Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - Từ niềm tin tâm linh đến hành trình trở thành Di sản Văn hóa nhân loại

Tôi may mắn và hạnh phúc được sinh ra ở vùng đất cổ, có các nền văn hoá rất lâu đời, là cái nôi của tín ngưỡng tâm linh: thờ cúng các vua Hùng. Phú Thọ quê tôi chưa giàu về kinh tế, nhưng rất phong phú về di sản văn hoá cha ông để lại, đầy ắp truyền thuyết và đức tin…

Từ thuở bé thơ, qua những câu chuyện kể, được hoà cùng dòng người đổ về núi Nghĩa Lĩnh mỗi dịp giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng, cũng như các thế hệ người dân nơi đây, trong tâm trí non nớt của tôi đã ngấm vào hai chữ Tổ tiên. Lớn lên, trưởng thành và nhờ “phúc ấm Tổ tiên”, được vinh dự có thời gian làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ phụ trách công tác văn hóa-xã hội; tôi càng hiểu thêm ý nghĩa sâu sắc, lớn lao của hai chữ Tổ tiên. Tổ tiên không chỉ hiểu theo nghĩa hẹp, mà còn hơn thế, Tổ tiên là dân tộc, là đất nước hiển linh trong tín ngưỡng thờ cúng các vua Hùng. Từ đó tôi tin. Niềm tin tâm linh trong tôi. Tâm linh đã giúp tôi vượt qua những khó khăn trong công việc, trong cuộc sống. Tâm linh đã cho tôi một cơ hội, một vinh dự được cùng với các cộng sự tham gia hành trình đưa Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ trở thành Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2012.

Từ di sản văn hóa vật thể, đến di sản văn hóa phi vật thể

Phú Thọ là nơi có nhiều di tích khảo cổ có giá trị. Di chỉ Sơn Vi (Lâm Thao) có niên đại cách ngày nay từ 10.000 đến 20.000 năm. Di chỉ Phùng Nguyên có niên đại cách ngày nay gần 4000 năm, nổi tiếng với với đồ trang sức, đồ gốm mang tính nghệ thuật. Rồi đến văn hóa Đồng Đậu, Gò Mun, có hai di tích quốc gia quan trọng thuộc nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng là Làng Cả và Gò De đã được quy hoạch và bảo vệ năm 2007. Các di tích này minh chứng cho sự hình thành và phát triển của xã hội người Việt, đặc biệt là liên quan đến các vua Hùng thời kỳ đầu dựng nước Văn Lang. Các di tích đó là cơ sở khoa học để chúng ta có niềm tin rằng Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có nguồn gốc từ xa xưa và được duy trì đến ngày nay.

Nhiều nhà khảo cổ học cho rằng, từ Sơn Vi đến Đông Sơn là sự tiếp nối liên tục của các nền văn hóa cổ. Qua các di vật phong phú, đa dạng có thể nhận thức được về thời kỳ Hùng Vương. Các di tích đó xứng đáng là di sản thế giới. Tuy nhiên để minh chứng cho nhận định này cần có những di chỉ, những di sản vật thể được bảo vệ với đầy đủ các di vật trong không gian văn hóa của nó, phải chứng minh được được giá trị nổi bật toàn cầu của di sản.  Phú Thọ đã nhiều lần tổ chức thảo luận, tọa đàm với sự tham gia nhiệt tình của các nhà khoa học, Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, nhằm chứng minh các giá trị khoa học của di tích để lập Hồ sơ đệ trình UNESSCO xem xét. Tiếc rằng, do những hạn chế về kỹ thuật, về điều kiện bảo tồn, về kinh phí, các di vật sau khi được phát hiện đã không được bảo tồn tại chỗ. Các di chỉ không được bảo tồn nguyên vẹn. Vì vậy ý định đề cử di sản văn hoá vật thể thời kỳ các vua Hùng dựng nước để trở thành Di sản thế giới đã không thể trở thành hiện thực.

Nhân dân ta thường nói: “trong cái rủi có cái may”. Trong quá trình thảo luận đã bật ra một vấn đề thú vị: Vậy di sản văn hóa phi vật thể của Phú Thọ thì sao? Sự hiện hữu của di sản phi vật thể rất mỏng manh, vô hình, khó thấy hơn di sản vật thể. Đôi khi di sản ở quanh ta mà ta chẳng nhận ra. Từ các hội thảo này may mắn là chúng ta đã nhận dạng ra những giá trị di sản văn hóa phi vật thể vô cùng giàu có của Phú Thọ và quyết định đề cử hát Xoan vào danh sách di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại theo tinh thần của Công ước UNESCO 2003.

Từ Hồ sơ hát Xoan đến Hồ sơ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Hát Xoan đã được phát hiện là một di sản âm nhạc, thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn rất riêng, độc đáo và có ý nghĩa của người dân Phú Thọ. Hát Xoan đã tồn tại từ bao đời nay, bình dị và gắn bó, không thể thiếu trong đời sống cộng đồng. Sau năm 1945, những cuộc chiến tranh và sự thay đổi kinh tế xã hội đã làm mai một dần tập quán thực hành hát Xoan. Nhờ có sự bền bỉ của các nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian và của cộng đồng hát Xoan được phục hồi và âm thầm chảy trong đời sống của người dân Phú Thọ. Tuy nhiên, không mấy ai thấy được, hiểu được nguồn gốc của hát Xoan, cũng như giá trị đích thực tạo thành bản sắc của di sản. Viện Âm nhạc, Bộ Văn hóa,  Thể thao và Du lịch được giao nhiệm vụ lập Hồ sơ. Tham gia chỉ đạo công việc này, tôi thực sự đã học hỏi được rất nhiều về di sản văn hóa phi vật thể, về những biện pháp bảo vệ di sản trong đời sống đương đại.

Năm 2010, lần đầu tiên, tôi vinh dự là đại diện của tỉnh Phú Thọ tham gia Đoàn đại biểu Việt Nam đi bảo vệ Hồ sơ Hội Gióng; đồng thời làm quen với bạn bè quốc tế, tuyên truyền, quảng bá về hát Xoan tại Kenya, được tiếp xúc với “thế giới” của di sản văn hóa, tôi đã được trải nghiệm sâu sắc không khí làm việc nghiêm túc, khoa học và đầy nhiệt huyết với văn hóa, với di sản của các nhà khoa học quốc tế. Họ nói nhiều đến những di sản là các tập quán xã hội đã trở thành tinh thần cốt lõi, là niềm tin của mỗi dân tộc. Chúng tôi càng ý thức hơn về di sản của Tổ tiên chúng ta. Phú Thọ là vùng đất và con người đằm trong di sản. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương nổi bật lên như một truyền thống, một tập quán, một tín ngưỡng dân gian trở thành cốt lõi hội tụ những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể khác trong đó có Khu Di tích Lịch sử Đền Hùng, Hát Xoan... Từ châu Phi xa xôi, tôi đã linh cảm một ngày nào đó, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ sẽ được vinh danh… và cùng với bảo vệ, hoàn thiện Hồ sơ hát Xoan (đã được UNESCO vinh danh một cách vẻ vang tại Bali - Indonesia năm 2011). Lãnh đạo tỉnh Phú Thọ đã quyết định đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cho phép lập Hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

Hành trình lập Hồ sơ

Xác định đây là một công việc hết sức hệ trọng và nhạy cảm, mà lại phải phấn đấu hoàn thành vào năm 2012 - một yêu cầu rất khó, một thời gian rất ngắn, lại không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của chúng ta... song, đức tin tâm linh về truyền thống đạo lý Việt Nam, về Tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên đã có một vị trí quan trọng trong đời sống xã hội, trong mỗi gia đình người Việt, đất nước Việt Nam, Đức Thánh Tổ Hùng Vương thực sự là biểu tượng cội nguồn của dân tộc Việt Nam, quốc gia Việt Nam. Đó là động lực rất quan trọng củng cố quyết tâm và lòng tin để chúng ta xây dựng Hồ sơ di sản.

Theo Công ước 2003 của UNESCO và theo Luật Di sản Văn hoá, thì Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản văn hoá phi vật thể bao gồm các tập quán xã hội, nghi lễ và sự kiện lễ hội liên quan đến Hùng Vương. Đây là di sản sống, bởi đó là những thực hành xã hội có nguồn gốc xa xưa từ cộng đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ, của người dân cả nước. Các hoạt động này có ý nghĩa quan trọng vì chúng khẳng định bản sắc của cộng đồng. Họ sáng tạo truyền thuyết, thực hành các tập quán bày tỏ sự kính trọng, biết ơn và niềm tin vào Hùng Vương. Họ đã duy trì các tập quán đó từ đời này sang đời khác cho đến nay và coi đó là một phần không thể thiếu được của cuộc sống. Các tập quán này gắn bó mật thiết với thế giới quan, nhân sinh quan, với lịch sử, ký ức của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và cũng thường được gắn với các sự kiện quan trọng của quốc gia. Cùng với sự phát triển của đất nước, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được duy trì và phát huy từ thế hệ này sang thế hệ khác, là sự kết nối giữa quá khứ, hiện tại, là sự đoàn kết gắn bó giữa các cộng đồng dân tộc Việt được duy trì từ ngàn đời nay, nó đã trở thành Di sản đại diện của Việt Nam. Viện Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch giao nhiệm vụ chủ trì phối hợp với tỉnh Phú Thọ nghiên cứu, làm Hồ sơ. Viện Văn hóa Nghệ thuật đã cùng với Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương trong tỉnh tổ chức nhiều cuộc điền giã, khảo sát, toạ đàm, hội thảo… để đi đến thống nhất xác định không gian của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là các làng xã thuộc các huyện: Cẩm Khê, Đoan Hùng, Hạ Hòa, Lâm Thao, Phù Ninh, Tam Nông, Thanh Ba, Thanh Sơn, Thanh Thủy, Yên Lập, thị xã Phú Thọ và thành phố Việt Trì của tỉnh Phú Thọ. Có tới 122 làng ở Phú Thọ đang thờ Hùng Vương. Người dân địa phương coi đây là một việc làm thể hiện tấm lòng thành kính tri ân Tiên Tổ, nên rất nhiệt tình trong việc giúp đỡ các chuyên gia nghiên cứu. Nhóm công tác liên ngành, được thành lập để xây dựng, vận động cho Hồ sơ. Vận động ở đây là những công việc nhằm thảo luận, giới thiệu làm sáng tỏ giá trị di sản, làm rõ sự biến động của di sản hôm nay chính là sự phát triển và thích ứng của di sản trong cuộc sống để nó trường tồn mãi mãi với thời gian... Vận động còn là trao đổi, học hỏi kinh nghiệm về biện pháp bảo vệ di sản, còn là tiếp xúc, trao đổi, gửi thông điệp đến bạn bè quốc tế, các nhà nghiên cứu di sản văn hoá thế giới, có tiếng nói đồng thuận cao với chúng ta trong các kỳ họp của Uỷ ban Liên Chính phủ và cả việc vận động, bảo vệ, tìm sự ủng hộ cao của các thành viên Hội đồng Di sản văn hoá Quốc gia, của các ngành, các cấp… để thống nhất trình UNESCO xem xét đề cử và vinh danh di sản.

 Tháng 7 năm 2011, sau khi thôi nhiệm vụ Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, tôi được Lãnh đạo tỉnh giao nhiệm vụ làm Trưởng Bộ phận Thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo xây dựng Hồ sơ di sản và là Chủ tịch Hội Di sản Văn hoá tỉnh Phú Thọ, tiếp tục mang tiếng nói đại diện cho cộng đồng đến với Tổ chức UNESCO. Suy nghĩ, trăn trở,… nhưng rồi lại là niềm tin tâm linh, cùng tấm lòng của người con đất Tổ, được sự động viên, tạo điều kiện của Lãnh đạo tỉnh, của các bậc tiền bối, các nhà khoa học; đặc biệt sự cộng tác, chia sẻ ủng hộ nhiệt tình của các bạn bè, cộng sự, như: TS Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia; PGS.TS Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam; Đại sứ Phạm Sanh Châu; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn và các đồng chí trong Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam...Chúng tôi đã cùng nhau chia sẻ, vượt qua những khó khăn, thách thức. Trong suy nghĩ việc làm của chúng tôi Tổ tiên luôn bên cạnh dẫn dắt và phù hộ.

Ngày 06 tháng 12 năm 2012 hồi 12g10 phút giờ Paris ( tức 16g10 phút giờ Hà Nội) sau khi nghe ông Victor Rago (người Venezuela), thay mặt cho cơ quan tư vấn đọc tóm tắt, đánh giá rất cao hồ sơ của chúng ta, câu hỏi: “Có ý kiến nào phản đối hoặc cần làm rõ?” của ông Gillarley - Thượng nghị sỹ Grenada, Chủ tịch Kỳ họp lần thứ VII Uỷ ban Liên Chính phủ bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể, được trên 100 quốc gia thành viên tham dự và 24 quốc gia nằm trong Uỷ ban Liên Chính phủ đồng thuận tuyệt đối với đề nghị của cơ quan tư vấn. Sau tiếng búa dứt khoát của ông Chủ toạ Kỳ họp nhất trí thông qua Hồ sơ là niềm vui vỡ òa, trào dâng cảm xúc. Ngay sau bài phát biểu của ông Hoàng Dân Mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Trưởng đoàn Việt Nam là tiếng vỗ tay vang dậy, những là cờ đỏ sao vàng được các thành viên trong Đoàn chuẩn bị trước phấp phới bay trong Hội trường, những cái bắt tay, ôm hôn thắm thiết, những lời chúc mừng của bạn bè quốc tế, rồi trả lời phỏng vấn các nhà báo… đến nụ cười mang đậm niềm vui và đầy cảm xúc của đồng chí Trưởng đoàn, của ba vị Đại sứ: Dương Văn Quảng, Dương Quốc Dũng, Phạm Sanh Châu… Chúng tôi, anh Các - Giám đốc Khu DTLS Đền Hùng, chị Lý, anh Bền, chị Mai chợt có phút im lặng bên nhau, linh thiêng đến nghẹn lòng không ai nói ra nhưng đều chung một suy nghĩ,… đã qua rồi những vất vả, lo âu, (ngay cả trong những ngày cuối, phút chót Ủy ban Liên Chính phủ xem xét Hồ sơ)… Chúng tôi kính trọng và biết ơn bao thế hệ người dân quê tôi đã giữ ngọn lửa thiêng, thắp nén tâm nhang trên Đền thờ các Vua Hùng suốt cả 365 ngày trong năm và mấy ngàn năm đã qua đi, không một ngày nào ngọn lửa ấy, mùi hương trầm linh thiêng ấy không toả sáng, ngát thơm từ cội nguồn Nghĩa Lĩnh…, nghĩ đến sự lãnh đạo sâu sát của Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Doãn Khánh; Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Hồ sơ di sản Hoàng Dân Mạc; sự quan tâm chia sẻ và vào cuộc đầy tâm huyết của các nhà khoa học, các thành viên Hội đồng Di sản Văn hoá Quốc gia, Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, của tất cả những người con đất Việt thành kính tri ân Tiên Tổ. Trên hết, chúng tôi luôn tâm niệm một điều niềm tin tâm linh, phúc ấm Tổ tiên đã giúp cho chúng ta vượt qua tất cả để chứng minh một cách rất thuyết phục với toàn thế giới: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ thực sự xứng đáng là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, được bảo vệ ở cấp độ quốc tế.

Nguyễn Thị Kim Hải