1. Từ trình tự nghiên cứu, chúng ta trước hết cần xác định nghiên cứu khách thể rồi mới tiếp tục đi sâu nghiên cứu nội dung và hình thức, tức là khảo sát đối tượng Hội Gióng từ góc độ lí luận quan niệm về “Di sản văn hóa”. Từ góc độ này cho phép chúng ta dễ dàng phát hiện ra những giá trị của Hội Gióng.
Nghiên cứu Hội Gióng từ góc độ khách thể không chỉ là miêu tả sự kiện, nhân vật mà quan trọng là giải thích và lí giải những yếu tố của Hội. Ở đây có mối quan hệ tương hỗ giữa các chủ thể di sản văn hóa và Hội Gióng. Bên cạnh đó, thông qua việc khảo sát Hội Gióng, làm cho ta có thể nhận thức sâu hơn về lí luận di sản văn hóa, từ đó mới có hướng triển khai cấu trúc nghiên cứu. Mặt khác, dù lí luận hay như thế nào cũng cần thông qua kiểm nghiệm từ thực tiễn sống động và phong phú; tức là nhà nghiên cứu sẽ có được những nhận thức mới sau khi đi sâu vào thực tiễn bằng điền dã, từ đó vận dụng lí luận vào khảo sát Hội Gióng, cũng vì vậy mà nhận thức sẽ được cấu trúc lại với lí luận mới cao hơn. Như vậy, nhận thức về di sản văn hóa cùng tiến thêm được một bước.
2. Trước hết là khảo sát Hội Gióng từ thuộc tính thời gian của di sản văn hóa.
Di sản văn hóa là một loại di sản của quá khứ, nhưng trước hết nó có tính hiện tại. Cái gọi là “di sản” chính là một tồn tại nào đó từ trong quá khứ được chuyển di tới hôm nay. Vì vậy, giá trị của di sản văn hóa sẽ không chỉ là giá trị lịch sử, mà quan trọng là giá trị hiện tại của nó. Nhận thức được thuộc tính thời gian của di sản văn hóa còn có thể đem lại cho chúng ta những hiểu biết mới về nó.
Những nhận thức mới này sẽ chỉ cho chúng ta thấy kết cấu thời gian liên tục của di sản văn hóa. Mặc dù chúng ta có thể cường điệu những nhận thức về giá trị thực tại của di sản văn hóa, song về cơ bản chủ yếu vẫn xuất phát từ nhu cầu, lập trường, quan niệm của con người hiện tại để xác định loại nội hàm văn hóa và đối tượng cần được bảo hộ hôm nay.
Lễ hội Đền Gióng (Ảnh: TL)
Trong quá trình khảo sát Hội Gióng, sự thực là chúng ta xuất phát từ hiện tại, mở rộng khung thời gian về quá khứ và cả về tương lai. Cái gọi là “hiện tại” lại trở thành hiện tại của “chủ thể”, vì vậy, từ một truyền thuyết về cậu bé Gióng sinh ra ba năm không nói, khi có giặc Ân xâm lược, câu nói đầu tiên của cậu là đòi được đánh giặc. Nhờ sự chăm sóc của nhân dân, cậu vươn vai thành chàng trai khỏe mạnh cùng nhân dân lên đường giết giặc. Sau khi đánh tan giặc, cậu lên đỉnh núi Sóc cởi bỏ áo giáp cưỡi ngựa bay về trời. Vì sao một sự kiện và nhân vật huyền thoại như Gióng vẫn được bảo tồn cho tới nay? Điều này là do chúng ta từ điểm xuất phát “hiện tại” hướng về “quá khứ” theo dòng lịch sử tìm thấy những giá trị văn hóa từ truyền thuyết về nhân vật Gióng mà “thiêng hóa” những yếu tố sao cho phù hợp với tâm thức của con người -chủ thể thực tại mỗi giai đoạn lịch sử.
Chí ít cũng có thể thấy hai dòng tâm thức đánh giá và sùng bái nhân vật Gióng. Dòng tâm thức dân gian từ tín ngưỡng nguyên thủy, từ tục thờ cúng tổ tiên và sùng bái anh hùng dân tộc, từ đạo lí cộng đồng đã ngợi ca và sùng bái người anh hùng dân dã làng Gióng đã vì dân vì nước trừ bạo, diệt ác, bao gồm cả hình tượng người anh hùng chống giặc ngoại xâm - giặc Ân và anh hùng chống thiên nhiên trừ thủy quái. Hình tượng người Anh hùng làng Gióng được sinh ra từ nhân dân, lớn lên trong sự đùm bọc của nhân dân và chiến đấu hi sinh vì nhân dân, không hề đòi hỏi một chút công lao nào.
Mặt khác là dòng tâm thức của ý thức hệ phong kiến qua các triều đại từ nhà Lý tới sau này cũng đều sùng bái và suy tôn người Anh hùng dân dã làng Gióng. Điều này là tất yếu của lịch sử. Muốn gìn giữ một giang sơn vốn nhỏ bé, lại tồn tại bên cạnh kẻ thù phương Bắc to lớn, các triều đại vua Việt Nam không thể không tìm thấy những nhân vật anh hùng tiêu biểu, dám chống ngoại xâm để sùng bái, tôn thờ như một ngọn cờ nêu cao ý chí ngoan cường chống giặc ngoại xâm, bảo vệ toàn vẹn giang sơn bờ cõi. Người Anh hùng làng Gióng là nhân vật chống ngoại xâm, chiến đấu, chiến thắng hào hùng gần như sớm nhất trong lịch sử Việt Nam. Mỗi triều đại phong kiến luôn muốn tìm một hoặc nhiều “thần tượng” để tôn thờ, thậm chí các ông vua còn cố gán dòng họ của mình với những nhân vật lịch sử để tăng thêm tính thiêng liêng của triều đại, dòng họ. Vì vậy, các vị vua trong lịch sử đã tìm thấy sự “đồng cảm” với những “giá trị văn hóa tinh thần” từ người Anh hùng làng Gióng nhằm một mặt suy tôn, ca ngợi người anh hùng như một điểm tựa của tâm linh, một mặt ngợi ca công đức, quảng bá tín ngưỡng nhằm đề cao tinh thần đạo đức của người anh hùng như những mẫu mực của đạo đức phong kiến để truyền bá cho đời sau. Đầu tiên là các sắc phong Vương, Thần và Thánh cho người Anh hùng làng Gióng. Cho dù phong một tước hiệu hay ba tước hiệu thì các triều đại phong kiến trong lịch sử Việt Nam đã cùng với dân gian khẳng định hành trạng, công đức của người Anh hùng làng Gióng như một phúc thần linh thiêng, một biểu tượng cao cả của tinh thần chiến đấu vì độc lập tự do của dân tộc và quan niệm này được bảo lưu từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Lễ hội Đền Gióng (Ảnh: zing.vn)
Rõ ràng, cả hai loại tâm thức trên đều xuất phát từ những nhu cầu của con người cụ thể trong điều kiện cụ thể của lịch sử - xã hội, để đánh giá, khẳng định và ca ngợi suy tôn người Anh hùng làng Gióng và Hội Gióng. Hình ảnh người anh hùng và Hội Gióng trở thành di sản văn hóa cho ngày hôm nay chính là do theo dọc thời gian lịch sử, những chủ thể của thời hiện tại luôn phát hiện và làm phong phú hoàn chỉnh thêm nhiều giá trị của bản thân hình tượng người anh hùng và lễ hội. Do đó có thể thấy, “di sản văn hóa” về mặt thời gian, không chỉ là một loại tồn tại từ quá khứ nối dài tới hôm nay, mà còn là loại tồn tại từ hôm nay hướng về quá khứ và cả tương lai.
3. Từ thuộc tính sáng tạo của “di sản văn hóa”
Tính sáng tạo của di sản văn hóa nhìn chung có thể thấy từ ba phương diện sau:
3.1. Trên thực tế, di sản văn hóa được những chủ thể hiện tại gắn cho những ý nghĩa thời hiện tại. Cái gọi là “di sản”, kì thực là những xác nhận được đưa thêm vào giá trị của di sản từ nhu cầu của con người hiện tại. Trong quá trình xác nhận này, tiến thêm một bước là di sản được tăng thêm ý nghĩa mới. Ngày nay, chúng ta tìm được ở Hội Gióng và qua loại hình truyền thuyết dân gian, hình tượng người Anh hùng làng Gióng vừa thực hiện cả hai chức năng chống thiên nhiên và chống xâm lược đã đem lại những nhận thức có được trong hệ thống ý nghĩa của “di sản văn hóa phi vật thể”, chính những nhận thức này đã mang tính sáng tạo, làm cho lễ hội này của Việt Nam vừa mang tính dân tộc lại bao hàm cả những giá trị văn hóa nhân loại. Nhưng thực ra, Hội Gióng không phải là hôm nay mới sinh ra, từ nhiều đời nay Hội này đã có mặt trong đời sống tinh thần của cộng đồng người Việt, đặc biệt ở 5 làng khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, đó là Hội Phù Gióng Chi Nam tại trang Liên Đường, nay là làng Sen Hồ, xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm; Hội Gióng Phù Đổng diễn ra ngay tại làng Phù Đổng - nơi cậu bé Gióng sinh ra và lớn lên; Hội Gióng Xuân Đỉnh tại làng Cáo, thôn Xuân Tảo, xã Xuân Đỉnh; Hội Gióng Sóc Sơn, tổ chức tại Sóc Sơn thuộc địa phận làng Vệ Linh, nay thuộc xã Phú Lĩnh, huyện Sóc Sơn và Hội Gióng Đông Bộ Đầu thuộc huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây cũ. Từng lễ hội diễn ra trong các thời điểm khác nhau, tại không gian khác nhau thể hiện sức sáng tạo của cộng đồng từng làng về một phần sự nghiệp của người Anh hùng làng Gióng. Tổng hợp ý nghĩa của cả năm lễ hội này theo trình tự thời gian, trong một không gian rộng lớn của cả 5 làng, thống nhất theo một chủ đề là ngợi ca người anh hùng dân tộc lại là một sự sáng tạo ở cấp độ cao hơn. Tuy nhiên, dựa vào quan niệm ngày càng phát triển của “di sản văn hóa”, thì những giá trị chân chính của Hội Gióng cũng ngày càng được phát hiện nhanh chóng và luôn được “sáng tạo” thêm vì nhu cầu ngày càng cao của con người trong cuộc sống luôn biến đổi theo xu hướng hiện đại.
Dù cường điệu tính sáng tạo của “di sản văn hóa”, song vẫn còn một nguyên nhân quan trọng nữa cần đề cập tới. Đó là bản thân phương thức lí giải này đã bao hàm những yếu tố mang tính sáng tạo chủ quan của người nghiên cứu.
Có thể thấy, Hội Gióng theo quan niệm về sự phát triển của di sản văn hóa vừa “thuộc về” lại “không thuộc về” một cộng đồng cư dân, vì nó luôn biến đổi theo con người và xã hội; mặt khác Hội Gióng cũng đã “không thuộc về” và lại “thuộc về” những nhà nghiên cứu, những người lí giải nó theo quá trình sáng tạo của quy luật nhận thức.
3.3. Từ nhu cầu của con người và xã hội, di sản đã luôn được chủ thể hiện tại rất có ý thức sưu tập, chỉnh lí, nghiên cứu và bảo hộ. Những công trình khảo cứu của các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian về Hội Gióng là kết quả của bao ngày điền dã sưu tập trong dân gian, là khảo sát kĩ càng các văn bản Hán Nôm cổ từ đó so sánh, phát hiện dần các giá trị tương đồng và dị biệt của 5 lễ hội Gióng khác nhau. Từ đó khái quát tổng hợp theo một hệ thống nhất định để làm nên diện mạo một Hội Gióng vừa hoành tráng về không gian và liên hoàn về thời gian và cả công sức mang đầy màu sắc tâm linh của hàng trăm hàng ngàn người nông dân áo vải tự nguyện tham gia diễn xuất trong lễ hội linh thiêng qua thời gian ngàn năm nay. Những hình thức này cứ trở đi trở lại theo mùa vụ cây trồng và chu kì của đời người, cứ thế bảo lưu và sáng tạo nội dung và hình thức lễ hội luôn hòa quện song hành với nhau để trở thành di sản văn hóa cho mai sau.
Lễ hội Đền Gióng (Ảnh: zing.vn)
4. Từ thuộc tính tồn tại của chỉnh thể “di sản văn hóa”
Mọi sự hiện tồn của một sự vật, hiện tượng đều nằm trong tổng thể nhiều mối quan hệ.
Trong khi nghiên cứu Hội Gióng, chúng ta thu được một loại nhận thức: vậy thì Hội Gióng là gì? Để trả lời thấu đáo điều này không hề đơn giản. Bởi lẽ bản thân Hội Gióng không tồn tại cô lập, mà bản thân Hội này tồn tại trong tính sai biệt của một chỉnh thể. Trước hết, Hội Gióng phải là hội của một làng cụ thể nào đó trong “cụm lễ hội về Thánh Gióng” rõ ràng có sự sai biệt trong sự thống nhất về tinh thần của Hội Gióng. Sau đó, Hội Gióng là sự tập hợp thống nhất hoàn chỉnh của nhiều yếu tố từ văn hóa vật thể đến văn hóa phi vật thể; từ sinh hoạt cộng đồng, kinh tế, chính trị đến văn hóa xã hội; từ lịch sử truyền thống đến đương đại; từ địa phương cho tới Trung ương... Tất cả được “văn hóa” của con người gắn kết mật thiết trong một chỉnh thể rộng lớn về không thời gian và cả về nhân vật lực lẫn không khí hừng hực của lễ và hội.
Như vậy, khi chúng ta nhận thức di sản văn hóa không chỉ cần quan tâm bản thân sự tồn tại, mà phải hết sức coi trọng sinh thái của thời đại và phương thức sinh tồn của di sản văn hóa.
Hội Gióng bản thân nó cũng đã mang tính độc đáo, nhưng Hội này không phải là hoạt động văn hóa dân gian tồn tại độc lập, mà là một chỉnh thể văn hóa của khu vực trung du và Đồng bằng sông Hồng.
Thay lời kết
Qua những góc nhìn khác nhau của lí luận “di sản văn hóa”, Hội Gióng và hình tượng người Anh hùng làng Gióng được lịch sử tâm thức Việt Nam ngàn đời nay khẳng định và suy tôn là một lễ hội thiêng liêng hoành tráng mang tính sáng tạo và tính chỉnh thể cao, thể hiện tinh thần cộng đồng và khát vọng sống tốt đẹp của người Việt Nam ngàn đời nay, và người Anh hùng làng Gióng là biểu tượng cao độ của ý chí độc lập tự chủ và phẩm chất lí tưởng Trung - Hiếu của đạo đức Việt Nam. Những giá trị văn hóa cao đẹp của Hội Gióng tự nó cũng khẳng định được vị thế và tầm ảnh hưởng của nó trong cuộc sống hiện tại và mai sau. Chính điều này đã đặt ra một nhu cầu cấp thiết đối với những nhà quản lí cần làm sao có thể đưa ra những chính sách để có thể bảo lưu và phát triển Hội Gióng, nâng tầm Hội này từ “Quốc lễ” đến sự công nhận của UNESCO như một di sản văn hóa phi vật thể, thứ nữa là cũng như nhiều lễ hội và hoạt động văn hóa khác, Hội Gióng cần trở thành “sản nghiệp văn hóa” như nhiều nước trên thế giới và trong khu vực đã và đang hướng về cơ chế này.
PGS.TS Trần Lê Bảo