“Trăm nghe không bằng một thấy” - Học từ cách bảo vệ di sản ở Hàn Quốc

Hơn 15 năm qua, năm nào tôi cũng có dịp thăm và tương tác với di sản Hàn Quốc. Không họp hành, hội thảo thì cũng giao lưu trao đổi văn hóa. Không di sản văn hóa phi vật thể thì lại bảo tàng. Không làm việc thì lại đi du lịch homestay để tự trải nghiệm. Chuyến nào cũng thú vị và đầy ắp cảm xúc về di sản nước bạn.

Hàn Quốc là một trong những quốc gia châu Á đi đầu và xuất sắc trong lĩnh vực bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Tôi thích cách làm của Hàn Quốc vì không thương mại hóa, vì không quá “hàn lâm” mà gần gũi với cộng đồng, vì tích hợp được với nhu cầu văn hóa đương đại và quan trọng hơn cả là vì có “sự tham gia của cộng đồng với hiểu biết đầy đủ” (Công ước UNESCO 2003).

Tặng dây song cho Bảo tàng Kéo co Hàn Quốc

Các bạn Hàn Quốc đã nghĩ đến di sản văn hóa, đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể từ những năm 60 của thế kỷ trước. Luật của các bạn gọi đó là những “Tài sản văn hóa quan trọng”. Con người/chủ thể nắm giữ di sản bạn gọi đó là “Báu vật nhân văn sống”. Chương trình thiết lập Hệ thống Báu vật nhân văn sống của Hàn Quốc đã được UNESCO nghiên cứu tham khảo trong nhiều thập kỷ, trước khi có Công ước 2003 về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Hàn Quốc là quốc gia thứ 11 phê chuẩn Công ước, là thành viên Ủy ban Liên Chính phủ nhiều nhiệm kỳ. Tính đến nay, trong các danh sách của UNESCO, Hàn Quốc có 20 Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, không có Di sản cần bảo vệ khẩn cấp, trong đó có 3 di sản thuộc loại đa quốc gia. Năm 2018 Hàn Quốc còn có một di sản đề cử chung với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên -  Môn Vật truyền thống.

Lễ hội Kéo co Gijisi ở thành phố Danjin, tỉnh Chungcheongnam năm 2019

Nghi lễ và trò chơi kéo co của Cambodia, Hàn Quốc, Phillippines và Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được ghi danh năm 2015. Hàn Quốc là nước khởi xướng và Việt Nam đã tham gia tích cực vào việc xây dựng hồ sơ. Ở Hàn Quốc, hầu hết các tỉnh có nghề nông đều có truyền thống kéo co. Các di sản được chọn đề cử có ở các tỉnh/thành phố Danjin, Namhee, Milyang, Uiryeong, Changnyeong và Samcheok, một tỉnh vừa làm nông nghiệp lại vừa có nghề đánh cá. Như tên gọi của một cuốn sách vừa được xuất bản Nghi lễ và trò chơi kéo co, di sản chung nhưng tiếp cận đa dạng, Hàn Quốc có khá nhiều kinh nghiệm đáng học hỏi để bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nói chung và di sản kéo co nói riêng.

Lễ hội Kéo co Gijisi từ cách đây khoảng năm trăm năm, mỗi năm diễn ra một lần vào tháng Ba âm lịch. Qui trình thực hành lễ hội từ cúng tế đến trình diễn biểu trưng nhiều ý nghĩa trong đó nổi lên là hình ảnh đoàn kết cộng đồng vượt qua thiên tai, giông bão, mặt khác phản ánh truyền thống bện dây, đan lưới có từ xa xưa của những cư dân ven biển. Ngày nay, để bảo vệ lễ hội này, chính quyền thành phố Danjin đã hỗ trợ người dân tổ chức thành một sự kiện/lễ hội kéo co rất lớn, lớn nhất Hàn Quốc. Để ghi nhận những giá trị của cộng đồng kéo co Gijisi, chính quyền đã cho xây dựng một Bảo tàng Kéo co, ủng hộ kinh phí nghiên cứu lập hồ sơ Di sản Kéo co đa quốc gia trình UNESCO và khi di sản được vinh danh thì từng bước chính quyền sẽ hỗ trợ để sự tham gia của các cộng đồng kéo co quốc gia và quốc tế với Lễ hội Gijisi, Danjin ngày càng nhiều hơn, ý nghĩa hơn.

Có từ 5000 đến 7000 người tham gia

Cũng như mọi thành phố khác ở Hàn Quốc, Danjin là thành phố phát triển với những con đường lớn và những ngôi nhà cao tầng. Tuy nhiên quy hoạch của thành phố bảo vệ tối đa những điểm di sản dù chỉ là một chiếc giếng cổ bé xíu hay một ngôi đền thờ nhỏ xinh trên đỉnh núi. Ở đây tuyệt nhiên không có tư duy “hoành tráng”, thích đập đi và xây mới thật to. Các điểm di tích là nơi trú ngụ, hiển hiện di sản văn hóa phi vật thể vì vậy họ đã giữ như thể bao đời tổ tiên đã giữ vậy, không vì mục tiêu thu hút du lịch để tạo dựng di sản nhất là những di sản đang có tiếng, có danh. Quy hoạch thành phố hiện đại luôn đặt trong bối cảnh bảo vệ di sản vật thể và phi vật thể một cách hài hòa.

Ngôi đền cổ trên núi Dangjin

Những cây anh đào cổ thụ hàng trăm năm tạo thành một khu rừng nhỏ trên một ngọn núi đất cao nhất ở Dangjin. Ở giữa rừng anh đào tự nhiên ấy có một ngôi đền thiêng. Ở đó người Hàn Quốc thực hành 3 nghi lễ thuộc ba tín ngưỡng khác nhau: đạo Khổng, Phật giáo và Shaman giáo. Trước hội một ngày, người ta tổ chức nghi lễ xin Thần linh cho mở hội Kéo co. Đoàn rước lớn, trống chiêng hàng trăm người rộn rã đi vòng quanh thành phố (hơn 5km), leo lên núi, thực hành nghi lễ xin Thần linh trên núi rồi xuống núi làm nghi lễ với Thần Nước (Thần Giếng) suốt một buổi chiều. Hội làng là dịp để người dân gắn bó, chia sẻ và vui là chính. Vui vì mặc đẹp, nhảy múa, xem lễ và ăn uống cùng nhau. Bánh dày đậu đỏ, bánh rán có con tép nhỏ xíu thơm mùi biển cả, đậu phụ nướng và một loại giò như giò thủ của Việt Nam cùng với rượu nếp là lộc để cùng liên hoan sau hai lễ cúng.

Bảo tàng Kéo co

Khi UNESCO soạn thảo Công ước 2003 về Bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể là lúc các chuyên gia bảo tàng học Hàn Quốc đã tìm mọi cách để giới thiệu trong bảo tàng một cách dễ hiểu và sinh động như chính đặc trưng của di sản vậy. 
Cách làm dây kéo, cách kéo co được diễn giải bằng các mô hình mini. Một cách trưng bày phổ biến ở Hàn Quốc, Nhật, Trung Quốc. Không mới nhưng vẫn rất hấp dẫn nhất với khách châu Á và với trẻ em. Hàn Quốc có 6 nhóm kéo co ở 6 vùng. Cả 6 loại hình đều có mặt trong bảo tàng này. Bộ dây kéo co bằng cây song rừng dài trên 35m cùng với các đồ vật khác của Kéo co Ngồi của Việt Nam được cộng đồng Thạch Bàn đem sang tặng bảo tàng trong lễ hội năm nay sẽ được trưng bày giới thiệu trong thời gian tới.

Mô hình kéo co con cua tại Bảo tàng

Vì di sản văn hóa phi vật thể là sự sống, là con người nên không gian trình diễn di sản và sinh hoạt cộng đồng rất được chú trọng. Những thành phố khác tôi có dịp qua như Gangneung, Daejon. Jeonju, An Dong … đều có những bảo tàng về di sản văn hóa phi vật thể như vậy.

Bện dây co và kéo co

Bộ dây kéo co bằng rơm khổng lồ nặng 40 tấn, dài 200m, cả làng cùng tham gia bện trong vòng 1 tháng trước khi diễn ra lễ hội. Có hai dây: dây Đực và dây Cái. Có hai đoàn rước đi cùng hai dây kéo. Cuộc kéo rước này rất vui, thể hiện sức mạnh tập thể. Ai cũng có thể tham gia. Ông Tổng cờ to cao trên 1,8m đứng đầu dây và ra hiệu lệnh mọi người kéo theo nhịp hô. Kéo từ dưới chân núi lên sân trình diễn ở trên núi khoảng 1km đường dốc và mất vài giờ. Không ai bỏ cuộc vì thấy mệt, trái lại rất vui. Khi kéo chính thức người ta sẽ luồn dây Đực vào dây Cáineo nó lại bằng một cái cột tròn khoảng 10m rồi bắt đầu chia 2 đội kéo. Kéo đến bao giờ được về phía đội mình thì thắng. Đứt dây giữa chừng thì họ buồn, coi là điều không may và dừng cuộc kéo.

Dây Cái đã thắng

Những người quàng khăn vàng thuộc dây Đực (còn gọi là phe Thượng/Trên), khăn xanh nõn chuối thuộc dây Cái (phe Hạ/Dưới). Dây Cái luôn thắng bởi theo quan niệm của họ: dây Đực thắng đem lại sự Vui vẻ, Hạnh phúc. Còn dây Cái thắng là sinh sôi nảy nở, làm ăn phát đạt. Họ mong dây Cái thắng vì có làm ăn được thì mới vui vẻ được. Dường như mặc định điều này. Kéo co Ngồi của Việt Nam cũng có quan niệm tương tự.

Hiệp hội Kéo co Hàn Quốc

Hiệp hội này đã được thành lập từ trước khi có danh hiệu của UNESCO, do cộng đồng tự quản có sự hỗ trợ của chính quyền các địa phương. Năm 2018 Hiệp hội đã giao lưu với cộng đồng Kéo co Ngồi của phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội. Họ đã cùng nhau tổ chức trình diễn nhân ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23-11. Nhận lời mời của Hiệp hội Kéo co Hàn Quốc, cộng đồng Kéo co Ngồi đã sang thăm và dự Lễ hội Kéo co tại Danjin. Trong thời gian tới có thể mạng lưới các cộng đồng kéo co quốc tế sẽ được thành lập. Ở Việt Nam cộng đồng Kéo co Ngồi Thạch Bàn sẽ có các chuyến thăm và kết nối với cộng đồng Kéo Mỏ Sóc Sơn, Kéo co Hữu Chấp (Bắc Ninh), Kéo Song Vĩnh Phúc và Kéo Co ở Lào Cai. Họ rất muốn thành lập một tổ chức dưới sự bảo trợ của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam

TS Lê Thị Minh Lý

Ảnh trong bài do tác giả cung cấp

Top