Tục múa sư tử ngày xuân của người Nùng Phàn Slình

Nùng Phàn Slình là một nhóm địa phương của dân tộc Nùng, đã di cư vào Việt Nam cách ngày nay gần 300 năm. Nhóm Nùng Phàn Slình có số lượng khá đông, sinh sống tập trung ở các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên… Người Nùng Phàn Slình có đời sống văn hóa vô cùng phong phú và đa dạng, múa sư tử là một chấm nhỏ trong cơ tầng văn hóa đặc sắc ấy.

Múa sư tử ở miếu

Miếu là nơi thờ thần Đất (Thổ công), miếu có từ khi lập bản, miếu thường nằm ở đầu hoặc cuối bản. Múa sư tử ở miếu thể hiện sự tôn thờ thần linh. Ở cửa miếu, động tác múa chậm rãi, sư tử vái lạy hai bát hương ở hai bên cửa miếu như tỏ ý xin phép Thổ công để vào trong miếu chúc mừng năm mới. Trong miếu sư tử vái lạy Thổ công. Cốc bản múa một đường quyền rồi mời rượu, “ka hoòng” và lì xì cho sư tử.

Múa sư tử chúc mừng năm mới

Tết người Nùng Phàn Slình thường mời sư tử đến nhà múa để mong bình an. Ở trước cửa, sư tử sẽ múa những động tác chậm rãi nhằm xin phép chủ nhà và tổ tiên của gia chủ. Sư tử từ từ tiến vào nhà lạy bàn thờ tổ tiên, múa quanh bàn thờ, múa quanh cột nhà, múa khắp nhà, nhằm xua hết tà khí. Chủ nhà lì xì, mời rượu và “ka hoòng” sư tử bằng đường quyền điêu luyện. Tục múa sư tử chúc mừng năm mới thể hiện lòng đoàn kết của đồng bào Nùng Phàn Slình Lạng Sơn. Sư tử đi mọi nhà, không phân biệt giàu nghèo, cao sang hay quyền quý.

Múa sư tử. Ảnh: Lưu Minh Dân

Múa sư tử ở Hội lồng tồng

Múa sư tử trong Hội lồng tồng là nét nổi bật của phong tục Nùng Phàn Slình. Khi mở hội, người ta mời đội múa sư tử bản bên tới múa chung vui, thi tài. Thông thường Hội lồng tồng nào cũng đều có từ vài con sư tử đến múa và giao lưu tranh tài cùng. Một số nơi sư tử nào đến hội trước sẽ được gọi là Sư tử đàn anh và sẽ chủ trì buổi biểu diễn. Ông Lý Văn Ỏn, xã Thạch Đạn, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Người Nùng Phàn Slình rất thích xem múa sư tử, hội nào có múa sư tử người ta đều đến xem rất đông, người ta vừa xem vừa hò reo, tán thưởng”.

Nhảy qua vòng lửa trong múa sư tử. Ảnh: Dương Công Bao

Thứ nhất: Điệu múa chào sư tử bạn: Khi sư tử khách đến, sư tử nhà sẽ ra đón, hai con vờn nhau lúc chồm lên cao lúc lại phục xuống thấp trong tiếng chiêng, trống rợp trời. Sư tử vờn nhau thực chất là họ đang tỉ thí võ thuật, họ vừa múa vừa dùng các thế võ để hạ gục đối thủ. Cho nên khi đón sư tử bạn phải chọn người có võ thuật cao, nếu không sẽ bị đối phương hạ gục. Con sư tử nhà đi thấp bao nhiêu thì sư tử bạn phải đi thấp bấy nhiêu. Sau khi múa xong màn chào nhau và trình thần Thổ công, các con sư tử đi vòng quanh chào khán giả, động tác vừa uyển chuyển vừa nhẹ nhàng.

Múa sư tử ở Tượng đài Lý Thái Tổ. Ảnh: Lý Viết Trường.

Thứ hai: Điệu múa chào thần thánh: Đầu tiên, người múa sư tử phải chào Thần thánh. Điệu múa này bắt buộc đối với hoạt động nhảy múa của sư tử. Khi tiếng chiêng, tiếng trống vang lên, sư tử bắt đầu múa. Tất cả sư tử đồng loạt ngẩng cao đầu, dùng hai tay xoay tròn, đầu lúc nghiêng phải, lúc nghiêng trái, lúc cúi xuống trông rực rỡ rất đẹp màu. Màn chào Thần thánh thường diễn ra khoảng 30 phút.

Thứ ba: Điệu múa vui hội: Các đội múa sư tử bắt đầu thể hiện tài nghệ của mình. Múa sư tử thực chất là múa võ, người múa võ phải thực hiện các bài quyền, các điệu múa được biến thể từ các điệu võ cổ truyền dân tộc. Sư tử - võ thuật, một công thức, một tương quan tỷ lệ thuận. Tiết mục “Ka hòng” được thực hiện bằng bài quyền với mục đích buộc vải hồng vào cằm con sư tử. Tiết mục “Hỏi slử” vừa múa vừa dùng đầu gối đẩy nhau, con nào bị lệch gối bật ra, lùi về sau hay ngã thì sẽ bị thua. Có những cuộc tỷ thí giữa hai con sư tử lên đến 5 hiệp mà không phân chia thắng bại. Do vậy, muốn thắng người múa cần phải giỏi võ, dai sức và khéo lẽo. Sư tử múa khoảng một giờ thì báo đông xuất hiện để múa vui với sư tử. Báo đông thường dùng cành cây để dọa sư tử hoặc đuổi bắt, đè đầu cưỡi cổ và đấm đá sư tử… Sau đó sư tử lại cau có, tức giận tấn công lại báo đông. Những trò diễn của báo đông và sư tử tạo nên một không khí vui tươi và những trận cười sảng khoái cho khán giả. Báo đông diễn được một lúc thì con khỉ (lình) vào góp vui cùng, thông thường mỗi đội có hai con khỉ. Các trò diễn của khỉ đều chịu sự chỉ đạo của báo đông. Báo đông dạy khỉ tập đi thẳng toàn thân, đi nghiêng, đi sang phải, sang trái… khi khỉ đã thuần thực các động tác múa thì báo đông dẫn khỉ đến cùng vui với sư tử. Báo đông với khỉ cùng chọc ghẹo sư tử, đuổi đánh sư tử, ngược lại, sư tử sẽ thực hiện các động tác chồm lên bắt mồi, vồ mồi… nhưng báo đông và khỉ cũng rất nhanh sẽ dùng các miếng võ đánh lại hoặc tránh né. Trong phần này, người múa sư tử cùng người tham gia đóng giả báo đông và khỉ phải có sức khỏe dẻo dai và có võ công để thực hiện những miếng đánh và tránh khi bị tấn công. Chính vì sự vui nhộn và phô trương võ thuật này mà hội múa sư tử thu hút được đông đảo người xem.

Múa võ trong múa sư tử. Ảnh: Lưu Minh Dân.

Thứ tư: Điệu múa sư tử đẻ con: Các con sư tử âu yếm nhau và thực hiện các động tác ân ái tượng trưng, sau đó sẽ có một người cầm đầu sư tử con chui vào đuôi sư tử mẹ. Sư tử mẹ lúc này múa lặc lè, nhẹ nhàng tựa như đang mang thai, sau đó sư tử con được sinh ra. Sư tử con ra đời, sư tử mẹ dạy cho những động tác múa đầu tiên, lúc này sư tử con múa những động tác yếu đuối giống trẻ con tập đi, sư tử mẹ sẽ múa những động tác âu yếm săn sóc, nuôi dưỡng sư tử con. Sau đó hai mẹ con cùng múa nhịp nhàng, uyển chuyển thể hiện sự trưởng thành của sư tử con.

Thứ năm: Điệu múa săn sư tử: Một người cầm đoản đao cùng những người đeo mặt nạ khỉ, báo đông đuổi đánh sư tử. Trong không khí rộn rã, sư tử vừa múa vừa tránh đòn nhanh nhẹn. Sau đó, sư tử bị bắt, thợ săn cùng báo đông và khỉ dùng gậy vắt chéo và lùa sư tử vào chòng. Sau khi sư tử đã kiệt sức, đoàn thợ săn đè đầu sư tử ra rồi chặt cổ sư tử và ăn mừng chiến thắng. Điệu múa sư tử là điệu múa hay nhất, xứng đáng là tinh hoa văn hóa dân gian Nùng Phàn Slình. Điệu múa săn sư tử thể hiện sức mạnh chinh phục tự nhiên của người Nùng Phàn Slình.

Tục múa sư tử là môn thể thao nghệ thuật thể hiện tinh thần võ học, lòng dũng cảm của đồng bào Nùng Phàn Slình. Những người múa sư tử đều biết múa võ, đánh quyền dân tộc. Đồng thời nói lên cuộc sống hòa đồng với thiên nhiên như: Sư tử, đười ươi (báo đông), khỉ (nả lình)... đồng thời điều này cũng nói lên quá trình chinh phục tự nhiên của đồng bào Nùng Phàn Slình.

Khau Deng

Top