“Tứ kiệt” Hà Thành
Cứ mỗi độ xuân về, Tết đến, khi còn là sinh viên Khoa Sử, Trường Đại học Tổng hợp, tôi và bạn đồng môn thường hay theo thầy Trần Quốc Vượng cùng đến nhà các lão gia, trước là để thăm hỏi, sau là để chiêm ngắm những cổ vật, tranh pháo, sau một năm các cụ đã sưu tầm được gì thêm. Thời ấy, sưu tập gia Hà Nội không nhiều và các cụ, là số ít có những sưu tập, mà giờ đây tính bằng tiền bạc không hẳn là những đại gia, nhưng phong thái, sự đam mê, lòng hiếu khách và sự cầu thị còn lâu lắm chúng ta mới có được một lớp người như vậy, trong làng chơi, được mệnh danh là cao sang, quyền quý như cổ vật và nghệ thuật.
Cụ Đức Minh, thuở thuộc Pháp là chủ một dãy cửa hàng phố Tràng Tiền hiện nay, trong đó có cả khu, nay được gọi là Plaza sang trọng. Sau kháng chiến 9 năm thành công, cụ hiến tất cả cho nhà nước và trở về ngôi biệt thự ở phố Quang Trung. Tại đó, cụ nhàn tản với đồ gốm, sứ, với tranh pháo của các họa sĩ Trường Mỹ thuật Đông Dương. Gốm sứ của cụ không nhiều nhưng vô cùng xuất sắc với những tiêu bản thời Đường, Tống, Minh, Thanh của Trung Hoa. Gốm Việt thời ấy vô cùng hiếm hoi và cũng không nhiều tiêu bản đẹp. Tranh của cụ được treo khắp nơi, kể cả ở tường cầu thang, suốt từ tầng 1 đến tầng 3, trong một ngôi nhà, là ước mơ bất khả thực hiện của tất cả thứ hạng người Hà Nội nào khi ấy. Giàu có, sang trọng và hiểu biết, nhưng với thầy tôi đã đành, cả chúng tôi, cụ đều xin tham vấn. Hiểu gì để nói được sứ và nghệ thuật, nhưng sự khiêm nhường và cầu thị như nằm trong từng mao mạch của lớp người mà cụ Đức Minh như một đại diện, chẳng hiếm hoi lắm ngay cả trong thời chiến tranh chống Mỹ. Tiếp chúng tôi bằng trà và nho khô đựng trong đĩa men ngọc thời Tống, cụ cười và nói nhỏ “Hôm nay chúng ta làm vua”. Vua, không phải là nho khô, trà mạn, mà là chiếc đĩa gốm men ngọc Long Tuyền vốn được coi là đồ ngự dụng. Cụ dẫn đi xem tranh của tứ quái: Nghiêm – Liên – Sáng – Phái. Tôi cứ nghĩ rằng, sưu tập ấy nếu còn đến hôm nay, hẳn là một tài sản vô cùng lớn. Cụ mất, nhiều cổ vật về tay các nhà sưu tập sau này, nhiều tranh pháo thất tán, để rồi, con trai cụ, mãi mấy chục năm sau, mới sưu tập được lại một số, để mở một bảo tàng Đức Minh trong thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.
Bộ sưu tập đồ cổ được trưng bày tại gia - niềm tự hào của một nhà sưu tập chuyên về đồ gốm sứ ở Hà Nội. Ảnh: vov.vn
Cụ Huệ Muối, nhà ở 11 phố Hàng Muối, cao to và đẹp lão, vốn là chủ thầu xây dựng thời thuộc Pháp. Ngôi biệt thự cụ ở cổ kính nhưng ọp ẹp với sàn gỗ bập bùng khi di chuyển, khiến chúng tôi e ngại, mỗi lần viếng thăm, sợ đổ vỡ những giá kê cụ bầy đổ cổ. Không hiểu, do sở thích hay sự khan hiếm, trong nhà toàn là đồ gốm không men thời đầu Công nguyên. Chúng thô phác và kém ấn tượng, nhưng từ ánh mắt đến câu chuyện đều toát lên sự trân trọng, lòng biết ơn tiền nhân để lại những giá trị vô cùng quý giá mà đến hôm nay cụ được lưu giữ. Quả thật, giờ đây, mỗi lần hồi cố, tôi mới thấy hết được sự tinh tế và khác biệt trong cách chơi và cách sưu tầm của cụ Huệ.
Cụ bà, dân Hà Nội gốc, trân trọng sự đam mê của chồng, nhưng đôi khi cũng lườm nguýt khi cụ ông kể chuyện, bỏ tiền mua một thứ cổ vật mà cả gia đình có thể chi tiêu vài tháng lúc bấy giờ, trong thời điểm gia cảnh đang xuống dốc bởi tuổi cao, con cái chẳng có việc làm. Cụ dẫn chúng tôi vào buồng ngủ nhỏ, hẹp, lôi trong tủ một bộ đồ trà thời Khang Hy Trung Hoa và bảo rằng, cụ đã đổi cả căn biệt thự cuối phố Bà Triệu với cả chục lần mặc cả. Đấy là thời trung niên hoàng kim, thời còn đang là chủ thầu xây dựng. Cụ bà bảo, cả một buổi sáng, ông nhà tôi lẽo đẽo đi theo bà đồng nát chỉ để gạ mua một chiếc rìu đồng Đông Sơn nhỏ bằng ba đầu ngón tay chụm lại. Quả là sự đam mê vô bờ của người xưa cũ. Hơn chục năm sau, tôi nghe tin cụ mất với sự nghiệt ngã khôn cùng. Kẻ trộm đột nhập, đập vào đầu, sau một thời gian, cụ mãi mãi chia tay với sưu tập cả đời tích cóp, sưu tầm.
Cụ Lâm cà phê, nhà ở phố Phan Thanh Giản thời ấy, nay là Nguyễn Hữu Huân. Quán cà phê ở đây như là nơi tụ hội của họa sĩ, trí thức Hà thành. So với cụ Minh và cụ Huệ, cụ Lâm ít chữ hơn nhưng dường như có thiên bẩm về nghệ thuật và cổ vật. Cụ chơi đồ đồng Đông Sơn và sưu tầm tranh của các họa sĩ Đông Dương. Cách sưu tầm không mấy tốn kém bằng việc xin tranh và uống cà phê miễn phí từ các họa sĩ đến quán vào mỗi buổi sáng. Năm 1995, sang Pháp, tôi có đến thăm Bảo tàng Picasso, thấy những bức tranh của danh họa Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiên, Tạ Tị v.v vừa mới nhập về, đang đóng gói. Ông giám đốc nói với tôi, đây là bộ sưu tập của ông Lâm, được thuê về để trưng bày. Quả là kỳ, về sự cảm nhận lớp họa sĩ tài danh của cụ Lâm để tích cóp những đồng tiền kiếm sống hàng ngày, đổi lấy sự đam mê và sự tự hào của chính mình - một con người đi trước thời đại. Cuối những năm 1980, tôi có giúp ông Hà Thúc Cần - một nhà báo, một nhà sưu tầm, một nhà buôn nghệ thuật Việt Kiều, thực hiện cuốn sách Trống đồng Đông Sơn. Thời gian khiến chúng tôi gần gũi và có một lần ông Hà Thúc Cần nói đùa rằng, tôi chỉ muốn nhà cụ Lâm bị cháy để đến mót lại chiếc rìu đồng “chó đuổi hươu” trong đống tro tàn ấy. Đó là chiếc rìu Đông Sơn ông đã chụp để minh họa cho cuốn sách nêu trên.
Gần đây, trong số tranh cụ Lâm để lại cho con trai, có bức lên tới cả tỷ đồng, ví như “Phố mưa” của Bùi Xuân Phái. Tôi đã thấy một người ở Từ Sơn (Bắc Ninh) mua được trong nhiều bức tranh quý giá khác từ sưu tập đẳng cấp này.
Cụ Đồng Thịnh, nhà ở phố Tràng Thi lại là một mẫu khác của người sưu tầm cổ ngoạn Hà thành. Cụ là một nhà tư sản với rất nhiều ngôi nhà sở hữu, nhưng từ ngày tôi đến cho tới bây giờ, vẫn ở Tràng Thi – có chiều sâu suốt từ mặt phố này đến Hai Bà Trưng. Cụ Đông Thịnh chơi chủ yếu là đồ cổ Trung Hoa với đôn, chậu, bình, lọ, đồ trà thời Minh – Thanh được vẽ tam thái, ngũ thái, hoa lam và độc sắc. Đồ của cụ bắt mắt, ấn tượng, nhưng không phải quyến rũ đối với những người yêu thích cổ vật Việt Nam. Tuy nhiên, với những sưu tập tôi được viếng thăm thì vào những năm 70 của thế kỷ trước, không một ai trên đất nước này, dám nghĩ rằng, mình có quyền sở hữu chúng.
Có một điều lạ rằng, trong cơn bão Z44 năm 1984 do công an Hà Nội thực hiện, sưu tập của cụ Đông Thịnh là trường hợp hiếm hoi và biệt lệ không bị đụng đến. Sau này, khi tìm hiểu, tôi mới biết, cụ là một trong những người nghiêm túc thực hiện việc đăng ký cổ vật. Khi đến thăm, tôi còn thấy những quyển sổ thống kê có chứng nhận của Sở Văn hóa Hà Nội và có cả tem nhãn đính vào đáy cổ vật, mà chắc chắn phải thật kỹ càng và cẩn trọng, những chiếc tem ấy vẫn không bị bong ra theo năm tháng.
Cổ vật được đăng ký, không buôn bán, không có cửa hàng là lý do duy nhất quyền bất khả xâm phạm vào thời điểm ấy.
Giờ đây, con trai trưởng của cụ vẫn giữ gìn tương đối nguyên vẹn bộ sưu tập ấy, cho dù, hoàn cảnh khó khăn của gia đình, cơn bão giá của cổ vật Trung Hoa xảy ra nhiều lần trên đất nước, chúng vẫn không bị xé lẻ, mua bán và đổi chác. Năm ngoái, cũng trong dịp Tết, tôi có hỏi thăm người con trai trưởng và được biết, gia đình họ vẫn giữ chúng như những vật kỷ niệm của cha ông.
Bốn con người, bốn phong cách, bốn hoàn cảnh và bốn sự thân quen khác nhau, nhưng tất cả, đều làm tôi kính trọng và ngưỡng mộ. Nhân dịp năm hết, Tết đến, tôi viết những dòng này như một sự hồi cố về nửa thế kỷ đã qua với bao kỷ niệm khó phai và coi đây như là những nén tâm nhang tưởng nhớ những con người đã đi về cõi vĩnh hằng, nhưng luôn là tấm gương sáng cho những nhà sưu tập hiện nay.
TS Phạm Quốc Quân