Trao tặng tranh chân dung nữ tướng Nguyễn Thị Định làm từ lá sen

(TGDS). Ngày 24-8-2023, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Câu lạc bộ Phụ nữ với di sản văn hóa và Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam (thuộc Hội DSVH Việt Nam) tổ chức sự kiện Về với sen và tiếp nhận tranh chân dung bà Nguyễn Thị Định làm từ lá sen. Đây là hoạt động tri ân, tưởng nhớ 31 năm ngày mất của bà Nguyễn Thị Định (26.8.1992 - 26.8.2023).

Tham dự sự kiện có PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam; bà Trần Lan Phương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa; các nguyên lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam; đại diện lãnh đạo Hội Sử học Việt Nam; Ban Chủ nhiệm và một số thành viên CLB Câu lạc bộ Phụ nữ với di sản văn hóa và Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam; các nguyên lãnh đạo Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, những người yêu mến nữ tướng Nguyễn Thị Định...

Tác phẩm tranh chân dung bà Nguyễn Thị Định nằm trong bộ sưu tập chủ đề “Sen trong đời sống văn hóa Việt” của kỷ lục gia châu Á Nguyễn Thị Thanh Tâm, do nghệ nhân Lê Văn Nghĩa (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) thực hiện trong thời gian 3 tháng.

Trao tặng tranh chân dung bà Nguyễn Thị Định làm từ lá sen

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Hội LHPN VN Trần Lan Phương, khẳng định: "Sự kiện hôm nay có ý nghĩa hết sức đặc biệt khi Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam được tiếp nhận tranh chân dung bà Nguyễn Thị Định làm từ lá sen. Đây là một ý tưởng độc đáo, vừa mang giá trị nghệ thuật lại giàu tính nhân văn sâu sắc; đồng thời là món quà vô giá để tôn vinh và bày tỏ tấm lòng thành kính với người lãnh đạo Hội Phụ nữ, nữ tướng kiệt xuất của dân tộc. Bức tranh chân dung cũng tượng trưng tấm gương của bà Định trong trái tim các cán bộ, hội viên, phụ nữ, để các thế hệ sau tiếp bước noi gương và kế tục những truyền thống tốt đẹp của thế hệ đi trước. Những món quà như bức tranh này sẽ trở thành tư liệu giáo dục truyền thống quý báu, cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam tới thế hệ trẻ trong tương lai”.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam phát biểu tại sự kiện

Tại buổi lễ, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa chia sẻ, bà vô cùng bồi hồi, xúc động khi tham gia sự kiện tôn vinh nữ tướng Nguyễn Thị Định. Bà cho rằng, Bức tranh chân dung cô Ba Định làm từ lá sen khô là thông điệp vô cùng ý nghĩa, góp phần thúc đẩy việc gìn giữ bản sắc văn hóa, giúp Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam ngày càng có thêm cơ hội quảng bá, lan tỏa hình ảnh những người lãnh đạo, đặc biệt là những người phụ nữ giỏi giang, tiêu biểu.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa chia sẻ những câu chuyện khi còn làm việc với "dì Ba Định"

Trong khuôn khổ sự kiện, còn diễn ra buổi giao lưu "Chuyện về bà Nguyễn Thị Định" với những khách mời đặc biệt: Bà Đặng Thị Tố Ngân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam; bà Nguyễn Thị Kim Hoa, nguyên Phó Trưởng phòng Hành chính Tổng hợp - Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, cũng là người giúp việc thân cận bên bà Nguyễn Thị Định gần 9 năm, từ năm 1984 cho đến năm 1992; bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, kỷ lục gia châu Á, sở hữu bộ sưu tập chủ đề "Sen trong đời sống văn hóa Việt".

Giao lưu "Chuyện về bà Nguyễn Thị Định" với những khách mời đặc biệt

Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm cho biết: “Tác phẩm tranh chân dung bà Nguyễn Thị Định làm từ lá sen khô bắt nguồn từ tâm nguyện mong muốn tri ân và lưu giữ những hình ảnh cao đẹp về người phụ nữ Việt Nam của các thành viên Câu lạc bộ Phụ nữ với di sản văn hóa và Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam. Trong suy nghĩ của tôi, trong bộ sưu tập của mình, tôi mong muốn làm được chân dung về những người phụ nữ có tầm ảnh hưởng qua các cuộc kháng chiến cũng như theo dòng lịch sử của đất nước. Tôi có cơ duyên gặp bà Nguyễn Thị Định từ năm 1984, khi ấy tôi còn là giáo viên ở Thanh Hóa, còn bà đang làm Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam. Tôi đã  đến gặp bà tại 36 Hàng Chuối, cuộc trò chuyện với bà hôm đó để lại cho tôi rất nhiều ấn tượng... Để làm nên bức chân dung từ lá sen, tôi đã chọn 1 trong 3 bức ảnh Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam gửi để chuyển cho nghệ nhân. Khi nghệ nhân gửi lại bức tranh, tôi vô cùng ngỡ ngàng và xúc động. Ngày hôm nay, bức tranh được trao tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam sẽ góp phần làm đa dạng hơn các loại hình hiện vật trong bộ sưu tập về bà Nguyễn Thị Định của bảo tàng, để từ đó tiếp tục thực hiện sứ mệnh tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ về lịch sử và truyền thống cao đẹp của phụ nữ Việt Nam...”

Bà Nguyễn Thị Định sinh ra và lớn lên trong gia đình giàu truyền thống cách mạng. Tham gia hoạt động khi mới 16 tuổi, vào Đảng khi tròn 18 tuổi, bà đã đối mặt và vượt qua nhiều mất mát khi gia đình bị chia cắt, phải xa con khi con còn quá nhỏ, chồng bị bắt và hy sinh. Tên tuổi của bà Nguyễn Thị Định gắn liền với phong trào Đồng khởi ở Bến Tre, với "đội quân tóc dài". Từ sau Đồng khởi, Bà từng tham gia giữ nhiều chức vụ quan trọng, như: Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch Mặt trận giải phóng tỉnh Bến Tre; Ủy viên Chủ tịch đoàn Ủy ban TƯ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam; Hội trưởng Hội LHPN Giải phóng miền Nam; Phó Tư lệnh các lực lượng Giải phóng miền Nam Việt Nam. Bà được phong hàm Thiếu tướng QĐND Việt Nam năm 1974... Sau giải phóng, Bà là Ủy viên TƯ Đảng các Khóa IV, V, VI, Đại biểu Quốc hội các Khóa VI, VII, VIII. Từ năm 1982 bà là Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Phó Chủ tịch Liên đoàn Phụ nữ dân chủ quốc tế; Từ năm 1986 đến 1992 bà là Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước.

                                                                                                       Bài và ảnh: Q.Hương

Top