Ước mơ và hy vong - Sức sống của lễ hội cổ truyền

Tới hôm nay và cả mai sau, đã là con người thì mãi mãi vẫn sẽ còn ước mơ và hy vọng. Ước mơ và hy vọng là lẽ sống của loài người. Vì thế, nó chính là sức sống trường cửu của lễ hội cổ truyền và cả hiện đại. Không có nó, giá trị của các lễ hội sẽ mất đi, các lễ hội cũng sẽ không còn tồn tại nữa. Còn loài người sẽ còn lễ hội. Hội Gióng cũng là trường hợp phổ biến, điển hình trong hệ thống lễ hội cổ truyền của các dân tộc ở Việt Nam.

Thánh Gióng là vị anh hùng thần thoại của dân tộc ta, nói chính xác hơn là của người Việt cổ (bao gồm nhiều dân tộc anh em từ thời cổ đại ở nước ta). Do đó, Thánh Gióng không phải là người anh hùng thần thoại của riêng vùng Vũ Ninh (huyện Quế Võ ngày nay) như một số người đã nhận định mà Thánh Gióng là sản phẩm tinh thần, là kết quả của quá trình dựng nước và giữ nước của ông cha ta.

Theo GS Trần Quốc Vượng, Vũ Ninh là đất đai bộ lạc Rồng (Long Biên), vùng đất có Rồng hiện là một trong 15 bộ lạc nước Văn Lang xưa của các Vua Hùng. Đặc điểm nổi bật nhất của thiên nhiên nơi đây là vùng rừng rậm, đầm lầy, có nhiều con sông lớn hội thành. Đó là một loạt các địa danh mang ý nghĩa rừng núi còn lại cho mãi ngày nay như Đông Anh, Đông Trù, Đông Hội, Đông Lỗ... hay Phù Lưu, Phù Chẩn, Phù Dực... Những từ “đông”, từ “phù” ấy trong tiếng Tày cổ là chỉ các khu rừng rậm và đồi núi. Ngay cả cái địa danh “Phù Đổng” cũng có nghĩa là người ở rừng rậm... Trong phạm vi của xứ Bắc xưa, khi con người còn đang thưa thớt, các khu rừng rậm và đầm lầy là cả một thế giới tự nhiên hùng vĩ bao bọc con người. Sinh tụ trong một không gian tự nhiên như thế, con người xứ Bắc đã sáng tạo ra cách ứng xử thích hợp để hoà đồng được với thiên nhiên đặc biệt này.

Lễ hội Thánh Gióng (Ảnh: TL)

Những nội dung của các thần thoại, truyền thuyết xa xưa ấy tưởng chỉ là những truyện đơn thuần tưởng tượng, viễn tưởng xa vời, nhưng cho đến hôm nay, những tư tưởng ấy vẫn còn nguyên giá trị tinh thần của người xưa. Từ thuở xa xưa ấy tổ tiên ta đã sớm biết ước mơ và hy vọng. Trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên và những thách thức gay gắt của lịch sử, một cộng đồng từ thời sơ sử đã biết tạo ra cho mình những ước mơ và hy vọng. Từ đó tạo nên niềm tin mà cho đến hôm nay, niềm tin ấy vẫn cháy bỏng trong từng trái tim người Việt Nam chúng ta.

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, những thách thức của thời gian và không gian, niềm tin ấy đã trở thành sức mạnh bách chiến bách thắng và một tín ngưỡng. Từ cơ sở đó, Thánh Gióng, một vị anh hùng thần thoại đã được sáng tạo ra. Đó là kết tinh của những ước mơ và hy vọng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, ở mọi miền đất nước, trước hết là Đồng bằng Bắc Bộ.

Lễ hội Gióng do 4 làng phối hợp tổ chức: Phù Đổng, Phù Dực, Đổng Viên và Đổng Xuyên tổng Phù Đổng. Chỉ có hai làng đầu được thay phiên nhau làm hội trưởng (đứng ra tổ chức hội). Còn hai làng sau vì ngày xưa khi mẹ Gióng mang thai đã bị hai làng này đuổi lên rừng (Trại Nòn), nên chỉ được đóng vai phụ trong ngày hội. Hội được tổ chức từ 15 tháng 3 đến mồng 6 tháng 4 Âm lịch. Từ mồng 6 đến 13 tháng 4 mới chính hội, cả phường tổ chức phải ở lại chùa Kiến Sơ (cạnh đền Thượng) để phục vụ hội.

“Trong ngày hội, họ mặc áo chẽn, chít khăn đen, đi chân trần, thắt lưng xanh có nút bên trái. Họ múa hát điệu múa truyền thống: một điệu cúng thần và một điều vây bắt hổ. Họ hát 12 bài hát truyền thống...”  . Theo niềm tin dân gian, năm nào các thành viên tổ chức hội tập tành, múa hát đúng quy cách truyền thống thì ông Gióng mới hài lòng, dân hàng tổng mới làm ăn phát đạt, thịnh vượng.

(Ảnh: TL)

Một điều đáng chú ý ở Hội Gióng, ngoài số thành viên các làng tham gia làm quân ta (quân ông Gióng) còn có bên quân giặc Ân được tượng trưng bằng 28 cô gái tuổi từ 13 đến 18 tuổi; trừ giáp kéo hội (hội trưởng) thì mỗi giáp được cử hai thiếu nữ; trong đó có hai tướng soái là Tướng Đốc chánh soái và Tướng Ngựa phó soái. Các tướng ăn mặc lộng lẫy, đội mũ thêu hoa, quấn vòng xuyến vàng bạc, hai tướng này là người của Giáp Ban (giáp kéo hội).

Qua những nghi thức Lễ hội Gióng được tổ chức ở tổng Phù Đổng, chúng ta nhận ra cả chiều rộng (đồng đại) lẫn chiều sâu (lịch đại) của Anh hùng Thánh Gióng. Anh hùng thần thoại Thánh Gióng là kết tinh của tinh thần đánh giặc của cư dân Việt cổ ở vùng Trung Châu Bắc Bộ và của cả dân tộc (từ miền núi đến miền xuôi). Đây là một quá trình hoàn chỉnh bản anh hùng ca, điển hình hoá hình tượng người anh hùng dân tộc và phản ánh hiện thực đời sống nhân dân ta. Trong đó, nổi bật lên là những ước mơ, khát vọng của dân tộc trong điều kiện tự nhiên, xã hội cụ thể của mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước. Vì thế, có thể nói rằng, Lễ hội Thánh Gióng là lễ hội dân tộc Việt Nam chứ không phải lễ hội của riêng vùng Trung Châu, của tổng Phù Đổng.

Từ truyện một anh hùng huyền thoại của một bộ lạc đã trở thành truyện huyền thoại của một dân tộc (gồm nhiều tộc người).

Cái ước mơ, khát vọng một xã hội dân chủ, công bằng và hoà bình mãi mãi được nhân dân ta qua nhiều thế hệ gửi gắm vào Lễ hội Thánh Gióng cũng chính là ước mơ, khát vọng của nhân dân ta hiện nay. Cho nên, có thể nói, Lễ hội Thánh Gióng chính là lễ hội ca ngợi sức mạnh liên kết cộng đồng, kỳ tích của tập thể các dân tộc miền xuôi và miền ngược.

Hội Gióng là bước phát triển phong phú, sinh động anh hùng ca dân tộc. Những ước mơ và khát vọng hồn nhiên cổ xưa nhất đã được các thế hệ sau làm sống lại. Trong đó, Phật hoàng Trần Nhân Tông chính là một trong những vị anh hùng đã tiếp nối và phát huy những giá trị tinh thần của vị anh hùng Thánh Gióng.

(Ảnh: TL)

Trong thời Trần có tới 30 năm đánh giặc và cũng đã 3 lần chiến thắng Nguyên - Mông. Nhưng vị vua anh minh ấy đã suốt đời lấy chữ Nhân làm gốc, không màng danh lợi, thậm chí Người đã có lúc trốn vào chùa để khỏi nối ngôi vua. Tuy sau đó có làm vua 15 năm và lập được những chiến công hiển hách, hai lần chiến thắng giặc Nguyên - Mông (1285 - 1288). Nhưng, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã coi lòng người mới là ngôi chùa thiêng liêng nhất, là đạo lý cao quý nhất mà Thánh Gióng truyền lại. Sau khi đánh xong giặc Ân, Thánh Gióng cưỡi ngựa lên núi Sóc, cởi áo bỏ lại rồi bay lên Trời. Lễ hội diễn lại cảnh chiến tranh đấy, nhưng sao tướng giặc lại toàn là cô thiếu nữ, chủ soái của tướng giặc ăn mặc lộng lẫy, trang sức đầy người... Dân gian muốn nhắn nhủ điều gì qua cuộc chiến tranh này? Trong lễ khao quân mừng chiến thắng, các tướng giặc cũng đều được mời ăn uống no say! Sau lễ mừng thắng lợi là lễ dọn quân, chiến trường được khép lại, được gột rửa sạch sẽ. Cuộc sống thường nhật lại được diễn ra trong hoà bình.

Hình tượng Anh hùng Thánh Gióng được chính quần chúng nhân dân sáng tạo ra. Theo ước nguyện của nhân dân, vị anh hùng ấy đã trở thành một vị Thánh, một vị thần siêu nhiên, không có thực và sống mãi trong tâm trí của nhân dân, thống trị nhân dân trong sự thần bí của siêu nhân, trong tâm linh của nhân dân. Vì thế nó sống mãi.

Phải chăng, đó mới chính là ước nguyện của quần chúng nhân dân khi xây dựng, sáng tạo nên hình tượng Thánh Gióng mà trước đó là các vị thần khổng lồ phổ biến ở khắp mọi nơi trên đất nước ta đã có công khai sơn phá thạch dựng xây quê hương đất nước cho các thế hệ con cháu nối tiếp. Cái giá trị nhân văn ấy chính là sức sống bền vững của các lễ hội cổ truyền mà Lễ hội Thánh Gióng là một điển hình. 

PGS.TS Hoàng Lương

Top