Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam - Nơi nghiên cứu và phát huy giá trị di sản của các nhà khoa học Việt Nam

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam (HERITIST) là tổ chức khoa học ngoài công lập, được thành lập vào năm 2008 theo sáng kiến của những người sáng lập Công ty Công nghệ và Xét nghiệm Y học (MEDLATEC), thuộc Công ty MEDLATEC và được sự bảo trợ của MEDLATEC. Với chức năng tổng hợp, vừa là cơ quan nghiên cứu, vừa là bảo tàng, vừa là cơ quan lưu trữ, vừa là thư viện… mục tiêu của HERITIST là nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các nhà khoa học Việt Nam, thông qua các tư liệu và hiện vật gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của các nhà khoa học Việt Nam.

Ngày đầu thành lập với nhiều khó khăn, thử thách, song, được sự quan tâm và đầu tư của Công ty MEDLATEC, sự giúp đỡ của Hội đồng Cố vấn cùng nỗ lực của đội ngũ cán bộ, nhân viên, cộng tác viên, HERITIST đã không ngừng được củng cố và hoàn thiện, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, trở thành thương hiệu, tạo được niềm tin với các nhà khoa học. Công tác nghiên cứu, sưu tầm và phát huy giá trị di sản các nhà khoa học Việt Nam ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu. Hiện nay, Trung tâm có gần 80 cán bộ, được đào tạo và đầy nhiệt huyết. Từ một văn phòng với diện tích 15m2 tại Bệnh viện MEDLATEC vào buổi đầu thành lập, đến nay, Trung tâm đã có Trụ sở riêng với Tòa nhà 6 tầng, tại 26 đường Nghĩa Dũng, quận Ba Đình, Hà Nội và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam tại xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình, diện tích 34 ha, với nhiều hạng mục và cảnh quan ngày càng hoàn thiện. Từ khi mở cửa vào tháng 11-2016 đến nay, tại Công viên đã diễn ra nhiều sự kiện, đón tiếp hơn 80.000 khách tham quan.

Các đại biểu tham quan Triển lãm “Thẳm sâu trong từng kỷ vật”. Ảnh:caophongtv.vn

Trong 10 năm qua, trọng tâm hoạt động của HERITIST là nghiên cứu, sưu tầm di sản vật thể và phi vật thể của các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học cao tuổi. Tính đến hết năm 2017, HERITIST đã làm việc với 1.307 nhà khoa học thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau, trong đó có 634 giáo sư, 599 phó giáo sư, 40 tiến sĩ và 34 nhà khoa học khác có nhiều đóng góp giá trị cho nền khoa học nước nhà; sưu tầm được 700.000 tài liệu, hiện vật, trong đó có nhiều khối tài liệu lớn của các nhà khoa học trước khi họ qua đời.

Hoạt động sưu tầm, làm việc với các nhà khoa học không chỉ diễn ra tại Hà Nội mà mở rộng tại Quảng Ninh, Hòa Bình, Hà Tĩnh và thành phố Hồ Chí Minh; góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của việc bảo tồn di sản của các nhà khoa học. Đã có ngày càng nhiều nhà khoa học tự ghi âm, soạn sẵn và cung cấp thông tin đầy đủ các tài liệu trao tặng cho HERITIST hay trở thành cầu nối giới thiệu HERITIST với các nhà khoa học khác, tạo thành một mạng lưới lan tỏa. 

GS Phong Lê cùng nghiên cứu viên sắp xếp tài liệu tặng Trung tâm. Ảnh: cpd.vn

Đi đôi với quá trình nghiên cứu, sưu tầm tài liệu, hiện vật, HERITIST đã quan tâm đến nhiều hình thức giới thiệu, phát huy giá trị di sản của các nhà khoa học Việt Nam: Xuất bản 7 tập sách “Di sản ký ức của các nhà khoa học” và 3 tập “Những câu chuyện hiện vật”; Tổ chức trưng bày về GS Tôn Thất Tùng, GS.TS Nguyễn Thúc Tùng và GS.TSKH Nguyễn Văn Nhân; Triển lãm “Hướng tới Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam”, “Thẳm sâu trong từng kỷ vật”…

Công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam tại tỉnh Hòa Bình trưng bày giới thiệu sự phát triển của nền khoa học Việt Nam thông qua cuộc đời hoạt động của các nhà khoa học, đồng thời tôn vinh các nhà khoa học đã có những đóng góp xứng đáng cho khoa học và đất nước.

Nhằm tổng kết 10 năm hoạt động của HERITIST(2008-2018) và định hướng hoạt động thời gian tới, ngày 29-3-2018, Hội đồng Cố vấn của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã tổ chức cuộc họp với sự tham dự của các nhà khoa học trong Hội đồng, đại diện Hội đồng thành viên MEDLATEC, Ban Giám đốc và các cộng tác viên, cán bộ nhân viên Trung tâm.

Toàn cảnh cuộc họp của Hội đồng Cố vấn tại Tòa nhà MEDLATEC, số 99 Trích Sài, Tây Hồ, Hà Nội, ngày 29-3-2018. Ảnh: Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam 

Tại cuộc họp, các đại biểu đều khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của HERITIST với xã hội, ghi nhận những hoạt động có giá trị nhân văn cao cả đối với các nhà khoa học, với đất nước. Đồng thời, các nhà khoa học cũng góp thêm nhiều ý kiến cho hoạt động của HERITIST thời gian tới như: Cần chú trọng đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu, sưu tầm, khai thác sâu thông tin về cuộc đời và sự nghiệp của các nhà khoa học; phát huy vai trò của HERITIST trong thời đại công nghệ 4.0; Quảng bá mạnh mẽ các hoạt động của HERITIST thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; Bảo quản và lưu trữ những tài liệu tại HERITIST là tài sản quý của quốc gia; xây dựng cảnh quan Công viên, khu vui chơi giải trí đậm chất khoa học…

Chủ tọa cuộc họp của Hội đồng Cố vấn tại Tòa nhà MEDLATEC, số 99 Trích Sài, Tây Hồ, Hà Nội, ngày 29-3-2018

Cũng nhân buổi họp này, HERITIST kiện toàn tổ chức Hội đồng Cố vấn nhiệm kì 2018-2019, GS.TSKH Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, tiếp tục được giới thiệu làm Chủ tịch Hội đồng, cùng 23 nhà khoa học khác là thành viên.

Các thành viên trong Hội đồng Cố vấn chụp ảnh lưu niệm cùng cán bộ HERITIST tại Tòa nhà MEDLATEC, số 99 Trích Sài, Tây Hồ, Hà Nội, ngày 29-3-2018. Ảnh: Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam 

Phát huy những kết quả đã đạt được trong 10 năm xây dựng và phát triển, bước sang giai đoạn mới, HERITIST đặt ra mục tiêu tiếp tục tập trung nghiên cứu, sưu tầm; kiểm kê, bảo quản tài liệu hiện vật; huy động sự chung tay, ủng hộ của các nhà khoa học, các cơ quan vào việc lưu giữ di sản các nhà khoa học Việt Nam; phát huy vai trò là một Chi hội di sản văn hóa thuộc Hội Di sản Văn hóa Việt Nam.

                                             Đỗ Văn Trụ - Quỳnh Hương


 

Top