Tranh lá

Tranh lá là một bộ môn nghệ thuật được du nhập vào Việt Nam không lâu, dùng chính những chiếc lá cây già cỗi, nhuộm màu và ghép thành những bức tranh đầy màu sắc. Tuy tuổi đời không cao, nhưng tại Việt Nam bộ môn nghệ thuật này đã có bước phát triển nhanh, tạo cho giới hội hoạ một cái nhìn mới về chất liệu lá.

Tranh lá thể hiện sự sáng tạo của người Việt trong việc kiếm tìm chất liệu mới, đặc sắc cho hội hoạ. Với việc sử dụng lá làm chất liệu người Việt đã đem lại cho lá một cuộc sống vĩnh hằng, mang đến cho hội hoạ một hơi thở mới. Những tác phẩm cùng thể loại cùng chủ đề trong bộ môn nghệ thuật khác đôi khi có thể giống nhau như đúc. Nhưng tranh lá thì không thể có bản sao nguyên mẫu, bởi chúng khác nhau ở từng đường nét, từng chiếc lá, màu sắc, đường viền, dạng và gân lá.

Trước Việt Nam, tranh lá đã có mặt ở Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ dưới các hình thức thể hiện khác nhau: Tranh được làm từ cắt dán lá cây khô thành tranh hoặc dùng màu vẽ lên lá.

(Ảnh: TL)

Để có nguyên liệu, những người làm tranh lá phải lặn lội đến nhiều cánh rừng, nhiều vùng quê vì không phải loại lá nào cũng sử dụng được. Qua thử nghiệm, họ mới biết những loại lá nào có thể cho màu sắc mong muốn sau khi xử lý. Lá cây được tập hợp về  để sơ loại những chiếc lá không phù hợp. Lá được chọn phải mới rụng, nguyên vẹn và chưa phân hủy. Để tạo ra màu trắng, họ tìm những loại lá mỏng nhưng có độ dai, ít gân, những màu khác cần loại dày hơn, gân đẹp và có nhiều sắc độ trên cùng một chiếc lá để tạo sự biến hóa uyển chuyển, sống động trên tranh. Rửa lá là giai đoạn tương đối đơn giản, tuy nhiên lá phải được kỳ cọ nhẹ nhàng, cẩn thận và phải tỉ mỉ. Yêu cầu của giai đoạn này là sau khi rửa lá không còn lại một vết bẩn nào, nếu không cũng ảnh hưởng đến màu sắc của lá sau các công đoạn xử lý sau này. Sau khi rửa sạch và để ráo, lá được luộc kỹ (để tách bỏ các thành phần hữu cơ dễ phân hủy, giúp bảo quản lâu hơn) cùng vài loại hóa chất tạo sự bền dai, tránh vỡ vụn. Đây là một trong những giai đoạn quan trọng nhất của quá trình xử lý lá, chỉ có các nghệ nhân có kinh nghiệm làm việc lâu năm mới đảm nhiệm được giai đoạn này bởi vì mỗi một loại lá phải điều chỉnh nhiệt độ, thời gian, thêm lượng chất ổn định màu bao nhiêu, chất đảm bảo độ bền cho lá là chất gì...Giai đoạn này thường diễn ra từ 2 đến 3 ngày, thậm chí có loại lá phải được luộc đến 1 tuần mới đảm bảo được yêu cầu. Sau khi luộc lá đã đạt đến độ bền và ổn định được màu sắc, lá phải được đem ngay ra phơi giữa nắng gắt, có độ thông thoáng cao và đặc biệt thời gian phơi nắng cũng phải được kiểm soát để đảm bảo không ảnh hưởng đến màu sắc sau khi xử lý của lá.

(Ảnh: TL)

Những chiếc lá sau xử lý có màu sắc khá đa dạng: trắng, vàng, nâu, ghi, đen, xám...; có độ bền cao, dẻo và dai, có thể vò mạnh mà không nát, ngâm nước mà không phai màu. Một số màu chưa tìm được lá phù hợp bắt buộc các nghệ nhân phải nhuộm màu để bổ sung màu sắc cho phong phú. Quá trình nhuộm màu này cũng là một bí quyết của các nghệ nhân.

Để làm bức tranh lá, nghệ nhân trước hết phải vẽ phác thảo tác phẩm cần chuyển thể. Người nghệ nhân vẽ phác thảo càng sắc nét, càng điêu luyện tinh tế thì tác phẩm tranh lá chuyển thể cũng nhờ đó mà đạt được hiệu quả cao hơn. Hiện tranh lá Việt Nam chủ yếu là chuyển thể từ một tác phẩm nổi tiếng có sẵn, nhưng cũng có những bức là sáng tác riêng.  Có thể là những thể hiện mới mẻ về Hà Nội phố, Áo dài truyền thống, Quan họ Bắc Ninh, non nước Hạ Long, đồng quê yên bình, ...

(Ảnh: TL)

Trên nền giấy dán lên tấm gỗ, họa sĩ vẽ phác thảo bằng chì, rồi chọn những mảnh lá có màu sắc thích hợp để cắt và dán lên. Có khi cả bao lá to mà họa sĩ chỉ tìm được vài chiếc vừa ý. Sau công đoạn vẽ phác thảo, công đoạn tiếp theo tưởng chừng đơn giản nhưng lại hết sức quan trọng quyết định đến giá trị nghệ thuật của bức tranh: Công đoạn chọn gam màu lá và loại lá phù hợp với tác phẩm cần chuyển thể. Tuỳ theo trình độ cảm nhận và đầu óc mỹ thuật, khi cùng thể hiện một chủ đề mỗi nghệ nhân lại chọn cho mình một loại lá, màu lá khác nhau để thể hiện tác phẩm của mình. Điều này khiến cho các tác phẩm tranh lá tuy cùng một nội dung thể hiện nhưng không bao giờ giống nhau hoàn toàn như tranh vẽ, tranh thêu hay tranh đá quý… Do đó những người yêu nghệ thuật khi treo tranh lá trong nhà hoàn toàn yên tâm rằng bức tranh lá của mình là độc nhất và không có bức thứ hai giống như thế.

Chuyển thể là công đoạn khó nhất, tỉ mỉ nhất thử thách lòng kiên trì của các nghệ nhân. Một bức tranh lá hoàn thiện là sự lắp ghép của hàng ngàn, hàng vạn chi tiết nhỏ. Mỗi chi tiết đó người nghệ nhân phải tỉ mỉ cắt bằng kéo rồi dán lên trên bản phác thảo. Mỗi tác phẩm tranh lá thường mất nhiều ngày làm việc mới hoàn thành xong. Sau khi tác phẩm tranh lá đã chuyển thể xong, bề mặt tranh lá thường khá xù xì nên cần được xử lý sơ bộ lớp bề mặt bằng một số chất làm bóng bề mặt để tăng giá trị thẩm mỹ cho tác phẩm. Trừ khâu xử lý lá, thời gian làm một bức tranh có thể chỉ 3-4 ngày, nhưng cũng có thể kéo dài hàng tháng. Theo những nghệ nhân lâu năm làm tranh lá, độ bền của tranh có thể từ 15 đến 20 năm, thậm chí còn lâu hơn thế nữa.

(Ảnh: TL)

Mộc mạc, gần gũi, tranh lá không kén chọn người chơi tranh. Từng đường gân, thớ lá, sắc màu mang đến cho người xem những cảm nhận về chiều sâu không gian và thời gian, về “thông điệp” mà những hoạ sỹ đã gửi gắm trong từng tác phẩm. Từ các khách sạn nhà hàng sang trọng hay những quán café bình dân, đều có thể treo tranh lá như một cách tạo ấn tượng đặc biệt cho không gian. Từ các văn phòng, phòng làm việc đến những ngôi nhà chung cư cao tầng, tranh lá là một cách mang hơi thở của tự nhiên, nét đẹp của tự nhiên để làm hài hoà không gian nội thất hiện đại. Từ phòng khách, phòng ăn, nhà bếp, dọc cầu thang, phòng ngủ, v.v bạn có thể lựa chọn được rất nhiều bức tranh lá với chủ đề phố cổ Hà Nội, phong cảnh, tĩnh vật, con người với màu sắc sinh động và bất kỳ kích thước nào bạn muốn.

Thu Thủy

Top