHTTDL tỉnh cần xây dựng hồ sơ công nhận âm nhạc cổ truyền Chăm là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo tồn cấp bách, đề nghị Sở VHTTDL quan tâm, xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa Chăm để đáp ứng tốc độ phát triển du lịch ngày càng tăng nhanh ở Ninh Thuận. Một đề xuất đáng lưu ý là tỉnh cần tiếp tục triển khai Dự án Bảo tồn Làng cổ Chăm Bầu Trúc, vừa là đề án làng nghề cổ Chăm đang được lập hồ sơ đề nghị Unesco công nhận Di sản Văn hóa thế giới, vừa là điểm đến theo hình thức homestay cho du khách trong và ngoài nước.
Tuy thời gian hội thảo chỉ có một ngày, nhưng với sự chuẩn bị khá chu đáo của Ban Tổ chức và sự nhiệt tình của những người đã gắn bó, nặng tình nặng nghĩa với văn hóa Chăm, trong đó có âm nhạc cổ truyền, Hội thảo thật sự có tính hiệu quả.
Bài: TS Phan Quốc Anh
Ảnh: Quỳnh Tâm, Q.A