Tục thờ lúa của người Việt trên vùng Đất Tổ

Nghề trồng lúa ở nước ta có từ thời Các Vua Hùng dựng nước Văn Lang, các Lạc dân cấy lúa trên ruộng Lạc điền để làm ra hạt gạo nuôi sống con người.

Theo sách Việt sử lược chép lại thì ngày đó chưa có chữ viết “phong tục thuần hậu, chất phác, chính sự dùng lối “kết nút”. Dân cư sinh sống và phát triển cùng với sự tồn tại của cây lúa nước. Dựa vào đồng ruộng họ định cư thành “làng”; nhiều “làng” thống nhất lại thành “nước”. Nước Văn Lang ra đời, cư dân Văn Lang được quy tụ lại dưới sự thống lĩnh của các Vua Hùng.

Tục thờ hạt lúa thần, gọi vía lúa, rước lúa, cầu mưa, rước nước, tịch điền, hạ điền,... là sự biểu hiện lòng tôn kính “Thần Lúa” của người nông dân.

Người Việt thờ lúa thông qua tâm linh, bằng những biểu hiện văn hóa dưới dạng cụ thể và trừu tượng khác nhau song đó là sự bày tỏ nguyện vọng sâu xa nhằm cầu mong hạnh phúc, no đủ, yên vui, đông đàn dài lũ... Trên vùng đất Tổ Hùng Vương, tục thờ lúa được biểu hiện trong các diễn xướng dân gian khi tổ chức lễ hội làng quê truyền thống.

(Ảnh: TL)

- Thờ hạt lúa thần tại Đền Thượng (Khu Di tích lịch sử Đền Hùng): Tương truyền từ trước Cách mạng tháng 8-1945, tại Đền Thượng vẫn còn thờ hạt lúa thần. Hạt lúa  được làm bằng gỗ đục cả cây, sơn son thiếp vàng, có kích thước rất lớn (to bằng chiếc thuyền 3 cắng mà người dân ở Phú Thọ thường dùng đi thả lưới đánh bắt cá trên các hồ, đầm). Theo truyền ngôn kể lại: hàng năm, các Vua Hùng đều lên Đền Thượng để cầu cúng và gọi vía lúa:

“Hú ông lúa, bà lúa

Cỏ lên, cỏ úa

 Lúa lên, lúa xanh

Tốt hơn xung quanh

Tốt hơn láng giềng

Cao lên bằng cổ

Trổ lên bằng đầu

Bông như đuôi trâu

Bông như đuôi nghé

Bông nào be bé

Cũng bằng đuôi voi

Bông nào loi thoi

Cũng bằng đuôi ngựa

Hạt nào rụng rựa

Cũng bằng bình vôi

Ba con gà lôi

Cũng không lôi nổi...”

Lễ tế “Hạt Lúa Thần” được diễn ra vào ngày mồng 1 tháng Giêng và ngày mồng 10 tháng 10 Âm lịch hàng năm. Lễ vật dâng tế gồm: bánh chưng, bánh dầy, xôi màu, ngũ quả, hương hoa, trầu cau, nước và muối trắng.

Tế “Hạt Lúa Thần” để xin “Thần Lúa” luôn ở lại với con người; không “tức giận bỏ đi” để con người đỡ phải làm lụng vất vả mà vẫn có đủ lúa gạo để duy trì cuộc sống sinh tồn ổn định và phát triển. Trong bài cúng “Hạt Lúa Thần”, ông từ gọi Thần Lúa ban cho mùa màng tốt tươi; gọi ông trời (Kính Thiên) luôn cho mưa thuận gió hòa; cầu Tổ Tiên (các Vua Hùng) phù hộ cho một mùa màng tươi tốt, bội thu.

Tục này được coi là một nét đẹp trong tín ngưỡng của người Việt, góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam.

Thi gói bánh chưng trong Lễ hội Đền Hùng (Ảnh: TL)

- Tục rước Lúa thần ở Tứ Xã: Sáng ngày 12 tháng Giêng năm Âm lịch hàng năm, nghĩa là sau khi Lễ Mật diễn ra lúc nửa đêm ngày 11 tháng Giêng, người xóm Trám (xã Tứ Xã) tổ chức rước Lúa thần. Với ước vọng cầu mong cho mùa màng tốt tươi, người người no đủ; bó lúa rước được gia đình chủ tế chọn lựa phải là những khóm lúa tốt tươi, dài bông, mẩy hột từ đợt thu hoạch vụ mùa năm trước. Cụm lúa được cắm vào bình cùng 1 ngọn mía (tượng trưng cho Lúa thần).

Trước khi rước, “Lúa thần” được đưa vào Miếu Trám, ông từ làm lễ rồi dân làng đặt bình lúa lên kiệu, rước qua những cánh đồng, vòng quanh làng rồi lại đưa trở về thờ tại Miếu.

- Lễ hạ điền: Được tổ chức vào ngày 25 tháng 5 Âm lịch hàng năm tại thôn Cổ Tích, xã Hy Cương. Theo lệ này, trai làng từ 12 đến 19 tuổi đều phải làm lễ mặn hoặc lễ ngọt tế thần Thành hoàng và Vua Tổ Thần Nông (người Việt cổ tôn vinh Vua Hùng là con cháu Thần Nông). Riêng các trai làng mới lớn vừa đủ 12 tuổi phải sắm cả lễ mặn và lễ ngọt để dâng cúng.

Tất cả các lễ vật sau khi được rước ra đình làng (đình Cả) được ông từ và ông “Chúa đồng” rước lên long sàng; thắp hương cúng bái. Các quan viên, bô lão cùng tất cả nam nhi, phụ ấu đứng thành hàng ở phía sau và hai gian bên phải, bên trái cùng nhau lễ vái.

Chúa đồng là nhân vật quan trọng nhất của buổi lễ hạ điền, được dân làng chọn lựa thường là một vị cao niên, đẹp lão, khỏe mạnh, am hiểu đồng đất, thạo nghề nông nghiệp, gia đình có đông con dài lũ, hòa thuận, không có tang gia; chấp hành tốt hương ước của làng... Họ tin rằng với sự “viên mãn” đó, Chúa đồng sẽ hóa thân vào cây lúa, truyền cho lúa sức mạnh sinh sôi, mùa màng bội thu, nhà nhà no đủ.

(Ảnh: TL)

Lễ hạ điền thực chất là lễ trình nghề trồng lúa nước, được thiêng hóa nhằm cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng phát triển, con người khỏe mạnh, giỏi việc nông trang, an khang hạnh phúc. Thông qua lễ hội, tính cộng đồng của dân tộc được phát huy, tạo nền tảng gắn bó, đoàn kết.

- Lễ Tịch điền làng Minh Nông: còn gọi là lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa; được tiến hành vào ngày mồng 6 tháng Giêng năm Âm lịch hàng năm tại cánh đồng làng Lú - xã Minh Nông - thành phố Việt Trì.

Theo tục lệ, giống như lễ hạ điền, dân làng đặt ra các tiêu chuẩn kỹ càng để chọn được người chủ tế đồng thời là chủ đồng điền (chủ ruộng đồng). Đó là một cụ cao niên, đẹp lão, khỏe mạnh, thạo nghề nông tang, gia đình song toàn, hạnh phúc. Dân làng cùng chủ tế đến trước Đàn Tịch điền để tế Thần Nông, cầu mong Thần Nông và Vua Hùng âm phù dương trợ cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, dân khang vật thịnh.

Tế xong thì làm lễ xuống đồng. Ông chủ tế kiêm chủ đồng điền khoác lên mình tấm áo choàng màu vàng hoặc màu đỏ sậm để nhập vai Vua Hùng cùng các quan viên, hội đồng kỳ mục và đông đảo dân làng ra ruộng cấy lúa. “Vua Hùng” lội xuống ruộng, cầm mạ, cấy trước; quan viên và dân làng cấy theo; cho tới khi nao cấy hết 3 bó mạ mới thôi.

Nội dung Lễ tịch điền nhằm diễn lại tích xưa: Vua Hùng dạy dân cấy lúa; đồng thời cũng là sự mong muốn người người thạo việc, nông trang đồng điền; trị thủy sông, trồng lúa nước, đem lại cuộc sống yên bình, hạnh phúc.

(Ảnh: TL)

- Tục thờ bánh chưng, bánh dầy:

Vua Hùng thứ 6 - Hùng Huy Vương dẹp xong giặc Ân xâm lược. Tuổi đã cao muốn nhường ngôi cho con. Vua xuống chiếu: “Mỗi người con hãy sắm một lễ vật quý để dâng Tổ tiên. Lễ vật của người nào có ý nghĩa, tỏ lòng tôn kính, hiếu thảo và gìn giữ được sự nghiệp của ông cha thì Vua sẽ truyền cho ngôi báu”.

Tất thảy cả 20 người con trai; ai cũng đi khắp nơi tìm lễ vật, sơn hào hải vị, của lạ, vật ngon để dâng lên vua cha. Trong số những người con ấy, chàng Lang Liêu khai khẩn đất Hương Trầm (Dữu Lâu - Việt Trì), trồng lúa, nên  nghèo khó hơn, không làm được việc tìm kiếm như những người anh em khác; Do đức tính hiền lành nên chàng được bà Tiên giúp đỡ, mách bảo: “Vật nào nuôi sống con người là vật quý nhất trong trời tròn, đất vuông này”.

Nhờ vậy, Lang Liêu đã tự mình lấy gạo nếp thơm làm ra những chiếc bánh hình vuông, gói bằng lá dong xanh, ở giữa có nhân hành, thịt mỡ, đỗ xanh và những chiếc bánh nặn hình tròn do lấy gạo nếp nấu chín rồi giã mịn.

Khi dâng lên, Vua Hùng khen: “Bánh thì ngon - ý thì hay”... và đặt tên cho loại bánh hình vuông là bánh chưng, bánh hình tròn là bánh dầy; rồi quyết định nhường ngôi cho Lang Liêu.

Từ cổ xưa đến ngày nay, lễ vật thờ cúng Vua Hùng tại các đình đền và lễ vật thờ Tổ tiên, gia tộc trong ngày tết ở mỗi gia đình đều phải có bánh chưng và bánh giầy.

Bánh chưng và bánh dầy đã trở thành hèm tục cầu cúng các Vua Hùng của người Việt ở khắp mọi miền đất nước.

Phạm Nga Việt