Trầm mặc nhà cổ quê xưa

Nhiều du khách đến địa phương này đều có chung nhận xét “…tới đây có 3 điều thú vị cần tìm hiểu, đó là: nhà cổ, bánh lá dừa và xe ngựa.. Trong đó, nhà cổ là điểm đến thật thú vị và hấp dẫn vô cùng…”

Nhà cổ Đại Điền hay còn gọi là Nhà cổ Hương Liêm, tên thật là Huỳnh Ngọc Khiêm (1843 - 1927), tọa lạc ở xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Đây là một kiến trúc nhà cổ đẹp thuộc dạng hiếm hiện còn của tỉnh Bến Tre nói riêng, đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Nhà cổ Huỳnh Phủ nay thuộc địa phận xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Ảnh:Nguyễn Luân 

Ngôi nhà do ông Khiêm xây dựng từ những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20. Có giai thoại xung quanh việc cất nhà như: ông đứng ra cưới vợ cho nhiều thợ làm nhà, đa số là người từ miền Bắc, miền Trung để trả ơn.

Nhà cổ Đại Điền xây trên diện tích trên 500m2, được cất theo kiểu nhà xuyên trính, ba gian hai chái. Nền nhà cao gần 1m, kè đá xanh, bên trong lót gạch tàu  xen với gạch bông. Sườn nhà bằng gỗ, mái lợp ngói âm dương, bên dưới là lớp ngói thí có hoa văn. Tường vôi bao bọc xung quanh với nhiều cửa sổ và khuôn bông thông gió, bốn phía đều có cửa ra vào. Nhà có 80 cây cột trong đó 48 cây cột bằng gỗ lim và 32 cột gạch.

Ba gian chính là nơi thờ tự với những công trình chạm khắc gỗ trên hoành phi, bao lam, khánh thờ đều được sơn son thiếp vàng và cẩn ốc xà cừ. Nhà ông Hương Liêm được xây dựng bằng các loại cây gỗ quí với hoa văn chạm khắc trên gỗ mà đặc sắc nhất là hoa văn trên các khung cửa. Hoa văn trên khung cửa thể hiện trong các trám ngang hoặc trám đứng và chia thành từng tầng theo các đố ngang, đố dọc. Riêng khu mộ cổ cách nhà 3km, có diện tích gần 1.000m2, hình thành năm Tân Hợi (1911). Vật liệu xây dựng là đá xanh từ hàng rào bên ngoài đến phần lăng mộ bên trong. Rào cao 1,5m gồm 2 phần: Phần trên là những thanh đá cắt hình chữ nhật hoặc tam giác, phần dưới là những phiến đá nguyên.

Bộ bàn ghế cổ khảm xà cừ và đá với các họa tiết cầu kì, tinh xảo. Ảnh: Lê Minh

Qua thời gian tồn tại trên 100 năm, Nhà cổ Đại Điền đã xuống cấp và hư hỏng nghiêm trọng. Tuy nội thất nhà gần như còn nguyên nhưng qua thời gian, phần kết cấu gỗ khung, gỗ mái đã bị mối mọt xâm hại. Hệ thống tường, nền gạch bị lún, nứt, mái ngói bị vỡ gây thấm dột nhiều nơi. Khu mộ cũng bị rỉ sét, nền mộ bị sụt lún…

Năm 2011, Nhà cổ đã được Bộ VHTTDL công nhận là Di tích cấp quốc gia. Ngày 28-12-2012, UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành quyết định phê duyệt dự án trùng tu, tôn tạo 2 di sản văn hóa trên. Theo đó, dự án bao gồm tu bổ, tôn tạo hệ thống tường rào, đường giao thông nội bộ, cây xanh, thoát nước, điện chiếu sáng toàn khu nhà 7.200m2, khu nhà chính, nhà phụ cùng các hạng mục phụ trợ như cổng chính, cổng phụ, nhà khách, nhà bếp, vệ sinh, bình phong; phục hồi một số đồ thờ, giường, bàn bếp, bàn cờ, miếu thờ ngoài trời, giếng đá cổ và khu mộ đá với tổng giá trị dự án trên 35 tỉ đồng, đáp ứng niềm mong đợi của gia đình và nhân dân, nhất là những ai quan tâm đến lĩnh vực bảo tồn văn hóa, lịch sử, kiến trúc. Hiện nay, hàng ngày có rất nhiều du khách đến tham quan, tìm hiểu một công trình khá độc đáo, hiếm hoi của đồng bằng sông Cửu Long.

Bức họa chân dung ông bà Huỳnh Ngọc Khiêm, người đã cho xây dựng nhà cổ Huỳnh Phủ. Ảnh: Nguyễn Luân.

Ông Huỳnh Thu, cháu đời thứ 5 của ông Huỳnh Ngọc Khiêm, người đang trực tiếp trông coi nhà cổ cho biết “…gia đình chúng tôi rất mừng và xúc động trước sự quan tâm hỗ trợ của nhiều cơ quan để giữ được nhà cổ của tổ tiên và là điểm tham quan lý tưởng của nhiều du khách trong và ngoài  nước…”

Thú vị lắm khi được ngắm Nhà cổ Đại Điền ung dung, tĩnh tại cùng thời gian, được nghe tiếng chim kêu trong không gian êm ả, được chiêm ngưỡng nét kiến trúc văn hóa độc đáo của người xưa để nhớ về thời khai hoang, mở đất của tiền nhân.

TRƯƠNG THANH LIÊM

Có thể bạn quan tâm

Top