Tiếp nhận tài liệu, kỷ vật của GS.TS Lương Sỹ Cần

Ngày 22-11-2020, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam phối hợp với Hội Tai Mũi Họng Việt Nam và Hội Tai Mũi Họng Hà Nội tổ chức Lễ tiếp nhận tài liệu kỷ vật của GS.TS Lương Sỹ Cần.

GS Lương Sỹ Cần (1928-2010) quê xã Bùi Xá, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Sau khi tốt nghiệp Trường Phổ thông chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng, ông nhập ngũ năm 1950 rồi công tác tại Phòng Chính trị, Bộ Tư lệnh Liên khu IV. 

Năm 1952, ông được cử đi học tại Trường Đại học Y ở Tuyên Quang nhưng mới học xong năm thứ nhất, ông được điều động làm quân y sĩ đi tham gia chiến dịch Trung Lào. Sau đó, ông về Hà Nội tiếp tục học tại Trường ĐH Y Dược. Tháng 6-1958, ông tốt nghiệp, về công tác tại Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Bạch Mai.

Trên cương vị Viện trưởng Viện Tai Mũi Họng Trung ương, ông đã tiếp nối sự nghiệp của GS Trần Hữu Tước để phát triển các chuyên khoa sâu như tai, thính học, ung thư, mũi xoang, thanh quản… phù hợp với xu thế y học của thế giới. GS.TS Lương Sỹ Cần là người đầu tiên đưa các kỹ thuật phẫu thuật tai vào Việt Nam, như: phẫu thuật tạo hình xương con, ứng dụng phương pháp vá nhĩ theo kỹ thuật kín để tạo hình tai giữa, phẫu thuật thay thế xương bàn đạp bằng Piston teflon. Ông cũng là người hoàn thiện và tiên phong sử dụng phương pháp vi phẫu thuật thanh quản phục hồi tiếng nói cho bệnh nhân dưới kính hiển vi.

Ông là tác giả của 52 công trình khoa học được công bố trên các báo, tạp chí trong nước và quốc tế. Những công trình tiêu biểu có thể kể đến như: Điều trị chóng mặt Ménière bằng phương pháp gây thẩm thấu (1973), Điều trị co thắt nửa mặt vô văn (1974), Vi phẫu thuật thanh quản (1974), Vá nhĩ theo lối mổ phối hợp (1975), Bệnh lý giải phẫu bệnh xốp xơ tai (1980), Ghép đồng chủng màng nhĩ xương con (1980).

Ngay sau khi Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam thành lập, GS.TS Lương Sỹ Cần đã bày tỏ ủng hộ và muốn liên hệ với Trung tâm để trao tặng di sản cuộc đời mình, nhưng chưa kịp thực hiện thì ông đã về với thế giới người hiền. Sau khi ông qua đời gần 9 năm, Trung tâm mới có dịp làm việc với gia đình để sưu tầm những kỷ vật và thu thập những câu chuyện về cuộc đời của ông.

Đây lễ tiếp nhận tài liệu - hiện vật lần thứ 22 và là lễ tiếp nhận đầu tiên có sự chung tay của các đơn vị cùng phối hợp với Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam thực hiện.

                                                P.V

Top