Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, 30 năm xây dựng và phát triển

Những kết quả trong 30 năm qua đã chứng minh Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám là một mô hình phù hợp, độc đáo và hiệu quả đối với hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị của Di tích đặc biệt quan trọng này. Ở độ tuổi 30 tràn đầy sức sống, Trung tâm đang đứng trước nhiều thời cơ phát triển bền vững; đưa Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám bước vào giai đoạn phát triển mới, thực sự thành một điểm đến ngày càng hấp dẫn, giáo dục truyền thống, quảng bá văn hóa Việt Nam và kết nối với bạn bè quốc tế.

1. Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám, một mô hình quản lý di tích độc đáo

Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một trong những quần thể kiến trúc lâu đời và quan trọng bậc nhất ở Hà Nội và là di tích Nho học lớn nhất ở Việt Nam.  Văn Miếu được xây dựng vào năm 1070 ở phía Tây Nam thành Thăng Long dưới triều Vua Lý Thánh Tông (1023-1072) để thờ Khổng Tử và các học trò xuất sắc của ông. Năm 1076, dưới triều Vua Lý Nhân Tông (1066-1128), Quốc Tử Giám được xây dựng ở phía sau Văn Miếu để làm trường học dạy Hoàng Thái tử, con em của Hoàng gia và đại thần quý tộc. Sau này, trường cũng tiếp nhận cả học trò ưu tú thuộc gia đình thường dân. Trải qua hơn 700 năm hoạt động (1076-1802), hàng ngàn nhân tài được đào tạo ở đây và đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Quốc Tử Giám là Trung tâm giáo dục cao cấp đầu tiên và lớn nhất của Việt Nam thời quân chủ. Sau khoa thi Hán học cuối cùng vào năm 1919, cùng với những thăng trầm của lịch sử trong thế kỷ XX và nhận thức về di sản văn hóa chưa đầy đủ trong giai đoạn sau này, Khu Di tích bị xuống cấp nghiêm trọng. Các hạng mục như Quốc Tử Giám, nhà che bia, tòa Phương Đình trên gò Kim Châu ở hồ Văn mất đi. Những công trình còn lại thì hư hỏng, dột nát, ngập nước, không được chăm sóc và hầu như rất ít khách đến tham quan. Đến Đại hội lần thứ VI của Đảng (năm 1986), thực hiện đường lối đổi mới toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó có văn hóa, Thành ủy Hà Nội chủ trương thành lập Trung tâm Hoạt động Văn hoá Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám đặt tại di tích làm nơi gặp gỡ, trao đổi về những vấn đề thuộc các ngành khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật, văn hoá nghệ thuật... nhằm huy động lực lượng các nhà khoa học góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng Thủ đô, xây dựng đất nước. Trên cơ sở đó, ngày 25-4-1988, UBND Thành phố Hà Nội đã ra Quyết định số 1776/QĐ/UB về việc thành lập Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội (nay là Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội). Trung tâm có chức năng quản lý Khu Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám theo Pháp lệnh bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử - văn hoá của Nhà nước; Tổ chức các hoạt động khoa học, văn hoá nghệ thuật phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô; Tổ chức hướng dẫn khách tham quan du lịch; Lập quy hoạch bảo vệ và tôn tạo Khu Di tích. Lúc mới ra đời, Trung tâm chỉ có 08 cán bộ nhân viên, đồng chí Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội trực tiếp kiêm nhiệm Giám đốc Trung tâm. Đến giai đoạn 1995, Trung tâm đã có 30 cán bộ, nhân viên, làm việc trong 03 tổ chuyên môn: Bảo vệ, vệ sinh và thuyết minh. Năm 2000, sau khi vườn Giám được bàn giao lại cho Di tích, Trung tâm tiếp nhận thêm 11 cán bộ, công nhân của Công ty TNHH Công viên cây xanh Hà Nội chuyển về. Năm 2005, theo Quyết định số 125/QĐ-VHTT ngày 16-6-2005 của Sở Văn hóa và Thông tin Hà Nội, bộ máy Trung tâm được kiện toàn, gồm 03 phòng chức năng: Hành chính - Tổng hợp, Duy tu - Môi trường, Nghiệp vụ - Thuyết minh, đến tháng 12-2011, thành lập thêm Phòng Nghiên cứu - Sưu tầm. Cho đến nay, sau 30 năm thành lập, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám có 93 cán bộ, nhân viên làm việc tại bốn phòng chuyên môn: Hành chính - Tổng hợp, Nghiên cứu - Sưu tầm, Giáo dục - Truyền thông và Duy tu - Môi trường.

Trong bối cảnh đất nước ở giai đoạn đầu công cuộc đổi mới với nhiều khó khăn, đặc biệt là kinh tế, quyết định thành lập Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám thể hiện tư duy đổi mới, tầm nhìn xa của lãnh đạo thành phố Hà Nội lúc đó. Chức năng của Trung tâm không chỉ là đơn vị quản lý di tích mà còn bảo tồn, tổ chức các hoạt động văn hóa, khoa học, giáo dục để phát huy giá trị di tích. Đây là mô hình phù hợp, độc đáo và những gì diễn ra tại di tích trong suốt 30 năm qua đã minh chứng rõ ràng cho mô hình Trung tâm này. Có thể khẳng định rằng, trong những giai đoạn tiếp theo, cho dù có những thay đổi mạnh mẽ về tổ chức, bộ máy nói chung thì Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám vẫn là mô hình hiệu quả đối với hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị của Di tích đặc biệt quan trọng này.

2. Bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, 30 năm một chặng đường nhìn lại

Công tác bảo tồn Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng, chấm dứt thời kỳ xuống cấp kéo dài và tạo nên diện mạo khang trang nhưng vẫn mang đậm nét cổ kính, trầm mặc của di tích lâu đời này “chẳng những khắc phục được sự đổ nát và hoang phế dần mòn, mà còn được kiện toàn về phương diện quần thể kiến trúc, trụ vững và tỏa sáng trên nền cảnh hỗn độn của cái cơ thể đô thị không ngừng chuyển động và biến hóa.”1 Tất cả các hạng mục của Di tích đều được bảo quản và trùng tu đảm bảo đúng nguyên tắc của công tác bảo tồn, không làm biến dạng, sai lệch kết cấu của các công trình, cổng Tam quan, Khuê Văn Các, điện Đại Thành, giếng Thiên Quang là những ví dụ sinh động cho những nỗ lực của Trung tâm để có được hiện trạng như hôm nay. Đặc biệt là công trình nhà che bia Tiến sĩ được xây dựng năm 1994 có ý nghĩa quan trọng để bảo vệ cho 82 tấm bia Tiến sĩ quý giá của Triều Lê và Triều Mạc. Tám nhà che bia đã che kín các tấm bia, cân đối, hài hòa với Khuê Văn Các, với giếng Thiên Quang tạo thành vườn bia Tiến sĩ đầy chất thơ, giữa trung tâm của Di tích. Những tấm bia được giữ gìn cẩn thận đã được công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới năm 2011 và là Bảo vật quốc gia vào năm 2015.

Một dấu mốc quan trọng đối với Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám thời hiện đại là sự ra đời một công trình hoàn toàn mới, khu Thái học trên nền Quốc Tử Giám xưa, nơi đã bị bỏ hoang sau những biến cố trong  chiến tranh. Khu nhà Thái Học hiện nay được xây dựng năm 1999 với thiết kế theo kiến trúc truyền thống nhưng không hoàn toàn giống như những toà nhà xưa của Quốc Tử Giám.  Nơi đây tổ chức lễ kỷ niệm danh nhân, hội thảo khoa học, triển lãm và các hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống;  đặt tượng thờ Thầy giáo tiêu biểu Chu Văn An  và trưng bày về Lịch sử Văn Miếu - Quốc Tử Giám và chế độ học hành thi cử Việt Nam, nơi thờ ba vị vua có công sáng lập Văn Miếu - Quốc Tử Giám và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục Nho học Việt Nam: Vua Lý Thánh Tông, Vua Lý Nhân Tông, Vua Lê Thánh Tông. Khu Thái học ra đời góp phần làm cho nhiều giá trị của văn hóa Việt Nam ở di tích được thể hiện rõ ràng, đậm nét và đặc biệt là trở thành một địa chỉ văn hóa với nhiều hoạt động có ý nghĩa, thiết thực.

Trong những năm 90 của thế kỷ trước, khu vực ngoại tự bao gồm hồ Văn, vườn Giám được tôn tạo, chỉnh trang với việc giải toả lấn chiếm và nạo vét, kè cạp hồ Văn; dựng nhà Bát giác, xây đường dạo và kiến tạo cây xanh thảm cỏ ở vườn Giám. Năm 2017, UBND Thành phố Hà Nội đã phê duyệt Dự án Phục dựng tòa phương đình và tôn tạo đảo Kim Châu thuộc hồ Văn. Công trình này hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ thức dậy tiềm năng cảnh quan của hồ Văn, là địa điểm để tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật và kết nối với khu nội tự thành một chỉnh thể của Di tích.

Nhìn lại chặng đường 30 năm bảo tồn Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho thấy nỗ lực tuyệt vời của  thế hệ lãnh đạo các cấp, các nhà khoa học, các tổ chức, cá nhân trong nước, quốc tế và đội ngũ cán bộ, người lao động làm việc tại Di tích qua các thời kỳ đã giữ gìn, xây dựng nên những hạng mục của Di tích, tạo nên bức tranh tổng thể, thể hiện tính mẫu mực trong công tác bảo tồn di tích ở nước ta.

Là một trung tâm hoạt động văn hóa, khoa học lớn của Thủ đô Hà Nội, nhiều hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học được tổ chức tại Di tích để phát huy giá trị của Di tích và góp phần xây dựng ngành Văn hóa Thủ đô. Là nơi gắn với giá trị hiếu học, tôn sư trọng đạo tôn trọng nhân tài, hàng năm, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đón hàng nghìn đoàn học sinh, sinh viên của các trường trên địa bàn Hà Nội và nhiều địa phương khác đến tham quan, làm lễ dâng hương. Trung tâm đã tổ chức hoạt động khuyến học ngày càng đi vào nề nếp, đặc biệt là thành công bước đầu của chương trình giáo dục di sản, giúp các em học sinh, sinh viên nhận thức được những giá trị tốt đẹp của Văn Miếu - Quốc Tử Giám nói riêng, của truyền thống văn hóa dân tộc nói chung, từ đó hình thành nên thái độ đúng đắn, lòng yêu mến di sản văn hóa dân tộc, động lực mạnh mẽ để thế hệ trẻ sáng tạo, đồng hành trong kỷ nguyên của hội nhập và toàn cầu hóa. Các cuộc triển lãm, trưng bày được tổ chức thường xuyên: Một số hình ảnh về hệ thống các văn miếu Việt Nam; Truyền thống khoa cử Việt Nam; Một số hình ảnh về các Văn từ, Văn chỉ Thăng Long và các vùng phụ cận; Văn Miếu - Quốc Tử Giám Thăng Long và Văn Miếu Trấn Biên, Văn Miếu - Quốc Tử Giám và truyền thống khoa bảng Hải Dương, Bắc Ninh, Kiên Giang, An Giang, về di sản tư liệu thế giới.... giúp công chúng hiểu sâu sắc hơn những giá trị của Di tích. Các cuộc thi tìm hiểu về Văn Miếu - Quốc Tử Giám  được tổ chức tại Hà Nội và nhiều địa phương khác thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhà trường, thầy cô giáo và học sinh các trường tiểu học, trung học cơ sở. Các hoạt động khoa học như hội thảo, tọa đàm về lịch sử khoa bảng, các danh nhân, về Văn Miếu - Quốc Tử Giám được tổ chức thường xuyên đã tập hợp được đông đảo các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học uy tín của Trung ương và Hà Nội tham gia, cung cấp cơ sở khoa học cho các hoạt động của Trung tâm, đặc biệt là công tác bảo tồn, phát huy giá trị của Di tích. Kết quả là Trung tâm đã biên soạn và công bố 12 đầu sách: Văn Miếu - Quốc Tử Giám - một biểu tượng văn hóa, giáo dục Việt Nam; Gương mặt văn học Thăng Long; Văn Miếu-Quốc Tử Giám Thăng Long - Hà Nội; Văn Miếu - Quốc Tử Giám và 82 bia Tiến sĩ (tiếng Việt và tiếng Anh); Văn Miếu - Quốc Tử Giám và hệ thống văn từ, văn chỉ Việt Nam; Hội nghị khoa học các đơn vị Quản lý di tích Nho học Việt Nam; Văn Miếu - Quốc Tử Giám và chế độ khoa cử Nho học Việt Nam; Tế tửu Quốc Tử Giám Vũ Miên; Tế tửu Khiếu Năng Tĩnh; Văn khắc Hán Nôm Văn Miếu - QuốcTử Giám; Chế độ đào tạo và tuyển dụng quan chức thời Lê sơ.... Bên cạnh đó, hoạt động điền dã, sưu tầm đã thu được hàng nghìn hình ảnh, tư liệu, hiện vật về Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Tiến sĩ Nho học, Giáo dục khoa cử Nho học, Di tích Nho học...  tại 200 di tích Nho học trên địa bàn cả nước, lập hàng chục nghìn phiếu tư liệu từ chính sử, thư tịch cổ.

Công tác chỉnh trang, trang trí, chăm sóc cây, hoa, thảm cỏ và giữ gìn vệ sinh môi trường làm cho Di tích luôn giữ hình ảnh xanh, sạch, đẹp, hài hòa, gắn bó với thiên nhiên, tạo nên cảm xúc, tình cảm của du khách khi đến thăm Di tích. Trung tâm cũng đã triển khai hệ thống thuyết minh tự động gồm 8 ngôn ngữ; xây dựng bộ nhận diện thương hiệu với logo, vé,  hệ thống biển chỉ dẫn, hệ thống biển thông tin cải thiện chất lượng phục vụ du khách tốt hơn. Việc phân luồng khách tham quan hợp lý, sắp xếp lại khu dịch vụ... cũng tạo nên hình ảnh ngày càng đẹp hơn của Di tích.

Hội chữ Xuân là một điểm nhấn trong các hoạt động của Di tích. Bắt đầu được tổ chức năm 2014, trải qua 5 năm liên tục điều chỉnh và hoàn thiện, đến nay, Hội chữ Xuân đã thực sự trở thành một sinh hoạt văn hóa có ý nghĩa vào dịp Tết Nguyên đán tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Từ chỗ những người viết thư pháp viết tự do ở vỉa hè phố Văn Miếu với nhiều hiện tượng phản cảm như chặt chém, tranh giành khách, gây mất an ninh trật tự, giờ đây được lựa chọn kỹ càng qua khảo tuyển và có cam kết rõ ràng khi tham gia Hội chữ Xuân. Cùng với việc cho chữ tại hồ Văn, các hoạt động văn hóa nghệ thuật, tái dựng không gian thi cử truyền thống đã tạo nên một sân chơi văn hóa hấp dẫn thu hút hàng trăm nghìn khách tham gia, hứa hẹn những tín hiệu tích cực từ lễ hội mới này của Thủ đô.

Có thể nói, chính các hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học... được tổ chức thường xuyên thành những sự kiện đã góp phần tạo nên sức hấp dẫn của Di tích, thu hút lượng khách ngày càng tăng đến thăm. Nhiều đoàn khách ngoại giao, trong đó có nguyên thủ nhiều quốc gia trên thế giới đã tới thăm Di tích. Năm 2017, Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lựa chọn là là một trong những điểm tham quan hàng đầu của cả nước.

3. Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám - chặng đường phát triển phía trước trong dòng chảy hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước

Ở độ tuổi 30 tràn đầy sức sống, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám đang đứng trước nhiều thời cơ cho sự phát triển trong giai đoạn mới, đó là:

Sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, của cộng đồng xã hội tới di sản, bảo tồn và phát huy giá trị di sản nói chung và đối với Văn Miếu – Quốc Tử Giám nói riêng.

Những kết quả, kinh nghiệm trong công tác quản lý, bảo tồn, phát huy, khai thác giá trị của Di tích trong suốt 30 năm qua là cơ sở quan trọng cho những bước đi của Trung tâm thời gian tới.

Đội ngũ cán bộ có trình độ, say mê, tận tâm, trách nhiệm với công việc là nguồn lực quan trọng cho các hoạt động của đơn vị.

Bên cạnh đó, bối cảnh mới xuất hiện những vấn đề mà Trung tâm phải đối mặt, cần giải quyết:

Di tích đang chịu tác động của quá trình đô thị hóa, vấn đề giao thông, xuống cấp của các hạng mục với số lượng khách tham quan ngày càng đông.

Sự thay đổi nhận thức chuyển sang tư duy phục vụ khách tham quan còn mất nhiều thời gian, gắn kết hoạt động nghiên cứu khoa học với tổ chức các hoạt động văn hóa đòi hỏi cần phải tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của đơn vị.

Sự xâm hại Di tích vẫn còn tiếp tục diễn ra với nhiều hình thức khác nhau.

Trước những thời cơ và thách thức như vậy, để Di tích luôn là một địa chỉ văn hóa quan trọng của Thủ đô và cả nước, làm tốt nhiệm vụ giáo dục truyền thống, phục vụ khách tham quan và các đoàn khách ngoại giao và các nhiệm vụ khác, trong bối cảnh đất nước đang đổi mới mạnh mẽ và hội nhập sâu rộng với thế giới hiện nay, định hướng hoạt động của Trung tâm trong những năm tiếp theo sẽ tập trung vào những nội dung chính sau đây:

 Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, người lao động về chuyên môn, nghiệp vụ và lòng say mê công việc với phương châm kết hợp đào tạo tại nhà trường, đào tạo trong công việc và tự đào tạo; đổi mới nề nếp làm việc trên tinh thần phụng sự và cống hiến, phục vụ tạo nên văn hóa làm việc có bản sắc tại một di tích lịch sử - văn hóa đặc biệt quan trọng như Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện bộ máy tinh gọn, hiệu quả, phù hợp với cơ chế tự chủ; luôn thích ứng được với sự thay đổi của môi trường chung.

Đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học về Văn Miếu - Quốc Tử Giám, về lịch sử khoa bảng, danh nhân văn hóa theo hướng sử dụng công nghệ hiện đại, thiết thực, đưa các kết quả nghiên cứu vào trong các hoạt động cụ thể của Trung tâm.

Đa dạng hóa các hoạt động văn hóa nghệ thuật, văn hóa giáo dục theo hướng phát huy giá trị của Di tích, đặc biệt là truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, tôn trọng hiền tài...

Mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài, đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa; tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị của Di tích.

Với truyền thống tốt đẹp của 30 năm xây dựng và phát triển, chúng ta có thể tin tưởng và hy vọng về một tập thể cán bộ, người lao động luôn đoàn kết, sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ tư duy, hành động tiếp nối thành tích đạt được trong chặng đường vừa qua, tiếp tục xây dựng Trung tâm phát triển bền vững; đưa Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám vào giai đoạn phát triển mới, thực sự thành một điểm đến ngày càng hấp dẫn, giáo dục truyền thống, quảng bá văn hóa Việt Nam và kết nối với bạn bè quốc tế.

TS Lê Xuân Kiêu

 

 

Top