Tuổi thơ tôi với Dân ca quê nhà

Tôi sinh ra ở một vùng quê nghèo đã từng là nơi tận cùng của nước Đại Việt xưa. Và tiếp đó luôn là mảnh đất biên ải, phân tranh qua các triều đại phong kiến trong lịch sử, nhất là thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Có lẽ vì thế mà kinh tế có phần phát triển chậm hơn các huyện ở phía Bắc Nghệ Tĩnh. Năm 1994 khi nhà thơ Mai Hồng Niên đi qua đã có bài thơ “Đèo Ngang nghĩ lại đang nghèo / Câu thơ Bà Huyện - Chú Tiều ngân nga / Một mình gánh chịu phong ba / Ngang đèo gió biển tràn qua - chẳng đầy / Cổng trời rêu tím trong mây / Đất trơ đá - sắc cỏ cây mỏi mòn”. Nhưng không vì thế mà Kỳ Anh kém đi sự phổ quát dân ca xứ Nghệ. Những câu vè sau đây được truyền tụng từ nhiều đời nay, không chỉ nói lên điều đó, mà còn thể hiện niềm tự hào về một vùng quê được phổ cập sớm và phát triển dân ca rộng rãi. “Đất Văn Tràng chạy cá / Đất Trung Hạ đốt vôi / Đất Kẻ Dua bầy tôi / Đứa nằm ngả trên nôi / Cũng biết đàng hát Giặm” (Văn Tràng, Trung Hạ là tên 2 làng thuộc xã Kỳ Hải, Kẻ Dư là làng Đan Du thuộc xã Kỳ Thư - Kỳ Anh ngày nay).

Có lẽ cũng như bao người khác, tôi được lớn lên trong lời ru của mẹ bằng những lời dân ca quê nhà ngọt ngào sâu lắng, đúng như thơ của Nguyễn Duy “Mẹ ru cái lẽ ở đời / Sửa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn”. Khi lớn lên được mẹ kể, khi ru ngủ mà không hát các bài dân ca thì cứ khóc réo lên, hễ hát những bài dân ca là ngủ ngon lành. Khi đã lên 5 lên 7 tuổi bắt đầu biết suy nghĩ, được mẹ giảng giải, bày vẽ từng câu, từng chữ, cứ thầm nghĩ không biết những bài dân ca đó có từ bao giờ và ai là tác giả, với lời văn mộc mạc, đơn sơ mà rất tinh túy cứ tự nhiên đi vào tâm thức, vào máu vào thịt nhẹ nhàng mà thấm đậm đạo làm người, mà cốt lõi là tình yêu thương cha mẹ. Đặc biệt là bài Phụ tử tình thâm gần như ai cũng thuộc lòng và được lưu truyền mãi mãi. Đến nay nhiều nơi lấy bài này làm nền cho nhạc đám ma để nhắc nhở và răn dạy con cháu.

Thời ấy chỉ học mỗi ngày một buổi, không học thêm nên thời gian vui chơi, giúp bố mẹ chăn dắt trâu bò cũng nhiều hơn. Cùng với những trò chơi mang tính “thể thao” như thả diều, bắt bướm, trốn tìm, kéo co, đập cù, đánh giặc giả, đá bóng (lấy lá chuối gói lại hay quả bưởi làm bóng), hễ gặp nhau là hát đồng giao và đọc vè, hát Đố. Các trò chơi mang tính thể thao thường bị lệ thuộc vào thời vụ, thời tiết và phải tụ tập đông, còn hát Đồng giao và đọc Vè, hát Đố thì chẳng kể nắng mưa, nóng, lạnh, ban ngày hay buổi tối, kể cả trên đường đến trường, trong các giờ giải lao, hễ gặp nhau 2 bạn trở lên là đua nhau hát. Hát, ví các bài dân ca không chỉ là vui thích của tuổi trẻ mà nó rất có tác dụng bổ trợ cho việc học hành, điều mà bạn nào cũng nhận biết đó là, kích thích tính sáng tạo trong học tập, mạnh dạn trả lời khi thầy, cô giáo hỏi bài và hỏi thầy cô về những điều mình chưa hiểu.

Ở quê tôi Vè Giặm rất phổ biến và thịnh hành. Có thể nói mọi mặt đời sống cộng đồng đều được tổng kết và phản ảnh qua các bài vè. Những bài vè đó, có bài được lưu truyền từ xưa hay du nhập từ các địa phương khác như “Phụ tử tình thâm”, “Tình ca 24 tiết”..., nhưng cũng có rất nhiều bài được sáng tác tại chỗ, phù hợp với lòng người nên được lưu truyền rất rộng rãi. Ngoài lĩnh vực tình yêu và thế sự như các bài “Sầu em một tháng 2 kỳ”, “Xuân bất tái lai”, “Chộ đời mà ngán cho đời”, “Cầm hàng nỏ bán hàng đi”, “dặn con”..., thì lĩnh vực phê phán, lên án những điều ngang trái không hợp đạo lý cũng rất nhiều bài như “Lý trưởng hại dân”, “Biểu tình chống sưu thuế”....Hầu hết các bài đó được truyền tụng bằng “bà ru mẹ,  mẹ ru con”, cứ thế mà lưu truyền đời này sang đời khác, qua đó đã tạo thành ý thức về nhân cách rất sâu sắc trong mỗi người ngay từ thuở nằm nôi.

Nhờ đó mà chúng tôi gần như bạn nào cũng biết, cũng thuộc ít nhiều, hễ gặp nhau là hát, nào là “Công ơn thấy vì nghĩa mẹ / Đừng tiếng tăm nặng lời / Đừng cả tiếng dài hơi / Nói mẹ thầy sao nên / Cãi mẹ thầy sao phải” (Phụ tử tình thâm). Nào là “Con bước chân đến chợ, mẹ dặn chớ lồng loàn / Chuyến đò đầy khoan sang gọi rằng con người lịch” (Dặn con); rồi “...Đêm em nằm, em chộ (chộ = thấy) / Tiết sương giáng lại kề / Trông bạn cũ ta về / Sang lập đông giá rét / Tiết tiểu tuyết, đại tuyết / Trời giá rét lắm thay / Sang đông chí cấy cày / Dạ bồi hồi nhớ bạn / Tiết tiểu hàn chưa dạn/ Đã bước sang đại hàn / Dạ tưởng nhớ người ngoan / Vừa năm cùng tháng tận / Vừa cuối mùa cuối tận” (Tình ca 24 tiết) v.v...và v.v..... Lúc đầu thì ít bạn thuộc cả bài, nhưng cứ bổ sung cho nhau, chắp nối lại dần dần bạn nào cũng thuộc làu làu.

Hát Sắc bùa cũng rất phổ biến, mỗi làng  thường có 2 -3 phường, mỗi phường do một người sáng dạ, thuộc các bài hát Sắc bùa, đồng thời có khả năng sáng tác “biến báo” một số câu chữ cho phù hợp với gia cảnh của từng gia đình. Bọn trẻ con chúng tôi cứ nối dài theo phường Sắc bùa nghe và học theo, sau khi đã thuộc bài, bạn nào có năng khiếu hát hay được “trùm” phường tuyển vào phường hát. Hát Sắc bùa phải tập khá công phu, thường sau khi cày cấy vụ chiêm xong (vào khoảng đầu tháng 12 Âm lịch), các phường bắt đầu tụ tập và nổi cồng, trống tập sắc bùa. Vào dịp Tết, các phường sắc bùa thường bắt đầu từ đêm 30 Tết là  đi hát, cho đến khi nào hết tất cả các hộ trong xóm thì kết thúc. Tùy theo làng nhiều hay ít hộ, nhiều phường hay ít phường hát, bởi đến hát chúc tết mỗi nhà ít nhất mất 30 phút, nhưng cũng có nhà mất đến hơn một tiếng đồng hồ, vì khi thấy hát hay, hợp gia cảnh, họ thưởng và mừng tuổi phường, đồng thời yêu cầu hát đủ các bài từ Chúc mừng tổ tiên, ông bà đến gia cảnh..., nên thông thường thì cũng từ tối 30 cho đến hết ngày mồng 2 tết. Có những lúc phường hát của làng này đi qua chúc tết các gia đình ở làng khác, có khi 2-3 phường hát cùng gặp nhau tại một gia đình nào đó (nếu họ có ý mời), những lúc đó sẽ trở thành một buổi đua tài đầu năm giữa các phường. Thông thường thì phần thắng thuộc về tài sáng tác và biến báo của người đứng đầu, để phù hợp với hoàn cảnh và ý muốn của gia chủ.

Hát Ví cũng là một hình thức khá phổ biến, vì không chỉ dành phần nhiều cho những nhóm con trai, con gái trong làng hát Ví với nhau, hay từng nhóm ở làng này đi hát với từng nhóm ở làng khác, xã khác, mà những lúc đi cấy, đi gặt...hay những khi tụ tập có người khởi xướng lên là mọi người cùng tham gia vào cuộc. Hát Ví được hình tượng hóa, nhân cách hóa mọi phương diện hoạt động của xã hội của cộng đồng của tình yêu. Qua hát Ví, mỗi người như tự nói lên lòng mình, hay nói cách khác là thể hiện ý kiến của mình thông qua câu ví “Đến đây đông thật là đông / Chào bên nam mất lòng bên nữ / Chào quân tử sợ động tiểu nhân / Xin chào chung một tiếng kẻo chào riêng bạn cười”. Hát Ví kích thích tính sáng tạo, nhạy cảm trong đối đáp, gần như các cuộc hát Ví chủ yếu là do mỗi nhóm hay mỗi người tự sáng tác trong khi đối đáp với nhau. Qua đó xuất hiện nhiều sáng tác có giá trị về tình yêu quê hương, đất nước được lưu truyền rộng rãi như “Chử rằng nhân kiệt địa linh / Có Hoành Sơn, Bàn Độ mới dĩnh sinh nhân tài”, “Ông cha gây dựng cơ đồ / Chàng ra tay báo phục thiếp giúp cho trị bình”.... (Địa chí Kỳ Anh).

Ở Kỳ Anh, người hát Ví nổi tiếng và để lại nhiều ký ức nhất là Cô Nhẫn ở Đan Du -Kỳ Thư, không chỉ có tài nhớ các sự tích mà đã nghe và thu nhận được từ các cụ đồ nho, mà còn có tài sáng tác vận vào những trường hợp cụ thể, tên người, tên quê, làm cho nhiều người phải kiêng nể. Có lần Phó bảng Kỷ ví trêu “Nước lên nhân nhẫn bờ rào / Thuyền người sang cả em cầm sào đợi ai” Trong câu ví có tên nhẫn, nên cô Nhẫn liền đáp “Mặc nước lên nhân nhẫn bờ rào / Em đợi người tri kỷ cầm sào cho em sang”. Thời đó bọn trẻ con chúng tôi thường đi theo các nhóm anh chị trai gái trong làng để nghe, và cũng học được nhiều, đặc biệt là những câu ví đối đáp được vận vào để đối đáp với nhau khi có cơ hội.

Nên trò hát Đố là phổ biến và linh hoạt trong lớp tuổi thơ chúng tôi, khi đông thì chia thành nhóm, khi ít chỉ cần 2 bạn gặp nhau là thực hiện được ngay. Lúc đầu thì dùng những câu hát Đố mà học được ở người lớn như:”Lá gì không nhánh, không ngành? / Lá gì chỉ có tay mình trao tay? - Lá thư không nhánh, không ngành / Lá thư chỉ có tay mình trao tay”. Sau đó thì sáng tác ra để đố nhau, có khi có vần điệu, phổ biến là những câu lục bát, nhưng có khi cũng chỉ là ngẫu hứng nghe xuôi xuôi là được “Đố anh chi sắc hơn dao, chi su (sâu) hơn bể (biển), chi cao hơn trời”. Và, “Con chi tám cẳng hai càng / Bò dọc không được, bò ngang thì tài”. Hay có bạn lại học được những câu đố vui “Cái gì hình như cái trống / Thòng lòng hai đầu / Nghệ Tĩnh thì có kinh cầu thì không”. v.v...và v.v....Qua hát Đố đều có thắng thua và đều có thưởng phạt. Thưởng phạt cũng rất đơn giản, nhẹ nhàng, có thể là lời tự thú của bên thua, nếu nặng hơn thì bên thua phải đón một vài lần không để cho trâu bò xuống ruộng lúa nương khoai phá hại của người dân, hay có thể là lời khen, rồi cùng nhau reo hò và đố tiếp, rất hồn nhiên, tự tin và trong sáng.

Và cứ như thế, được tắm mình trong biển rộng của dân ca gần như đầy đủ  các làn điệu và thể loại dân ca quê nhà, do vậy tuổi thơ cũng trôi đi nhanh chóng nhường lại cho lớp đàn em. Còn chúng tôi thì như nhà thơ Huy Cận đã viết “Vậy đó bỗng nhiên mà họ lớn / Tuổi hai mươi đến có ai ngờ /  Một hôm trận gió tình yêu lại / Đứng ngẩn trong hoài áo tiểu thơ”. Và rồi  “Chúng tôi lớn lên mỗi người một ngả / Kẻ sớm hôm chài lưới trên sông  /  Người cuốc cày mưa nắng ngoài đồng / Tôi cầm súng xa nhà đi kháng chiến”. (Con sông quê hương - Tế Hanh). Song tuổi thơ và những năm tháng tiếp theo, dân ca quê nhà đã lắng đọng, sâu thẳm trong trái tim, trong máu thịt của mỗi con người. Nó thực sự là cái nôi của sự phát triển, góp phần hình thành nên nhân cách của mỗi con người, biết làm người, là gợi mở, kích thích trí sáng tạo linh hoạt từ tấm bé, là hành trang cho tuổi trưởng thành bước vào đời và vốn sống phong phú cho cả đời người. Bây giờ ngẫm lại đúng như Nguyễn Duy đã viết trong bài thơ Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa  “Cái cò ... sung chát đào chua .../ Câu ca mẹ hát gió đưa về trời / Ta đi trọn kiếp con người / Cũng không đi hết những lời mẹ ru”.

Những dấu ấn của tuổi thơ, đặc biệt là dân ca quê nhà, mặc dầu bây giờ đều đã vào tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng mỗi lần gặp nhau, những kỷ niệm ấy lại hiện về mồn một và mỗi người tự thấy hình như đang rất mới. Và đều có chung một niềm tự hào về những gì được nuôi dưỡng qua dân ca Nghệ Tĩnh từ thời thơ ấu, đã nâng đỡ bước đường của mỗi người, vượt qua nhiều thử thách gian nan  mà vẫn thấm đậm tình người. Điều hy vọng mà chung mọi người chúng tôi đều rất giống nhau là: Mong sao cho tuổi thơ của mọi thế hệ, mọi thời đại luôn là sự hồn nhiên trong sáng, cùng với tiếp thu chọn lọc những tinh hoa văn hóa của nhân loại mà trước đây chưa có cơ hội, cùng với sự gìn giữ, phát huy những gì là tinh hoa của dân tộc, trong đó dân ca Nghệ Tĩnh mãi mãi tồn tại với thời gian và luôn là cái nôi của sự phát triển về nhân cách và trí tuệ... Phải chăng đó cũng là sự giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mà Đảng ta luôn quan tâm.

Nguyễn Ký