Tục đặt tên và đặt lại tên đệm của người Mông

Đồng bào dân tộc Mông có nhiều nghi lễ độc đáo, trong đó nghi lễ đặt tên và đặt lại tên đệm mang ý nghĩa vô cùng quan trọng, nó chứng tỏ sự tồn tại của thành viên mới trong gia đình và đánh dấu mốc trưởng thành của con người.

Mông là một trong những dân tộc thiểu số có dân số đông nhất ở Việt Nam, tập trung ở miền núi vùng cao thuộc các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Cao Bằng, Nghệ An và các tỉnh Tây Nguyên. Từ khi sinh ra đến khi nhắm mắt trở về với tổ tiên, người Mông trải qua rất nhiều nghi lễ  trong đó đặt tên là nghi lễ đầu tiên của một đời người. Nghi thức này được thực hiện khá đơn giản gồm hai phần là gọi hồn và nhận tên.

Khi đã chọn được ngày, giờ và mời những thành viên có liên quan trong gia đình, dòng họ đến đông đủ, lễ đặt tên của dân tộc Mông mới chính thức được tổ chức tại gia đình nơi có đứa trẻ ra đời. Chủ lễ có thể là người trong dòng họ hay chính là ông nội của đứa trẻ được đặt tên. Từ sáng sớm tinh mơ, lễ đặt tên đã được bắt đầu với việc cúng trình báo các ma nhà. Ông Lùng – chủ lễ lấy gà sống và quả trứng sống đặt trên bát gạo rồi đốt 2 nén hương đặt lên trên để trước cửa chính. Tay ông Lùng cầm 2 mảnh sừng trâu, vừa khấn vừa nhìn ra cửa. Trong bài cúng, ông trình báo cho ma cột chính và các ma nhà (ông bà, tổ tiên) thông báo gia đình đã có một đứa trẻ mới ra đời cầu các ma cho nó được mạnh khỏe, lớn khôn.

Trong nghi lễ đặt tên, nghi thức quan trọng nhất là việc chọn và đặt tên chính thức cho trẻ. Tên của đứa trẻ được tất cả mọi người bàn bạc, thảo luận và chủ lễ là người quyết định. Khi khấn báo ma nhà xong, gà sống được đem làm chín rồi chủ lễ tiếp tục khấn gọi hồn đứa trẻ về. Theo ông Lùng, đối với người Mông, khi đứa trẻ mới sinh ra hồn của nó còn đi lang thang khắp nơi nên phải làm cái lễ này để gọi hồn về. Gọi hồn của đứa trẻ về xong, ông Lùng lấy 4 nén hương cắm ngay vào chân giường, nơi đứa trẻ nằm, với ý nguyện sau này đứa trẻ sẽ lớn khôn với đức tính cần cù, chịu khó.

Ảnh: internet

Trong khi chủ lễ thực hiện các nghi thức đặt tên thì mọi người mổ gà, chuẩn bị rượu, thịt, bàn ghế, quét dọn nhà cửa để cúng tổ tiên… Khi công việc chuẩn bị đã xong, anh em, gia đình dòng họ cùng quây quần quanh gian chính ngôi nhà. Nghi lễ cúng kết thúc cũng là lúc anh em họ hàng và mọi người đến tặng cho trẻ trứng gà, đôi gà trống mái, bao gạo ngon, ít tiền cùng lời chúc trẻ sẽ khôn lớn, biết làm ruộng nương, giỏi đi rừng.

Theo truyền thống của người Mông, đàn ông sinh ra đều có tên đệm phổ biến là A (Giàng A Tu, Giàng A Páo) giống như đệm chữ Văn của một số dân tộc khác. Tuy nhiên, từ khi đến tuổi trưởng thành cho đến lúc trung niên, họ phải làm lễ đổi lại tên đệm để khẳng định mình đã là người đàn ông có sự ổn định cuộc sống gia thất, có vai vế bề trên, được tôn trọng trong cộng đồng. Cách thức làm thủ tục đổi tên cũng khá phức tạp.

Sau khi lấy vợ sinh con, người đàn ông nếu thấy mình cần được đặt lại tên đệm thì chuẩn bị hai vuông vải đỏ có thêu hoa văn đem tặng cho cha mẹ vợ. Hai vuông vải này để khi cha mẹ vợ qua đời sẽ được đắp lên người hoặc phủ lên mặt đồng thời cũng được cha mẹ vợ hiểu đây vừa là sự thể hiện lòng hiếu kính của con gái, con rể nhưng cũng là dịp con rể bày tỏ mong muốn cha mẹ vợ đặt lại tên đệm cho mình. Sau khi nhận hai vuông vải đỏ, cha mẹ vợ phải biếu lại con rể một đùi lợn. 

Ảnh: internet

Việc đặt tên lại cho con rể không phụ thuộc vào thời gian nhanh, chậm bởi sau khi nhận hai vuông vải, có người được đặt ngay nhưng cũng có người phải vài năm hoặc cả chục năm, đến khi nào thấy cha mẹ vợ mang đến một vài miếng vải đỏ nho nhỏ cũng thêu hoa văn để cho con rể, con gái khâu vào áo các con của mình với ý nghĩa cầu mong cho chúng luôn khỏe mạnh thì đấy cũng là lúc cha mẹ vợ đã sẵn sàng đặt lại tên đệm cho con rể. Nghi lễ đặt tên đệm phải chờ đợi lâu là do cha mẹ vợ còn phải xem chàng rể của mình có chịu khó làm ăn, lo toan tốt cho cuộc sống gia đình hay nói một cách khác là đã trở thành một người chững chạc hay chưa.

Nghi thức đặt lại tên đệm khá đơn giản và thường được kết hợp vào ngày Tết. Gia đình nhà con rể mổ lợn cúng ma nhà (tổ tiên) và báo cáo đổi tên đệm mới. Bố mẹ vợ sẽ công bố trước mọi người việc đổi tên đệm cho con rể và tên đệm có ý nghĩa gì. Ví dụ, khi chưa đổi tên đệm, nếu con rể có tên Giàng A Hành thì cái tên này không có nhiều ý nghĩa lắm. Đến khi cha mẹ vợ đặt cho tên đệm là Giàng Nỏ Hành thì hai chữ Nỏ Hành lại mang ý nghĩa là “phát triển” hoặc “thành đạt”... 

Sau khi được đặt tên, họ hàng và dân bản cùng vui vẻ chúc rượu người mới được đặt lại tên đệm và từ nay sẽ gọi họ với cái tên đầy đủ hơn bằng cả sự kính trọng. Tên đệm cũng khiến bà con trong một bản, trong xã dễ giao tiếp với nhau hơn.

Lễ đặt tên mới là nghi thức vòng đời bắt buộc của đàn ông dân tộc Mông, khẳng định người đó đã có cuộc sống riêng và đã trưởng thành, biết lo toan cuộc sống, vun vén hạnh phúc gia đình. 

Lễ đặt tên và Lễ đặt lại tên đệm là một trong những nét độc đáo trong kho tàng văn hóa truyền thống của dân tộc Mông, nó mang ý nghĩa nhân văn cao cả và là nét văn hóa truyền thống độc đáo cần được lưu giữ và phát triển.

Trần Hoàng

Top