Tượng Luật sư Lôdơbi trong khuôn viên khu tưởng niệm Bác Hồ
Trên phiến đá đặt tượng có lời thuyết minh bằng hai thứ tiếng Việt và Anh như sau:
“ Phơrăngxit Henri Lôdơbi (1883- 1967).
Phơrăngxit Henri Lôdơbi sinh năm 1883 trong một gia đình có truyền thống về luật tại vùng Lâyxetxtơsia (Leicestershire), nước Anh. Sau khi tốt nghiệp Trường Luật, ông làm luật sư cho quân đội Anh trong chiến tranh thế giới thứ nhất (1914- 1918). Năm 1926, ông sang Hồng Kông làm việc tại Văn phòng luật sư mang tên “Russ & Co.” và mua lại văn phòng này năm 1928.
Ngày 6-6-1931, Tống Văn Sơ (Bí danh của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh khi ở Hồng Kông) bị chính quyền Anh ở đây bắt trái phép và giam tại Nhà tù Vichtoria (Victoria). Nhờ Luật sư Lôdơbi và các cộng sự bào chữa theo đề nghị của Quốc tế Cộng sản, Tống Văn Sơ được trả tự do sau 20 tháng bị giam cầm. Sau đó Luật sư Lôdơbi cùng gia đình lại tận tình giúp Nguyễn Ái Quốc bí mật rời Hồng Kông đi Hạ Môn, Trung Quốc thoát khỏi sự theo dõi của mật thám Pháp.
Năm 1960, Luật sư Lôdơbi và gia đình đã sang thăm Việt Nam với tư cách là đặc khách của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam.
Bảo tàng Hồ Chí Minh dựng tượng tháng 9-2014”
Nếu vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông là huyền thoại về chiến thắng của công lý và lẽ phải thì sự tìm và gặp lại nhau giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với Luật sư Lôdơbi và gia đình lại là một huyền thoại khác về tình cảm thủy chung, trong sáng của những nhân cách lớn.
Nhân kỷ niệm 85 năm vụ án Hồng Kông (1931- 2016), cùng nhớ lại những tư liệu về tình cảm thủy chung, trong sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với vị ân nhân của mình cũng như sự kính trọng của gia đình luật sư đối với Người.
Tượng Luật sư Lôdơbi trong khuôn viên Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: internet
Chúng ta biết là sau khi rời Hồng Kông, Nguyễn Ái Quốc đã hai lần viết thư cho Luật sư Lôdơbi. Nhưng vì sợ nhà cầm quyền lại tìm ra địa chỉ của Nguyễn Ái Quốc nên luật sư đã không dám viết thư trả lời. Luật sư kể lại: “Sau khi Tống Văn Sơ đi Hạ Môn rồi, tôi không được tin tức gì nữa. Mãi đến sau này tôi mới nhận được hai bức thư ký tên là Niu-men (Newman) của Tống Văn Sơ và nói tôi viết thư trả lời. Nhưng tôi sợ bọn cầm quyền lại tìm ra được địa chỉ của Tống Văn Sơ nên tôi không viết thư trả lời… Đến năm 1956, một nhà báo Anh (đảng viên Đảng Cộng sản Anh) sang thăm Việt Nam về Hương Cảng đến tìm tôi, trao cho tôi một bức thư và hai bức ảnh của Hồ Chủ tịch, một bức gửi cho vợ chồng tôi, một bức gửi cho con gái tôi. Trong thư Hồ Chủ tịch nói chúng tôi gửi ảnh cho Hồ Chủ tịch.
Năm 1956, có nghĩa là chỉ sau hai năm thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trở về Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cố gắng tìm lại ân nhân của mình. Và ba năm sau đó, tháng 12-1959, Bác Hồ đã gửi thư cho Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc, nhờ mua quà tặng gia đình Luật sư Lôdơbi dịp Nôen và mời ông bà sang thăm Việt Nam nhân dịp Tết Âm lịch. Trong thư Bác dặn thêm: “Nếu họ nhận lời, thì nhờ đồng chí lãnh sự mua vé tàu bay cho họ, và giúp họ xin viza Trung Quốc.”
Theo lời mời của Bác, Luật sư Lôdơbi và gia đình đã sang thăm Việt Nam từ ngày 26-1 đến ngày 3-2-1960. Bác đã ra tận sân bay đón và tiễn gia đình. Trong thời gian gia đình luật sư ở Việt Nam, ngày nào Bác cũng đến thăm mà không hẹn trước. Người còn trực tiếp đưa gia đình thăm nhiều nơi ở Việt Nam, thăm nơi ở và làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch. Đây là một đoạn trong bức thư của luật sư viết từ Hồng Kông gửi Hồ Chủ tịch sau chuyến thăm: “..Ngài nói rằng tôi đã “cứu sống Ngài”, điều đó có thể đúng, nếu vậy thì đó chính là việc làm tốt nhất mà tôi đã từng làm, và đó mãi mãi là một việc làm sáng suốt; về phần tôi thì tôi thấy mình đã được đền đáp hơn nhiều với những ký ức về những ngày ở Việt Nam, và những món quà mà tôi được tặng sẽ luôn là vật kỷ niệm về những ngày tuyệt vời đó…Xin gửi lời chúc Ngài sống lâu để được chứng kiến những thành tựu của sự nghiệp trong cuộc đời của Ngài, và tôi hy vọng rằng nhân dân Việt Nam sẽ thực hiện sự nghiệp đó. Sự nghiệp đó sẽ sống mãi dưới hình thức này hay hình thức khác. Nếu chúng tôi có thể làm được việc gì, chúng tôi chắc rằng Ngài sẽ cho chúng tôi biết.”
Năm 1967, Luật sư Lôdơbi qua đời. Biết tin đó, Bác đề nghị Văn phòng Phủ Chủ tịch điện sang Lãnh sự quán Việt Nam ở Quảng Châu đề nhờ mua một vòng hoa lớn đến viếng Luật sư và băng trên vòng hoa chỉ ghi tên Bác là “Hồ Chí Minh” chứ không ghi “Chủ tịch”. Trong khi gia đình Luật sư đề nghị bà con thân hữu, bạn bè nếu ai có lòng, không mang hoa tươi đến mà dành tiền đó để phúng vào quỹ từ thiện. Thế là cả đám tang Luật sư Lôdơbi chỉ có duy nhất một vòng hoa của Hồ Chí Minh.
Tượng Luật sư Lôdơbi dựng trong khuôn viên khu tưởng niệm Bác Hồ ở Hà Nội là biểu tượng chiến thắng của chủ nghĩa nhân văn trong thời kỳ hoạt động đầy sóng gió của Bác Hồ ở Hồng Kông. Đó cũng là một biểu tượng về tình cảm trong sáng, thủy chung và vô cùng cảm động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và vị luật sư luôn đứng về phía nhân dân Việt Nam, bảo vệ lẽ phải và công lý.
TS Nguyễn Thị Tình