Tọa đàm khoa học “Danh nhân Hoàng Trình Thanh với chính sách chấn hưng đất nước”

(TGDS). Ngày 7-9-2018, tại nhà Thái Học, Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam (Hội DSVH Việt Nam), Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, dòng họ Hoàng làng Đa Sĩ (phường Kiến Hưng, Q. Hà Đông, Hà Nội) phối hợp tổ chức Tọa đàm khoa học “Danh nhân Hoàng Trình Thanh với chính sách chấn hưng đất nước”.

Tham dự Tọa đàm có đại diện lãnh đạo Hội DSVH Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử, Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Viện Sử học, dòng họ Hoàng làng Đa Sĩ, các nhà quản lý, nhà khoa học, sử học cùng những người quan tâm đến lịch sử và Danh nhân Hoàng Trình Thanh.

Toàn cảnh Tọa đàm

Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, TS Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám khái quát về cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp quan trọng của Danh nhân Hoàng Trình Thanh đối với đương thời cũng như hậu thế.

Theo đó, danh nhân Hoàng Trình Thanh (1411-1463) tên tự là Trực Khanh, tên hiệu là Trúc Khuê, người làng Đa Sĩ, tổng Thượng Thanh Oai, phủ Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (nay là thôn Đa Sĩ, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, TP Hà Nội). Năm 1431 ông thi đỗ khoa Hoành từ và được bổ làm Ngự tiền học sinh. Ông làm quan liên tục trong 36 năm, phụng sự 4 triều vua Lê là Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông và Lê Thánh Tông. Ông hai lần hộ giá Tây chinh, hai lần đi sứ sang nhà Minh vào các năm 1443 và 1459.

Năm 1462, Vua Lê Thánh Tông xuống chiếu cầu lời nói thẳng để tìm phương sách xây dựng và phát triển đất nước bền vững, Danh nhân khoa bảng Hoàng Trình Thanh đã dâng tấu sớ tâu bày 7 việc lên Triều đình với khát vọng chấn hưng đất nước gồm: Thuận âm dương để đón khí hòa; Gần Kinh diên để tôn chánh học; Chọn con nối để vững gốc nước; Tiết kiệm của dùng để chi cho kinh phí; Thận trọng chức thú lệnh để nuôi dân; Thường xuyên huấn luyện để nghiêm võ bị; Đặt đồn điền để chứa lương cho biên giới.

Những đề xuất trên được chắt lọc từ trải nghiệm quan trường của một nhân sĩ tài năng, tâm huyết luôn trăn trở với sự bền vững của quốc gia - dân tộc và đã được Triều đình chấp thuận về cơ bản và cụ thể hóa trong Bộ luật Hồng Đức. Đây được coi là thành tựu và cũng là đóng góp to lớn trong sự nghiệp quan trường của Danh nhân khoa bảng Hoàng Trình Thanh.

13 tham luận cũng như các ý kiến trao đổi tại Tọa đàm đã làm rõ khát vọng chấn hưng đất nước của nhà khoa bảng Hoàng Trình Thanh với xu thế phát triển hiện nay theo 2 nội dung chính: Bối cảnh nước Đại Việt đầu thế kỷ XV và sự nghiệp của Tiến sĩ Hoàng Trình Thanh; Ý nghĩa và vận dụng 7 chính sách chấn hưng đất nước của Danh nhân Hoàng Trình Thanh trong bối cảnh đất nước hiện nay.

                                                                              Tin, ảnh: P.V

Top