Triển lãm nghệ thuật trúc chỉ - điện Long An

Triển lãm "Trúc Chỉ - Điện Long An" đã khai mạc sáng nay tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (03 Lê Trực - TP. Huế) dưới sự chủ trì của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Dự án “Nghệ Thuật Trúc Chỉ Việt Nam”.

Điện Long An được xây dựng vào năm 1845 làm nơi nghỉ của Hoàng đế Thiệu Trị sau khi Ngài tiến hành lễ Tịch điền (cày ruộng) đầu năm. Hoàng đế Thiệu Trị là một Thiên tử gắn liền tên tuổi của mình với áng thơ văn bất hủ "Thần kinh nhị thập cảnh" (20 cảnh đẹp của Kinh đô Huế). Đây cũng là nơi lúc sinh thời "cha đẻ" của "Thần kinh Nhị thập cảnh" thường lui tới, nghỉ ngơi, đọc sách, làm thơ hay ngâm vịnh... Sau khi Hoàng đế Thiệu Trị băng hà, điện Long An là nơi quản thi hài của Ngài trong tám tháng trước khi làm lễ Ninh lăng (đưa đi an táng). Qua nhiều biến cố của lịch sử, điện Long An tuy không còn mang chức năng ban đầu, nhưng vẫn giữ được những nét đặc thù tinh tế trong tổng thể kiến trúc của Quần thể Di tích Cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới năm 1993.

         Nhã nhạc trình diễn tại Lễ khai mạc nghệ thuật trúc chỉ

Nghệ thuật Trúc Chỉ là một giá trị nghệ thuật mới của Huế do Họa sĩ Phan Hải Bằng, giảng viên Đại học Nghệ thuật – Đại học Huế sáng lập trên cơ sở kết hợp, kế thừa và tiếp biến các giá trị của nghề giấy truyền thống Việt Nam cùng nghệ thuật tạo hình để tạo nên những nghệ phẩm độc đáo từ nguyên liệu tre - trúc.

TS Phan Thanh Hải – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phát biểu khai mạc Triển lãm

Khác với các cuộc triển lãm trước, Triển lãm "Trúc Chỉ - Điện Long An" lần này đã đem đến cho người thưởng thức cảm nhận hoàn toàn mới với sự ứng dụng những giá trị đương đại của nghệ thuật Trúc Chỉ vào di sản; tạo tính tương tác giữa nội thất và ngoại thất điện Long An như một sự liên kết giữa thiên nhiên và con người, di sản và tính tiếp biến trong thời hiện đại.

Hệ thống tác phẩm được trưng bày trong Triển lãm bao gồm:

Hệ thống tuyển thơ Thần Kinh nhị Thập cảnh của Hoàng đế Thiệu Trị, gồm 18 bức thư pháp của cố thi sĩ - thư pháp gia - hòa thượng Thích  Phước Thành (sưu tập của nhà nghiên cứu Mai Khắc Ứng), và 2 bức của thi sĩ - thư pháp gia Nguyễn Phước Hải Trung được thể hiện trên Trúc Chỉ. Bộ tác phẩm này sẽ gồm 3 phiên bản: một sẽ được lưu giữ tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, một sẽ được trao tặng cho nhà nghiên cứu Mai Khắc Ứng và một sẽ được lưu giữ tại Vườn Trúc Chỉ Huế.

Giới thiệu về nghệ thuật trúc chỉ

Hệ thống motif hoa văn, họa tiết trang trí đặc trưng của điện Long An được vận dụng và thể hiện bằng Trúc Chỉ để thay đổi diện mạo không gian trưng bày các hiện vật. Tư liệu được trưng bày trong không gian này có sự kết hợp với ánh sáng đèn LED làm nổi bật tính đặc trưng và các hiện vật, tư liệu đang được trưng bày cũng như ngôn ngữ đặc trưng của Trúc Chỉ.

Hệ thống hình ảnh tư liệu theo trục lịch sử được tái hiện trên nền Trúc Chỉ bằng các kỹ thuật in ấn. Tất cả các tác phẩm đó được trưng bày phối hợp với các hiện vật một cách nhuần nhị và hổ trợ lẫn nhau.

Khách tham quan Triển lãm nghệ thuật trúc chỉ

Không gian triển lãm cũng được tổ chức dựa trên sự  thăng trầm lịch sử của điện Long An cũng như tính chất nhân văn, nghệ sỹ của Hoàng đế Thiệu Trị.

Triển lãm sẽ được kéo dài đến ngày 8-5. Đây là bước khởi đầu cho Dự án Triển lãm đầy đủ về Điện Long An và tinh thần vị Hoàng đế tạo dựng được triển khai vào ngày Di sản Văn hóa Việt Nam ngày 23 tháng 11 sắp tới.

                                                            Tin và ảnh: Trọng Bình