Người Nùng ở Lào Cai có nhiều nhóm địa phương khác nhau như: Nùng Dín, Nùng An, Nùng Phàn Sình… sự khác biệt giữa các nhóm được thể hiện qua tiếng nói, phong tục, lễ nghi, trong đó các bộ trang phục của phụ nữ là điều dễ nhận biết hơn cả.
Bộ trang phục phụ nữ Nùng Dín may bằng vải bông tự dệt, màu đen hoặc chàm xanh, được cắt may khá cầu kỳ, trang trí công phu. Áo của phụ nữ Nùng Dín ngắn ngang thắt lưng, may kiểu xẻ ngực, gồm 4 thân may thành 2 lớp vải, lớp ngoài chọn vải dày, cứng, lớp trong mỏng, mềm. Hai bên nẹp áo đơm các hạt bạc trắng nhỏ xíu tạo thành cánh hoa làm nền cho 12 chiếc cúc bạc, gọi là cúc con và một chiếc cúc lớn hơn gọi là cúc mẹ. Chính từ những chiếc cúc này và kiểu dáng của thân áo, làm tôn thêm vẻ độc đáo của bộ trang phục phụ nữ Nùng Dín. Cổ và nẹp áo còn được trang trí bởi các miếng bạc mỏng, nhỏ hoặc các khoanh vải hoa nhiều màu. Đây là biểu tượng thể hiện sự cầu mong hạnh phúc của người phụ nữ Nùng Dín. Các hạt bạc còn được làm khuy áo, trang trí dọc nẹp áo, tạo cho trang phục nét trang trọng riêng biệt. Mô típ hoa văn nơi gấu áo được bố cục theo mảng xen kẽ nhau bằng các đường thẳng song song có hình răng cưa tạo nên thế đối xứng cách quãng. Phía ngoài mảng hoa văn có viền vải nhiều màu song song với nhau tạo thành vòng tròn nổi bật ôm lấy thân hình người phụ nữ.
Bộ trang phục phụ nữ Nùng Dín may bằng vải bông tự dệt, màu đen hoặc chàm xanh, được cắt may khá cầu kỳ, trang trí công phu. (Ảnh: TL)
Váy phụ nữ Nùng Dín may kiểu váy xoè, nếp xếp từ cạp váy xuống mắt cá chân, khác với các nhóm địa phương khác, váy Nùng Dín gần giống với váy của phụ nữ Tày, có phần giống với kiểu váy xoè xếp nếp của phụ nữ Mông. Váy được may bởi 2 lớp vải, lớp ngoài dày, cứng và lớp trong mỏng và mềm. Cạp được cắt ghép 12 màu vải khác nhau tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Thân váy được ghép lại từ 4 mảnh vải màu đen, hoặc chàm xanh, hai mép vải từ đầu váy đến dọc thân váy để hở, khi mặc, mép nọ xếp chồng lên mép kia, làm cho người mặc vẫn có cảm giác thật kín đáo. Hai bên đầu váy nối với nhau tạo thành hai dây vải dài dùng để thay cho dây thắt lưng hay dải rút, thắt cho váy giữ chặt vào eo lưng người phụ nữ. Phía chân váy được táp thêm vải hoa nhiều màu vừa làm cứng chân váy, vừa tôn thêm vẻ đẹp sặc sỡ của chiếc váy.
Người phụ nữ Nùng Dín thường quấn hai lớp khăn trên đầu, tạo thành hình múi. Khăn vấn sao cho giống hai chiếc sừng trâu hai bên. Nét tượng trưng này thể hiện quan niệm của người Nùng Dín coi “Con trâu là đầu cơ nghiệp”. Khăn có chất liệu vải tự dệt màu đen, rộng 40 cm, dài khoảng 1,5m, mép khăn có viền chỉ đỏ, trên khăn gắn mảng hoa văn phía trước trám, các mảng hoa văn là các miếng bạc nhỏ đính xít vào nhau, tạo nên các hoạ tiết hoa văn giống như trang trí trên cổ áo. Những bộ phận còn lại của bộ trang phục Nùng Dín là tạp dề, xà cạp, đệm vai, giầy vải và các đồ trang sức bằng bạc trắng như: dây xà tích, vòng cổ, vòng tay, vòng chân, hoa tai.
Người phụ nữ Nùng Dín thường quấn hai lớp khăn trên đầu, tạo thành hình múi. (Ảnh: TL)
Với trang phục cưới, theo quan niệm của người Nùng Dín, ngoài ý nghĩa mang tính dân tộc, bộ trang phục cô dâu trong ngày cưới còn được coi là của hồi môn quý giá nhất của bất kỳ người con gái nào khi đi lấy chồng, họ có thể đem mua bán, trao đổi hoặc làm vốn trang trải khi gia đình gặp khó khăn, sinh cơ lập nghiệp... Bộ trang phục cô dâu của người Nùng Dín được làm rất kỳ công phức tạp. Một bộ trang phục hoàn thiện phải đi kèm nhiều thứ như áo, váy, hài; các đồ trang sức đắt tiền như vòng cổ, vòng tay, hoa tai, trâm cài; các hạt cườm và cúc áo bằng bạc đính liền khăn và áo. Nguyên liệu may trang phục chủ yếu bằng vải mộc nhuộm chàm được miết bóng trên mặt bằng đá xanh. Trên các viền cổ áo, ống tay, đầu khăn và mặt hài được thêu hoa văn tuy không sặc sỡ nhưng có những nét đẹp rất khác lạ, trang trí khá phong phú nhiều loại hoa văn dây leo, vân mây, con bướm, lá cây dương xỉ, cây thông. Màu sắc của những hoa văn, họa tiết này thường là màu hồng, màu tím, màu xanh đan xen vào nhau hài hòa và tinh xảo. Hài cô dâu được làm theo kiểu mũi cong hình thuyền giống như hài thêu của các bậc vương giả thời phong kiến. Trên cổ áo và khăn đội đầu được đính hạt cườm bằng bạc theo hình núi non và sóng nước. Cúc áo cũng được làm bằng bạc trắng gồm hai loại khác nhau là loại đơn và loại kép. Loại kép thì có cúc to hơn có hình vuông đính các chùm trang sức giống hoa hành, hình con cá. Trang sức gồm vòng cổ (xà tích), vòng tay, trâm cài đầu và khuyên tai, tất cả đều được làm từ bạc trắng hoa xòe và được chạm trổ công phu. Ngoài ý nghĩa là của hồi môn quý giá, bộ trang phục cô dâu còn là một trong những đồ thách cưới mà nhà gái Nùng Dín nào cũng đòi hỏi.
Trang phục là một trong những nét đẹp truyền thống rất đặc trưng, rất riêng biệt của người Nùng Dín. Không những vậy, đó còn là niềm tự hào của dân tộc này. Nét đẹp của những trang phục dân tộc đã góp phần tạo nên sự phong phú và đa sắc màu của 27 dân tộc Lào Cai.
Hồng Phượng (Tổng hợp)