Vai trò của nghệ thuật Múa trong lễ hội ở cố đô Huế

Huế, Kinh đô một thời của Vương triều Nguyễn, nơi tập trung những tinh hoa nghệ thuật của cả nước, trong đó không thể không kể đến nghệ thuật vũ và nhạc để múa hát vào những ngày khánh lễ.

Múa trong lễ hội hướng con người đến chân - thiện - mỹ

Sau khi Triều Nguyễn cáo chung, ca, vũ, nhạc cũng mất dần đi môi trường diễn xướng. Tuy vậy, với ý thức và trách nhiệm trong việc khôi phục các giá trị di sản của tiền nhân, các lễ hội lần lượt được phục hồi. Trong đó, các vũ khúc cung đình đã dần dần sống lại thông qua các lễ hội trong các kỳ Festival Huế như: Lễ tế Nam Giao, tế Xã Tắc, Ðêm Hoàng cung, Hành trình mở cỏi, Thiên hạ thái bình,... Như vậy, có thể nói, đối với các lễ hội ở Huế, nghệ thuật múa luôn chiếm một vị trí trang trọng trong các chương trình nghệ thuật. Bởi vì, ở đó người nghệ sỹ thông qua các động tác biểu diễn của mình để gửi đến khán giả những nội dung, ý nghĩa của tác phẩm.

Múa tại Lễ hội Thiên hạ Thái bình trong Festival 2012.

Ðối với các lễ hội ở Huế, nghệ thuật múa giữ vị trí quan trọng và là một thành tố thể hiện văn hóa của vùng đất đã từng một thời là kinh đô của cả nước. Do đó, đời sống cộng đồng, cộng cảm được thể hiện rõ nét qua múa, vì nó không phải là sự diễn tấu của một người mà là hoạt động của một nhóm người sử dụng nghệ thuật để phục vụ cho đời sống tâm linh, đời sống của chốn cung đình, cũng như đời sống của người dân cố đô. Có lẽ vậy, nên so với các vùng miền khác, múa được sử dụng trong các lễ hội ở Huế là sản phẩm mang tính kế thừa của chế độ phong kiến tồn tại hàng ngàn năm và kết tinh dưới thời nhà Nguyễn, nên động tác của người diễn viên là sự kết hợp nhuần nhuyễn của việc di chuyển đội hình theo các tuyến, ngang, dọc, xéo cộng với việc tạo hình tượng theo hình khối làm nên nét đặc trưng riêng biệt, điển hình là các điệu: lục cúng hoa đăng, trình tường tập khánh, phụng vũ, tứ linh, vũ phiến... Trải qua thời gian, chính hơi thở của đời sống văn hóa nghệ thuật đã từng ngày thổi vào loại hình này những sắc thái mới của cuộc sống, đưa nó trở thành một loại hình nghệ thuật hoàn thiện và thường được sử dụng trong các lễ hội của một vùng đất có bề dày văn hóa.

“ Dục vấn An Nam sự

An Nam phong tục thuần

Y quan Ðường chế độ

Lễ nhạc Hán quân thần”

Dịch thơ:

“Muốn hỏi chuyện An Nam

An Nam phong tục tốt

Ðiển chế - Ðường chế độ

Lễ nhạc - Hán rường cột”

Ở đây đã chỉ rõ một sự khẳng định về phát triển các điển chương, điển chế của triều đại, mà trong đó nghệ thuật là một điển hình.

Hát múa chầu văn trong đêm hoàng cung.

Khi những vai trò và giá trị được khẳng định, nghệ thuật múa chính là điểm sáng, là những sắc màu thể hiện bức tranh sống động trong đời sống thực tiển của các lễ hội. Còn nhớ, trong Festival 2014, giữa dòng sông Hương thơ mộng Lễ hội “Thiên hạ thái bình” được tái hiện thông qua bốn câu thơ được khắc họa trên điện Thái Hòa, và khán giả được thưởng thức một chương trình nghệ thuật đặc sắc với xuyên suốt nội dung là câu chuyện kể được dàn dựng công phu bằng tài năng và động tác múa của người nghệ sỹ:

Văn hiến thiên niên quốc

Xa thư vạn lý đồ

Hồng Bàng khai tịch hậu

Nam phục nhất đường ngu

Hải Trung (dịch):

Nước ngàn năm văn hiến

Thống nhất muôn dặm xa

Từ Hồng bàng mở cõi

Trời Nam vững sơn hà.

Ở đây, bài thơ là nội dung, chủ đề tư tưởng, thông qua bài thơ biên đạo múa đã biết chuyển tải sức sống vào từng động tác của người diễn viên, cũng như cách sắp xếp hình khối của từng tổ hợp múa theo hình thức chương, hồi. Tất cả như một mạch nguồn khi dịu êm, lúc cuộn trào sôi nổi như chính hơi thở của cuộc sống thời đại.

Do được kế thừa bắt nguồn từ các vũ khúc cung đình Triều Nguyễn, nên múa trong các lễ hội ở Cố đô Huế luôn mang một sắc thái riêng biệt. Khi được dàn dựng, mỗi tác phẩm múa trong lễ hội đòi hỏi biên đạo múa và diễn viên phải nắm bắt được một cách chính xác những yếu tố ngôn ngữ, cũng như biết gìn giữ cái cốt lõi, cái tinh túy để tạo nên cái riêng biệt, đặc trưng theo quan niệm thẩm mỹ của người dân Huế. Một nhà nghiên cứu khi tiếp cận với các lễ hội của Huế đã trầm trồ thốt lên: Lễ hội ở Huế là một câu chuyện cổ tích, mỗi chuyển động của người nghệ sỹ trên sân khấu mùa lễ hội là một tuyệt tác nghệ thuật như chính tạo hóa đã ban cho vùng đất này nét nhung nhan dù cổ kính vì thời gian, nhưng vẫn kiêu sa lộng lẫy không thể lẫn vào đâu được.

Múa tại khai mạc Festival 2012.

Nghệ thuật múa được sử dụng trong các lễ hội ở Huế nhằm mục đích tôn vinh các di sản, những giá trị nghệ thuật của tiền nhân. Ðặc biệt, chính những động tác múa của người nghệ sỹ là một trong những cầu nối nhằm chuyển tải nội dung của từng vở diễn, từng lễ hội đến với khán giả. Bởi vì, cũng giống như các địa phương khác, lễ hội ở Huế cũng là sự kiện văn hóa được tổ chức mang tính cộng đồng. “Lễ” là hệ thống những hành vi, động tác nhằm biểu hiện sự tôn kính của con người với thần linh, phản ánh những ước mơ chính đáng của con người trước cuộc sống mà bản thân họ chưa có khả năng thực hiện. “Hội” là sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, nghệ thuật của cộng đồng, xuất phát từ nhu cầu cuộc sống. Chính vì vậy, so với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa trong các lễ hội ở Cố đô Huế luôn khẳng định một nét đẹp của nghệ thuật tạo hình, hướng con người đến với những giá trị chân - thiện - mỹ.

Ðể nghệ thuật múa đi vào lòng công chúng

Múa là một loại hình nghệ thuật kỳ diệu, trong đó diễn viên vừa là đối tượng sáng tạo, vừa là chủ thể sáng tạo, vừa là phương tiện thể hiện sáng tạo, đồng thời cũng là đối tượng thưởng thức sáng tạo của chính mình cùng với công chúng. Tuy nhiên, để loại hình nghệ thuật này ngày một phát triển và đi vào lòng công chúng thì không hề đơn giản.

Múa tại khai mạc Festival 2014.

- Hiện nay, đa số diễn viên múa sau khi tốt nghiệp từ Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật Thừa Thiên Huế đều về công tác tại Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế và Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế. Nơi đây, chức năng chuyên môn không chú trọng đến múa hiện đại hay xây dựng tác phẩm múa quy mô, nếu diễn viên nào may mắn thì được tham gia biểu diễn các vũ khúc cung đình cùng với các thế hệ nghệ sỹ lớn tuổi hoặc tham gia biểu diễn minh họa cho các ca khúc. Như vậy, theo thời gian, nghề nghiệp của các em không được trau dồi và cũng sẽ bị mai một dần tính sáng tạo của người nghệ sỹ múa chuyên nghiệp.

- Huế được xem là trung tâm Festival của cả nước, nhưng không phải vì vậy mà nơi đây là “mảnh đất trù phú” của diễn viên múa như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội… Bởi lẽ, Festival Huế hai năm mới được tổ chức một lần và không phải diễn viên múa nào cũng vinh dự được góp mặt vào ngày lễ hội lớn này. Theo đà này, Cố đô Huế sẽ không phải là bến đỗ của diễn viên múa sau khi tốt nghiệp.

- Huế chỉ có một địa chỉ đào tạo diễn viên múa, đó là Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, nhưng thật ra nguồn tuyển dụng cũng không được phong phú để lựa chọn. Chính vì vậy, việc tuyển dụng và đào tạo được diễn viên múa có nghề không hề đơn giản.

-  Ðể nghệ thuật múa của Huế ngày một phát triển và mang tính chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu thẩm mỹ của khán giả, thì cần tạo điều kiện cho diễn viên múa có một môi trường hoạt động chuyên nghiệp để họ yên tâm công tác. Muốn vậy, các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần phải có hướng đi đúng đắn trong việc thành lập một đoàn ca múa nhạc chuyên nghiệp và độc lập, không lập lờ giữa biểu diễn sân khấu truyền thống và sân khấu hiện đại.

Múa là một bộ môn nghệ thuật biểu diễn sử dụng ngôn ngữ hình thể để phản ánh tình cảm, hiện tượng của cuộc sống. Nguồn gốc của nghệ thuật múa chính là những hành động của con người trong đời sống, trong quá trình lao động cộng với sự quan sát thiên nhiên. Từ đó, các động tác múa có những thay đổi, cải tiến, đi đến khái quát nghệ thuật. V. Lê Nin đã nói: “Tài năng là một thứ hiếm hoi, cần trân trọng nâng đỡ nó một cách hệ thống”. Và cũng như vậy, nếu muốn có những động tác đẹp đi cùng với tác phẩm múa hay trong các mùa lễ hội của cố đô Huế, chúng ta cần phải có một chiến lượt lâu dài mới có thể thành công.

Trọng Bình

Top