Tìm “Ông ba mươi” trong di sản điêu khắc

Hổ là loài động vật được người Việt gọi bằng nhiều tên như ông Ba Mươi, ông Kễnh, ông Khái, ông Cọp… Dường như người ta tôn hổ là ông, chứ mấy khi dám gọi xếch mé bằng… con như con chuột, con trâu, cũng được xếp ngang thứ hạng trong bảng sắp xếp 12 con giáp đâu. Hổ là biểu tượng của sức mạnh, chúa tể rừng xanh, mà lại còn đẹp nữa chứ, nhất là được người Việt xưa nay mô tả bằng ngôn ngữ tạo hình còn mãi với thời gian.

Người Việt cổ “làm quen” với hổ từ thời nguyên thuỷ. Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy những chiếc răng nanh của hổ có dấu vết khoan lỗ để xâu dây đeo cổ như một chiếc “bùa trừ tà”. Nhưng phải đến cách đây hơn 2.000 năm, người ta mới “rước” hình tượng hổ vào các đề tài nghệ thuật trang trí.

Hình tượng hổ có cả trong nghệ thuật trang trí hội hoạ và đồ hoạ từ lâu. Tuy nhiên, cho đến nay, có lẽ những sản phẩm được sáng tác bằng vật liệu hữu cơ đã bị huỷ hoại theo thời gian. Có lẽ hổ chỉ còn thấy trên tranh dân gian bằng giấy Hàng Trống, Đông Hồ.

Hổ trong nghệ thuật tạo hình còn giữ được hình ảnh lâu hơn trong nghệ thuật điêu khắc tượng tròn và phù điêu trên các chất liệu đồng, đá, ngọc, gốm…mặc dù có số lượng không nhiều so với các tượng cóc, tượng ngựa, tượng sư tử, thậm chí cả tượng người, nhưng đã được miêu tả hết sức sống động.

Hình hổ trong điêu khắc trên gạch chùa Bối Khê   

Cặp tượng hổ bằng đồng thau, được coi là sớm nhất trong lịch sử nước ta, được phát hiện trong khu mộ táng Làng Vạc (Nghệ An). Cặp tượng hổ này đang ngậm chân một con voi. Tượng được tạo hình trên chuôi một chiếc dao găm thuộc văn hoá Đông Sơn. Hổ có đầu tròn, thân hình có nhiều nét khắc chìm vằn vện, còn được miêu tả đôi bàn chân sau có ngón và đuôi. Hai chân trước bám vào thân hổ còn được miêu tả có ngón. Voi có vòi dài. Miệng hai con hổ ngậm chân voi. Cái đẹp của cặp tượng hổ này là người nghệ sĩ tạo hình đã có óc tưởng tượng hết sức bay bổng, siêu thực. Cả 3 khối tượng hổ và voi được “gói gọn” trong chuôi một chiếc dao găm, bỏ qua các tỷ lệ thực tế là voi phải to hơn hổ và phải to hơn một chiếc dao găm. Việc tạo tượng rồi “ghép” vào một đồ vật nào đó, mà ngày nay, giới học thuật gọi là “mỹ thuật thực dụng” đã được nghệ sĩ Đông Sơn áp dụng triệt để: cán muôi đồng gắn tượng voi, vòi ấm đồng có hình đầu chim lại được gắn ba người đàn ông đang ngồi trên đó.

Tượng hổ bằng đồng còn được thấy trên nắp thạp đồng Vạn Thắng (Phú Thọ) đang trong tư thế vác mồi, trên hình tượng “hổ phù” được gắn lên phần quai của một số đồ đồng trong thời Đông Sơn muộn…

Hình tượng hổ còn được đúc nổi trên mảng trang trí mang tính chất phù điêu được khắc trên Cửu Đỉnh (9 cái đỉnh biểu tượng cho sự trường tồn của Triều Nguyễn), mà lại được chọn khắc trên Cao Đỉnh, miếu hiệu của Hoàng đế Gia Long đầu triều. Hổ khá đẹp, đang trong tư thế ngồi chễm chệ. Đầu tròn, đôi mắt mở to, sáng rực. Hổ được khắc chạm đã miêu tả được mũi, râu, tai, chân, móng và đuôi dài. Trên thân còn có những đường khắc chìm vằn vện. Tư thế đĩnh đạc của hổ dễ làm cho người ta liên tưởng đến tư thế của một vị Quân Vương. Qua gần 200 năm mà nét đúc vẫn đanh, nổi bật những gam màu sáng tối trong không gian ba chiều.

Hình tượng tướng cưỡi hổ trong điêu khắc đình làng. Ảnh tư liệu

Chất liệu đá cũng được người xưa dùng tạc tượng hổ. Đó là tượng hổ ở lăng Vua Lê Thái Tổ ở Lam Kinh. Hổ cũng như nhiều linh vật khác được quây quần trong khuôn viên mộ người anh hùng dân tộc để gác cho giấc ngủ ngàn thu. Cũng vậy, tượng đá của hổ cũng có mặt trong lăng của vị Thái sư gây nhiều tranh cãi trong lịch sử “có công với nhà Trần, nhưng có tội với nhà Lý” (Đại Việt sử ký toàn thư). Đó là Trần Thủ Độ. Hổ được tạc trong tư thế nằm phủ phục, hai chân trước sải dài, hai chân sau thu gọn trong bụng. Đầu hổ hơi ngóc lên, được tạc có cả đôi mắt, mũi và miệng. Đuôi hổ, có sức mạnh quật ngã đối thủ, được miêu tả quặt về phía trước có đường nét vuông vắn, khoẻ.

Hình tượng hổ còn bắt gặp trên pho tượng đá thời Lê. Nghệ thuật miêu tả tượng theo phong cách phi thực với những khối chắc, khoẻ: đầu là khối hình cầu, thân là khối gần hình trụ, có những nét gần với nghệ thuật tạo hình hiện đại. Nghệ nhân cũng không quên tả đôi mắt tròn nằm sâu trong hốc mắt, mũi to, miệng rộng. Hổ trong tư thế nằm, chân trước và chân sau đưa về phía trước. Chất liệu đá còn được thể hiện hổ trong bức phù điêu thời Mạc nằm trang trí theo khuôn hình chữ nhật trên một chiếc tháp đá. Tạc hình một con hổ trong tư thế đang chạy. Thân uốn cong, hai chân lao về phía trước, đuôi cong. Đầu hổ tròn, mắt nổi, có hai tai, mũi, miệng. Hổ được chạm nổi trên nền phẳng, đường nét sống động.

Hổ trên bình phong của đình làng ở đảo Lý Sơn. Ảnh: Trịnh Sinh

Bên cạnh chất liệu đá bình thường, nghệ nhân còn chọn chất liệu đá ngọc để tạc tượng hổ. Trong kho di sản nhà Nguyễn có bộ sưu tập 12 con giáp bằng đá ngọc màu trắng. Trong số đó có tượng con hổ, biểu thị cho năm Dần. Tượng có kích thước nhỏ, được chạm khắc tinh mỹ.

Nghệ nhân Việt thời cổ còn nặn tượng, bên cạnh khắc tượng. Đó là những con hổ được tạo hình trên các viên gạch đỏ bằng cách nặn và khắc trên một mặt phôi gạch rồi nung, thường thấy trên tường gạch trong một số chùa. Điển hình là một số viên gạch xây tường trong khuôn viên của chùa Bối Khê (Hà Nội). Hình hổ trên thân vằn vện đang chuẩn bị vồ mồi. Hổ có đầu tròn, đôi mắt nổi rõ, mũi, miệng, đuôi cong, đủ cả 4 chân. Hổ được miêu tả hiện thực, có những mảng nổi, cách điệu.

Tượng hổ còn có mặt trong tác phẩm gốm sứ. Cặp tượng tròn miêu tả hổ khá hiện thực bằng chất liệu men rạn màu trắng ngà thời Lê. Đó là cặp hồ đang vờn nhau, phong cách nghệ thuật tả thực. Hổ đang nhe răng gầm gừ. Hổ có cả đôi mắt, mũi, tai, đuôi, bốn chân. Những hoa văn mầu nâu được trang trí khắp mình biểu thị cho bộ lông đặc trưng.

Mảng điêu khắc đình làng có hình tượng hổ. Ảnh tư liệu.

Chất liệu gỗ đã giúp cho nghệ nhân tạo tượng được nhanh hơn bằng những cách chạm khắc phong phú, có độ nông, sâu, chạm bong, chạm nổi…Cho đến nay, nhiều mảng chạm khắc gỗ vẫn còn tồn tại trên các cấu trúc trang trí trong ngôi đình làng. Thế kỷ XVII, vốn được mệnh danh là thế kỷ của nghệ thuật đình làng, chính là nhấn đến nghệ thuật chạm khắc gỗ vào thời kỳ này đã đạt đến đỉnh cao. Nhất là vào thời điểm Lê Trung Hưng, đầu Nguyễn, nhiều mảng chạm khắc đã được “giải phóng” về mặt đề tài, không còn bị gò bó về lễ giáo Phong kiến nữa. Một loạt linh vật như rồng, phượng vốn bị cấm kỵ trong thời gian trước đó vì tượng trưng cho Vương quyền, đến lúc này cũng ùa về trang trí đình làng. Hình tượng hổ cũng có mặt trong một số mảng chạm khắc gỗ khá đẹp. Ví dụ, mảng chạm hổ ở đình Chu Quyến, đình Đông Viên trong những hoạt cảnh mả táng hàm rồng, chàng trai cưỡi hổ. Đình Chay có mảng chạm cuộc đấu người và hổ. Đình Thổ Tang với cảnh người đi săn dùng súng kíp bắn hổ…

Hổ thường được chạm trong những hoạt cảnh như cảnh người cưỡi hổ với những đường nét chạm nổi khối. Người có bộ ngực trần, căng tròn, được miêu tả cả mắt, mũi, miệng. Hổ trong tư thế chồm lên, có cả đầu, đôi mắt và hai tai. Trong một bức chạm khác, người ta còn tả hổ có mắt to, mũi nở…khá hiện thực trong một hoạt cảnh rộng hơn là cảnh rồng đang ngậm ngọc, nhiều người đang vây quanh…

Một hình tượng hổ khá phổ biến và đầy tính chất tâm linh là các bức phù điêu trên bình phong, thường được xây bằng gạch, xi măng…thường ở vị trí trước cửa đình, mang tính chất trấn trạch, ngăn các thế lực ma quỷ xâm phạm vào không gian thiêng của đình.

Hình tượng ông “Ba Mươi” có mặt trong di sản nghệ thuật điêu khắc không nhiều như một số linh vật khác. Tuy nhiên, đó là những tác phẩm nghệ thuật đầy biểu cảm, giá trị thẩm mỹ cao làm phong phú thêm kho tàng di sản mỹ thuật độc đáo có độ dày hơn 2.000 năm của nước ta.

GS.TS TRỊNH SINH

Top