Triển lãm sắc gốm Lý – Trần

Sáng ngày 29/4/2016, tại Cung Trường Sanh (Đại Nội Huế) đã diễn ra buổi khai mạc triển lãm "Sắc gốm Lý-Trần qua bản phục chế của nghệ nhân ưu tú Trần Độ" dưới sự chủ trì của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.

Dưới thời Lý-Trần, đồ gốm đạt được những thành tựu rực rỡ về quy mô sản xuất, chủng loại sản phẩm và chất liệu. Nhiều loại men được ứng dụng; đặc biệt, men trắng cũng xuất hiện ở thời kỳ này ngoài men tro và men đất.

Cắt băng khánh thành triển lãm sắc gốm Lý - Trần.

Các sản phẩm gốm Lý-Trần mang đặc trưng riêng với 3 yếu tố cụ thể là hình dáng, hoa văn trang trí và men màu. Khác với các thể loại gốm khác, gốm thời kỳ nàycó cốt gốm dày, men nâu được trang trí trên nền men ngà hoặc men nâu được phủ toàn bộ trên gốm. Mô-típ trang trí trên gốm Lý-Trần là họa tiết nổi kiểu phù điêu thể với các chủ đề về Phật giáo và Đạo giáo.

Giới thiệu sắc gốm Lý – Trần với du khách.

Những trung tâm gốm sứ ở nước ta, xuất hiện từ thời Lý-Trần bao gồm Bát Tràng (Hà Nội) Thổ Hà, Phù Lãng (Bắc Ninh), Hương Canh (Vĩnh Phúc), Quế Quyển (Hà Nam Ninh), Chum Thanh (Thanh Hóa) vẫn còn hưng thịnh cho đến ngày nay, trong đó nổi bật nhất là Bát Tràng.

Nghệ nhân Trân độ và tác phẩm gốm phục chế.

Trong triển lãm này, để tiếp nối truyền thống lâu đời của làng gốm Bát Tràng xưa Nghệ nhân ưu tú Trần Độ đã tái hiện những tuyệt kỹ của gốm Lý-Trần trên những tác phẩm gốm đậm đà bản sắc Việt. Trong không gian trang trọng của Cung Trường Sanh (Đại Nội – Huế), các tác phẩm gốm phục chế tinh vi của nghệ nhân đã giúp cộng đồng hiểu thêm về tinh hoa gốm cổ đang dần bị mai một trong xã hội hiện đại, đồng thời đem đến cho người thưởng lãm một cảm giác nể phục đối với tài năng của nghệ nhân.

Cùng chiêm ngưỡng một số hiện vật trong triển lãm này:

                                                                                       Bài và ảnh: Trọng Bình