Tục Báo bản
Ở đó kết tinh những giá trị tinh thần cao quý của cư dân vùng đất này, đó là tính thân thiện, lòng nhân ái, tình yêu thương đùm bọc nhau qua mỗi bước thăng trầm của lịch sử. Trên hết là niềm tự hào về quê hương giàu tính nhân văn, giàu lòng yêu nước đang được phát huy cho đến tận ngày nay.
Nộn Khê hình thành làng từ thời Lê - Hồng Đức, cách đây đã hơn 500 năm. Làng có 8 họ chính: Bùi, Đinh, Phạm, Cao, Mai, Lê, Trần, Nguyễn. Quá trình xây dựng và phát triển, 8 họ chính trên đã mở ra nhiều chi, họ. Hội báo bản có nghĩa là hội báo đáp lại nguồn gốc, công ơn của tiền nhân theo ý nghĩa: “Uống nước nhớ nguồn”.
Theo các cụ cao niên trong làng, tục lệ Báo Bản hình thành từ lâu và được phát huy cho đến ngày nay, mà trong thời đổi mới này tục lệ đẹp càng thêm phong phú, đa dạng. Báo là báo công, báo những việc đã làm trong năm qua, bản là gốc. Vậy Báo Bản là tổ chức một cuộc lễ hội để nhớ về nguồn gốc, nhớ về tổ tiên, những người đã có công lao xây dựng làng xóm ngày nay và sự đóng góp của lớp con cháu sau này.
Các vị cao niên trong làng làm lễ. (Ảnh:thoibaovietlangnghe.com.vn)
Ngày Báo Bản là ngày hội tụ của con cháu, của tất cả các dòng họ đang công tác, học tập, lao động từ "bốn phương" về. Nhiều người từ phía Nam, đông nhất là ở TP.Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh ở phía Bắc, đến ngày Báo Bản là rủ nhau về quê dự lễ hội.
Vào trung tuần tháng Giêng Âm lịch, sau Tết, không khí mùa xuân còn đậm nét, người dân Nộn Khê lại háo hức tổ chức lễ hội. Đầu tiên là lễ rước kiệu, những cỗ Bát cống, Long đình được đặt trên vai các công dân trẻ của làng, trong tiếng trống cái và điệu nhạc du dương của phường bát âm, kiệu được rước quanh làng rồi trở về đình.
Một cụ già có uy tín, mũ áo chỉnh tề, hướng lên nơi thờ tổ tiên, trong ánh sáng của các cây nến và hương thơm của những cây nhang trầm, trịnh trọng, dõng dạc đọc bài văn tế. Bài văn tế được soạn công phu, nói về công ơn của tổ tiên và việc xây dựng làm xóm trong thời đại mới, những tiến bộ, những thành tích của dân làng, những nét đẹp trong tình làng nghĩa xóm, trong việc sản xuất và học hành và xin hứa với người xưa là luôn vun đắp cho cái gốc được muôn đời bền vững.
Sau đó là màn rước kiệu quanh làng. (Ảnh:thoibaovietlangnghe.com.vn)
Dân làng không chỉ dâng hương tưởng nhớ các bậc tiên hiền, khai hoang lập ấp, mà còn dâng hương tưởng nhớ, biết ơn các liệt sĩ con em của làng đã hy sinh anh dũng trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Sau lễ tế là một chương trình gặp mặt đồng hương đầy ý nghĩa của con em trong làng tại nhà văn hóa. Đây là dịp cán bộ và nhân dân trong làng thông báo cho con em quê hương đang công tác tại các miền đất nước tình hình phát triển kinh tế - xã hội của quê hương, đồng thời tổ chức lễ tuyên dương các cháu có thành tích học tập xuất sắc trong năm qua.
Lễ hội Báo Bản Nộn Khê còn gắn kết nét sinh hoạt văn hoá hết sức độc đáo, đây là dịp trình diễn các tiết mục thơ ca do chính những người dân trong làng sáng tác. Những con em quê hương đi xa không về được, có thể gửi thơ về và cũng được ban tổ chức bố trí người ngâm hoặc chuyển thể thành các làn điệu dân ca để hát. Đêm thơ, nhạc này thường được tổ chức vào đêm ngày 13 tháng giêng gọi là “Dạ hội văn nghệ” cùng các hoạt động sôi động như đánh cờ, cầu lông, chọi gà… và những hoạt động thể dục, thể thao khác thu hút đông đảo người tham gia.
Bánh lùng là món ăn đặc trưng cho lễ hội. (Ảnh:thoibaovietlangnghe.com.vn)
Một nét đặc sắc mà Lễ hội Báo Bản ở Nộn Khê còn giữ được đó là hai phiên chợ đêm vào tối ngày 12 và 13 tháng Giêng thu hút hàng nghìn người về dự với nhiều món ăn dân dã mang đậm hương vị quê hương như : bánh đúc, bánh gai, bánh quấn, bún riêu, bún ốc... Lễ hội Báo Bản được tiến hành vừa nghiêm cẩn, linh thiêng, vừa rộn ràng, ấm áp. Sau những ngày lễ hội, người dân Nộn Khê lại phấn chấn bước vào một mùa làm ăn mới với niềm mong ước “nhân khang vật thịnh” hơn năm trước.
Thu Hiền (sưu tầm)