Theo tiếng Nùng, Soong hao nghĩa là hai ta, đôi ta. Đây là lối hát giao duyên có từ lâu đời của dân tộc Nùng và đã trở thành cây cầu bắc mối lương duyên cho các đôi trai gái đến với nhau, yêu nhau và kết thành chồng vợ.
Ngày 12 tháng Giêng, khi những màn sương còn chưa tan trên khóm mía, luống rau thì từ các nẻo đường, đồng bào thuộc các xã Hộ Đáp, Cấm Sơn, Xa Lý, Phong Vân, Phong Minh, Tân Sơn (Lục Ngạn), Đồng Mỏ, Chi Lăng, huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) trong những bộ trang phục chàm truyền thống lại rủ nhau “xuống núi” dự hội hát Soong hao tại chợ phiên Tân Sơn (mỗi năm chợ chỉ họp một lần vào ngày này). Từ người già tóc bạc đến những em bé còn say giấc ngủ trên lưng mẹ cũng về hội góp vui, đi chợ với đồng bào cũng chính là đi hội. Đến chợ không chỉ để trao đổi mua bán mà còn giao lưu, gặp gỡ và uống rượu; nam thanh, nữ tú trưng diện những bộ trang phục đẹp nhất cùng khoe sắc, đua tài, tỏ tình và trao gửi lời yêu thương, hát giao duyên qua những điệu Soong hao mộc mạc, trữ tình.
Soong hao là lối hát độc đáo của người Nùng. Khác với nhiều dân tộc thiểu số khác, hát Soong hao của dân tộc Nùng không có nhạc đệm. Tuy nhiên, không vì thế mà nó kém đi sức hấp dẫn, say đắm, ngọt ngào. Đối với người Nùng, những tiếng hát ấy đã ăn sâu vào tâm khảm họ và tồn tại từ bao đời nay. Hát Soong hao có nhiều loại như: Soong hao gặp gỡ, Soong hao vào bản, Soong hao vào nhà, Soong hao mây, trăng, sao, núi, thuyền… tuy nhiên ngày nay chỉ còn Soong hao giao duyên.
(Ảnh: TL)
Hát giao duyên, đám cưới và ngày thường là những điệu hát chính của Soong hao. Các nhóm trai gái Nùng từ 5 - 7 người thường rủ nhau đi chợ phiên, khi trăng rằm, khi xuân đến để hát với nhau. Trong khi hát, trai ngồi một bên, gái ngồi đối diện. Qua những canh hát tập thể kéo dài, nếu tìm được bạn ưng ý, các nhóm tách nhau ra để hát đôi. Lúc này, họ sẽ hát những bài mang tính tâm sự, thổ lộ nỗi lòng và những lời sâu kín từ trái tim.
Hát Soong hao ngày thường (hát trong nhà) thường là khi đến chơi nhà người quen và được nhóm hát ở đó mời. Đầu tiên là những câu hát đối đáp sẵn có. Sau đó, để diễn tả tình cảm của mình, người hát đã ứng khẩu, hát với nhau những lời say đắm nhất. Cứ thế, hết đôi này đến đôi kia, hát Soong hao kéo dài đến hết cả đêm, sang ngày hôm sau. Chính nhờ những câu hát ấy mà nhiều đôi đã thành vợ thành chồng.
Bên cạnh đó, hát Soong hao trở thành một phần không thể thiếu trong đám cưới của người Nùng. Theo phong tục của dân tộc Nùng, khi chọn phù dâu và phù rể, nhà trai, nhà gái phải chọn người có ngoại hình đẹp, bản thân và gia đình tốt nhưng nhất thiết phải hát hay để có thể nắm chắc phần thắng khi thi hát và tạo không khí sôi nổi, vui vẻ trong đám cưới. Mỗi cuộc hát Soong hao có trình tự riêng tuỳ thuộc vào tâm trạng người hát hoặc quan hệ chủ - khách.
Trước đây đồng bào hát Soong hao quanh năm, đặc biệt vào mùa xuân, trai gái thường rủ nhau ra chợ hát giao duyên, qua những canh hát kéo dài, nếu hai người thấy “kết nhau” thì dắt tay nhau đi chơi. Cuộc hát kéo dài đến lúc xế chiều, họ hát say sưa trên các ngả đường đi về bản, rồi từng đôi trai gái tìm nơi vắng vẻ trò chuyện tâm tình, nhiều đôi đã nên vợ nên chồng sau những cuộc hát ấy… Ngày nay, hát Soong hao không chỉ là lời hát giao duyên nồng nàn của trai gái người Nùng mà còn được người dân nơi đây ứng dụng vào các phong trào văn nghệ, các cuộc vận động. Vì thế, không ít lời mới được ra đời, và nội dung của lối hát này cũng vì thế mà phong phú lên và trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của các bà con dân tộc Nùng.
(Ảnh: TL)
Tại thôn Đồng Nhân, Yên Thế có trên 600 nhân khẩu nhưng chủ yếu là người Nùng, người Nùng Cháo thì có hát Lượn, người Nùng Phàn Xình hát Soong hao, những giai điệu không cần nhạc đệm ấy từ bao đời nay vẫn được người dân nơi đây gìn giữ. Nhiều năm trước, phong trào hát dân ca của bà con trong bản Đồng Nhân bị mai một, thanh niên hầu như không ai biết hát những điệu dân ca của dân tộc mình, nhất là những bài lời cổ. Bà Nông Thị Tỉ hiện nay là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Soong hao đã cùng với nhiều người trong thôn bỏ công ghi lại những bài Soong hao cổ để truyền lại cho con cháu trong thôn. Những bài hát được sưu tầm do bà và các thành viên nhớ lại mà chép ra, hoặc hỏi những người già trong thôn, dường như ai cũng thuộc dăm bảy bài Soong hao cổ. Cứ như thế thời gian không phụ lại người có tâm, các bà đã ghi chép, thu thập được hàng trăm bài dân ca Nùng để dạy lại cho lớp trẻ trong thôn. Kết quả là đã có hơn chục cháu nhỏ trong thôn đã biết hát và hát say sưa những bài dân ca của dân tộc mình, cũng đủ để tham gia những ngày hội của xã, của huyện tổ chức. Ngoài ra, bà con còn vận động nhau sáng tác lời mới cho các điệu hát Soong hao với nhiều chủ đề khác nhau như vận động mọi người hăng say sản xuất, xóa đói giảm nghèo, sinh đẻ có kế hoạch, không mời thày cúng chữa bệnh, không làm ma chay tốn kém... Câu lạc bộ hát Soong hao của xã Phồn Xương được thành lập năm 2008. Ban đầu chỉ có chưa đầy chục người biết hát Soong hao của thôn Phan và thôn Đồng Nhân là hai thôn người Nùng trong xã tham gia. Giờ đây Đội dân ca của thôn đãcó gần 30 người, gồm nhiều thế hệ cùng tham gia, chủ yếu là phụ nữ, con gái. Người cao tuổi nhất trong đội văn nghệ năm nay đã ngoài 70 tuổi, người ít tuổi nhất là các cháu nhỏ chưa đầy 10 tuổi. Ngoài những ngày nông nhàn, ngày nghỉ lễ đội dân ca sinh hoạt hát cùng nhau, thì hoạt động truyền dạy hát dân ca Nùng vẫn luôn được duy trì trong mỗi nếp nhà ở đây. Bên cạnh duy trì hoạt động của Câu lạc bộ hát Soong hao các thành viên trong câu lạc bộ tự giác truyền dạy tiếng hát cho con cháu trong nhà. Trước dạy các cháu nhỏ tiếng dân tộc Nùng sau đến dạy các cháu hát được dân ca Nùng.
Đội văn nghệ hát Soong hao ở Đồng Nhân đông dần lên dù chẳng có thù lao. Bà con tụ lại với nhau cùng hát, cùng sáng tác lời mới, mỗi người một câu, mỗi người một ý, thế là thành bài hát hoàn chỉnh. Buổi tối, nếu có thời gian, mọi người lại cùng nhau học hát. Mỗi khi có lời mới cho một điệu hát nào đó thì mọi người chuyền tay nhau học, chỉnh sửa cho hay rồi phổ biến đến bà con trong bản. Nhờ hoạt động của đội văn nghệ này mà mấy năm trở lại đây, hầu như ai cũng thuộc những bài hát theo lời cổ và cả lời mới do thành viên trong đội văn nghệ hợp sức sáng tác…
Tại huyện Lục Ngạn, từ năm 1996 đến nay, Lục Ngạn đã tích cực duy trì, tổ chức các buổi truyền dạy, hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng thu hút đông đảo người dân tham dự, qua đó làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần, tạo sân chơi bổ ích cho đồng bào và thiết thực gìn giữ những giá trị văn hóa độc đáo của các dân tộc trên địa bàn.
Những cuộc hát Soong hao đầu năm mới luôn thu hút rất đông người tham gia và đến xem bởi mang đậm dấu ấn bản sắc của đồng bào dân tộc Nùng ở Lục Ngạn, gắn liền với cuộc sống của mỗi cá nhân, mỗi bản làng người Nùng. Trẻ em từ lúc 11 tuổi đã được cha mẹ, ông bà dạy hát Soong hao và những lời ca trữ tình, ngọt ngào đằm thắm đó đã làm cho bao lứa đôi bén duyên nên vợ nên chồng.
Những cuộc hát Soong Hao đầu năm mới luôn thu hút rất đông người tham gia và đến xem. Không chỉ những người thuộc đồng bào dân tộc Nùng mà kể cả người dân ở các dân tộc khác, vùng khác cũng nô nức đến chung vui. Hy vọng hát Soong Hao cũng như nhiều nét đẹp văn hoá khác của đồng bào dân tộc Nùng sẽ còn được khơi dậy và duy trì để chúng ta luôn được sống trong không khí tưng bừng của những lễ hội mừng xuân đậm đà bản sắc dân tộc.
Thanh Mỹ