Vang bóng một thời những Di tích của làng Chuôn Hạ

Làng Thuyên Mỹ Hạ xưa có tên nôm là Chuôn Hạ, thuộc tổng Thịnh Đức Thượng, huyện Phúc Xuyên, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông. Nay thuộc xã Thuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội.

Làng Chuôn cùng với làng Che, làng Đồng Vàng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp là một vùng căn cứ cách mạng rất quan trọng của mặt trận quân khu ba. Ba làng hợp thành một căn cứ có tên gọi là  Chuôn Che Đồng Vàng. Nằm giữa một vùng chiêm chũng bốn mùa nước nổi, việc đi lại trong vùng cũng chủ yếu bằng thuyền, bởi thế giặc Pháp rất khó khăn trong việc đổ bộ vào đây, nên căn cứ kháng chiến hoạt động rất an toàn. Không đổ bộ vào được nhưng giặc Pháp vẫn không chịu bó tay nhìn Chuôn Che Đồng Vàng tiếp viện cho Khu Cháy Ứng Hòa, cho Hòa Bình và cho cả vùng phụ cận Hà Nam tổ chức các trận đánh đồn bốt ở các vùng đồng bằng Bắc Bộ. Nhiều lần chúng tổ chức máy bay ném bom ác liệt vào đây. Chỉ riêng làng Chuôn Hạ đã có tới hai lần, sau mỗi lần ném bom ấy đền mẫu đều bị phá hủy, bởi thế dấu tích còn lại tới ngày nay chỉ là những phế tích. May sao Thư tịch quốc gia cũng còn lưu giữ được cho nhân dân làng Chuôn Hạ một số văn bản nói về Thần Tỉnh, Thần Sắc các vị thần của làng. Và hệ thống kê chân cột đình bằng đá còn nguyên vẹn nằm rải rác trong làng. Đó là những cơ sở khẳng định một thời hoàng kim, lộng lẫy, nguy nga, các di tích mà ông cha, các thế hệ người làng Chuôn Hạ đã tạo dựng lên. Đâu có thua kém gì những làng quê khác trong cùng bản phủ, bản huyện gần xa.

Những di tích đó bao gồm:

Một là đình thờ Thành hoàng

Thành Hoàng làng Hạ có tên là Trung Thành, húy là Thổ- Lệnh Trưởng. Tương truyền vào đời Vua Đường Cao Tôn có quan Đô đốc sang làm quan ở Phong Châu, khi đi qua song Lương Giang thấy núi song hùng vĩ, ngài liền đốt hương khấn nguyện. Ngay đêm hôm ấy, quan Đô đốc nằm mộng thấy một người xưng tên là Thổ Lệnh Trưởng và một người tên là Thạch Khanh, hai người xin vào thi võ nghệ. Khi ấy Thạch Khanh nhảy một bước đến bờ phía Nam, đến nơi đã thấy Thổ Lệnh Trưởng đã ở đấy rồi. Thạch Khanh lại nhảy tiếp một bước quay về bờ Bắc. Đến nơi lại thấy Thổ Lệnh Trưởng ở đấy trước rồi. Quan Đô đốc lệnh cho dân các làng dọc hai bờ sông thờ Thổ Lệnh Trưởng từ đó. Đến đời Lý Thái Tôn, một hôm Nhà vua có việc ngự thuyền qua Lương Giang, chẳng may thuyền mắc cạn, Thổ Lệnh Trưởng hiển linh giúp Nhà vua thoát nạn trên. Về Triều Lý Thái Tông bao phong Thổ Lệnh Trưởng làm Trung Thành phổ tế Đại Vương. Từ đó trở đi, các triều đại nối tiếp đều có sắc phong là Thường Đẳng Thần. Dưới triều các nhà Nguyễn từ Minh Mệnh(1840-cách ngày nay 173 năm) đền Thiện Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tôn, Khải Định đều có sắc phong cho Thần, tổng cộng tới 8 đạo phong.

Đền thờ Thành hoàng trước kia tọa trên một gò đất cao ở trong làng, với kích thước của những tảng đá kê chân cột còn lại hiện nay thì chứng tỏ cột đình phải có vòng tròn hai người nối tay nhau ôm mới xuể. Cột to như thế thì chắc hẳn đình phải nguy nga và bề thế lắm. Có lẽ ít có ngôi đình nào được như vậy.

Hai là miếu thờ Thánh Mẫu cung phi Tả Hoàng Hậu

Căn cứ vào bản Thần tích viết bằng chữ Hán lập ngày 6-3 niên hiệu Trùng Hưng Thái 12 (Trùng Hưng thập nhị niên tam nguyệt sơ lục nhật) tức năm 1269 thì Thánh Mẫu là con của bà Nguyễn Thị Đầu và ông Lê Thái Công người quê ở Lương Giang. Thánh Mẫu khi sinh ra có diện mạo Phương Phi tư chất hơn người, thông minh xuất chúng, lớn lên tóc đen nước da trắng ngần, my đẹp như vầng Trăng non… Thánh tự đọc sách không cần người dạy bảo, lại giỏi đàn sáo, tinh thông âm luật. Thánh đã từng có những thơ vịnh cảnh ở Thăng Long. Đặc biệt vào thời Trần, nhân dịp qua Thăng Long dự mừng Thiết Yến khao thưởng quân sĩ thắng quân Nguyên, khi thấy có người đề thơ Thánh hiền họa theo

Nàng Sa nguyện yên hà thả mộng

Một thoáng không quên chút lụy trần

Vị thủy mặc lòng văn bá chọn

Nguồn Đào duyên tới chốn Vũ làng.

Trần Quốc Tuấn đọc thơ Thánh nghĩ đến lương duyên  nên nguyện kết duyên châu Trần với tác giả bài thơ.

Sau khi có một người con trai với Trần Quốc Tuấn thì Thánh qua đời. Nghe tin, Nhà vua rất thương xót và phong thần cho 13 ngôi đền làm nơi phụng thờ. Đồng thời quân lấp thang mộc, cử Quốc sư mang sắc, ban tiền về làng Chuôn Hạ chọn đất lập đền thờ.

Đền thờ Thánh Mẫu cũng bị bom phá, gần đây nhân dân dựng lại ngôi đền mới vẫn trên nền đất cũ mà theo sách ghi: Đền tọa Quý Đinh kiêm hướng Tân Ất, phía trước có ấn đường làm án, mộc thủy chấu vào. Phía sau có thế Rồng bão chấn, khí tốt từ lòng nước hướng vào, tâm phát phú quý, người đông, nghề giỏi… Nghìn năm càng ngắm miếu càng thấy cao, trải các đời lưu giữ, linh thiêng luôn còn đó, năm năm hương hỏa, đời đời kế thừa, thịnh vượng thay.

Với những dấu tích còn lại đấy, tuy là rất ít ỏi nhưng cũng đủ làm khơi dậy lòng tự hào của nhân dân làng Chuyên Mỹ Hạ hôm nay. Cha ông xưa có công tạo dựng nên những di tích văn hóa rất có giá trị cả về quy mô kiến trúc lẫn chiều sâu lịch sử công tích của các vị thần được vinh tụng, cũng với dấu tích còn lại ấy, nhân dân, chính quyền làng Hạ đang trăn trở cùng nhau bàn cách phục dựng lại những di tích của cha ông. Vừa là để tri ân các bậc tiền nhân và cũng là nối gót tiền nhân để lại cho cháu con mình những thành quả văn hóa mà kế thừa để rồi từ đó phát phú thương nhau, xây dựng quê hương làng Hạ ngày một giàu đẹp hơn.

Nguyễn Nguyên Hoài