Tổng kết Hội nghị Ban Chấp hành Hội Di sản Văn hóa Việt Nam lần thứ IV, nhiệm kỳ 2014-2019

Ngày 19-8-2017, tại thành phố Sầm Sơn (Thanh Hóa), Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ IV, nhiệm kỳ 2014 - 2019. Tại Hội nghị, GS.TSKH Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã có bài tổng kết. Tạp chí điện tử Thế giới Di sản giới thiệu với bạn đọc toàn văn bài tổng kết.

1. Hội nghị Ban Chấp hành Hội Di sản Văn hoá Việt Nam  lần thứ IV, nhiệm kỳ 2014-2019, được tổ chức tại thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá từ ngày 18 đến ngày 20 tháng 8 năm 2017 với sự tham gia của 42 uỷ viên Ban Chấp hành, đại diện các Hội cấp tỉnh, liên chi hội, các Trung tâm, Công ty trực thuộc Trung ương Hội và sự tham dự của một số khách mời. Trong thời gian diễn ra Hội nghị, Hội Di sản Văn hoá và Cổ vật Thanh Hoa đã tổ chức cho các đại biểu tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm tại Bảo tàng Cổ vật Hoàng Long, Bảo tàng ngoài công lập Gốm Tam Thọ, Khu trưng bày Văn hoá làng Việt, Khu Di sản Văn hoá Thế giới Thành Nhà Hồ và xem Chương trình nghệ thuật đậm đà bản sắc di sản văn hoá.

Tại Hội nghị,   đại diện lãnh đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá, Ủy ban nhân dân thành phố Sầm Sơn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa đã đến dự và phát biểu chào mừng; Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tặng sách về cổ vật cho Bảo tàng Cổ vật Hoàng Long; Hội Di sản Văn hoá và Cổ vật Thanh Hoa, Bảo tàng Cổ vật Hoàng Long (Thanh Hoá) tặng hiện vật cho Bảo tàng Cội Nguồn - Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

 

Chủ tịch danh dự Hội Di sản Văn hóa Việt Nam Nguyễn Khánh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Lê Thanh Bình

2. Hội nghị đã nghe PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Báo cáo kết quả hoạt động của Hội Di sản Văn hoá Việt Nam từ tháng 8-2016 đến tháng 8-2017 và Phương hướng, nhiệm vụ từ tháng 8-2017 đến tháng 8-2018; thảo luận, đóng góp ý kiến về kết quả hoạt động, phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.

Các ý kiến phát biểu tại Hội nghị đều nhất trí với những nội dung nêu trong Báo cáo; đồng thời, từ hoạt động thực tiễn ở cơ sở, nhiều ý kiến đã giới thiệu những kinh nghiệm hay, cách làm có hiệu quả trong việc phối hợp với các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, thu hút sự tham gia của cộng đồng, sự đóng góp của các doanh nghiệp,…trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá, cũng như những khó khăn đối với hội xã hội - nghề nghiệp phải tự lo kinh phí, phương tiện,…để tổ chức các hoạt động.

Ở đây chỉ xin nhấn mạnh, làm rõ hơn một số hoạt động, kinh nghiệm nổi bật của Hội Di sản Văn hoá Việt Nam từ tháng 8-2016 đến tháng 8-2017:

Một là, về mặt tổ chức, Hội chúng ta đã kết nạp thêm một số tổ chức trên lĩnh vực mới như thể thao cổ truyền (Trung tâm Bảo tồn di sản Võ cổ truyền Việt Nam), văn hoá ẩm thực (Chi hội Dân gian và Ẩm thực Kinh Bắc), Thiền truyền thống (Câu lạc bộ Thiền truyền thống Hà Nội), Chi hội Trường Đại học Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá và tăng cường thêm doanh nghiệp trên lĩnh vực truyền thông, tổ chức sự kiện (Công ty Cổ phần Truyền thông CMA); nâng tổng số hội viên của Hội lên 5.208.

Hai là, hoàn thành việc xây dựng Đề án xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Di sản Văn hoá Việt Nam” trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc xét và trao tặng Kỷ niệm chương là nhằm đánh giá, ghi nhận những đóng góp tích cực của hội viên Hội Di sản Văn hoá Việt Nam và các tổ chức, cá nhân trên mọi miền đất nước nhiều đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc.

Ba là, Hội Di sản Văn hoá Việt Nam đã tăng cường thêm một bước các hoạt động truyền thông nhằm giới thiệu, quảng bá di sản văn hoá, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm, các văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam, Công ước và Hiến chương quốc tế về bảo vệ di sản văn hoá và thiên nhiên, về di sản văn hoá phi vật thể.

Mặc dù phải tự lo liệu kinh phí để hoạt động, gặp nhiều khó khăn, nhưng với kinh nghiệm nghề nghiệp, năng động, sáng tạo Tạp chí của Hội (Thế giới Di sản và  Vietnam Heritage) vẫn đảm bảo phát hành đều đặn, mở rộng mạng lưới, số lượng bạn đọc ngày một tăng, tuân thủ đúng tôn chỉ, mục đích và tính chuyên nghiệp của Tạp chí, được bạn đọc tiếp nhận và đánh giá cao; đã tổ chức thành công nhiều cuộc thi ảnh về di sản văn hoá. Việc đưa vào vận hành có hiệu quả (khoảng 16.000 lượt truy cập trung bình mỗi tháng), Tạp chí điện tử Thế giới Di sản là bước tiến quan trọng thích ứng với thời đại phát triển thông tin ngày nay, là kênh thông tin, quảng bá kịp thời, có hiệu quả di sản Việt Nam trong nước và quốc tế. Quỹ Hỗ trợ bảo tồn Di sản văn hoá Việt Nam đã xây dựng và triển khai Dự án số hoá dữ liệu và quảng bá Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên. Hội đã phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức Triển lãm ảnh nghệ thuật “Dòng sông Việt”. Thông qua những thông tin chi tiết với yêu cầu và địa chỉ cụ thể về các lớp tập huấn, đào tạo nghiệp vụ bảo tàng, về di sản văn hoá của các nước và các tổ chức quốc tế thường xuyên đưa trên mạng, Câu lạc bộ Mạng lưới Bảo tàng Việt Nam - một tổ chức thuộc Hội Di sản Văn hoá Việt Nam đã tạo điều kiện cho nhiều cán bộ trong ngành có cơ hội nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tiếp cận phương pháp nghiên cứu mới ở trong và ngoài nước.

Bốn là, đối với một tổ chức xã hội nghề nghiệp như Hội Di sản Văn hoá Việt Nam, thì việc tăng cường và đa dạng hoá các hình thức phối hợp với các tổ chức nhà nước, tổ chức xã hội để có nguồn lực triển khai các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá là vô cùng cần thiết và thực sự mang lại hiệu quả. Hội đã phối hợp tổ chức các hội thảo khoa học, thúc đẩy hợp tác, trao đổi thông tin, tư liệu và những kinh nghiệm, cách tiếp cận mới trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá và thiên nhiên gắn với cộng đồng và phát triển du lịch bền vững. Hội đã phối hợp tổ chức thành công nhiều hoạt động lớn, có ý nghĩa xã hội như đã chủ trì phối hợp tổ chức Chương trình “Hành trình 70 năm Tri Ân - Hội Tụ” rước chân linh các liệt sĩ, tổ chức lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và tặng 213 suất quà cho các gia đình chế độ, chính sách, nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh, Liệt sĩ thời gian vừa qua; nhân kỷ niệm 716 năm ngày giỗ Đức Thánh Trần, Hội đã phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức thành công Chương trình Vang vọng Hào khí Đông A - Lễ dâng hương báo công Đức Thánh Trần“, tại Thiền viện Trúc Lâm Thiên Trường, tỉnh Nam Định; phối hợp với Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng tổ chức Hội nghị “Hợp tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên Thế giới ở Việt Nam”.

Năm là, về công tác đối ngoại, Hội đã có một số hoạt động nổi bật: Đã phối hợp với Trung tâm Mạng lưới và Thông tin quốc tế về di sản văn hoá phi vật thể khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ICHCAP) thuộc UNESCO hoàn thành và nghiệm thu “Dư án xây dựng danh bạ trong lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể khu vực Đông Nam Á”. Được công nhận là cơ quan tư vấn của Uỷ ban Liên chính phủ bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể (ICH-NGO), Hội đã gửi Báo cáo 6 năm về việc thực hiện Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể.

Ban Chấp hành đánh giá cao sự tâm huyết, năng động, sáng tạo của lãnh đạo và hội viên các Hội tỉnh, thành phố, các Liên Chi hội, Chi hội, Câu lạc bộ, Hội quán trong toàn quốc và các đơn vị trực thuộc Trung ương Hội Di sản Văn hoá Việt Nam (Văn phòng, các ban chuyên môn, Tạp chí, Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hoá Việt Nam, các Trung tâm, các công ty) đã có nhiều đóng góp thiết thực, có giá trị vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá tri di sản văn hoá dân tộc; từng bước nâng cao vị thế và uy tín của Hội Di sản Văn hoá Việt Nam trong xã hội.

Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam Lưu Trần Tiêu tổng kết Hội nghị. Ảnh:Lê Thanh Bình

3. Về một số kiến nghị tại Hội nghị Ban chấp hành Hội Di sản Văn hoá Việt Nam lần thứ IV, nhiệm kỳ 2014-2019:

- Về việc mở rộng thêm về số lượng các hội cấp tỉnh, thành phố thuộc Hội Di sản Văn hoá Việt Nam, xin đề nghị các uỷ viên Ban chấp hành nghiên cứu Nghị định số 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội, theo đó, việc thành lập hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh, thành phố thực hiện theo quy định tại Điều 5 về điều kiện thành lập hội, Điều 6 về thành lập Ban vận động thành lập hội, Điều 7 về hồ sơ xin phép thành lập hội và những quy định khác, và phải được Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố có quyết định cho phép thành lập. Sau khi được thành lập, nếu có nguyện vọng, Hội tỉnh, thành phố có đơn xin gia nhập Hội Di sản Văn hoá Việt Nam, Trung ương Hội rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận. Địa phương nào có nguyện vọng và đủ diều kiện thành lập Hội cấp tỉnh, có thể liên hệ với Văn phòng Hội Di sản Văn hoá Việt Nam để được hướng dẫn thêm về kinh nghiệm, thủ tục quy trình thành lập.

- Về ngày Di sản Văn hoá Việt Nam: Tại Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg ngày 24 tháng 2 năm 2005 Thủ tướng Chính phủ quy định lấy ngày 23 tháng 11 hàng năm là “Ngày Di sản văn hoá Việt Nam”. Hàng năm, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đều phối hợp với Hội Di sản Văn hoá Việt Nam và các bộ, ngành có liên quan tổ chức nhiều hoạt động lớn; Trung ương Hội cũng có văn bản gửi các tổ chức Hội trong toàn quốc về tổ chức các hoạt động nhân ngày lễ quan trọng và có ý nghĩa này. Tuy nhiên, qua phát biểu tại Hội nghị, có cảm giác ngày hội này chỉ có tác động đối với những người hoạt động trên lĩnh vực di sản văn hoá, chưa trở thành ngày của toàn xã hội. Có lẽ một phần cũng do cách tuyên truyền và hình thức phối hợp của Hội chúng ta làm chưa thật tốt, cần rút kinh nghiệm. Hội Di sản Văn hoá Việt Nam sẽ đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch có văn bản hướng dẫn các địa phương tổ chức các hoạt động vào dịp ngày Di sản Văn hoá Việt Nam 23 tháng 11 hàng năm.

- Hội Di sản Văn hoá Việt Nam ủng hộ và khuyến khích việc tổ chức gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và phối hợp hoạt động giữa các tổ chức hội.

- Nhiều năm qua, mỗi lần chuẩn bị báo cáo hàng năm Hội nghị Ban Chấp hành, Văn phòng Trung ương Hội phải đôn đốc các tổ chức thành viên gửi báo cáo, nhưng một số tổ chức hội không có hồi âm. Để khắc phục việc này, Thường trực Trung ương Hội đề nghị các tổ chức Hội tổ chức giao ban để nắm bắt tình hình hoạt động và cử một lãnh đạo hoặc cán bộ phụ trách văn phòng chuyên việc theo dõi, tập hợp kết quả hoạt động, chuẩn bị báo cáo kết quả hoạt động cho Trung ương Hội.

Hội nghị Ban Chấp hành Hội Di sản Văn hoá Việt Nam lần thứ IV đã thành công tốt đẹp. Thay mặt Ban Chấp hành Hội Di sản Văn hoá Việt Nam, xin chân thành cảm ơn lãnh đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, Ủy ban nhân dân thành phố Sầm Sơn, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hoá đã tạo điều kiện thuận lợi cho Hội nghị; xin cảm ơn Hội Di sản Văn hoá và Cổ vật Thanh Hoa, Công ty Cổ phần truyền thông Kinh Đô, Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa, Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hóa Tôn giáo, Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh đã hỗ trợ cho Hội nghị Ban Chấp hành.

 

Top