Đền gồm 3 tòa chính (trung điện, thượng điện, hạ điện), nơi tôn thờ Tứ vị Thánh Nương và các vị thần Cao Sơn, Cao Các; Sát Hải đại vương Hoàng Tá Thốn; Trinh mỹ hầu Vũ Tiến; Phan Hoàng Nghĩa. Đây là những người có đóng góp lớn trong công cuộc xây dựng vào bảo vệ quê hương, đất nước. Trải qua bao biến động của lịch sử, chiến tranh, thiên tai, đến nay ngôi đền đang xuống cấp nghiêm trọng và có nguy cơ bị sụp đổ.
Đền Cửa Gan hiện nay đã xuống cấp. Ảnh: Thanh Toàn - Đài Quỳnh Lưu.
Theo truyền thuyết thần Cao Sơn, dưới Triều Vua Hy Ninh (đời nhà Tống), ông được nước Tống cử sang làm sứ thần ở An Nam, ông có công xin nhà Tống giảm bớt các khoản tiền cống, giúp dân diệt trừ sâu keo hại lúa và giết thú rừng, phát triển sản xuất. Thần Cao Các: năm 968 ông theo Đinh Bộ Lĩnh xây dựng kinh đô Hoa Lư - Ninh Bình; Trinh Mỹ Hầu Vũ Tiến: người Quỳnh Hoa dưới Triều Lê- Mạc ông theo Tướng quân Thái Bảo Đinh Quận Công Đặng Trị đi dẹp giặc Mạc, lập được nhiều chiến công và được phong tước Trinh Mỹ Hầu ngoài ra ông còn có công xây dựng cầu “Thiết Lâm” để nhân dân đi lại; Đại tư nông Phan Hoàng Nghĩa: quê Quỳnh Đôi được Vua Lê Lợi ban tặng tước đại tư nông vì có công cải tạo đất đai, đắp bờ, phát cỏ trồng lúa, khoai cung cấp lương thực cho nghĩa quân Lam Sơn.
Cùng với các vị thần trên, đền Cửa Gan còn phối thờ các vị thần đã có công bảo quốc, hộ dân, giúp làng trong cuộc sống như: Tử vị Thánh Nương; Sát Hải đại vương Hoàng Tá Thốn và đang trở thành địa điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh hấp dẫn, thu hút đông đảo nhân dân trong và ngoài xã về chiêm bái, thưởng ngoạn và thăm các giếng cổ, thị cổ trong truyền thuyết 100 con đại bàng bay đến làng Phú Mỹ và trà xuống 99 cây thị to, cao nhưng còn một con không tìm thấy chỗ đậu nên đã vỗ cánh bay đi. Thấy vậy, cả đàn cũng vổ cánh bay theo. Người ta cắt nghĩa rằng: giếng đào 100 cái nhưng chỉ có 99 cây thị, nên thiếu giếng thì có thể đào được ngay, còn thiếu thị thì trồng không biết bao giờ cho kịp. Dân gian còn truyền tụng nhau rằng thời kỳ này Vua Hùng dự định chọn Phú Mỹ làm nơi đóng Kinh đô.
Với truyền thống “uống nước nhớ nguồn” và bảo tồn di tích cổ, bản sắc văn hóa của địa phương, hàng năm, xã Quỳnh Hoa có trích một phần ngân sách và tiền công đức để thực hiện một số tu sửa nhỏ như đảo ngói, gia cố những mảng tường bị bong tróc, trồng cây, cải tạo đất vườn…Tuy nhiên, do kinh phí có hạn nên để trùng tu, tôn tạo lại ngôi đền xứng tầm với một di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Để tri ân công lao to lớn của các vị thần và đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của nhân dân địa phương cũng như du khách, địa phương rất cần sự quan tâm, chung tay, góp sức hỗ trợ kinh phí của cấp trên và các nhà hảo tâm.
Thanh Khương