Vài ý kiến về ấn "Sắc mệnh chi bảo" phát hiện ở Hoàng thành Thăng Long

Năm 2013, khi nhận thông báo của các nhà khảo cổ học khai quật được tại Hoàng thành Thăng Long chiếc ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo”, trong một địa tầng ổn định, có những di vật – đặc biệt là gốm sứ có niên đại thời Trần đi kèm, được ngăn cách với lớp vô sinh, trên đó là lớp văn hóa thời Lê sơ, khiến tôi vô cùng phấn khích, vì đây là chiếc ấn thứ ba, có niên đại của một triều đại vô cùng hiển hách trong lịch sử dân tộc, bổ sung thêm một di vật có giá trị lịch sử, văn hóa trong kho tàng văn hóa dân tộc nói chung và triều đại nhà Trần nói riêng.

Thế rồi, gần đây, dư luận xôn xao về sự thật giả của chiếc ấn này. Có hai loại ý kiến trái chiều nhau. Loại tin rằng, đây là chiếc ấn thật, dù là làm bằng gỗ, với trích lục những dòng ghi chép trong chính sử “Năm Đinh Tỵ (1257) khi Vua (Trần Thánh Tông - PQQ) thân hành thống lĩnh quân đi chống giặc, quan giữ ấn giấu ấn báu lên rường điện Đại Minh, chỉ đem ấn nội mật đi theo. Giữa đường, ấn ấy bị mất. Giấy tờ trong quân không có ấn. Vua sai thợ khắc gỗ làm ấn. Đến khi xa giá về kinh, lại có người đem dâng chiếc ấn bị mất, ấn báu giấu đi vẫn còn nguyên chỗ cũ (Đại Việt sử ký toàn thư). Ngoài sử cũ, những ý kiến này còn tin tưởng vào việc phát hiện tại chỗ, trong một địa tầng ổn định, có niên đại thời Trần. Họ cũng còn viện dẫn qua sự so sánh với thư pháp, đặc biệt là chữ “Bảo” trên tiền “Nguyên Phong thông bảo” thời Trần với chữ “Bảo” trong “Sắc mệnh chi bảo” giống nhau đến mức lạ kì v.v và v.v. Loại ý kiến băn khoăn về tính xác thực thời Trần của chiếc ấn này, vì “Sắc mệnh chi bảo” ở Việt Nam, đến nay, hiện chỉ thấy có sớm nhất là từ thời Lê sơ và Nguyễn. Họ cũng băn khoăn về sự xáo trộn của địa tầng và tên gọi của nó là “Ấn” đã đúng chăng, khi ấn không có núm? Họ cũng lấy định chế thời Minh – Thanh Trung Hoa để đối chiếu và cho rằng, “Sắc mệnh chi bảo” của Trung Hoa, sớm nhất cũng chỉ có từ thời Minh. Họ cũng băn khoăn về sự không trùng khớp với chiếc ấn nêu trong chính sử, khi không có tên ấn v.v.

Sự tóm lược hai loại ý kiến trên đây, chắc chắn là chưa hết, xong đã lột tả được cơ bản lý do không hay đồng tình với niên đại của chiếc ấn phát hiện được ở Hoàng thành năm 2013. Thiết nghĩ, đây là một hiện tượng bình thường trong học thuật và phản ảnh một không khí dân chủ, cởi mở trong đời sống khoa học của chúng ta. Chắc chắn công tác nghiên cứu về nó chưa kết thúc và cũng chưa ai nói rằng, sự việc đã kết thúc,  khi khoa học không bao giờ có điểm dừng.

Với tinh thần ấy, tôi mạo muội nêu lên ý kiến của riêng mình, cũng chỉ được coi là sự tham khảo đối với những người quan tâm.

Ấn “Sắc mệnh chi bảo” trưng bày tại Hoàng thành Thăng Long được cho là có niên đại đời Trần... (Ảnh: nongnghiep.vn)

Trước hết, tôi tin vào địa tầng khảo cổ học của nơi này với độ sâu gần 6m của nó. Trên lớp văn hóa chiếc ấn lại có một lớp đất sét vô sinh ngăn cách, khó có thể xáo trộn. Nằm bên cạnh ấn là hàng loạt di vật gốm sứ có niên đại Trần chỉ định. Và, tôi cũng tin những đồng nghiệp xử lý hố khai quật ấy, địa tầng ấy, trên tinh thần của đạo đức nghề nghiệp và trình độ chuyên môn cao.

Việc Đại Việt sử ký toàn thư không nêu rõ chiếc ấn gỗ được Vua Trần Thánh Tông cho khắc có tên là gì. Đó cũng là chuyện rất bình thường của sử sách nước ta, mà khảo cổ học luôn là cứu cánh để làm rõ những điều sử cũ ghi còn thiếu hoặc không ghi chép. Xin đưa ra một ví dụ trong vô số những ví dụ, tôi đã viết hoặc chưa viết. Năm 2013, nhân tổng kết về những chiếc ấn thời Hồng Đức, được tìm thấy từ trước tới nay ở Việt Nam, tôi có nhắc tới chiếc ấn “Bình Nhung tướng quân chi ấn” thời Vua Lê Thánh Tông. Đại Việt sử kí toàn thư cũng chép tới sự kiện này, mà minh sử coi là chuyện “Long trời lở đất”. Đó là việc Vua Lê Thánh Tông đích thân cầm một cánh quân, qua Vân Nam mà Trung Hoa tưởng như Đại Việt đánh chiếm đất này. Thế nhưng Vua chỉ mượn đường, xuống Lào để hợp với một cánh quân khác của con rể ông - Phò mã Trịnh Công Lộ, qua ngả Nghệ An để bình Nhung. Đại Việt sử ký toàn thư có hé ra một chi tiết rằng, Trịnh Công Lộ và phó tướng của ông có mang theo ấn tướng quân, nhưng tên chiếc ấn đó mãi đến năm 2013 mới được công bố. Một sự kiện quan trọng, liên quan tới Nhà vua, tới Phò mã, tới việc Bình Nhung ở vùng biên viễn xa xôi được sử Trung Hoa đề cập, mà sử ta ghi chẳng đầy đủ.

Còn “Sắc mệnh chi bảo” phát hiện ở Hoàng thành có phải là chiếc ấn hay không, thiết nghĩ là câu chuyện của công năng. Dẫu nó là một bản phôi (vật mẫu), thì vẫn liên quan tới ấn, mà “Sắc mệnh chi bảo”, chí ít cũng là một hằng số của lịch sử, dẫu có sự đứt đoạn, từng thấy trên văn bản thời Lê sơ và hiện vật bằng vàng thời Minh Mạng.

Nhiều ý kiến tranh cãi của các nhà sử học, nhà khoa học xung quanh ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo” được khai quật khảo cổ tại Hoàng thành Thăng Long. (Ảnh: NLD)

Có ý kiến nghi ngờ về kích thước chiếc ấn này (11,5cm x 11,5cm) không phải là kích thước của “Sắc mệnh chi bảo”. Không có định chế nào ghi chép về chuẩn mực kích thước của từng loại ấn và nếu coi “Sắc mệnh chi bảo” phát hiện ở Hoàng thành là thời Trần, thì có tiêu bản nào để so sánh? Mặc dầu vậy, tôi đã so sánh kích thước này với những chiếc ấn thời Hồng Đức sau đó không xa và thời Chúa Nguyễn và Vua Nguyễn, chúng dao động trong khoảng 10,84 đến 14,00 cm. “Sắc mệnh chi bảo” thời Minh Mạng cũng chỉ có 14,00 x 14,00 cm. Ấn Truyền quốc “Đại Việt quốc Nguyễn Chúa Vĩnh Trấn chi bảo”, cũng là một ấn quan trọng, chỉ có kích thước 10,84 x 10,84 cm. “Đại Nam Thiên tử chi tỷ”, “Đại Nam Hoàng đế chi tỷ”, là ấn của Vua Minh Mạng, Thiệu Trị, chỉ có kích thước 12,40 x 12,40 cm và 10,25 x 10,25 cm mà thôi.

Định chế Trung Hoa về mọi mặt, thường được lấy làm đối chiếu cho các nước Đông Á và Việt Nam. Đó cũng là một hướng so sánh để kiếm tìm sự chỉnh hợp hay không. “Sắc mệnh chi bảo”, theo một số nhà nghiên cứu, nếu có niên đại Trần thì sớm hơn cả Trung Hoa. Đó là chuyện rất dễ xảy ra. Và, nếu lấy định chế Trung Hoa để quy chiếu với Việt Nam, thì có rất nhiều độ chênh. Tôi là người nghiên cứu gốm Lò quan, nhận ra rằng, gốm Lò quan Việt không theo bất cứ định chế nào của gốm Lò quan Trung Hoa. Kiểu dáng, quy cách, thành phần xương, men và đặc biệt là các ký tự trên gốm. Theo tôi biết, cho đến nay, gốm Lò quan Trung Hoa thời Nguyên mới chỉ có một tiêu bản duy nhất có ghi niên hiệu thời đại này, chủ yếu chỉ bắt đầu từ đầu Triều Minh đến Thanh. Ở Việt Nam, cách ghi gốm Lò quan hoàn toàn khác: “Thiên Trường phủ chế” (đồ gốm chế tạo ở phủ Thiên Trường - hành cung, quê hương nhà Trần). Gốm Lò quan thời Mạc ghi niên hiệu trên thân, cùng với tên người cung tiến, tên nghệ nhân làm gốm -  không hề có trong bất cứ một quốc gia nào, kể cả với Trung Hoa. Còn rất nhiều sự khác biệt chi tiết mà tôi không thể nói hết trong bài viết ngắn này.

Có ý kiến so sánh thư pháp trên ấn này với thư pháp trên tiền đồng cổ, trên các ấn tín sau này, thiết nghĩ là khập khiễng. Tôi không phải là người am tường thư pháp, nhưng chữ trên đồng, trên đá, trên gốm, trên vàng, khác trên gỗ. Và, đứng trên quan điểm văn bản học, thì sự tiếp thu của thời sau đối với thời trước là chuyện thường xảy ra, theo đó, vô cùng khó so sánh. Đó là chưa kể định chế của ta không có, thì lấy đâu ra chuẩn mực. Cứ lấy việc ngày nay ra để nhìn nhận, thì thấy rằng, luật pháp, lĩnh vực nào mà chả có, nhưng dân ta chưa quen làm theo định chế và pháp luật. Đó là một hằng số, tạo nên một truyền thống riêng biệt Việt Nam, nhiều lúc đáng yêu và nhiều khi cũng đáng trách.

Còn rất nhiều vấn đề quanh chiếc ấn “Sắc mệnh chi bảo” đáng được luận bàn mà bài viết này chưa thể nói hết. Xin được nêu thêm ở những số sau.

TS Phạm Quốc Quân

Top