TP. Hồ Chí Minh: Nét văn hóa riêng của người nước ngoài giữa Sài Gòn
Ra ngõ là… gặp “Tây”
Phú Mỹ Hưng, phường Tân Phong, Tân Phú quận 7 là khu dân cứ quy tụ nhiều người nước ngoài sinh sống nhất tại TP.HCM. Ở đây dễ dàng bắt gặp nhiều người ngoại quốc đến từ nhiều quốc gia trên thế giới…nhưng chiếm số đông hơn cả là người Hàn Quốc, Phillipines và Đài Loan.
Thong dong trên đường phố
Năm 2004, khi cầu Cầu Kênh Tẻ được xây dựng, nối quận 4 với quận 7, nhiều người nước ngoài đã tìm đến sinh sống và người Hàn Quốc là những người đầu tiên chuyển về đây. Tiếp đó những cây cầu khác như: Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Tri Phương và Chánh Hưng được hoàn thiện khiến việc đi lại giữa các quận 1, 4, 5, 8 và 7 thuận tiện hơn nên ngày càng nhiều người nước ngoài tìm về đây.
Thực tế hiện nay hơn 50% cư dân sinh sống tại các khu chung cư như Sunrise City; Sky Garden 1, 2, 3; Hưng Vượng 1, 2, 3 ở các phường Tân Phong, Tân Phú quận 7 là người Hàn Quốc, Âu, Mỹ, Đài Loan, Philippines. Nhiều gia đình Việt Nam sống ở đây thường nói đùa chỉ bước chân ra khỏi nhà là đụng “Tây”.
Người nước ngoài tập trung về đây sinh sống vì ngoài đi lại thuận lợi thì giá cả ở đây tương đối rẻ. Trung bình khoảng 350-800 USD/tháng là có thể thuê được một căn hộ hai phòng ngủ khá đẹp và tiện nghi. Mức giá này khá rẻ so với thu nhập của nhiều người nước ngoài. Ngoài ra ở Phú Mỹ Hưng có an ninh trật tự, vệ sinh môi trường rất an toàn và sạch sẽ. Đó chính là lí do quận 7 là nơi có tỷ lệ người nước ngoài sinh sống cao nhất tại TP.HCM. Đặc biệt người Hàn Quốc xây dựng cho riêng mình những khu “khép kín” từ trường học, phòng khám…cho đến các dịch vụ khác nhằm tạo cho mình một cuộc sống lâu dài, ổn định.
Dấu ấn riêng qua không gian văn hóa ẩm thực
Dọc theo các con đường trong khu đô thị Phú Mỹ Hưng như: Nguyễn Đức Cảnh, Bùi Bằng Đoàn, Phạm Văn Nghị… dễ dàng thấy rất nhiều cửa hàng, quán ăn, spa, khách sạn với các bảng hiệu có màu sắc nổi bật. Và cũng dễ nhận thấy bản sắc văn hóa các nước thông qua việc trang trí hệ thống nhà hàng, khách sạn của họ.
Vào những ngày cuối tuần, tại các cửa hàng, quán ăn, quán cà phê của người nước ngoài ở khu Phú Mỹ Hưng thường chật kín người. Không chỉ người nước ngoài sống ở khu vực này mà còn rất đông người Việt. Người Việt Nam đến đây đơn giản chỉ là để thưởng thức các món ăn của nhiều nước mà không cần phải mất nhiều thời gian và tiền bạc đi du lịch
.
Đa dạng các sắc màu
Anh Nguyễn Thế Huy, sống tại khu Skygarden 2, cho biết : Ở đây việc tìm kiếm món ăn của các nước không quá khó. Bữa nào muốn thay món ăn Việt, muốn đổi vị sang các món Bimbimpap (cơm trộn), Gabil (sườn nướng) hay Japchae (miến trộn) thì đến quán người Hàn. Nếu muốn thanh tịnh đồ chay thì đến quán người Ấn Độ còn thích chua cay thì sang nhà hàng Nathali của người Thái…Giá cả không quá đắt, lại lạ miệng, không gian sạch đẹp nên gia đình tôi và bạn bè thường rủ nhau đến đây ăn.
Còn chị Nguyễn Thị Loan, sống tại chung cư khu Hưng Vượng 1, phường Tân Phú cho hay: các con của chị rất thích món cơm cuộn của Hàn Quốc hoặc các món mì của họ. Vào các ngày cuối tuần, chị thường cho con đến ăn tại đây. Bữa nào ngại đi chỉ cần gọi điện thoại nhân viên của họ sẽ phục vụ tận nhà. Thật sự mà nói sống giữa những người nước ngoài cũng có cái hay khi con cái được sống, lớn lên trong môi trường văn hóa đa dạng.
Vào buổi tối cuối tuần, ở các quán cà phê của cả người Việt Nam và người Hàn Quốc không khí rất nhộn nhịp, sôi động. Bạn có thể nghe nhiều ca khúc nhạc sống qua đủ các thứ tiếng Việt, Anh, Hàn…do các ca sĩ không chuyên hát và người Phillipin chiếm đa số về số lượng ca sĩ và nhạc công kiểu này.
"Đây là một nơi tốtđể sống và làm việc"
Đa phần người nước ngoài đến TP.HCM sinh sống làm nhiều nghề khác nhau từ công chức, nhân viên các công ty cho đến kinh doanh, buôn bán, thậm chí cả làm nghề tự do. Riêng người Hàn Quốc ở đây thường bắt đầu bằng việc mở khách sạn, nhà hàng hoặc siêu thị…
Rất nhiều gia đình hai thế hệ sống ở đây
Ryan Jung, 47 tuổi, đến từ Hàn Quốc nói tiếng Việt khá tốt cho biết: năm 2004 Jung lần đầu đến Việt Nam làm việc ở một nhà máy tại Bình Dương. Sau 5 năm công ty của Jung đã bán nhà máy cho một chủ sở hữu khác nên công ty đã gọi Jung về nước. Tuy nhiên, anh quyết định ở lại và bắt đầu công việc kinh doanh của mình khi mở một siêu thị ở khu Phú Mỹ Hưng. Theo Jung, ở đây các con anh được học trường quốc tế, Jung có thể chơi Golf điều mà ở Hàn Quốc là không thể vì quá đắt đỏ. Jung chia sẻ thêm, văn hóa, tôn giáo của Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều nét tương đồng nên rất dễ sống và hòa nhập.
Anh Joshua, người Phillipin đến Việt Nam được khoảng 4 năm cho biết, anh theo bạn sang đây làm việc, sau một thời gian cảm thấy cuộc sống khá ổn nên đã đón gia đình sang sống cùng. Hiện tại Joshua thuê một căn hộ ở chung cư Hưng Vượng 1, theo anh, cuộc sống ở đây tốt hơn nhiều so với quê nhà Palawan ở Phillipin.
Thực tế nhiều người nước ngoài mà tôi có dịp tiếp xúc đều cho rằng: TP.HCM là nơi tốt để sống và làm việc lâu dài. Bởi ở đây thời tiết nắng ấm quanh năm, môi trường sống an toàn và người dân rất thân thiện.
Bài và ảnh: Đức Quảng