Tục kết chạ giữa hai làng Bối Khê và Tiên Lữ

Trong bối cảnh cuộc chiến Trịnh - Nguyễn kéo dài bất phân thắng bại giữa thế kỷ XVII, nhiều quý tộc tìm đến thần quyền đã hưng công của giúp mở nhiều chùa quy mô lớn mà dân thường gọi là “chùa Trăm Gian”, ở vùng Kinh thành. Trong số những ngôi chùa nổi lên, có thể kể đến chùa Trăm gian (Tiên Phương, Chương Mỹ, Hà Nội); chùa Bối Khê (Tam Hưng, Thanh Oai, Hà Nội) cùng nhiều ngôi chùa khác như chùa Thầy (Thạch Thất), chùa So (Quốc Oai)...

Chùa Trăm Gian và Bối Khê đều thờ chung Thánh Nguyễn Bình An - vị Thánh có nhiều phép lạ che chở dân và chống giặc ngoại xâm. Cũng do thờ chung Thánh nên từ xưa, hai làng đã có tục kết chạ duy trì cho tới ngày nay.

Truyền thuyết ở cả hai làng kể rằng, vào cuối thời Trần (thế kỷ XIII), ở vùng Bối Khê có bà mẹ trẻ, do dẫm chân vào vết chân người khổng lồ trên đá mà hoài thai sinh ra một cậu con trai. Cậu bé rất khôi ngô, đĩnh ngộ, thuở nhỏ, do nhà nghèo, cậu bé thường nương náu cửa chùa làng và sau đó  đi tu. Đó là Nhà sư đạo sĩ Nguyễn Bình An. Nhà sư đã có công sửa sang lại chùa Bối Khê. Sau đó, Người lại trụ trì chùa Trăm Gian, cách Bối Khê chừng 20km. Người cho đón thợ khéo về mở rộng cảnh chùa. Trong khi thi công, Người thường đi guốc trèo lên các hoành, nóc nhà xem xét, trông coi thợ. Để nuôi thợ, Người cho nấu một niêu cơm con rồi bước ba bước về quê Bối Khê xin chú thím tương cà. Khi cơm chín, thợ thay nhau vào bắc niêu cơm nhưng không nổi. Người chỉ nhón tay nhắc ra, dỡ được ba nong cơm và một nong cháy, cùng tương cà bày cả trăm mâm cỗ, thợ ăn mãi không hết. Ngày nay, ở Quán Thánh, Lương Xá, Ó Vực vẫn còn dấu vết chân Người, đều được xây bệ và trồng cây cọ đánh dấu, riêng ở Quán Thánh có thêm tảng đá nhô lên là một điểm gắn với hội chùa Trăm Gian.

Chùa Trăm Gian (Quảng Nghiêm Tự), thuộc xã Tiên Lữ xưa (tên Nôm là làng Sở) (Ảnh: TL)

Người vẫn thường đi lại giữa Sở và Bối Khê chỉ bằng vài bước chân, dùng tâm bi mà hóa giáo hai dân. Đến năm 95 tuổi, Nhà sư Nguyễn Bình An cho đóng khám gỗ, đêm 12 rạng ngày 13 tháng Chạp vào khám ngồi và dặn đệ tử bách nhật thì mở ra xem, nếu thấy thơm thì rút mây làm tượng thờ, mà thối thì đổ ra sông Cái. Nhưng nơi tam thất (21 ngày), dân đã hé khám xem. Thấy hào quang và hương thơm bèn kéo nhau lên chùa làm lễ. Hôm ấy là ngày mồng 4 tháng Giêng. Dân Bối Khê nghe tin cũng kéo lên, xin rước thi hài Người về quê Bối Khê, nhưng dân làng Sở không nghe. Cuối cùng, ngày 12 tháng Giêng, dân Bối Khê bèn xin duệ hiệu và rước bát nhang về thờ vọng. Từ đó dẫn đến việc kết chạ giữa hai làng Bối Khê - Tiên Lữ và là thành tố quan trọng của hội chùa Trăm Gian cũng như Bối Khê.

Chùa Trăm Gian (Quảng Nghiêm Tự), thuộc xã Tiên Lữ xưa (tên Nôm là làng Sở) gồm 4 thôn: nội, thượng và Phương Khê (nay thuộc xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ) và thôn Thổ Ngõa (nay thuộc xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai). Vì thế, hội chùa Trăm Gian là của dân (tứ bích), các thôn thay nhau đăng cai chứa dân anh Bối Khê sang dự hội. Chùa ở trên núi đất thấp có đỉnh phẳng, sườn đồi thoai thoải, trồng nhiều thông, có gác chuông, có nhà Giá Ngự và ở chân núi có hồ bán nguyệt, chùa có quy mô lớn theo kiểu “Trăm Gian” bao gồm tòa tiền đường, thượng điện, tả hữu hành lang và hậu đường. Phía sau hậu đường là nhà tổ, nhà khách và các công trình phụ trợ khác. Trong chùa có nhiều vật quý như đôi rồng bậc thềm được tạo vào thời Trần, nhiều viên gạch thời Mạc là những phù điêu trang trí, bệ hoa sen bằng đất nung thời Lê, tượng chân dung Đô đốc Đặng Tiến Đông thời Tây Sơn và một Phật điện gồm nhiều tượng thời Lê và thời Nguyễn. Điện thờ thánh Bối được ngăn riêng với Phật điện ở bên tả tòa thượng điện, bên trong khám thờ là pho tượng thánh bằng mây rút.

Hội chùa Trăm Gian được tổ chức vào ngày 4 tháng Giêng, thường kéo dài đến mồng 6. (Ảnh: TL)

Chùa Bối Khê (Đại Bi Tự) tọa lạc ở ngay đầu làng Bối Khê thuộc xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai. Từ ngoài vào qua một bãi rộng trước cửa chùa, tới một cổng Ngũ Môn xây bằng gạch, vừa là cổng chùa mà cũng là cổng làng. Phía trong cổng là cây cầu vắt ngang con ngòi nhỏ, dấu tích của dòng Đỗ Động giang xưa. Tiếp theo là tam quan kiêm gác chuông. Chùa Bối Khê làm kiểu “nội công ngoại quốc”, phía trước thờ Phật, phía sau thờ Thánh gồm: tiền đường, thượng điện, tả hữu hành lang, ở phía sau là tiền bái và điện thánh tạo nên khuôn viên khép kín. Tòa thượng điện dựng trên nền cao, cột to và thấp, đầu đao góc mái uốn cong các bộ phận kiến trúc gỗ chạm trổ khá công phu mang dấu ấn nghệ thuật điêu khắc trang trí thời Trần. Trong chùa còn giữ được nhiều di vật và đồ thờ quý như bệ đá hoa sen thờ Phật có từ thời Trần, các cây đèn gốm thời Mạc, đôi chậu cây thiêng, hệ thống bia ký, những viên gạch hòm sớ trang trí linh vật thời Mạc và một Phật điện có nhiều tượng thời Lê và thời Nguyễn trong đó pho tượng Quan âm thiên thủ thiên nhãn lớn điển hình của nghệ thuật thế kỷ XVI và một tượng Đức thánh Bối có vai trò cực kỳ quan trọng với dân làng trong các nghi lễ cầu mưa ở chùa.

Ở chùa Trăm Gian và chùa Bối Khê, chùa không chỉ thờ Phật mà Phật giáo đã hòa nhập vào tín ngưỡng địa phương nên còn thờ Thánh Bối. Và hội chùa hai nơi là để tưởng nhớ Đức thánh Bối Nguyễn Bình An. Hội chùa Trăm Gian được tổ chức vào ngày 4 tháng Giêng, thường kéo dài đến mồng 6.

Trong Lễ hội Trăm Gian có rước kiệu thánh, thi cỗ chay và trình rối cạn, ngoài ra còn có các trò vui như đánh cờ người, đấu vật, múa rối nước, đốt pháo bông...

Chùa Bối Khê (Ảnh: TL)

Hội chùa Bối Khê được tổ chức ngày 12 tháng Giêng và kéo dài hết ngày 13. Trong lễ hội có rước lễ và hội thi đốt pháo đầu xuân trong nghi lễ đánh trống thiêng. Ngoài hội, ở chùa Bối Khê còn có những nghi lễ cầu mưa được tổ chức khi trời nắng mãi không mưa - đại hạn.

Sự giao hảo kết chạ giữa hai làng Bối Khê và Tiên Lữ trải qua thời gian vẫn được duy trì cho đến nay. Sáng ngày mồng 4 tháng Giêng, đoàn đại biểu Bối Khê sang dự hội chùa Trăm Gian gồm 8 cụ ông và 8 cụ bà. Đoàn sang, được dân Tiên Lữ gọi là các cụ “sãi quan anh”. Đến hội chùa Bối Khê 12 tháng Giêng, đoàn đại biểu của “tứ bích” sang dự cũng có số người như vậy và cũng được gọi là “sãi quan anh”, để đón tiếp dân anh làng Tiên Lữ bình chọn trong “tứ bích” mỗi thôn 2 người: phải là người cao tuổi, có uy tín trong dân, đạo cao đức trọng, đủ tư cách để tiếp các cụ sãi quan anh. Khi tiếp chuyện phải nói năng từ tốn, lễ độ, nhún nhường hàn huyên thân tình sau một năm xa cách. Việc đón tiếp dân anh gọi là chứa sãi. Chi phí chứa sãi được lấy từ 7 sào ruộng do làng cấp để tổ chức 2 bữa cơm (trưa ngày mồng 4, sáng ngày mồng 5) và một bữa nước (tối ngày mồng 4). Cỗ chứa sãi rất to, bày trên mâm vuông, hai tầng với đầy đủ các món chay như giò, nem, chả, xôi, chè... trưa ngày mồng 5 dân anh Bối Khê lại nhà.

Đến sáng 12 tháng Giêng “tứ bích” lại cử đoàn sang dự hội chùa Bối Khê. Đáp lại dân anh Bối Khê mang pháo sang lễ thánh và tặng lan cảnh, các cụ Tiên Lữ lại mang những cây thông giống sang làm quà. Để đón tiếp các cụ sãi quan anh Tiên Lữ, dân Bối Khê cũng chọn đủ 8 người với tiêu chí tương tự như tứ bích. Chi phí chứa sãi ở Bối Khê cũng do dân làng lo đủ để tổ chức 3 bữa cơm nước tương tự. Trưa ngày 13 tháng Giêng, dân anh trở về thì hội Bối Khê cũng đi vào hồi kết.

Hội chùa Bối Khê được tổ chức ngày 12 tháng Giêng và kéo dài hết ngày 13. (Ảnh: TL)

Tục kết chạ giữa hai làng Bối Khê - Tiên Lữ biểu hiện cho tinh thần đoàn kết tôn trọng tình làng nghĩa xóm. Vào ngày hội làng hay các ngày tết, tuần tiết khác và đặc biệt ngày Phật đản 15 tháng 4, dân làng cùng du khách thập phương lại tới chùa thắp nén hương tỏ lòng thành kính với chư vị Phật tổ bảo trợ cho cuộc sống tinh thần của dân làng; cũng là dịp để dân làng gặp gỡ, cùng nhau giữ gìn thuần phong mỹ tục ở địa phương, góp phần xây dựng cuộc sống yên bình hạnh phúc. Với những giá trị vật chất và tinh thần được khẳng định ở trên, Bộ Văn hóa – Thông tin, (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã ra Quyết định số 313/QĐ ngày 23 tháng 4 năm 1962 và số 54 VHTT/QĐ ngày 29 tháng 10 năm 1979 xếp hạng chùa Trăm Gian và chùa Bối Khê.

Đào Thị Vinh

Top