Từ Văn Miếu Quốc Tử Giám đến Văn miếu Trấn Biên
Thời Lý là thời kỳ hưng thịnh của Phật giáo, tuy nhiên tư tưởng Phật giáo, triết lý nhà Phật không thể đáp ứng được trong việc tổ chức xã hội, hình thành bộ máy quản lý nhà nước phong kiến để củng cố quyền lực, cai trị muôn dân. Trong tình hình đó, tư tưởng Nho giáo về thiên mệnh, về tu tề trị bình với mô hình vương triều phong kiến phương Bắc tỏ ra có kết quả.
Nhận thức được vấn đề đó, cộng với việc dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống hiếu học, chỉ 60 năm sau khi định đô nước Đại Việt ở Thăng Long (1010), Vua Lý Thái Tổ đã cho xây dựng Văn miếu Quốc Tử Giám Hà Nội (1070) – trường đại học đầu tiên của nước Đại Việt còn non trẻ, nhằm đào tạo đội ngũ trí thức để đảm đương trách nhiệm trị nước, nói một cách rộng hơn, Nho giáo cần được khẳng định như một tư tưởng chính thống để duy trì chế độ cho đất nước.
Văn Miếu Quốc Tử Giám. Ảnh: internet
Từ khoa thi đầu tiên (1075) đến khoa thi cuối cùng (1919), chế độ khoa mục thời phong kiến đã tổ chức trên 180 khoa thi với trên 2.900 vị đổ các kỳ thi ở cấp Trung ương – những người rất tường về tứ thư, ngũ kinh, am hiểu Nho học để có thể ra làm quan, làm thầy phụng sự cho xã hội. Nhưng mãi đến thời Hậu Lê, Triều đình phong kiến mới quyết định cho lập Bia ở Văn Miếu Quốc Tử Giám sau mỗi khoa thi. Bia đầu tiên được dựng vào năm 1442 thời Lê Thánh Tôn do Đại học sĩ Thân Nhân Trung soạn khẳng định: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí vững thì thế nước mạnh và hưng thịnh, nguyên khí suy thì nước yếu mà thấp hèn, cho nên các đấng đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần kíp”. Đến nay, tại Văn miếu Quốc Tử Giám hiện còn 82 Bia Tiến sĩ. Đó là những di sản văn hóa của dân tộc, thể hiện tiến trình phát triển của nền khoa mục thời phong kiến, mỗi văn bia là một áng văn chương thể hiện công đức các triều vua, mục đích ý nghĩa của mỗi khoa thi, khẳng định vị trí của nền giáo dục trong việc xây dựng phát triển đất nước, tôn vinh bậc hiền tài, đồng thời răn đe những kẻ mưu đồ việc học để chỉ “vinh thân phì gia”. Bia dựng năm 1463 ghi: “Nếu kẻ nào nhờ việc thi đỗ để làm cái cầu ấm no, mượn con đường ấy để làm lối tắt ra làm quan, chỉ biết mưu cho thân, không nghĩ đến việc nước, thì người ta sẽ chỉ tận tên mà nói: Kẻ này gian, kẻ này nịnh, kẻ này đặt việc nhà lên trên việc nước, làm gầy người béo mình, kẻ này hãm hại người thiện, bè đảng với lũ gian, nhơ nhuốc cho khoa mục”.
Văn miếu Trấn Biên. Ảnh: internet
Tiếp nối truyền thống hiểu học của dân tộc, năm 1715 Chúa Nguyễn Phúc Chu trong quá trình mở đất phương Nam đã cho xây dựng Văn miếu Trấn Biên – Văn miếu đầu tiên ở đất Nam Bộ. Văn miếu Trấn Biên được xây dựng trong bối cảnh chế độ phong kiến Việt Nam đã qua thời kỳ cực thịnh chuyển sang suy thoái, lạc hậu. Hai tập đoàn phong kiến Trịnh (ở phía Bắc) – Nguyễn (ở phía Nam) đang ra sức tập hợp lực lượng để tranh giành quyền lực. Nhà Nguyễn ở đàng Trong đang cố sức xây dựng vương triều riêng của mình, mặc dù bên ngoài vẫn tỏ ra tuân phục Triều đình Lê. Việc xây dựng Văn miếu Trấn Biên của nhà Nguyễn chắc hẳn không tách rời với ý đồ chính trị nói trên.
Văn miếu Trấn Biên là sự nối tiếp của Văn miếu Quốc Tử Giám, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc hình thành nền quốc học ở vùng đất mới (dĩ nhiên người dạy và người học đều theo tư tưởng Nho giáo và Nho học phương Đông), thường được nhân dân địa phương gọi một cách trân trọng là Văn thánh miếu, thể hiện lòng thành và sự ngưỡng mộ của người phương Nam với sự nghiệp vun trồng người; thể hiện tinh thần trọng học của nhân dân vùng đất mới.
Theo thư tịch cũ: Văn miếu chỉ cách tỉnh thành Trấn Biên hai dặm về phía Tây Bắc. Phía Nam, miếu ngó ra sông Phước Long (tức sông Đồng Nai); phía Bắc dựa núi Long Sơn, là đệ nhất danh thắng của đất Trấn Biên lúc bấy giờ. Sử cũ cũng cho biết, Văn miếu Trấn Biên đã hai lần được trùng tu vào năm 1794 và năm 1852, hình thành những công trình tinh xảo.
Trần Quang Toại