Trưng bày đặc biệt "Di sản văn hóa biển Việt Nam" tại Hàn Quốc
Việt Nam nằm trên bán đảo Đông Dương, có vị trí quan trọng về địa chính trị, quân sự, địa văn hóa trong khu vực, có đường bờ biển dài hơn 3.000 km với nhiều đảo và quần đảo lớn nhỏ... có vị trí đặc biệt quan trọng trong giao thương, giao lưu kinh tế - văn hoá. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, với quá trình lao động sáng tạo hướng biển, các thế thệ người Việt Nam đã tạo nên một kho tàng di sản văn hóa biển đa dạng với nhiều loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể với những lễ hội, tập tục, tín ngưỡng, hệ thống thương cảng cổ, đô thị cổ, công trình tín ngưỡng cổ, truyền thống chống ngoại xâm...
Sơ đồ vị trí khai quật các con tàu đắm
Cho đến nay, trên vùng biển Việt Nam đã phát hiện dấu tích nhiều con tàu đắm, nhưng mới chỉ có 6 tàu do Bảo tàng Lịch sử quốc gia tham gia khai quật như: Hòn Cau (Bà Rịa - Vũng Tàu), Hòn Dầm (Kiên Giang), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Cà Mau (Cà Mau), Bình Thuận (Bình Thuận), Bình Châu (Quảng Ngãi). Kết quả nghiên cứu khai quật đã xác định quy mô kích thước, kỹ thuật làm nên những con tàu này, cho thấy đây là những con tàu chở hàng hoá gốm sứ của Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… Đặc biệt trong cuộc khai quật tàu cổ Cù Lao Chàm đã thu được một số lượng lớn đồ gốm Việt Nam có nguồn gốc từ Chu Đậu (Hải Dương) và Thăng Long (Hà Nội), phần nào cho thấy vị trí, vai trò tích cực của Việt Nam trong lịch sử giao thương quốc tế thời Cổ - Trung đại, trong đó mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam là đồ gốm.
Với diện tích 500m2, Trưng bày đặc biệt “Di sản văn hoá biển Việt Nam” mong muốn từng bước giới thiệu về di sản văn hóa biển Việt Nam tới công chúng Hàn Quốc và bạn bè quốc tế. Thời gian trưng bày dự kiến diễn ra từ ngày 28-11-2017 đến ngày 04-03-2018.
Trưng bày lựa chọn 309 hiện vật tiêu biểu, đặc sắc nhất trong sưu tập hiện vật khai quật từ 5 con tàu đắm trong vùng biển Việt Nam đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, được trưng bày theo sưu tập của từng con tàu và loại hình hiện vật. Sau đây là thông tin khái quát về các sưu tập hiện vật của từng con tàu.
1. Tàu cổ Cù Lao Chàm
Tàu phát hiện tại vùng biển Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) ở độ sâu 70m, được khai quật từ năm 1997 đến 2000. Tàu được đóng bằng gỗ tếch, kích thước dài 29,4m, rộng 7,2m. Hàng hoá trên tàu chủ yếu là sản phẩm của lò gốm Chu Đậu (Hải Dương) và Thăng Long (Hà Nội) niên đại cuối thế kỷ 15 đầu thế kỷ 16.
Kendy gốm men trắng vẽ lam
Với 112 hiện vật tiêu biểu được lựa chọn trong đó chủ yếu là gốm Chu Đậu, Hải Dương với nhiều loại hình, kiểu dáng, đề tài trang trí sinh động và màu men đa dạng như men trắng vẽ lam, men nhiều màu, men trắng... gồm đồ gia dụng như bát, đĩa, ấm, chậu, bình vôi, lọ, hộp, chân đèn, lư hương và các loại bình. Bên cạnh đó là một ít đồ dùng của thuỷ thủ đoàn bằng gốm, sứ, đất nung nguồn gốc Trung Quốc và Thái Lan như hũ, ấm, lọ, chày cối, chì lưới, các vật dụng khác như nghiên mực, chày, bàn nghiền bằng đá, quả cân kim loại, lưỡi câu đồng, hạt óc chó và hạt gấc ….
Ấm gốm hình phượng men trắng vẽ lam nhiều màu
2. Tàu cổ Hòn Dầm
Vị trí phát hiện con tàu nằm ở độ sâu hơn 10m, cách Hòn Dầm khoảng 5km thuộc xã An Thới, Phú Quốc, Kiên Giang, được khai quật vào năm 1991. Tàu đóng bằng gỗ, thân tàu còn khá nguyên vẹn, dài 30m rộng 7m, được chia thành nhiều khoang, mỗi khoang rộng khoảng 1,8m. Hàng hoá trên tàu là gốm men xanh ngọc, một ít loại men khác như màu chì, da lươn, vàng và nâu. Qua nghiên cứu cho thấy hàng hoá chủ yếu là gốm sứ Sawankhalok của Thái Lan, niên đại thế kỷ 15. Với việc tìm thấy đồng tiền Trung Quốc “Vĩnh Lạc Thông Bảo” (1403 - 1424) đã góp phần khẳng định niên đại của con tàu này. Chúng tôi lựa chọn 8 hiện vật tiêu biểu là đồ gốm như bát, đĩa, lọ, chén… men màu xanh ngọc để trưng bày.
3. Tàu cổ Bình Thuận
Tàu phát hiện ở vùng biển Bình Thuận, ở độ sâu 39 - 40m. Tàu đóng bằng gỗ, kích thước còn đo được dài 23,4m, rộng 7,2m. Hàng hoá trên tàu chủ yếu là đồ gốm sứ có xuất xứ từ các lò Cảnh Đức trấn Giang Tây, lò Đức Hoá tỉnh Phúc Kiến và Lò Quảng Châu tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Đa số là gốm sứ hoa lam, một số vẽ nhiều màu mang phong cách gốm sứ cuối thời Minh, tương ứng niên hiệu Vạn Lịch (1573 - 1620). Sưu tập lựa chọn trưng bày là 50 hiện vật gốm sứ, sành bao gồm bát, đĩa, hộp, lọ, hũ, chậu có men trắng vẽ lam, men nhiều màu, men trắng, men đen, nâu và vàng.
Đồ sứ men trắng vẽ lam
4. Tàu cổ Hòn Cau
Giới thiệu 36 đồ gốm sứ tiêu biểu gồm các loại đĩa, chén, cốc, hộp, ống bút, lọ, đài, ấm, nậm, choé… men trắng vẽ lam. Đây là con tàu đầu tiên được phát hiện và khai quật vào những năm 1990 - 1992. Tàu được phát hiện ở vùng biển gần với đảo Hòn Cau (Bà Rịa - Vũng Tàu). Hàng hoá trên tàu là gốm sứ có nguồn gốc chủ yếu từ các lò Cảnh Đức Trấn, Sơn Đầu, Đức Hóa (Trung Quốc). Căn cứ vào đồ gốm sứ mang phong cách thời Khang Hy, thỏi mực có niên đại năm Canh Ngọ nhiều chuyên gia nghiên cứu cho rằng niên đại của con tàu vào năm 1690.
5. Tàu cổ Cà Mau
Tàu phát hiện ở vùng biển Cà Mau, ở độ sâu 40m, được khai quật trong hai năm 1998 - 1999. Tàu đóng bằng gỗ, thân tàu dài 24m, rộng 8m. Hàng hoá trên tàu chủ yếu là gốm sứ men trắng vẽ lam có nguồn gốc từ các lò Cảnh Đức Trấn và các lò gốm dân gian vùng Quảng Châu (Trung Quốc). Căn cứ vào đặc điểm đồ gốm sứ, tiền đồng thời Khang Hy, đặc biệt trên một số chén, bát có ghi niên hiệu “Đại Thanh Ung Chính niên chế” cho thấy con tàu có niên đại thời Thanh (1723 - 1735). Trưng bày giới thiệu 103 hiện vật gồm các loại hình như đồ gia dụng bát, đĩa, cốc, hộp… đồ trang trí là choé, tượng người, tượng thú và mô hình thuyền có men trắng vẽ lam, vẽ nhiều màu…
Đồ sứ men trắng vẽ lam và vẽ nhiều màu, tàu cổ Hòn Cau
Cuộc trưng bày nhằm giới thiệu đến công chúng Hàn Quốc, bạn bè quốc tế các hiện vật đặc sắc khai quật từ 5 con tàu tại vùng biển Việt Nam, góp phần để công chúng hiểu hơn về kho tàng di sản văn hóa biển đa dạng, phong phú của Việt Nam. Kho tàng di sản này được hình thành, phát triển qua hàng nghìn năm trong bối cảnh lịch sử, thiên nhiên luôn thách thức ngặt nghèo nhưng cuộc sống người của Việt luôn gắn với biển, mang trong mình niềm tự hào lớn lao về biển, về chủ quyền lãnh thổ, bản sắc văn hóa Việt Nam. Cuộc trưng bày cũng là dịp để Việt Nam - Hàn Quốc trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, xuất bản ấn phẩm, đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu, khai quật khảo cổ học dưới nước.
ThS Lê Văn Chiến