Vài nét về người Phù Lá ở Việt Nam

Người Phù Lá còn có tên gọi khác là Xá Phó, Bồ Khô Pạ, Mú Dí Pạ, Phổ, Va Xơ Lao, Pu Dang, trong 54 dân tộc thiểu số đang sinh sống trên mảnh đất Việt Nam hình chữ S. Mặc dù trong dặm dài lịch sử, dân tộc này mang những tên gọi khác nhau, nhưng Phù Lá vẫn là tên gọi chính thức của nhà nước ta đối với cộng đồng này và trở thành một bộ phận cư dân đóng góp, dựng xây đất nước.

Năm 1991, dân số của dân tộc Phù Lá là trên 9.000 người. Năm 2009, theo Tổng điều tra dân số và nhà ở, người Phù Lá ở Việt Nam có khoảng 11.000 người, sống và làm việc ở 23 tỉnh và thành phố, nhưng tập trung nhất là Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Điện Biên, Hà Nội.

Dân tộc Phù Lá nói tiếng Phù Lá, một ngôn ngữ của ngữ chi Lô Lô, thuộc ngữ hệ Tạng - Miến trong hệ ngôn ngữ Hán - Tạng.

Kinh tế chủ yếu của người Phù Lá là nông nghiệp làm nương và trồng lúa nước trên các ruộng bậc thang. Chăn nuôi của họ là trâu, dùng để kéo cầy, ngựa dùng để thồ, gà lợn để lấy thịt, phục vụ cho bữa ăn, cúng bái và lễ tết. Nghề thủ công nổi tiếng của người Phù Lá là đan lát với những sản phẩm mây tre là gùi, cùng nhiều đồ đựng khác với họa tiết đẹp và hấp dẫn. Sản phẩm đan lát này không chỉ để dùng mà còn là hàng hóa trao đổi với các dân tộc khác.

Dân tộc Phù Lá sống trong những bản riêng biệt, xen kẽ trong vùng có nhiều dân tộc như H’Mông, Dao, Tày. Mỗi bản thường có từ 25 đến 30 nóc nhà. Các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ có vai trò rất lớn trong việc điều hành cộng đồng làng bản. Các dòng họ chính của người Phù Lá là Nhìu, Lồ, Lý, Ngô…

Người Phù Lá không bị ép buộc trong hôn nhân. Khi yêu nhau, trai gái nói cho bố mẹ biết, hai gia đình sẽ tổ chức ăn cơm thân mật. Từ đó, đôi trai gái được coi như đã đính hôn. Đám cưới có thể tổ chức sau một, hai năm. Theo tập quán của người Phù Lá, cô dâu về ở nhà chồng. Tuy nhiên, người Phù Lá cũng có phong tục ở rể từ 2 – 3 năm để trả công ơn bố mẹ đã sinh ra con gái.

Thiếu nữ dân tộc Phù Lá. Ảnh: internet

Dân tộc Phù Lá cư trú trong nhà sàn và nửa sàn, nửa đất theo từng nhóm người. Người Phù Lá ở Bắc Hà, Mường Khương, SinmaCai ở nửa sàn nửa đất. Phù Lá Hoa, Phù Lá Bô Khố Pa ở nhà sàn. Nhà nửa sàn, nửa đất của người Phù Lá có vì kèo đơn giản, chỉ có một bộ kèo tam giác, gồm hai kèo và một quá giang gác lên tường. Đôi khi, nhà nửa sàn nửa đất còn có thêm một hàng hiên. Nhà sàn của người Phù Lá cũng nhỏ nhắn ba gian, hai chái. Vì kèo đặt trên ba cột giống như người Hà Nhì. Gian chính giữa, giáp vách tiền là chạn bát. Giữa nhà là bếp, giáp vách hậu là bàn thờ.

Trang phục của người Phù Lá độc đáo trong lối tạo dáng và phong cách thẩm mỹ, khó trộn lẫn với bất cứ dân tộc nào trong hệ ngôn ngữ Hán - Tạng. Trang phục của họ vừa có nét truyền thống nhưng lại mang dáng dấp hiện đại.

Thường nhật, nam giới mặc áo xẻ ngực. Áo được may từ 6 mảnh vải, cổ thấp, không cài cúc, nẹp ngực viền vải đỏ, ống tay hẹp, cổ tay thêu hoa văn rất điệu đà. Nhưng với phụ nữ, có sự phân biệt đôi chút. Gái chưa chồng thường để tóc dài quấn quanh đầu. Đầu đội khăn vuông đen hoặc nhuộm chàm, bốn góc và giữa có đính hạt cườm. Phụ nữ Phù Lá không có tục mặc áo như một số dân tộc (Tày - Dao đỏ). Họ thường mặc áo ngắn 5 thân, dài tay, cổ mỏng, thấp, chui đầu. Trên nền chàm của áo, thân được chia thành các khu vực trang trí. Cổ áo vuông và có nhiều motip hoa văn trang trí, cùng với lối bố cục, sử dụng màu sắc khiến cho áo phụ nữ Phù Lá khó lẫn lộn với các dân tộc khác. Váy của phụ nữ Phù Lá có màu chàm đen, đầu và chân váy được trang trí hoa văn màu đỏ, trắng, vàng - giống như áo – được phủ khoảng 2/3 diện tích nền chàm. Đầu vấn khăn hoặc đội mũ thêu hoa văn theo lối chữ nhất (-). Phụ nữ dân tộc này còn có loại áo dài 5 thân cài nách phải hoặc tứ thân cổ cao, tròn, cài cúc vai.

Ngoài Tết Nguyên đán, người Phù Lá còn có Tết Rằm tháng Bảy và đặc biệt có Tết Khui Xmơ, lễ cúng thần rừng, thần làng, thần sông, suối, lễ quét làng, cúng hồn lúa… Hầu hết các lễ tết đều gắn với sinh hoạt cộng đồng, với các điệu nhảy T’xin chi va có đệm sáo Pi Lí, kèn ma nhí, trống, chuông, nhạc. Dân tộc này còn có lễ hội cầu mùa và múa phồn thực, hát kể diễn xướng tùy theo nội dung mỗi lễ hội.

Lễ cưới của người Phù Lá. Ảnh: internet

Người Phù Lá có kho tàng truyện cổ tích, văn hóa dân gian hết sức phong phú. Hầu hết tục ngữ, ca dao nói về triết lý cuộc sống và đạo lý làm người, các câu chuyện kể về thế giới thần linh cùng các hiện tượng, sự tích liên quan tới phong tục, tập quán, tín ngưỡng của cộng đồng.

Người Phù Lá, trong lịch sử xa xưa, họ có tên là “Lao Pạ”, hay “Gu Nhu”, nghĩa là người săn thú, người rừng. Họ có mặt ở Tây Bắc Việt Nam khoảng hơn 300 năm. Trước đây, họ sống du canh, du cư từng nhóm nhỏ, săn bắn, hái lượm dọc theo các dòng suối. Giờ đây, người Phù Lá đã định canh, định cư, cuộc sống dựa vào sản xuất với sự đổi thay đáng kể trong chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước ta đối với các dân tộc ít người.

Những phác thảo trên đây về dân tộc Phù Lá, chưa hẳn đã đầy đủ nhưng đã phần nào khái quát được cuộc sống vật chất, tinh thần của người Phù Lá. Bạn đọc muốn tìm hiểu kỹ hơn, xin đến với các bản làng của người Phù Lá, chắc sẽ có nhiều trải nghiệm thú vị và hiểu được sâu hơn về dân tộc này.

Ngọc Trân

Top