Vai trò của du lịch trong Bảo tồn và phát huy giá trị Văn hóa Chăm vùng Duyên hải Nam Trung Bộ

Theo lý thuyết về tài nguyên du lịch thì tài nguyên du lịch nhân văn bao gồm các di tích văn hoá, di tích lịch sử cách mạng, các lễ hội, các kiến trúc, cảnh quan, các làng nghề thủ công truyền thống... là một loại tài nguyên du lịch quan trọng, bởi vì bản chất sâu xa nhất của du lịch là đi tìm hiểu văn hoá, các phong tục tập quán của cư dân địa phương. Và vùng đất mà người Chăm sinh sống ở Việt Nam hiện nay có đầy đủ các nhóm tài nguyên du lịch nhân văn nêu trên với sức hấp dẫn du lịch rất lớn.

Văn hoá Chăm - Tài nguyên du lịch nhân văn quan trọng của vùng du lịch Duyên hải Nam Trung Bộ

Theo lý thuyết về tài nguyên du lịch thì tài nguyên du lịch nhân văn bao gồm các di tích văn hoá, di tích lịch sử cách mạng, các lễ hội, các kiến trúc, cảnh quan, các làng nghề thủ công truyền thống, các đối tượng du lịch gắn với dân tộc học (như điều kiện sinh sống, đặc điểm văn hoá, phong tục tập quán, bản sắc vùng miền, văn hoá ẩm thực, hoạt động sản xuất với sắc thái của mỗi ngành nghề, dân tộc, vùng miền), các thiết chế văn hoá (bảo tàng, các khu tưởng niệm, các cơ sở biểu diễn nghệ thuật, thư viện…) cơ sở vật chất kĩ thuật của khoa học công nghệ, đào tạo, trung tâm huấn luyện thể thao, các sự kiện thể thao, triển lãm, liên hoan nghệ thuật và các sự kiện, các kỷ niệm lớn…Tài nguyên du lịch nhân văn là một loại tài nguyên du lịch quan trọng, bởi vì bản chất sâu xa nhất của du lịch là đi tìm hiểu văn hoá, các phong tục tập quán của cư dân địa phương.

Vùng đất mà người Chăm sinh sống ở Việt Nam hiện nay có đầy đủ các nhóm tài nguyên du lịch nhân văn nêu trên với sức hấp dẫn du lịch rất lớn. Những di tích kiến trúc cổ, đặc biệt các tháp Chàm, từ Khánh Hoà đến Bình Thuận để lại những dấu ấn tuyệt vời của nền văn hoá Chăm đặc sắc; các kho tàng văn hoá - văn nghệ dân gian và lễ hội có nhiều sự khác biệt với các dân tộc khác có thể khai thác phát triển du lịch. Nếu như các dân tộc Tây Nguyên thu hút du lịch bằng văn hoá Cồng chiêng và những tập tục, lễ hội đầy màu sắc, thì dân tộc Chăm lại hấp dẫn du lịch bằng lịch sử huyền thoại, những tháp Chàm kỳ vĩ, lễ hội truyền thống và sản xuất nông nghiệp, thuỷ lợi và nghề thủ công.

Theo số liệu của cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Chăm ở nước ta có dân số 161.729 người, cư trú tại 56 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Người Chăm cư trú tập trung tại các tỉnh: Ninh Thuận (34.690 người, chiếm 41,6% tổng số người Chăm tại Việt Nam), Bình Thuận (34.690 người, chiếm 21,4%), tại Phú Yên (19.945 người), An Giang (14.209 người), thành phố Hồ Chí Minh (7.819 người), Bình Định (5.336 người), Đồng Nai (3.887 người), Tây Ninh (3.250 người). Ở đâu có người Chăm sinh sống, ở đó văn hoá Chăm được hình thành và phát triển; độ đậm đặc của di sản văn hoá Chăm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng trước tiên là yếu tố dân cư. Như vậy có thể khẳng định, văn hoá Chăm tập trung với độ đậm đặc cao các di sản vật thể và phi vật thể ở Nam Trung Bộ.

Văn hóa Chăm cần được gìn giữ, bảo tồn và phát huy (Ảnh: TL)

Duyên hải Nam Trung Bộ là khu trung tâm cổ của thời kỳ tiền Chămpa và Chămpa. Suốt thời gian dài 10 thế kỷ đã để lại một số lượng các di tích khổng lồ rải rác khắp các miền duyên hải. Đặc biệt là hệ thống các tháp Chàm, là đặc trưng nổi bật nhất của duyên hải Nam Trung Bộ. Các khu tháp khá nổi tiếng như tháp Dương Long, tháp Cánh Tiên, tháp Bánh Ít (Bình Định), tháp Ponagar (Nha Trang), tháp Pôrôme (Ninh Thuận)…là những điểm tham quan du lịch rất hấp dẫn do nét độc đáo và đặc sắc của kiến trúc tháp Chàm. Những di tích kiến trúc cổ như các đền chùa, cung điện bằng gạch không nung với những bức chạm nổi đắp vẽ công phu, mô tả các thần tích và vũ điệu xưa, kho tàng văn hoá-văn nghệ dân gian với các lễ hội có thể khai thác phụ vụ khách du lịch.

Theo kết quả của nhiều nghiên cứu có giá trị đã công bố thì: chịu ảnh hưởng sâu sắc nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc của văn minh Ấn Độ, nhưng người Chăm xưa đã biết nhìn đời sống và tôn giáo theo những cảm quan riêng của mình. Sự tiếp thu có chọn lọc đó đã tạo ra thế giới nghệ thuật Chăm một vẻ đẹp rất riêng, gần gũi nhưng lại thiêng liêng, quen thuộc nhưng lại độc đáo, tinh tế, không lẫn lộn. Chế độ mẫu hệ và tín ngưỡng nữ thần vẫn tồn tại ở cộng đồng người Chăm. Đàn ông lo việc ngoài nhà, đàn bà lo việc trong nhà và gia phả; con theo họ mẹ, họ bên mẹ được xem là gần. Nhưng gái cưới chồng cho con. Con trai ở rể nhà vợ, khi chết nhà vợ có trách nhiệm thờ cúng đến hết tang, sau đó mang hài cốt trả lại cho dòng họ nhà trai tiếp tục thờ. Chỉ con gái được thừa kế tài sản, người con gái út được thừa kế nhà tự để thờ cúng ông bà và phải nuôi dưỡng cha mẹ già. Kiến trúc nhà ở, nếp sống sinh hoạt, trang phục nam, nữ của người Chăm có nhiều điểm khác biệt và nét tinh tế riêng, rất hấp dẫn khách du lịch.

Dân tộc Chăm có nhiều lễ hội, trong đó hai lễ hội quan trọng chính là Lễ hội Katê (Ninh Thuận, Bình Thuận) và Lễ hội Ponagar (Khánh Hoà). Các lễ hội này mang tính tôn giáo tín ngưỡng, tuy nhiên bao giờ cũng đi kèm với các trò vui như ngâm thơ, chơi nhạc hoặc trình diễn các nghề khéo tay. Chămpa cổ có nhiều tôn giáo, tín ngưỡng tôn thờ Nữ thần Mẹ của vương quốc là Pô Inư Nagar theo truyền thống tín ngưỡng Mẫu hệ lâu đời của cư dân Đông Nam Á. Tín ngưỡng này còn tồn tại khá đậm nét trong xã hội người Chăm hiện nay. Từ khi tiếp nhận ảnh hưởng của nền văn minh Ấn Độ, người Chăm cổ theo Ấn Độ giáo. Tôn giáo chính của người Chăm là Ấn Độ giáo, thờ một hay cả 3 vị thần của Tam Vị nhất thể là Brahma-Visnu-Siva. Tuy nhiên, người Chăm cổ tôn sùng thần Siva hơn cả. Các văn bia cổ bằng Phạn ngữ ở Di tích Mỹ Sơn cho biết người Chăm đã tôn Siva là chúa tể của muôn loài, là cội rễ của nước Chămpa. Thần Siva thường được thờ bằng ngẫu tượng sinh thực khí nam giới. Ngoài ra người Chăm cổ còn theo Phật giáo với Trung tâm Đồng Dương (Quảng Nam) phát triển cực thịnh hồi thế kỷ IX-X.

Người Chăm cổ làm nông nghiệp đa canh gao gồm trồng lúa, dâu tằm, bông, hoa màu...; lâm nghiệp tập trung khai thác gỗ và hương liệu quý...; ngủ nghiệp chủ yếu là đánh bắt thuỷ, hải sản; và thủ công nghiệp làm gốm, thuỷ tinh, rèn sắt, chế tác đồ trang sức và mỹ nghệ vàng bạc... Đặc biệt, người Chăm cổ giỏi nghề buôn bán bằng đường biển và đường sông. Người Chăm cổ đã có hệ thống thuỷ lợi từ việc lợi dụng những mạch nước chảy từ núi, đồi gò mà xây dựng giếng, hồ đập... Sự phong phú và đa dạng của những di tích, di vật Chămpa còn lại đến nay cho thấy một xã hội rất phát triển, trên cơ sở một nền kinh tế có cơ cấu thích hợp mà nổi bật là tính hướng biển. Người Chăm nổi tiếng trong lịch sử cổ trung đại với hệ thống cảng thị phục vụ cho việc đánh cá ngoài khơi xa, buôn bán, trao đổi giao lưu với những quần đảo ở biển Đông và xa hơn, đến Trung Quốc và Ấn Độ do nằm trên trục giao thông đường biển quan trọng nối liền hai trung tâm văn minh lớn của thế giới. Truyền thống văn hoá bản địa của cư dân cổ Đông Nam Á, trong đó có người Chăm, bên cạnh văn hoá nông nghiệp lúa cạn và lúa nước còn có văn hoá thương nghiệp đường biển. Ngoài ra, kỹ thuật làm đồ gốm, nhất là đồ gốm tại Trà Kiệu cũng rất sắc xảo, tinh tế. Dưới các chân thành, các nhà khảo cổ đã tìm được nhiều đồ gốm từ nồi, ấm, vò, bếp lò, đến các viên bi, đồ trang sức, có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ II, được làm từ các đất sét, thường có màu xám và hoa văn rất đa dạng.

Kate là lễ hội lớn nhất của người Chăm Bà La Môn (Ảnh: TL)

Hiện nay, các tài nguyên du lịch nhân văn của người Chăm ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ bước đầu đã được chú ý quản lý và tổ chức khai thác. Nhiều di tích lịch sử, văn hoá nghệ thuật đã được quy hoạch tôn tạo và đưa vào phục vụ du lịch; nhiều loại hình sinh hoạt văn hoá dân tộc đã được khai thác, các ngành nghề thủ công truyền thống đã được chú ý khôi phục. Đáng kể nhất là việc tu sửa các di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật, các đền tháp, tiêu biểu là tháp Chàm.

Tuy nhiên, hiện trạng quản lý bảo vệ di tích vẫn còn chưa tốt. Nhiều di tích còn bị bỏ mặc, hoang phế.Nhiều vật quý, tượng đá quý, đẹp của tháp Chàm bị đánh cắp, các bệ đá bị đập vỡ để tạc tượng nhỏ đem bán.Bên cạnh đó, nhiều di tích được trùng tu, phục chế nhưng mất tính nguyên bản, không bảo đảm tính gốc, mất đi giá trị của cả di tích. Nhiều hình thức sinh hoạt văn hoá nghệ thuật truyền thống đang có nguy cơ mai một theo thời gian, theo trào lưu văn hoá hiện đại.

2. Một số giải pháp phát triển du lịch góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Chăm ở duyên hải Nam Trung Bộ

Thứ nhất, tăng cường và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn thông qua việc đề ra các chính sách cơ chế phù hợp, tuyên truyền hướng dẫn, kiểm tra, thực hiện các quy định của pháp luật:

Trước mắt là trong quy hoạch phát triển du lu lịch vùng Duyên hải Nam Trung Bộ cần có các chính sách phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Chăm. Các tỉnh, thành phố trong vùng Du lịch Duyên hải Nam Trung Bộ cần tập trung hoàn thiện các quy định tổng thể phát triển du lịch và quy hoạch chi tiết cho những điểm tham gia du lịch, từng khu du lịch và hạ tầng du lịch, chú trọng các điểm du lịch văn hóa gắn với văn hóa Chăm. Trên cơ sở đó thu hút các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp tham gia vào du lịch văn hóa Chăm. Tiến hành đầu tư xây dựng các công trình phục vụ khách du lịch như nơi ở, chốn nghỉ, đi lại, vui chơi giải trí, mua sắm... gắn với  bản sắc văn hóa Chăm.

Thứ hai,  phát triển hoạt động kinh doanh du lịch văn hóa trên địa bàn cư trú của người Chăm:

Các doanh nghiệp lữ hành cần tham gia xây dựng tour, tuyến, chương trình du lịch, xây dựng ấn phẩm quảng cáo, tham gia hỗ trợ nhân dân phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ khách. Phối hợp với chính quyền, cộng đồng dân tộc Chăm ở các điểm du lịch xây dựng những sản phẩm du lịch với những yếu tố độc đáo sẽ thôi thúc du khách tìm đến nhằm thỏa mãn nhu cầu, tránh được sự nhàm chán như tổ chức các lễ hội tại các làng, xã, tái hiện các trò chơi dân gian, xây dựng các làng nghề truyền thống, tổ chức các buổi biễu diễn văn nghệ dân gian và lửa trại…


Tháp Chàm là biểu tượng thiêng liêng của dân tộc Chăm và là nơi hành hương mỗi dịp Lễ hội Kate đến. (Ảnh: TL)

Thứ ba, liên kết phát triển các sản phẩm du lịch dựa trên nền tảng văn hóa Chăm: Theo định hướng trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 thì vùng Nam Trung Bộ cần phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa gắn với di sản, lễ hội, tham gia và tìm hiểu văn hóa, lối sống địa phương; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, chú trọng khám phá hang động, du lịch núi, du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn. Mở rộng phát triển các loại hình du lịch, du thuyền, caravan, du lịch MICE, du lịch nghiên cứu, giáo dục, du lịch dưỡng bệnh. Phát triển mạnh dịch vụ ẩm thực đặc sắc của Vùng gắn với các sản phẩm, loại hình du lịch. Liên kết tạo sản phẩm du lịch vùng, liên kết theo loại hình chuyên đề; liên kết khu vực gắn với các hành lang kinh tế; liên kết hàng không, đường sắt, tàu biển tạo sản phẩm đa dạng.

Thứ tư, thu hút sự tham gia của cộng đồng dân cư các nơi có khả năng tổ chức du lịch văn hóa trên cơ sở giá trị văn hóa Chăm: Để đảm bảo cho sự phát triển du lịch văn hóa Chăm bền vững thì yếu tố cộng đồng dân cư được tham gia bàn bạc ngay từ đầu về các chủ trương, kế hoạch, cũng như trong quá trình triển khai. Thực hiện kế hoạch, chương trình. Các vấn đề bàn bạc thảo luận cần được công khai với dân, đặc biệt là cơ chế phân chia lợi ích đảm bảo công bằng, người tham gia hoạt động cung cấp dịch vụ phải là người chứng kiến phân chia các lợi ích cho các bên tham gia. Cộng đồng phải được chia sẻ lợi ích từ phát triển du lịch. Theo nguyên tắc này, cộng đồng phải cùng được hưởng lợi như các thành phần khác tham gia hoạt động cung cấp các sản phẩm cho khách du lịch, nguồn thu từ hoạt động du lịch được phân chia công bằng cho mọi thành viên tham gia hoạt động, đồng thời lợi ích đó cũng được trích để phát triển lợi ích chung cho xã hội như tái đầu tư cho cộng đồng xây dựng đường sá, cầu cống, điện, nước, trùng tu tôn tạo di tích và chăm sóc sức khỏe, giáo dục.

Thứ năm, chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về văn hóa Chăm và du lịch văn hóa dựa trên các giá trị của văn hóa Chăm một cách chuyên nghiệp: Công tác quảng bá về đất nước con người, về văn hóa Chăm và về du lịch vùng Duyên hải Nam Trung Bộ cần được xác định là một nội dung quan trọng của các cấp, các ngành, hệ thống chính trị- xã hội, các doanh nghiệp và nhân dân toàn vùng nói chung và người Chăm nói riêng. Nội dung tuyên truyền quảng bá ưu tiên giới thiệu về đất nước, con người, tiềm năng, lợi thế du lịch của toàn vùng và các thông tin cần thiết liên quan đến phát triển du lịch văn hóa dựa trên các di sản văn hóa Chăm. Hình thức tuyên truyền cũng cần đa dạng và phong phú, trên mạng Internet, thông báo, họp báo, phương tiện thông tin đại chúng, tập gấp, tờ rơi... Trong phát triển du lịch văn hóa dựa trên văn hóa Chăm cần chú ý đến nhu cầu mua sắm hàng lưu niệm của khách du lịch. Những khách có khả năng chi trả cao càng mong muốn có những sản phẩm chất lượng tốt, mang đậm nét văn hóa Chăm để mua làm kỉ niệm, làm quà tặng người thân. Đồng thời phải tổ chức cách bán hàng chuyên nghiệp và cần chú ý hơn đến văn minh thương mại.

Thứ sáu, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, lễ hội theo đúng định hướng bảo tồn và phát triển tài nguyên du lịch, trong đó có tài nguyên du lịch văn hóa Chăm: Cần xác định những yếu tố ổn định và những yếu tố biến động trong bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa Chăm. Khi tổ chức loại hình du lịch văn hóa Chăm cần xác định đúng đâu là các truyền thống, đặc trưng riêng có, không thể thay thế; đâu là những cái cần điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu thị hiếu của xã hội mà vẫn giữ được nét văn hóa, giá trị truyền thống văn hóa Chăm. Nguồn kinh phí để làm những việc này không chỉ có các nguồn vốn đầu tư của Trung ương và ngành Du Lịch mà tăng dần đóng góp của doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân liên quan.

Lễ hội Tháp Bà Ponagar Nha Trang là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Ảnh: TL)

Thứ bảy, phát huy sự tham gia của các doanh nghiệp: Cần có các biện pháp nhằm hướng dẫn, khuyến khích, đầu tư, nâng cấp và hiện đại hóa các cơ sở vật chất kỹ thuật như cơ sở lưu trú, các phương tiện vận chuyển, bán hàng... mở thêm nhiều dịch vụ và nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ du khách tham gia loại hình du lịch dựa trên giá trị văn hóa Chăm. Thông tin sớm kế hoạch tổ chức các hoạt động du lịch và sự kiện liên quan đến văn hóa Chăm để định hướng và thu hút các doanh nghiệp du lịch xây dựng sản phẩm và kết nối mở rộng thi trường khách, có chiến lược kinh doanh phù hợp gắn kết chặt chẽ với kế hoạch của từng địa phương. Các doanh nghiệp cũng cần quan tâm hơn đến đào tạo, bồi dưỡng nhân lực của mình, nhất là hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại điểm tham gia du lịch, cả về kiến thức, kỹ năng, tinh thần, thái độ phục vụ và cốt cách của dân tộc Chăm.

Thứ tám, huy động cộng đồng địa phương vào việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Chăm và các giá trị liên quan đến du lịch văn hóa Chăm: Cần phải lấy con người, lấy cộng đồng cư dân là người dân tộc Chăm và các dân tộc cùng sinh sống ở đây làm trung tâm của các hoạt động, nhất là hoạt động bảo tồn và phát triển văn hóa, di sản văn hóa, di tích lịch sử và các giá trị liên quan. Người dân cần được giáo dục ý thức, nâng cao nhận thức đúng và đủ về du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, hiểu đúng về du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng sẽ tạo việc làm, nâng thu nhập và tạo nguồn nội lực để bảo tồn và phát triển du lịch nhân văn của địa phương mình và cả vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Người dân cần nhận thức được vấn đề này và hiểu được các hạn chế còn tồn tại trong phát triển du lịch văn hóa dựa trên nền tảng văn hóa Chăm có thể là những nhân tố làm tổn thương đến danh dự, đến niềm tự hào về truyền thống dân tộc, ảnh hưởng tới tài nguyên và đến việc làm của chính họ.

Thứ chín, liên kết hợp tác toàn vùng để bảo tồn và phát huy văn hóa Chăm trong phát triển du lịch: Du lịch là ngành mang tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, nên việc bảo tồn và phát huy văn hóa Chăm trong việc phát triển du lịch phải có sự liên kết giữa tất cả các thành phần tham gia vào hoạt động du lịch dưới sự chỉ đạo của Nhà nước, trực tiếp ở đây là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch, UBND các tỉnh, thành phố trong vùng du lịch Duyên hải Nam Trung Bộ mới thành công. Chỉ có chủ động làm những việc này mới có thể thu hút được nhiều khách đến tham quan du lịch, mới phòng tránh được những tiêu cực, những ảnh hưởng xấu có thể xảy ra khi khách du lịch muôn phương hòa nhập vào cuộc sống của người dân bản địa ở những nơi cư trú của người Chăm. Đây là cách phát triển du lịch văn hóa theo hướng bền vững để góp phần tích cực vào việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Chăm ở vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.
 

TS Nguyễn Văn Lưu

Top