Văn hóa Cồng Chiêng ở đất Quảng

Năm 2008-2009, Sở VH,TT&DL tỉnh Quảng Nam hoàn thành Đề tài nghiên cứu khoa học “Không gian văn hoá cồng chiêng” với 4 dân tộc Cơ-tu, Xơ-đăng, Co và Giẻ-Triêng. Đề tài đã góp phần làm sáng tỏ giá trị văn hóa tiêu biểu nhất của các tộc người cư trú ở miền núi phía Tây Quảng Nam.

Trong nhân học và dân tộc học, việc tiếp cận nghiên cứu các hiện tượng hay tổ hợp các hiện tượng văn hóa theo không gian tồn tại của nó là hướng nghiên cứu đã đạt được nhiều thành tựu. Ở Việt Nam, ngoài việc phân chia thành các vùng văn hóa khác nhau như Việt Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên, Nam Bộ, Duyên hải miền Trung... thì nghiên cứu từng hiện tượng văn hóa riêng lẻ theo không gian phân bố của thể loại như sử thi, nghi lễ, kiến trúc, âm nhạc dân gian... trong thời gian gần đây cũng được giới nghiên cứu quan tâm.

 Trong khái niệm “Không gian văn hóa Cồng chiêng các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam”, văn hóa cồng chiêng là tổ hợp văn hóa, cồng chiêng là nhạc cụ giữ vai trò chính yếu và tích hợp với nhiều hiện tượng văn hóa khác như tính biểu tượng, phong tục, tín ngưỡng, quan hệ trao đổi, liên kết cộng đồng... để tạo nên một tổng thể “văn hóa cồng chiêng”. Cồng chiêng các dân tộc thiểu số miền núi Quảng Nam là bộ phận hữu cơ không thể tách rời Cồng chiêng Tây Nguyên. Vì vậy nên xác định, Cồng chiêng Trường Sơn - Tây Nguyên không chỉ phân bố ở 5 tỉnh Tây Nguyên hiện tại: Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông và Lâm Đồng, mà còn các vùng phụ cận như ở tỉnh Quảng Nam và các tỉnh dọc địa bàn. Ở đó, từ xưa đến nay, hơn 20 dân tộc bản địa đã sử dụng cồng chiêng với nhiều nét tương đồng.

Cồng chiêng các dân tộc thiểu số miền núi Quảng Nam là bộ phận hữu cơ không thể tách rời Cồng chiêng Tây Nguyên. (Ảnh: TL)

Với kết quả khai quật và nghiên cứu khảo cổ học hiện nay, cách đây từ 2 - 3 nghìn năm, các dân tộc thiểu số miền núi Quảng Nam đã sử dụng sản phẩm từ đúc đồng và công cụ kim khí, cùng thời Văn minh Đông Sơn ở Đồng bằng Bắc Bộ, Văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung và Văn hóa Óc Eo ở lưu vực sông Đồng Nai và Đông Nam Bộ. Sau đó Đồng bằng Bắc Bộ, ven biển Trung Bộ, Đông và Tây Nam Bộ, do tiếp xúc văn hóa đã phát triển thành các nền văn hóa, văn minh ở trình độ cao thì vùng các tộc người ở phía Tây tỉnh Quảng Nam lại rơi vào tình trạng văn hóa đóng kín, văn hóa bản địa nguyên thủy và thoái hóa dần.

Ở các giai đoạn lịch sử sau, các dân tộc thiểu số miền núi Quảng Nam nói riêng và Trường Sơn - Tây Nguyên nói chung không còn duy trì kỹ thuật đúc đồng nữa, mà cồng chiêng, sản phẩm văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc phải đi mua từ làng đúc Phước Kiều, Điện Bàn hoặc một số nơi ở miền Trung, hoặc từ Lào. Tuy nhiên, cồng chiêng mua về chỉ là bán sản phẩm và mang tính đồng loạt, do vậy đồng bào các dân tộc thiểu số phải “lên dây chỉnh chiêng”, gò, gõ lại từng chiếc cồng chiêng sao cho âm thanh của nó phù hợp với âm sắc của dân tộc mình. Cồng chiêng ngoài giá trị vật chất, quan trọng nhất là sản phẩm văn hóa sáng tạo mang tính liên dân tộc, trong đó người Kinh/Việt và một số bộ tộc/dân tộc ở Lào cũng góp sức vào việc tạo ra văn hóa cồng chiêng, tuy nhiên, chủ nhân thực sự của văn hóa cồng chiêng Quảng Nam vẫn là các dân tộc bản địa cư trú ở miền núi Tây Quảng Nam. Khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên, miền núi Quảng Nam là vùng duy nhất ở Việt Nam còn giữ lại khá nguyên vẹn văn hóa cồng chiêng. Số lượng cồng chiêng sử dụng trong các dân tộc thiểu số ở miền núi Quảng.

(Ảnh: TL)

Về mặt loại hình, cồng chiêng các dân tộc thiểu số Quảng Nam thuộc nhạc cụ gõ, nhóm tự thân vang, được dùng theo bộ, mỗi bộ tùy theo tính chất và môi trường sử dụng của từng dân tộc Cơ-tu, Co, Xơ-đăng, Giẻ - Triêng mà có số lượng biên chế bộ/dàn cồng chiêng khác nhau, từ 3 đến 12 chiếc. Khi diễn xướng tạo thành dàn hòa tấu. Khác với nhiều dân tộc ở các vùng văn hóa trên lãnh thổ Việt Nam, đồng bào các dân tộc thiểu số Quảng Nam dùng cồng chiêng nhưng thường đơn lẻ, không thành dàn. Việc sử dụng cồng chiêng ở các dân tộc thiểu số Quảng Nam gắn với nghi lễ tín ngưỡng sản xuất nông nghiệp trồng trọt lúa rẫy, đó là tiếng nói của con người, của cộng đồng làng để thông quan với thế giới thần linh. Cồng chiêng còn là biểu tượng của uy tín, quyền lực, thế mạnh của gia đình, cộng đồng làng trong tộc người, là vật quý dùng để trao đổi, buôn bán, tích lũy. Cồng chiêng các dân tộc thiểu số miền núi Quảng Nam, bởi tính đa biểu tượng của nó, luôn giữ vai trò là trung tâm, tâm điểm của tất cả các hoạt động sinh hoạt văn hóa tinh thần của cộng đồng, nó có mặt hầu hết trong các nghi lễ, lễ hội liên quan đến sự sinh tồn của làng, kể cả liên quan đối với các tín ngưỡng, chu kỳ vòng đời người cũng như các nghi lễ liên quan đến chu kỳ trồng trọt nương rẫy.

Sự đa dạng của văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số Quảng Nam, liên quan đến các tộc người, các nhóm địa phương khác nhau, biểu hiện qua tên gọi từng bộ cồng chiêng và từng chiếc cồng chiêng, biên chế số lượng chiêng, âm điệu, phong cách sử dụng, sự phối âm, phối khí trong diễn xướng, kể cả phong tục, tập quán, luật tục sử dụng, bảo quản cồng chiêng.

(Ảnh: TL)

Cách đánh cồng chiêng của mỗi dân tộc thiểu số ở Quảng Nam có khác nhau, dùng nắm tay đấm vào mặt hay núm chiêng hoặc dùng dùi để gõ; dùi thì có dùi cứng và dùi mềm. Bên cạnh việc đấm hay gõ vào chiêng tạo nên âm thanh thì tùy từng bài chiêng hay từng phong cách của mỗi dân tộc,  dùng tay hãm âm thanh cồng chiêng phát ra, tạo nên hiện tượng bồi âm, gọi là âm trì tục, một sắc thái âm thanh độc đáo, chỉ có ở diễn xướng cồng chiêng vùng Trường Sơn - Tây Nguyên.

Văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số Quảng Nam chứa đựng những giá trị văn hóa, xã hội, lịch sử sâu sắc. Trong dàn cồng chiêng các dân tộc miền núi Quảng Nam quy định giới tính, thứ bậc cồng chiêng, tư thế diễn tấu, các kỹ xảo dùng tay đấm, xoa, dùng dùi, kỹ thuật tạo âm thanh trì tục, kỹ thuật hòa âm theo các bài chiêng cơ bản... Điều đó chứng tỏ văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số Quảng Nam đã đạt tới kỹ thuật và trình độ thẩm âm cao.

Vượt ra ngoài lĩnh vực âm nhạc học, Văn hóa cồng chiêng Quảng Nam ẩn chứa trong mình các giá trị văn hóa, giá trị nhân văn sâu sắc. Đó là tiếng nói, là ngôn ngữ riêng biệt, là tâm linh giúp con người hòa đồng với thiên nhiên, với thần linh và góp phần quan trọng nhất để thắt chặt mối quan hệ cộng đồng các dân tộc cư trú ở miền núi Quảng Nam.

Nguyễn Phước

Top