Tìm hiểu về phòng, chống tham nhũng, lạm dụng chức quyền và đức thanh liêm của người xưa

Trong xã hội phong kiến Việt Nam, với cấu trúc hệ thống nhà nước “Quân - Thần - Nhân”, chưa có nền dân chủ thì tệ quan liêu, hối lộ, nhũng nhiễu, lộng quyền… là phổ biến. Song, ta hãy tìm hiểu xem trong xã hội quân chủ ấy, các triều đại, các vị vua và quan đã làm được gì để chống tham nhũng, lạm dụng chức quyền, giúp ổn định xã hội và quản lý nhà nước phong kiến, cùng giảm bớt đau khổ cho muôn dân.

Ngày nay, chúng ta đang xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước ta tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế và văn hóa, đồng thời nêu cao quyết tâm đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm. Việc tìm hiểu về chống nạn hối lộ, nhũng nhiễu, lạm dụng chức quyền và đức thanh liêm của người xưa, mong được cung cấp thông tin để chúng ta suy ngẫm cho công việc hôm nay.

1. Triều Lê với “Lê triều hình luật” và việc chống tham nhũng, lạm dụng chức quyền

  Bộ “Lê triều hình luật” tuy nhằm thể chế hóa một nhà nước phong kiến trung ương tập quyền song vẫn chứa đựng những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam - truyền thống lấy nhân nghĩa làm trọng, quan tâm đến đời sống và quyền sống của dân lành. Nhà Lê thấy rõ sức dân trong suốt 10 năm kháng chiến chống giặc Minh và vai trò của nông dân trong sản xuất nông nghiệp nên rất chú trọng quan tâm đến đời sống của muôn dân, thực hiện quyền làm người cho khắp dân đinh bằng những điều luật cụ thể ngăn cấm quan lại tham nhũng, trừng trị kẻ cậy thế, cậy quyền…

Triều đại nhà Lê.

Để ngăn chặn những hậu quả do sự cách biệt về vị trí xã hội gây ra, giữa thứ dân và quan lại, chức sắc có thế có quyền, nhà Lê cho ban hành trong luật nhiều biện pháp ngăn cấm, răn đe những kẻ xu nịnh cấp trên, gây tổn hại cho dân.

Lê triều hình luật” (hay Quốc triều hình luật) quy định chống tham nhũng đồng bộ từ việc đề ra chế độ công vụ chặt chẽ nghiêm minh đến việc hạn chế những hành vi cấu kết với nhau, cậy thế cậy thần… sách nhiễu lương dân. Một số luật định đó là: Điều 1, Chương “Vi chế” đã ghi rằng, quan lại đặt ra có số nhất định, nếu tự ý bổ dụng hay tuyển chọn quá hạn định thì cứ thừa 1 người, phạt người đứng đầu cho 60 trượng, “biếm” 2 tư (hạ chức 2 bậc), hoặc bãi chức, thừa 2 người thì xử tội “đồ” (hình phạt lao dịch khổ sai ở nhiều mức độ). Từ Điều 23 đến Điều 26 quy định: “Để chậm trễ công văn, chiếu chỉ 1 ngày phạt 50 roi, chậm 3 ngày tăng nặng lên một bậc”. “Sai đi công cán, xem xét việc gì mà về tâu trình không đúng sự thật, thì “biếm” chức hoặc xử tội “đồ”…”.

Điều 17 đã ghi: “Nếu quan lại tự nhiên thu tiền của dân, làm lễ vật cung phụng lên Vua thì sẽ hạ chức 1 bậc và phải trả lại lễ vật cho dân”. Điều 22, Chương “Hộ hôn” chỉ rõ: “Nhà quyền quý làm hại dân, mà xã quan bỏ qua, không trình báo, thì xử tội “biếm” một bậc”.

Điều 42, Chương “Vi chế” đã ghi: “Làm trái pháp luật, ăn hối lộ từ 1 đến 9 quan, xử tội “biếm” hoặc bãi chức; từ 10 đến 19 quan, xử tội “đồ”-“lưu” (“lưu” là hình phạt lao dịch khổ sai, bị đầy đi các châu xa…); từ 20 quan trở lên xử “lưu”; từ 50 quan trở lên xử “tử” (là hình phạt nặng nhất, phạt bằng cách chết thắt cổ, chém cổ, xử trảm bêu đầu… tùy theo tội)”. “Các quan địa phương sách nhiễu lương dân, mua bán rẻ, đòi biếu xén thì hạ chức hoặc bãi chức… và phải bồi thường gấp đôi trả dân”. Để ngăn chặn việc tư thù, ân oán, lợi dụng chức quyền, thu vén cá nhân, các điều 101, 128, 129, 130 Chương “Vi chế” quy định rõ: “Các quan liêm phóng, xét việc phải đúng sự thật, nếu sơ suất mà sai thì xử “biếm”; nếu vì tư thù ân oán, hoặc ăn hối lộ mà đổi trắng thay đen thì không kể việc lớn hay nhỏ, ăn nhiều hay ăn ít đều xử tội “lưu” (lao dịch khổ sai), tội “tử” (chết) không thể nương tay. Các quan đi sứ nước ngoài mà chỉ chăm chú mua bán thì xử tội “biếm” hay “đồ”, mang vật cấm xử tội “lưu” (lao dịch khổ sai)”.

Lê triều hình luật” với một hệ thống tội danh và những biện pháp trừng trị vô cùng nghiêm khắc, lại được sự chỉ đạo sát sao của một ông vua sang suốt anh minh đã thực sự phát huy hiệu lực, làm nền tảng cho một nhà nước pháp trị phong kiến thân dân, đưa nước ta trở thành một nhà nước cực thịnh trong suốt những năm Vua Lê Thánh Tông trị vì (từ 1459 đến 1496),v.v…

2. Vua Minh Mạng chống tham nhũng, lạm dụng chức quyền

Vua Minh Mạng (1820 - 1840) đặc biệt coi trọng cải cách bộ máy hành chính, chống tham nhũng, bè cánh, lạm dụng chức quyền sách nhiễu lương dân, vơ vét vàng bạc công khố. Năm 1831 Minh Mạng cho ban hành “Luật hồi ty” (quy định việc kiêng kỵ, tránh né), buộc tất cả bộ máy điều hành việc nước từ Trung ương tới địa phương đều phải triệt để chấp hành, với hàng loạt quy định cụ thể như sau: Khi sắp xếp bộ máy điều hành, bố trí quan lại về các địa phương trị nhậm phải triệt để tránh những nơi: Quê gốc (quê nội), vì đó là quan hệ họ nội đã từng nhiều đời sinh sống…; Quê ngoại, bao gồm quê mẹ, quê vợ và cả những nơi trước đây đã từng theo học, dù chỉ ngắn ngày.

Vua Minh Mạng.

Luật hồi ty” được thi hành triệt để, phần nào đã ngăn chặn tệ bè cánh, cấu kết, sách nhiễu lương dân. Năm 1836, Minh Mạng lại cho sửa đổi đôi chỗ và đến đời Vua Thiệu Trị lại bổ sung thêm những quy định mới, ngày càng chi tiết và đầy đủ rõ ràng. Đó là: Các quan đầu tỉnh như Tổng đốc, Tuần phủ, Bố chánh, Án sát, Lãnh binh, Đốc học đều không được cử những người cùng chung một quê. Đây là quy định nhằm ngăn chặn mối quan hệ đồng hương, tránh địa phương cục bộ che chắn cho nhau hoặc kết hợp với nhau trong hành vi tham nhũng, lạm dụng chức quyền ở từng Bộ, Nha, Sở, Cục… Không được bố trí các lại viên có quan hệ bố - con, anh – em ruột thịt, chú bác, thông gia, họ hàng gần xa, thầy trò thân thiết. Quan lại không được coi thi ở nơi nào có những người ruột thịt, thân quen ứng thi.

Có thể nói “Luật hồi ty” là sự sáng tạo độc đáo của nhà Nguyễn dưới đời Minh Mạng, Luật được thực thi đã hạn chế đến mức thấp nhất những mối quan hệ thân quen, làm sai lệch công lý, dẫn đến những hành vi cấu kết, đồng phạm tham nhũng, lạm dụng chức quyền, bè cánh, thế thần, giảm được đáng kể hành vi tham nhũng tập thể…

3. Một số vị quan thanh liêm

Sử sách đã nói nhiều về nhà Nho, nhà Sư phạm Chu Văn An (1292 - 1370) thời Trần đã dâng “Thất trảm sớ” xin Vua chém đầu 7 tên gian thần. Và, lịch sử cũng đã nói về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585) thời Mạc, đã dâng sớ xin Vua chém đầu 18 tên lộng thần. Dưới đây xin nêu một số tấm gương các vị quan chính trực, sống thanh bạch, ngay thẳng và mạnh dạn chống tham nhũng.

*Mạc Đĩnh Chi một đời chính trực thanh liêm

Mạc Đĩnh Chi người làng Lũng Động, huyện Chí Linh, Hải Dương, đỗ Trạng nguyên khoa Giáp Thìn - 1304, dưới Triều Trần Anh Tông. Ông có tri thức uyên thâm, trí thông minh và tài ngoại giao, ứng đối như thần nên được Triều đình Nguyên Mông (lúc bấy giờ đang thống trị Trung Quốc) sắc phong là “Lưỡng quốc Trạng nguyên” và được Vua Trần Anh Tông hết lòng trọng dụng tin dùng, cử giữ chức quan Ngự sử.

Khác với một số quan lại và quý tộc đương thời, Mạc Đĩnh Chi luôn giữ khí tiết trong sạch, thanh liêm, chính trực; ông đã nhiều lần vạch mặt bọn tham quan trước Triều đình, can gián Nhà vua trước những việc làm chưa đúng. Với chức trách của quan Ngự sử, ông đã dâng sớ lên Vua, tố cáo quan Tư đồ Trần Trung Hoài và lũ tham quan thao túng, lạm dụng đảo lộn kỷ cương, coi thường phép nước. Vua Trần Anh Tông đã bỏ qua ngoài tai những lời can gián của quan Ngự sử nên được thể bọn quyền thần xúm vào tìm cách hãm hại ông. Chúng tâu Vua: “Mạc Đĩnh Chi xuất thân từ lũ tiện dân, được bệ hạ ban ơn, đã không biết ơn, lại hay xét nét mọi việc trong Triều, ngay cả việc làm của đấng Quân vương. Khi làm Hà đê Chánh sứ, cậy có chút công, mặc sức vơ vét, xây dinh thự nguy nga ở Lũng Động. Bệ hạ mau trừ mối họa, kẻo hại tới an nguy xã tắc”. Trước những lời sàm tấu của lũ gian thần, Vua Trần Anh Tông băn khoăn suy nghĩ: Đĩnh Chi 15 năm làm quan mà vẫn thanh bần, quê nhà vẫn chỉ một nhà tranh vách đất. Khi mẹ già ốm đau, không tiền thuốc thang, ta ngầm giúp đỡ sai bỏ tiền vào nhà mà sáng hôm sau lại đem tiền “vô chủ” xin nộp vào kho. Đi sứ Nguyên về, bao nhiêu tặng vật được trao đã đem nộp hết cho Triều đình, chẳng giữ cho mình chút gì, dù chỉ là thước lụa, tấm vóc cỏn con. Khi làm Hà đê Chánh sứ thì dân chúng ngợi ca là chính trực, thanh liêm… Người như thế chẳng thể nào lại vơ vét, tham nhũng. Nghĩ vậy, Vua gạt bản tấu của bọn Trung Hoài sang bên và bảo: “Suốt mấy chục năm làm quan trong Triều, Trẫm chỉ thấy dân ca ngợi, mà tuyệt chưa thấy một lời oán thoán Đĩnh Chi”.

* Quan Tham Tụng (Tể tướng) Nguyễn Công Cơ, điều hành công việc triều chính nghiêm minh và sống cuộc đời thanh bạch

Nguyễn Công Cơ (1673 - 1733), còn gọi là ông Nghè làng Cáo (tên cũ của làng Xuân Tảo, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội ngày nay). Ông đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ khoa thi Đinh Sửu (1697), được bổ nhiệm làm quan trong Triều với nhiều chức vụ, sau đến chức Tham Tụng đứng đầu văn võ bá quan.

Ông điều hành công việc triều chính hết sức nghiêm minh. Trong khoa thi Hương năm Bính Ngọ (1726), ông đã trừng trị 28 người có liên quan đến sự gian trá trong thi cử, nâng đỡ sửa điểm cho con em quan lại đại thân trong Triều. Trong việc làm quan, ông không chạy chức, giành quyền cho những người thân, họ hàng.

Mấy chục năm làm quan, khi về nghỉ ở quê nhà, ông vẫn chỉ có 3 gian nhà tranh, phên tre, vách đất, chẳng tiền của châu báu, sống cuộc đời giản dị, thanh bần. Có người hỏi ông: Sao giữ chức lớn trong Triều mà chẳng có chút gì tài sản riêng tư, lại  cáo lão từ quan quá sớm? Ông mỉm cười, từ tốn bảo: “Người làm quan phải biết dừng, biết đủ, chớ tham quyền chức, của lắm tiền nhiều, bất nhân thất đức, phải giữ lòng trong sạch, chính trực công minh. Đừng dùng lực, cậy uy, sách nhiễu dân lành, tham nhũng bòn rút của dân, gây oan khuất, thiệt thòi cho người vô tội ”. Di tích Nhà thờ Nguyễn Công Cơ ở làng Xuân Tảo được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia.

*Đặng Huy Trứ, một người thầy sáng, một vị quan liêm, đã viết cuốn “Từ thụ yếu quy” đưa ra 104 thủ đoạn hối lộ mà người làm quan phải từ chối và 5 trường hợp có thể nhận.

Đặng Huy Trứ.

Đặng Huy Trứ, sinh năm 1825, trong một gia đình Nho phong, nền nếp ở làng Thanh Lương, nay thuộc xã Hương Xuân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ông đỗ Tiến sĩ năm 1847. Trước khi ra làm quan, ông đã từng 8 năm làm một người thầy.

Khi làm quan, Đặng Huy Trứ luôn lo lắng đến nghĩa vụ và trách nhiệm của người thay mặt Triều đình chăm sóc muôn dân. Để phòng tham nhũng, ông viết cuốn “Từ thụ yếu quy” (những nguyên tắc chủ yếu của việc không nhận và có thể nhận), tổng kết từ những việc thật xảy ra trong cuộc sống, chỉ ra những thói hư tật xấu, cám dỗ, lợi dụng trong chốn quan trường. Đây là bộ sách bàn về nạn hối lộ và đức thanh liêm của người xưa.

Trong 109 trường hợp nêu lên, theo ông chỉ có 5 trường hợp người có chức, quyền có thể nhận được, còn 104 trường hợp khác thì phải xem xét tránh xa.

Trong 104 kiểu hối lộ không thể nhận nêu trong cuốn “Từ thụ yếu quy”, xin được giới thiệu vài kiểu đáng chú ý như sau: Sỹ tử đi thi hối lộ cầu được đỗ; quan lại xảo quyệt hối lộ cầu được tiến cử; quan bị cách chức hối lộ để được phục chức; Sư tăng hối lộ để được trụ trì ở chùa; địa phương hối lộ các quan đến thanh tra; hối lộ các quan đi tra xét kiện tụng; kẻ thuộc hạ hối lộ cầu được sắp xếp cho những việc béo bở; hối lộ để xin giấu bớt thuế; hối lộ để cho nhập hộ tịch; hối lộ để xin tiền tu sửa các từ đường; kẻ đi kiện hối lộ để cầu được kiện; kẻ có tội hối lộ để cầu được luật pháp nương nhẹ; chủ nợ hối lộ để nhờ đòi nợ; chiều đón ý quan trên đưa đồ hối lộ;v.v…

5 trường hợp có thể nhận: 1. Lễ tết hàng năm. Đặng Huy Trứ viết: nước ta có tục lệ, hàng năm vào dịp Tết Nguyên đán, kẻ dưới mang sản vật thổ ngời đến Lễ tết người cấp trên, cấp dưới thăm hỏi cấp trên, dân trọng hạt tết quan quản hạt, học trò tết thầy… Có thể nhận. Duy không nên nhận quà của những người coi kho, cai đội các cơ, vệ, nha lại tham nhũng, những người lạ, con buôn ở phường, chợ. 2. Xong việc đến tạ ơn. Đặng Huy Trứ lý giải: Quan làm việc công, đó là phận sự, trong lòng không nên trông chờ báo đáp. Nếu như họ có công việc, ta để hết tâm lực, cân nhắc cả 3 mặt: tình, pháp và lý, xử thế thỏa đáng, khiến họ cũng được chút lợi, họ ghi lòng tạc dạ ơn ấy, đem lễ vật đến tạ, kẻ biếu xuất phát từ lòng thành không thể có ý khác, người nhận không hề có yêu sách. Có thể nhận. 3. Người được tiến cử tạ ơn. Về việc này, Đặng Huy Trứ viết: tìm người hiền tiến cử Nhà vua, đó là chức phận của bầy tôi. Nay ta biết có người hiền mà tiến cử, đâu có mong báo đáp. Đó là nhân tình vậy. Nếu có mang sản vật thổ ngơi đến tạ lòng tri kỷ, người cho không xấu hổ, kẻ nhận không thẹn thùng. Có thể nhận. 4. Thuyền buôn Nam – Bắc nhờ thuận buồm xuôi gió đem quà đến biếu. Về việc này Đặng Huy Trứ lý giải: … Họ đi kinh doanh trong Nam ngoài Bắc cũng được một vài phần lời, đến đây trên bờ dưới nước đều được bình yên, thần tài phù hộ, không bị nha lại quấy nhiễu, không bị gian thương lũng đoạn, đêm đêm không bị trộm cướp quấy đảo…, đó đều là nhờ ảnh hưởng của quan địa phương. Cho nên mới có quà biếu như vậy…Có thể nhận. 5. Nhân việc vui buồn mà có đồ mừng riêng. Đặng Huy Trứ viết: ta đang tại chức, gặp khi có việc vui buồn như mừng thọ, thăng chức, đi sứ, giỗ cha mẹ, tang vợ…dân trong hạt hoặc cấp dưới có mang đồ mừng, viếng - đó cũng là lẽ thường tình của kẻ dưới đối với người trên. Trừ những việc nhỏ nhặt như giỗ xa, tang nhỏ, đầy tháng, đầy tuổi con… nếu có người đưa lễ vật có tính chất bợ đỡ thì phải khước từ tức khắc. Còn do tình cảm chia vui, chia buồn hoặc tiễn đưa xa cách là thường tình ở đời. Có thể nhận.

Cuộc đời làm quan của Đặng Huy Trứ lấy sự tu thân làm đầu, suốt đời giữ trọn thanh liêm. Làm quan, nhưng ông đã từng sống trong cảnh “cơm chỉ rau dưa, canh chủ chốt”, “tường kẻ vách bung, nhà khe mái dột”… Nhưng trước cám dỗ của tiền tài, của những mưu toan hối lộ, ông vẫn giữ  “một tấm lòng băng chẳng bụi vương”. Với ông, làm quan trước hết là nô bộc cho Dân, cho Nước; tự coi mình là “con của thứ dân” và ông đua ra quan niệm xử thế “không chăm sóc nổi dân thì chớ làm quan”. Ông đã giữ quan niệm sống ấy và tấm lòng thành với Dân của ông qua những vần thơ:

Mình thiệt, lợi dân, Dân gắn bó

Đẽo dân, mình béo, Dân căm hờn.

Hờn căm, gắn bó tùy ta cả

Duy chữ Thanh Thanh đối thế nhân”.

TS LƯU MINH TRỊ

Top