Tre Việt, di sản biểu tượng

Ta sinh ra lớn lên cùng lời ru của mẹ và những câu chuyện cổ gắn với đất nước này. Đúng như nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã viết trong chương “Đất nước” của trường ca “Mặt đường khát vọng”: Khi ta lớn lên đất nước đã có rồi/ Đất nước có trong những cái ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể/ Đất nước có trong miếng trầu bây giờ bà ăn/ Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc…”. Thế đấy, cây tre Việt Nam từ lâu lắm rồi đã là ẩn dụ của cốt cách Việt Nam. Một cốt cách vừa ngoan cường, vừa mềm dẻo để trụ vững và vượt qua được muôn vàn giông bão dữ dằn. Tre Việt hay là con người Việt: “Thân gầy guộc, lá mong manh/ Mà sao nên lũy, nên thành tre ơi” (Thơ Nguyễn Duy).

Hình ảnh cây tre quá quen thuộc với những làng quê, thôn bản Việt Nam. Tôi không quên được những bình minh đỏ thắm và hoàng hôn tím dịu hiện lên dưới ngọn tre làng. Trong không gian ấy ta nghe rõ những rì rào, xào xạc, những kẽo kẹt, bâng khuâng vừa gần gũi vừa xa xăm của xứ sở thân thương. Nghe dòng thời gian trập trùng chuyển dịch qua mỗi đốt tre còn in dấu sẹo bão giông của dải đất nhiệt đới gió mùa; nhiều lắm những truân chuyên vất vưởng, những trầm kha chìm nổi kiếp người gồng gánh bao chiêm mùa bội thu, thất bát không lường tính hết. Chiếc đòn gánh tre của bà, của mẹ, của chị, của em ta đẫm mặn mồ hôi trong gió lào, gió bấc đã từng thổi qua hàng nghìn năm rồi. Mấy nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước bi hùng, đối mặt với các loại giặc phương bắc, phương tây to lớn hung hãn và nhiều tham vọng khi đặt dấu giày viễn chinh lên non sông này, sau lũy tre làng cái hồn cốt Việt vẫn không hề suyển suy, thất thoát. Có khi nước mất nhưng làng không mất. Sau những lũy tre làng, văn hóa Việt, bản sắc Việt vẫn được bảo tồn, lưu giữ, chuyển giao từ đời này qua đời khác bất chấp tham vọng đồng hóa của ngoại bang. Trong lịch sử thế giới vẫn có những kẻ hùng mạnh đi xâm lược và thống trị nước khác nhưng cuối cùng lại bị văn hóa của người bị trị chinh phục. Thế mà kỳ diệu thay, mạch văn hóa “con Rồng cháu Tiên” vẫn chưa hề bị đứt đoạn, vơi cạn, biến mất. Ngay đến tôn giáo khi được du nhập vào đất nước ta cũng đã bị “Việt hóa” một cách mềm mại, tinh tế. Phải có một tầm vóc bản lĩnh thế nào, một ứng xử mềm dẻo ra sao mới làm được điều đó.

Tre đánh giặc ngoại xâm theo cách của tre. Thánh Gióng nhổ bụi tre ngà quật ngã giặc Ân để sau đó con cháu của Phù Đổng Thiên Vương dùng chông tre, đòn tre hạ địch. Sau lũy tre ken dày có những ngôi làng kháng chiến. Tre cũng bao đận mang trên mình vết thương chiến tranh. Tôi đã từng chứng kiến những bụi tre rậm rạp bị bom đạn đốn phạt tả tơi. Khói bom ám lên từng ngọn lá còn sót lại đen sạm. Cứ tưởng rằng tre sẽ bị héo khô, cạn kiệt sức sống. Nhưng chỉ sau một thời, ngắn thôi, những mầm tre non lại nhú lên trên thân cành nát gãy, rồi từ mặt đất nhú dậy những đọt măng nhọn. Măng lại thành tre. Tre đan kết nên lũy, nên thành. Tre già măng mọc là lẽ tự nhiên nhưng vận vào đời chẳng sai chệch chút nào. Với người Việt tre thành biểu tượng của tính cách và tâm hồn dân tộc. Một dân tộc gan góc nhưng chan chứa tình cảm, sống thủy chung, biết cương nhu tùy lúc. Không bao giờ vung đao chém kẻ ngã ngựa, biết cầu hòa trên tư thế của người thắng trận, sau chiến tranh muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới, kể cả kẻ từng đối địch với mình. Tre Việt chẳng bao giờ muốn trở thành vũ khí. Những rặng tre xanh chỉ muốn ôm lấy những xóm mạc yên bình, bên cánh đồng bát ngát xôn xao gió chiều, gió sớm, ríu ra ríu rít tiếng chim. Tre chỉ muốn trở thành thúng, mủng, nong, nia, giần, sàng hay chiếc nôi như con thuyền nhỏ đung đưa trong ầu ơ tiếng mẹ. Hết nạn binh đao giặc dã bao lớp người Việt trẻ lại mượn tre trúc để thổ lộ lời yêu “Em về cắt rạ đánh tranh/ Chặt tre chẻ lạt cho anh lợp nhà/ Sớm khuya hòa thuận đôi ta/ Hơn ai gác tía lầu hoa một mình”. Dân ta vốn duy tình nên ưa “lạt mềm buộc chặt”, như tre vậy, muốn tồn tại phải biết dẻo dai, nhu thuận, tùy cơ ứng biến. Cái chữ “Duyên” của đạo Phật vận vào tính cách người Việt thật trùng khít. Không nghi ngờ gì nữa, cây tre Việt Nam mang trong nó những tố chất rất gần gũi với phẩm hạnh dân tộc này. Mà phẩm hạnh dân tộc luôn được biểu hiện rõ ràng, sâu sắc và bền lâu trong những giá trị văn hóa cốt lõi của người Việt đã được nung nấu, kết tụ, bồi đắp qua hàng nghìn năm dựng xây và bảo vệ cõi bờ, giang sơn. Đó chính là di sản tinh thần lớn nhất mà tổ tiên, ông cha đã để lại cho chúng ta. Nó như tấm “căn cước dân tộc” vô giá mà chúng ta phải luôn gìn giữ cẩn thận bất luận sống ở thời đại nào. Những thế hệ người Việt bây giờ và mai sau có trở thành công dân toàn cầu thì tấm “căn cước dân tộc” ấy vẫn rất cần với họ. Bởi đó là nguồn cội, là xứ sở mà ai không biết thương nhớ và tri ân sẽ không lớn nổi thành người. Bởi rằng, mỗi con người đều được ra đời và lớn lên trong một hoàn cảnh xã hội nhất định và muốn hay không muốn nó mang trong mình nền văn hóa dân tộc và thời đại. Hiện thực lịch sử tồn tại trong mỗi con người như là dấu vết quá khứ không thể cắt bỏ, gột tẩy được.

Nói chuyện tre cũng là nói chuyện người, chuyện đời. Cứ ngỡ như giữa cây và người có sự đồng cảm, giao hòa nào đó. Từ rất lâu rồi, cây tre Việt Nam, dân tộc Việt Nam là một. Sao lại có sự tương đồng kỳ lạ đến vậy chứ. Dẫu bây giờ, khi quá trình đô thị hóa đang diễn ra ào ạt, những rặng tre, lũy tre không còn nhiều thì trong tâm thức của người Việt tre xanh vẫn là biểu tượng không thể thay thế của dân tộc mình. Và, đương nhiên rồi, Mai sau/ Mai sau/ Mai sau/ Đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh…(Thơ Nguyễn Duy).

NGUYỄN HỮU QUÝ

 

Top