Tìm hiểu nơi Bác Hồ viết bức thư gửi đồng chí Hoàng Mai nói về “Tư cách người Công an cách mệnh"

Chắc chắn việc xác định nơi Bác Hồ viết bức thư gửi đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Công an Khu XII ngày 11 tháng 3 năm 1948 không chỉ là nguyện vọng của lực lượng Công an nhân dân mà còn là nguyện vọng của tất cả mọi người dân Việt Nam. Bởi vì đây là một nội dung không thể thiếu trong việc phát huy giá trị Khu Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh với Công an nhân dân tại Bắc Giang.

Hiện nay, việc xây dựng khu lưu niệm, nơi đầu tiên lực lượng Công an nhân dân đón nhận bức thư của Bác tại Bắc Giang đã hoàn thành. Cùng với việc đưa Khu Lưu niệm vào hoạt động thì việc nghiên cứu xác định địa điểm và hoàn cảnh ra đời tài liệu quan trọng này đặt ra như một đòi hỏi chuyên môn cần thiết. Nhất là vấn đề này trước đây chưa được nghiên cứu đầy đủ và chưa “đến nơi” nên còn có những ý kiến khác nhau. Trong khi các tài liệu đáng tin cậy như sách Hồ Chí Minh toàn tập; Hồ Chí Minh. Biên niên tiểu sử mới nhất, vì chưa có bức thư gốc trong tay nên các nhà nghiên cứu mới cũng chỉ ghi  chung là bức thư trên Bác viết vào tháng 3 - 1948.

Hiện nay, về địa điểm nơi Bác viết bức thư có hai ý kiến: Một là, tại xóm Nà Lọm, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Đây là ý kiến của Bảo tàng Hồ Chí Minh trong cuốn sách “Di tích và địa điểm di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Việt Nam”(NXB Thanh Niên. 2009). Ở trang 68, cuốn sách viết: Ngày 8-3-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển đến ở và làm việc tại xóm Nà Lọm, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, Thái Nguyên. Và ở đây Người đã viết Thư gửi ông Hoàng Mai - Giám đốc  Công an Khu XII nói về tư cách người Công an cách mạng. Tuy nhiên, trong khuôn khổ và nội dung của mình, cuốn sách chưa nêu rõ cơ sở của  kết luận này.

Với bức thư gốc mà Bảo tàng Công an nhân dân đang lưu giữ, trên bức thư Bác ghi rõ là ngày 11 tháng 3 năm 1948 thì chúng ta chỉ cần tìm hiểu và xác minh ngày đó Bác đang ở đâu thôi. Theo đồng chí Vũ Kỳ, nguyên Thư ký và giúp việc Bác Hồ thì ngày đó Bác đang ở tại bản Ca, xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Đây là ý kiến thứ hai về địa điểm nơi Bác viết bức thư gửi đồng chí Hoàng Mai. Ý kiến này được đồng chí Vũ Kỳ nêu trong cuốn hồi ký  “Truyện kể về Bác Hồ. Những chặng đường trường kỳ kháng chiến”(Huyền Tím và Tử Nên, ghi. NXB CTQG,H.2001), ở trang 106: “Ngày 7-3-1948, Bác rời Khuôn Tát trở lại bản Ca và ở lại đây đến ngày 3-4-1948”. Như vậy, theo đồng chí Vũ Kỳ, lần này Bác ở bản Ca gần một tháng và bức thư Bác đề ngày 11 tháng 3 gửi đồng chí Hoàng Mai trong đó  có 6 điều dạy Công an nhân dân là ngày Người ở địa điểm này.

Thư gửi đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Công an Khu XII, ngày 11-3-1948

Đồng chí Vũ Kỳ (1921-2005) được Bác chọn làm Thư ký giúp việc từ tháng 8-1945. Đồng chí đã ở bên cạnh Bác trong những ngày vận mệnh Tổ quốc như “ngàn cân treo sợi tóc” năm 1946; theo Bác trở lại chiến khu Việt Bắc, được Bác đặt tên trong Tiểu đội “Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi”. Đến tháng 1-1950, đồng chí Vũ Kỳ được điều động làm Chủ nhiệm Ban Chính trị Mặt trận Hà Nội. Sau đó, theo chủ trương của Bác chuẩn bị cho giai đoạn mới của cuộc kháng chiến - giai đoạn tổng phản công, Đội Thanh niên xung phong đầu tiên do Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc được thành lập ngày 15-7-1950, đồng chí Vũ Kỳ lại được cử làm Bí thư Đảng ủy, Đoàn trưởng Đoàn Thanh niên xung phong Trung ương. Kháng chiến thắng lợi, Bác Hồ lại yêu cầu đồng chí Vũ Kỳ trở lại làm việc tại Văn phòng Phủ Chủ tịch và giúp việc Bác từ tháng 4-1956 cho đến khi Người qua đời.

Trở lại những tháng ngày đầu năm 1948, đó là thời gian đồng chí Vũ Kỳ sống bên cạnh Bác, giúp việc cho Người. Trong thời gian đó, nhất là sau cuộc tấn công ồ ạt của thực dân Pháp lên chiến khu Việt Bắc Thu Đông năm 1947, Bác phải chuyển chỗ ở thường xuyên quanh vùng giáp giới ba tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn. Trong hồi ký của mình, đồng chí Vũ Kỳ nói sau bản Ca, ngày 5-4-1948 Bác lại một lần nữa trở lại Khuôn Tát, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, ở đó đến ngày 1-5-1948 thì lại chuyển đến lán ở Nà Lọm cũng thuộc huyện Định Hóa. Phải chuyển chỗ ở nhiều, phải trèo đèo, lội suối, xuyên rừng để đảm bảo bí mật nhưng Bác rất vui, vừa đi đường Bác vừa kể chuyện và động viên mọi người phải làm tốt công tác để kháng chiến chóng thành công. Vượt lên khó khăn, Bác hòa mình vào thiên nhiên, với cảnh rừng, với ánh trăng để nuôi dưỡng một niềm tin ngày đất nước sẽ không còn bóng giặc. Những bài thơ kháng chiến của Bác đã trở thành những bài thơ hay trong kho tàng thơ văn cách mạng của dân tộc. Bài thơ Cảnh rừng Việt Bắc:  Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay/ Vượn hót chim kêu suốt cả ngày/ Khách đến thì mời ngô nếp nướng/ Săn về thường chén thịt rừng quay/ Non xanh, nước biếc tha hồ dạo/ Rượu ngọt, chè tươi mặc sức say/ Kháng chiến thành công ta trở lại/ Trăng xưa, hạc cũ với xuân này. Bài thơ Cảnh khuya của Bác: Tiếng suối trong như tiếng hát xa/ Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa/  Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ/ Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.

Đọc những vần thơ của Bác ít ai có thể hình dung trong hoàn cảnh khốc liệt của chiến tranh Người lại có tâm hồn thơ như vậy. Cảnh Việt Bắc thật đẹp, nên thơ. Và chính trong không gian đó đã ra đời những văn bản đi vào lịch sử của cuộc kháng chiến trường kỳ mà một trong những tài liệu đó là bức thư gửi đồng chí Hoàng Mai. Đó là suy nghĩ, là tình cảm thiêng liêng và mong mỏi của Bác đối với việc xây dựng, rèn luyện phẩm chất đạo đức của người chiến sỹ Công an nhân dân Việt Nam.

Bức thư Bác đã ghi rõ ngày 11 tháng 3 năm 1948. Trong không gian chung của núi rừng Việt Bắc, chắc chắn sẽ có địa điểm cụ thể Bác viết bức thư này. Hai địa điểm nói trên đều là những cứ liệu cần biết trong công tác phát huy tác dụng Khu Lưu niệm Bác Hồ với Công an nhân dân tại huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang và cũng là cơ sở để đi đến xác định chính xác nơi Bác viết tài liệu quan trọng này.

TS Nguyễn Thị Tình

Có thể bạn quan tâm

Top