Từ ngôi Miếu "Trảo Trảo" nghĩ về chính sách thu phục nhân tâm của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng ở vùng đất Thuận Hóa thế kỷ XVI

Thế kỷ XVI - thế kỷ đánh dấu sự kiện xây dựng vương quyền của nhà Nguyễn trên vùng đất Thuận Hóa, từ đó, vùng đất này từng bước ổn định và không ngừng phát triển. Tuy nhiên, để có được những thành công đó thì các chúa Nguyễn, đặc biệt là chúa Tiên Nguyễn Hoàng phải trải qua một quá trình đấu tranh anh dũng, kiên cường với quân của Nhà Mạc, quân của Triều đình Lê - Trịnh và phải đương đầu, vật lộn với bao khó khăn thách thức trên vùng đất mới - nơi được coi là vùng đất “Ô Châu ác địa”, biên viễn, phên dậu xa xôi… Trong quá trình đấu tranh với các thế lực thù địch, chinh phục tự nhiên để từng bước ổn định dân tình, xây dựng vương quyền trên vùng đất mới ấy, bên cạnh việc sử dụng vũ lực thì Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã dùng một phương sách, một chiến lược an dân, thu phục nhân tâm, đặt nền tảng cho việc xác lập một ý thức hệ trên vùng đất mới. Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi thử phân tích sự hình thành và tồn tại của miếu Trảo Trảo trên đất Quảng Trị ở thế kỷ XVI.

Miếu “Trảo Trảo phu nhân” nằm trên một bãi cát ven sông Thạch Hãn về phía Tây, thuộc địa phận của làng Ái Tử, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong; cách Quốc lộ 1A gần 1km về phía Đông. Địa điểm này nằm cách không bao xa khu vực Dinh Ái Tử của Chúa Nguyễn Hoàng. Miếu thờ một vị nữ thần gọi là Trảo Trảo Linh Thu Phổ Trạch tướng Hựu phu nhân.

Năm 1558, để tránh khỏi lưỡi gươm oan nghiệt của người anh rể Trịnh Kiểm, Nguyễn Hoàng đã xin vào trấn thủ vùng Thuận Hoá mang theo câu tham vấn của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân” trong ý đồ phân lập và cát cứ của mình. Khi đến tại vùng đất mới, Chúa Nguyễn Hoàng đã đóng Dinh ở Ái Tử. Sự kiện đáng chú ý là ngay từ buổi đầu đến đất Ái Tử mưu nghiệp lớn của Nguyễn Hoàng, đã và càng được thiêng hóa bằng câu nói những tưởng đơn giản của ông cậu - vị quân sư đầy tài ba là Thái phó Nguyễn Ư Dĩ/Kỷ, “ấy là điềm trời cho nước ấy”, khi các cụ bô lão làng Ái Tử dâng lên vị trấn thủ bảy vò nước, như một lời tiên tri đồng thời cũng chính là sự gởi trao niềm tin, hy vọng về một xu thế mới của người dân; để rồi, đến năm 1570 chúa kiêm quản luôn xứ Quảng Nam.

 Từ một vùng “ác địa” dần dần trở thành vùng đất đứng chân của họ Nguyễn với những bước đi chắc chắn nhờ vào tài năng của một nhà chính trị, quân sự lỗi lạc Nguyễn Hoàng. Sử cũ chép: Trong thời gian đóng thủ phủ ở Quảng Trị, Chúa Tiên với chính sách cai trị khoan hòa “việc gì cũng thường làm ơn cho dân, dùng phép công bằng để răn giữ bản bộ, cấm đoán kẻ hung dữ. Quân dân hai xứ thân yêu, tín phục, cảm nhân mến đức, dời đổi phong tục, chợ không bán hai giá, người không ai trộm cướp, cửa ngoài không phải đóng, thuyền buôn ngoại quốc đều đến mua bán, đổi chác phải giá, quân lệnh nghiêm trang, ai cũng cố gắng, trong cõi đều an cư lạc nghiệp” .

Trong bối cảnh ly loạn và phức tạp của thành phần cư dân trên vùng đất mới, vấn đề cấp thiết lúc này là phải thiết lập một trật tự xã hội, ổn định và gắn kết nhân tâm, tạo sức mạnh cộng đồng để định hình nên những nét riêng, dần dần thoát khỏi vòng kềm tỏa, ảnh hưởng của Triều đình Lê - Trịnh. Do đó, tín ngưỡng dân gian là một biện pháp hữu hiệu, như một minh chứng đầy sức thuyết phục cho chiến lược thu phục nhân tâm đầy tài năng của chính trị gia lỗi lạc Nguyễn Hoàng.

Kế tiếp, năm 1572, quân đội Nhà Mạc do một dũng tướng là Lập Bạo dẫn đầu đã tiến đánh doanh trại của Chúa Nguyễn. Hai bên đánh nhau nhiều ngày mà không phân thắng bại. Một đêm Chúa Nguyễn Hoàng được thần sông Trảo Trảo báo mộng hãy dùng kế “mỹ nhân”  nhờ thế mà quân của Chúa Nguyễn đã giành được thắng lợi. Và sau khi phá tan giặc, nhà Chúa liền phong cho thần sông làm Trảo Trảo Linh Thu Phổ Tế Tướng Hựu phu nhân, và cho lập miếu thờ.

Có thể, từ một sự kiện trong thực tế lịch sử, nhưng qua lăng kính huyền tích, thì tất cả như đã biến đổi hoàn toàn, không còn là một sự kiện lịch sử đơn thuần. Phải chăng là có chủ ý? Bởi nếu quả thật như vậy thì không những củng cố được uy danh của mình mà Chúa Tiên còn thu phục được nhân tâm một cách mạnh mẽ, đầy sức thuyết phục.

Nhìn nhận sự kiện này xa hơn trong diễn trình lịch sử và bối cảnh xã hội đương thời, có thể nhận thấy đây là một phương sách an dân hữu hiệu, phù hợp với tín ngưỡng cũng như tâm lý chung của người dân. Trước hết, tính chất chiến cuộc đã được phân định rạch ròi: Mạc là phi nghĩa, soán nghịch, tất thất bại! Việc thần sông trợ giúp Chúa Tiên phá giặc là ủng hộ cho chân Chúa và chính nghĩa, có nghĩa là hợp lẽ thần, lại thuận lẽ đời. Người Việt định cư trên Ô Châu ác địa phải vật lộn với thiên nhiên khắc nghiệt, đối diện với bao điều bất trắc, ngay cả chính mình. Tâm lý bất an đó, là căn nguyên khiến cho họ dễ dàng tiếp nhận thờ phụng những vị thần bản địa, dù buổi đầu còn quá xa lạ ngõ hầu tìm được sự bình yên trên vùng đất mới. Tuy nhiên, trong ý thức của người cai trị cũng như dân chúng, ít nhiều vẫn có tinh thần phản vệ trước tín ngưỡng bản địa mà họ chưa thể bứt phá ra khỏi sự chi phối ảnh hưởng. Trong bối cảnh đó, sự xuất hiện của một vị thần Việt được Chúa Nguyễn chính thức thừa nhận mang nhiều dấu ấn bản lề. Trên nền tảng tín ngưỡng đa thần, bị chi phối mạnh mẽ của thế giới thần linh, người Việt dễ dàng tiếp nhận một vị thần mới có nguồn gốc hoàn toàn Việt phù hợp với đời sống tín ngưỡng của mình. Chúa Tiên phong cho thần sông là “Trảo Trảo Linh Thu Phổ Trạch Tướng Hựu phu nhân”, cho lập miếu thờ bên sông Ái Tử, không chỉ khẳng định thần linh phù trợ cho người Việt trên vùng đất mới, mà còn là một linh bảo chứng thừa nhận của thần linh cho người Việt, về cương thổ cũng như nhân tâm: chủ nhân chính thức của vùng đất, mà Nguyễn Hoàng là người có đủ đức độ (và đương nhiên cả tài năng) xứng đáng nhận được ân huệ đó. Trên thực tế, có thể nhận thấy rằng điều đó, trước hết, kịp thời trấn an quân tình trong bối cảnh Chúa chưa thực sự thoát hiểm, và ươm mầm trong nhân tâm một niềm tin, sự an ủi lớn, xoá dần những ám ảnh về những vị thần bản địa đầy quyền năng; thiết lập một vị thần mới, tạo gốc rễ bền chặt trên đất Ô Châu. Chúa Tiên phần nào làm yên lòng quan - quân - dân, những tân dân chưa đầy một thế hệ, nên đầy khắc khoải nỗi niềm cố hương, kể cả tâm lý hoài Lê. Không phải ngẫu nhiên, Chúa Tiên đã tạo dựng được niềm tin về một tương lai của vùng đất mới.

Dù với một huyền tích, nhưng sự ra đời của miếu Trảo Trảo phu nhân đã giúp Chúa Tiên Nguyễn Hoàng từng bước bình ổn được nhân tâm cho quân dân vùng Thuận Hóa lúc bấy giờ, việc kết hợp giữa “vương quyền”  và “thần quyền” đã được Nguyễn Hoàng vận dụng một cách tài tình trên vùng đất mới. Và miếu Trảo Trảo phu nhân vẫn tồn tại trong tâm thức của mỗi người dân Quảng Trị như là một địa điểm linh thiêng - một nhân chứng của lịch sử.

Hoàng Ngọc Thiệp

Top